Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 26 tháng 7 năm 2021

    Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm Covid-19
    đ
    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 26 tháng 7 năm 2021

    Một chốt kiểm soát ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 24/07/2021, ngày mà thủ đô Việt Nam bắt đầu "giãn cách xã hội" toàn thành phố trong 15 ngày. AP - Hieu Dinh

    Thành Phố Hồ Chí Minh áp dụng lệnh giới nghiêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng kể từ hôm nay 26/07/2021 vào lúc Việt Nam đã vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm trên toàn quốc kể từ đầu mùa dịch.

    Hơn 10 triệu dân Sài Gòn bị cấm ra đường từ 6 giờ tối nay. AFP ghi nhận lần đầu tiên lá phổi kinh tế này của Việt Nam bị giới nghiêm trong vòng 12 tiếng đồng mỗi ngày, sau khi đã có lệnh giãn cách xã hội, hạn chế tối đã các sinh hoạt hàng ngày nhằm ngăn ngừa virus corona lây lan. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, ông Nguyễn Thành Phong, hôm qua cho biết, đây là biện pháp cần thiết trước những diễn biến khó lường của đại dịch và do một số dân cư của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi đây là điểm nóng nhất.

    Theo các thống kê của bộ Y Tế, từ đầu mùa dịch năm ngoái đến nay, Việt Nam ghi nhận 101.173 bệnh nhân dương tính với virus corona, hơn 500 ca tử vong. Tình hình xấu đi nhanh chóng từ tháng 4/2021. Trong vài tuần lễ, Việt Nam có thêm 62.000 trường hợp nhiễm Covid-19.

    AFP nhắc lại các biện pháp phong tỏa đã và đang được áp dụng tại hai thành phố lớn nhất là Sài Gòn và Hà Nội. Tổng cộng, trên toàn quốc, các biện pháp ngăn ngừa đại dịch ảnh hưởng trực tiếp đến hơn một phần ba dân số. Theo một quan chức trong quân đội, được hãng tin Pháp trích dẫn, trong ba ngày sắp tới, quân đội sẽ được huy động vào công tác khử trùng.

    Châu Á và toàn cảnh đen tối

    Sát cạnh Việt Nam, Trung Quốc hôm nay thông báo 76 ca nhiễm mới , mức cao nhất trong một ngày tính từ đầu tháng Giêng 2021. Thái Lan và Malaysia cũng đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác về số bệnh nhân Covid-19. Theo thứ tự, hai quốc gia Đông Nam Á này có thêm 15.000 và 17.000 ca dương tính với virus corona trong 24 giờ qua. Nhân viên y tế tại Malaysia đang đình công đòi chính phủ cấp thêm giường, thêm bình ô-xy và máy trợ thở cho bệnh nhân. Thứ Sáu tuần qua, tại Indonesia, hơn 1.500 bệnh nhân Covid-19 qua đời trong vòng 24 tiếng. Tại Miến Điện trong ngày hôm qua đã có 355 bệnh nhân tử vong, trong lúc số ca nhiễm mới chạm ngưỡng 6.000.

    Nhà máy ở Thái Lan bùng phát COVID-19 dù tỷ lệ tiêm chủng cao


    Bangkok Post đưa tin, mới đây, hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 đã được phát hiện tại nhà máy chế biến thịt gà Golden Line Business ở Phetchabun, ở Thái Lan.

    Một nguồn tin cho biết, chính quyền tỉnh trước đó đã được bệnh viện thông báo vào thứ Năm rằng, có hai công nhân nhập cư tại nhà máy này có kết quả dương tính với Covid-19.

    Thống đốc Phetchabun Krit Khongmuang cho hay, hôm thứ Sáu, các nhân viên y tế đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 với 3.000 công nhân và kết quả là hơn 1.000 người dương tính với Sars-Cov-2.

    Theo Bangkok Post, hơn 64% các công nhân đã được tiêm vắc-xin Covid-19. Một nguồn tin khác cho biết, 3.000 công nhân tại nhà máy đã được tiêm phòng đầy đủ trong khi 1.500 người đã được tiêm một mũi phòng COVID-19.

    Một số phương tiện truyền thông Thái Lan đưa tin rằng, các công nhân đã được tiêm vắc xin Sinopharm do công ty tài trợ.

    Thống đốc tỉnh Phetchabun cho biết ông đã ra lệnh cho cư dân của ba ngôi làng xung quanh nhà máy không được rời khỏi nhà từ ngày 23/7 đến ngày 6/8 để tránh lây bệnh ra cộng đồng.

    Công ty Golden Line Business đã cách ly tất cả công nhân mắc bệnh tại bệnh viện dã chiến bên trong nhà máy.

    Số ca nhiễm COVID-19 ở Đông Nam Á tăng vọt, các bác sĩ Malaysia biểu tình


    Hôm 26/7, Thái Lan báo cáo số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục, trong khi Malaysia ghi nhận hơn 1 triệu ca, giữa lúc biến thể Delta đang lây lan ở Đông Nam Á, khiến khu vực này trở thành tâm dịch toàn cầu hiện nay, theo Reuters.

    Thái Lan ghi nhận 15.376 trường hợp nhiễm mới, đây là số ca kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp ở quốc gia có hơn 66 triệu người.

    Malaysia, một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm trên đầu người cao nhất Đông Nam Á, hôm 25/7 ghi nhận 17.045 ca mắc mới, nâng tổng số lên 1.013.438 ca và gần 8.000 trường hợp tử vong, mặc dù đã thực hiện phong tỏa từ tháng 6.

    Cũng như nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á có hơn 650 triệu dân, các bệnh viện và nhân viên y tế của Malaysia phải gánh chịu hậu quả của đợt bùng phát trong bối cảnh thiếu giường, máy thở và oxy.

    Hàng ngàn bác sĩ hợp đồng của Malaysia hôm 26/7 đã tổ chức một cuộc tuần hành xuống đường phản đối các điều khoản tuyển dụng, mặc dù họ cam kết bệnh nhân sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình.

    Vào tuần trước, chính phủ Thái Lan áp đặt các biện pháp phong tỏa thắt chặt hơn ở thủ đô Bangkok và 12 tỉnh có nguy cơ cao, đình chỉ hầu hết các chuyến bay nội địa và mở rộng khu vực giới nghiêm.

    Tại Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực, với hơn 270 triệu người, có số ca nhiễm lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 3,1 triệu ca nhiễm và 83.000 ca tử vong.

    Sau khi ngăn chặn thành công trong đợt dịch trước đây, nay Việt Nam đang phải đối mặt với một đợt bùng phát mới, với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại lớn nhất nước, và các tỉnh lân cận, chiếm hầu hết số ca nhiễm mới.

    Quốc hội Malaysia nhóm họp lần đầu trong năm

    Hôm nay Quốc hội Malaysia triệu tập phiên họp đầu tiên trong năm. Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã trì hoãn kì họp này từ lâu, và ông muốn giữ nguyên tình huống lấp lửng hiện tại đồng thời áp đặt tình trạng khẩn cấp. Song ông đã bị ngăn lại bởi Sultan Abdullah – quốc vương hiện tại trong hệ thống các nguyên thủ quốc gia luân phiên của Malaysia – người về mặt lý thuyết đứng ngoài chính trị đảng phái và hiếm khi can thiệp.

    Thế đa số nghị viện của ông Muhyiddin vô cùng mong manh. Nhưng lần này nó không phải một vấn đề quá lớn. Hạ viện sẽ chỉ họp năm ngày và không có khả năng tổ chức bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào. Và họ cũng sẽ không tranh cãi về các biện pháp khẩn cấp của chính phủ trong những tháng gần đây. Các đảng đối lập rất muốn hạ bệ ông Muhyiddin. Nhưng trong bối cảnh số ca nhiễm covid-19 tăng nhanh, người dân Malaysia bình thường chán ngấy với phong tỏa và suy thoái kinh tế, dĩ nhiên không ai hứng thú tổ chức bầu cử. Ông Muhyiddin sẽ tiếp tục chiến đấu và trì hoãn bầu cử.

    Iraq xoay sở dàn xếp giữa Mỹ và Iran


    Hôm nay thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Hồi tháng 6, ông Kadhimi đã đến dự một cuộc diễu binh với người đứng đầu của Hashd al-Shaabi, một liên đoàn các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông.

    Xoay sở giữa hai đối thủ là một nhiệm vụ khó khăn cho bất kỳ nhà lãnh đạo Iraq nào kể từ khi Mỹ tiến quân vào nước này hồi năm 2003. Hiện ông Kadhimi đang loay hoay hơn cả. Iran đã tiến hành nhiều đợt không kích vào các căn cứ của Mỹ và đại sứ quán Mỹ ở Baghdad trong tháng này, còn Mỹ tấn công các lực lượng dân quân thân Iran gần biên giới Iraq-Syria. Những diễn biến này phần nào làm suy yếu các tuyên bố của ông Kadhimi về chủ quyền và rằng ông được người dân tôn trọng. Ngoài ra ông còn không thể cung cấp đủ nước và điện giữa cái nóng mùa hè, trong khi các vụ hỏa hoạn gần đây đã phá hủy nhiều bệnh viện ngay giữa một đợt tăng ca nhiễm covid-19. Tháng 10 này sẽ có một cuộc bầu cử để quyết định số phận của ông Kadhimi.

    Giá thực phẩm tăng cao trên toàn cầu

    Giá lương thực toàn cầu đã tăng cao kể từ mùa thu năm ngoái. Chỉ số các mặt hàng nông sản chính của Bloomberg hiện cao hơn tới 57% so với một năm trước. Nguyên nhân phần nào là do nhu cầu. Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu vì bị thiệt hại bởi dịch cúm lợn. Việc các nền kinh tế mở cửa trở lại cũng dẫn đến tiêu thụ nhiều sản phẩm động vật hơn, từ đó cần nhiều ngũ cốc hơn cho chăn nuôi. Ngoài ra còn có các yếu tố từ bên cung, bao gồm hạn hán ở Bắc và Nam Mỹ, giá dầu tăng (khiến thực phẩm được chuyển hướng sang sản xuất nhiên liệu sinh học) cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng.

    Các nhà kinh tế lo ngại về tác động lên lạm phát; trong khi những người khác cảnh báo về nạn đói gia tăng. May mắn là một số áp lực có thể sẽ sớm giảm bớt. Dự báo thu hoạch ở các nước sản xuất chính có vẻ khả quan; khi tủ hàng của người Trung Quốc đang đầy trở lại. Trong khi đó, các công ty buôn bán hàng hóa cơ bản khổng lồ chuyên cung cấp, lưu trữ và vận chuyển thực phẩm trên khắp thế giới đang khá bận rộn. ADM và Bunge, hai trong số những công ty lớn nhất thế giới, đều sẽ công bố thu nhập trong tuần này. Giới phân tích dự đoán một loạt các tin tốt lành.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du Đông Nam Á, tập trung vào Trung Quốc

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ trở thành thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Joe Biden thăm Đông Nam Á trong tuần này, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Washington trong việc củng cố quan hệ trong khu vực trong khi đẩy lùi Trung Quốc, theo Reuters.

    Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ đặt đối trọng với Trung Quốc trong chính sách an ninh quốc gia của mình và chính quyền Biden xem sự cạnh tranh với Bắc Kinh là “thử thách địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ này.

    Tuy nhiên, sau 6 tháng kể từ ông Biden nhậm chức, các nước Đông Nam Á vẫn đang dò tìm chi tiết về chiến lược của ông cũng như các kế hoạch cụ thể của ông về sự can dự kinh tế, thương mại và quân sự với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

    Bộ trưởng Austin nói với các phóng viên khi trên đường đến Alaska: “Bạn sẽ nghe tôi nói rất nhiều về quan hệ đối tác và giá trị của quan hệ đối tác.”

    “Mục tiêu của tôi là củng cố các mối quan hệ này,” ông nói.


    Trong bài phát biểu quan trọng tại Singapore vào ngày 27/7 và các cuộc gặp ở Việt Nam và Philippines, Bộ trưởng Austin sẽ chỉ ra hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khu vực này tự do và thông thoáng.

    Các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của ông Austin là rất quan trọng để làm rõ rằng Đông Nam Á là một thành phần quan trọng trong nỗ lực của ông Biden.

    Ông Gregory Poling, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, cho biết: “Chính quyền [Biden] hiểu rằng khu vực này rất quan trọng, vì vậy đó là một phần quan trọng, vậy nên phải hiện diện!”

    Một nhà ngoại giao châu Á không nêu tên cho biết có vẻ như chính quyền Biden hiện đang hướng sự tập trung mạnh mẽ hơn vào châu Á, sau khi giải quyết các vấn đề toàn cầu khác, chẳng hạn như quan hệ với Nga và châu Âu.

    Bắc Kinh: Washington nên chấm dứt xem Trung Quốc là « kẻ ác »


    Ngày 26/07/2021, cuộc gặp cấp cao thứ hai dưới thời chính quyền Joe Biden giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman gặp đồng nhiệm Trung Quốc Tạ Phong trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung ngày càng trở nên gay gắt.

    Bà Wendy Sherman là lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống. Đây cũng là cuộc gặp cao cấp thứ hai giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới, sau cuộc gặp tranh cãi nảy lửa tại Anchorage, Alaska hồi tháng 3/2021.

    Tuy nhiên, vài giờ trước khi diễn ra cuộc họp, bộ Ngoại Giao Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc Hoa Kỳ là nguồn cội làm cho quan hệ Mỹ - Trung rơi vào bế tắc. Bắc Kinh cho rằng Washington nên chấm dứt nói xấu, vu cáo Trung Quốc như « ác quỷ ».

    Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde giải thích :

    « Một lần nữa, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, sáng hôm nay, thứ Hai, lại dùng lập luận về "kẻ thù tưởng tượng" . Lập luận này không có gì là mới cả. Cách nay vài hôm, khi Hoa Kỳ và châu Âu lên án các cuộc tấn công tin học được cho là do các tin tặc Trung Quốc thực hiện, Bắc Kinh đã khẳng định rằng Nhà Trắng nên ngừng cáo buộc Trung Quốc là "đế chế của những tin tặc", hàm ý là « đế chế ma quỷ".

    Theo một bản báo cáo do bộ Ngoại Giao Trung Quốc đăng hôm nay trên mạng xã hội WeChat trước khi diễn ra cuộc gặp, ông Tại Phong dường như đã yêu cầu đồng nhiệm Mỹ nên thay đổi "tâm trạng lầm lẫn" và chính sách được cho là "nguy hiểm" do Nhà Trắng tiến hành.

    Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, "về cơ bản, do Mỹ coi Trung Quốc như là một kẻ thù tưởng tượng", nên quan hệ giữa hai nước bị bế tắc.

    Quả thật mọi chuyện đã không có nhiều tiến triển kể từ cuộc gặp trong bầu không khí giá lạnh tại Anchorage, Alaska hồi tháng 03/2021. Ủy viên quốc vụ, ngoại trưởng Vương Nghị hồi cuối tuần rồi nhắc rằng Trung Quốc phải được đối xử bình đẳng. Điều mà Bắc Kinh không muốn chính là việc Washington rao giảng những bài học về những gì chế độ cộng sản xem đấy như là chuyện nội bộ, cụ thể là vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông hay Tân Cương, tuân thủ luật biển tại những vùng Biển Hoa Đông, Biển Đông hay như vấn đề Đài Loan.

    Cuộc họp cấp cao mới lần này, diễn ra cách Bắc Kinh hơn một giờ tầu TGV, sẽ phải là dịp để Washington nhắc lại một cách rõ ràng những lập trường của mình và những gì mỗi bên trông đợi trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Bởi vì mục đích cuộc gặp lần này cũng là để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình - Joe Biden trong tương lai ! »

    Covid: Fauci nói rằng Mỹ đang đi sai hướng khi các ca nhiễm tăng cao


    Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết ông thất vọng vì sự sụt giảm trong việc tiêm chủng

    Chuyên gia y tế hàng đầu đã cảnh báo rằng Mỹ đang "đi sai hướng" về vấn đề virus corona khi số ca nhiễm tăng vọt ở những người chưa được tiêm chủng.

    Tiến sĩ Anthony Fauci nói biến thể Delta của Covid-19 đang làm gia tăng đột biến số ca nhiễm ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

    Ông cho biết các quan chức y tế đang xem xét chỉnh sửa về veiejc hướng dẫn đeo khẩu trang cho những người Mỹ đã tiêm phòng để hạn chế các ca nhiễm Covid.

    Ông cho biết việc cung cấp thêm mũi tiêm tăng cường cho những đối tượng dễ tổn thương đang được xem xét.

    Tiến sĩ Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói với đài CNN hôm Chủ nhật rằng tình hình dịch bệnh ở Mỹ đang trở thành "đại dịch đối với những người chưa được tiêm chủng".

    Dữ liệu chính thức cho thấy hơn 162,7 triệu người - chiếm 49% dân số - đã được tiêm chủng đầy đủ ở Mỹ.

    Mỹ từng là quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng tiêm chủng cho đến tháng 4 năm nay, khi tỷ lệ tiêm chủng bắt đầu sụt giảm.

    Tỷ lệ chủng ngừa đặc biệt thấp ở các bang miền Nam, nơi có ít hơn một nửa số dân cư tiêm liều đầu tiên.

    Trong khi đó, các ca nhiễm virus cororna hàng ngày đang gia tăng trở lại sau khi con số này giảm hồi tháng Năm và tháng Sáu.

    Sự gia tăng trở lại này đã nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên 34 triệu ca và 610.000 ca tử vong cho đến nay.

    Xu hướng này một phần được cho là do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm Covid cao.

    Các trường hợp nhiễm Covid tăng mạnh nhất là ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, chẳng hạn như Florida, Texas và Missouri.

    Trước đó trong tuần này, Tổng y sĩ Vivek Murthy cho biết 99,5% trường hợp tử vong do Covid xảy ra ở những người không được tiêm chủng.

    Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Tiến sĩ Fauci nói các lãnh đạo địa phương ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích người dân tiêm phòng.

    Ông nói ông "rất phấn khởi khi nghe" các thống đốc đảng Cộng hòa của Arkansas và Florida thúc đẩy việc tiêm chủng ở các tiểu bang của họ. Cả hai lãnh đạo này đều đã chỉ trích lời khuyên của Tiến sĩ Fauci trong quá khứ.

    Là chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của đấy nước, Tiến sĩ Fauci đã từng là cố vấn chính cho Tổng thống Biden và cả cựu Tổng thống Donald Trump về đại dịch.

    Tiến sĩ Fauci nói ông đã tham gia vào các cuộc thảo luận để thay đổi về việc hướng dẫn đeo khẩu trang do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ban hành.

    Như hiện tại, CDC nói những người được tiêm chủng đầy đủ có thể "tiếp tục các hoạt động mà bạn làm trước đại dịch mà không cần đeo khẩu trang".

    Tiến sĩ Fauci nói chính quyền địa phương có thể ban hành các quy tắc riêng theo hướng dẫn hiện hành của CDC.

    Nhưng ông lưu ý rằng một số chính quyền địa phương đã khôi phục yêu cầu về việc đeo khẩu trang trong nhà và nơi công cộng để hạn chế tình trạng lây nhiễm đang gia tăng.

    Ở hạt Los Angeles, khẩu trang hiện được yêu cầu cả trong nhà cho người đã tiêm lẫn chưa tiêm phòng.


    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào