Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 24 tháng 7 năm 2021

    USTR công bố quyết định chính thức về cuộc điều tra tiền tệ Việt Nam

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 24 tháng 7 năm 2021

    Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 23/7 công bố quyết định chính thức trong cuộc điều tra tiền tệ Việt Nam theo Khoản 301, phản ánh thỏa thuận đã đạt được mấy ngày trước giữa Bộ Ngân khố Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo thông cáo báo chí của USTR cùng ngày.

    Theo quyết định vừa công bố, thỏa thuận giữa Bộ Ngân khố Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề bị điều tra và do đó không có hành động thương mại nào được tiến hành vào lúc này.

    Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, phối hợp với Bộ Ngân khố, sẽ theo dõi việc thi hành của Việt Nam trong những ngày tới, thông cáo nói.

    Cuộc điều tra của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ được khởi xướng vào tháng 10/2020 theo Khoản 301 của Luật Thương mại 1974.

    Hôm 15/1/2021, USTR công bố quyết định rằng các hành vi, chính sách, và thực hành của Việt Nam, bao gồm sự can thiệp một chiều quá đáng vào thị trường ngoại hối cùng các hành động liên hệ khác, nhìn một cách toàn diện, là không hợp lý và tạo gánh nặng hoặc hạn chế thương mại Mỹ. Quyết định này được hậu thuẫn bởi một phúc trình toàn diện được công bố công khai trên trang mạng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

    Singapore: 75% ca COVID mới là nơi những người đã tiêm chủng

    Những người đã tiêm chủng chiếm ba phần tư số ca nhiễm COVID-19 tại Singapore trong bốn tuần qua, nhưng họ không lâm bệnh nghiêm trọng, theo dữ liệu chính phủ, trong lúc số người chưa tiêm chủng ngày càng ít.

    Dù dữ liệu cho thấy vaccine hiệu nghiệm cao trong việc ngừa các ca bệnh nặng, nhưng cũng cho thấy nguy cơ rằng ngay cả những người được tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm COVID. Do đó chỉ tiêm chủng không thôi có thể không đủ để chặn đứng virus lây lan.

    Trong số 1.096 ca lây nhiễm địa phương tại Singapore trong 28 ngày qua, 44% là những người đã được tiêm chủng đầy đủ, 30% đã tiêm một mũi đầu, và trên 25% chưa tiêm chủng, theo dữ liệu ngày 22/7.

    Có 7 ca bệnh nặng cần oxy và 1 ca trong tình trạng nguy kịch trong phòng chăm sóc tích cực, nhưng 8 ca này không có người nào đã tiêm chủng đầy đủ, Bộ Y tế nói.

    Lây nhiễm nơi những người đã tiêm chủng không có nghĩa là vaccine không hữu hiệu, các chuyên gia nói.

    Singapore đã tiêm chủng gần 75% dân số 5,7 triệu người, cao hàng thứ hai sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, theo Reuters; và phân nửa dân số Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ.

    Dữ liệu của Singapore cũng cho thấy lây nhiễm trong hai tuần qua nơi những người đã tiêm chủng trên 61 tuổi là khoảng 88%.

    Giáo sư Linfa Wang thuộc Trường Y Duke-Đại học Quốc gia Singapore nói người lớn tuổi chứng tỏ có đáp ứng miễn nhiễm yếu hơn sau khi tiêm chủng.

    Tại Israel, nước cũng có tỉ lệ tiêm chủng cao, khoảng phân nửa trong số 46 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng đầu tháng này là những người đã tiêm chủng và đa số thuộc nhóm nguy cơ cao.

    Hai liều vaccine của Pfizer-BioNTech hay AstraZeneca hiệu nghiệm chống biến thể Delta cũng gần bằng hiệu nghiệm chống biến thể Alpha vốn chiếm ngự trước đây, theo một cuộc nghiên cứu công bố trong tuần này.

    Sigapore dùng vaccine Pfizer và Moderna trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

    Cập nhật tin COVID tại VN trưa thứ Bảy: Thêm 5,275 ca COVID-19

    VnExpress – Bộ Y tế sáng 24/7 ghi nhận 4 ca nhập cảnh và 3.987 ca ở 19 tỉnh thành, trong đó có 2.073 ca ở cộng đồng.

    3.987 ca tại: TP.HCM (2.070), Long An (604), Bình Dương (523), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Đồng Nai (122), Khánh Hòa (104), Bến Tre (52), Đà Nẵng (36), Đồng Tháp (29), Vĩnh Long (25), Vĩnh Phúc (18), Kiên Giang (14), Phú Yên (12), Bà Rịa – Vũng Tàu (8), Hậu Giang (6), Hà Nội (5), Hưng Yên (4), Đăk Lăk (3).

    Sở Y tế tỉnh Long An đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Đây là các ca phát hiện từ ngày 14-22/7 tại các khu cách ly và khu phong tỏa.

    Như vậy, sáng nay, cả nước ghi nhận tổng cộng 5.275 ca nhiễm, tăng 1.377 ca so với sáng qua, gồm 3.202 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (giảm 505 ca), 2.073 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 1.882 ca).

    Covid-19: Việt Nam siết chặt thêm việc phong tỏa các thành phố lớn để ngăn dịch

    Vào lúc số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, chính quyền Việt Nam đã áp dụng hạn chế đi lại là tụ tập áp dụng tại những tỉnh thành bị dịch bệnh nặng nhất. Vào hôm qua, 23/07/2021, chính quyền đã loan báo triển hạn cho đến ngày 01/08 và tăng cường các biện pháp có thể gọi là phong tỏa tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Hà Nội ngay từ hôm nay 24/07.

    Theo số liệu chính thức được bộ Y Tế Việt Nam công bố, vào hôm qua (23/07), số ca nhiễm mới hàng ngày trong nước đã lại lập một kỷ lục mới là 7.307 ca, nâng tổng số ca nhiễm của Việt Nam lên thành 81.678 ca. Về số tử vong, thống kê chính thức ghi nhận 370 trường hợp.

    Tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi số ca nhiễm mới trong nhiều ngày qua liên tục tăng nhanh, với khoảng từ 3.000 đến 5.000 ca mỗi ngày, chính quyền thành phố đã quyết định triển hạn các biện pháp đã áp dụng từ ngày 09/07 vừa qua cho đến ngày 01/08, đồng thời tăng cường thêm một số biện pháp để kiểm soát đà bùng phát của dịch bệnh.

    Theo hãng tin Anh Reuters, các biện pháp hiện tại, được áp dụng từ ngày 09/07, bao gồm việc yêu cầu ở trong nhà, cấm tụ tập đông hơn hai người và đình chỉ các dịch vụ giao thông công cộng, cũng như đóng cửa những dịch vụ không thiết yếu.

    Với quyết định mới, số lượng dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian qua sẽ giảm thêm: Dịch vụ ngân hàng và chứng khoán thu hẹp xuống mức tối thiểu, các dự án xây dựng không cần thiết sẽ bị đình chỉ.

    Hà Nội cũng sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt tương tự trong 15 ngày bắt đầu từ sáng hôm nay, 24/07. Là nơi ghi nhận hơn 600 ca nhiễm Covid-19 kể từ cuối tháng 4, thủ đô Việt Nam đã khuyến cáo cư ở trong nhà và đóng cửa các quán cà phê và nhà hàng vào đầu tháng Bẩy này.

    Trên toàn quốc, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển ở khoảng 1/3 trong số 63 tỉnh thành của mình kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 4.

    Trên mặt trận tiêm chủng, Việt Nam, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào vac-xin AstraZeneca, đang cố gắng đẩy nhanh chương trình chích ngừa. Cả nước cho đến nay đã nhận được hơn 10,2 triệu liều vac-xin. Khoảng 4,4 triệu liều đã được tiêm trong nước, nhưng theo số liệu chính thức, chỉ có không đầy 335.000 người là đã được tiêm chủng đầy đủ hai liều.

    Có khoảng 15,000 người xuống đường chống phong tỏa ở Sydney

    Đám đông dài đến tầm mắt có thể nhìn thấy, từ trung tâm thành phố Sydney đến Town Hall – một số người có mặt ước tính có khoảng 15,000 đã tham dự cuộc xuống đường hôm nay.

    Cùng lúc đó cũng có đến hàng trăm cảnh sát có mặt để đối phó với cuộc biểu tình phi pháp này.


    Hàng ngàn người đã xuống đường chống phong tỏa tại Sydney hôm nay. Picture: MatrixSource:Matrix

    Cuộc biểu tình này tuần hành dọc theo Broadway – một trong những đường chính của trung tâm TP Sydney – như một phần trong chiến dịch “Cuộc xuống đường trên Toàn cầu cho Tự do” (Worldwide rally for Freedom).

    Phần lớn những người tham dự đã không mang khẩu trang, Cảnh sát NSW Police cho biết có nhận được đơn xin biểu tình hôm nay nhưng lời yêu cầu của họ đã bị bác.

    Bất chất sự từ chối của cảnh sát và số ca nhiễm Covid tại Sydney đang lên cao điểm, cuộc biểu tình hôm nay vẫn tiến hành.

    Sự bạo động đã xảy ra và có hàng chục người đã bị bắt khi họ quăng đồ vào cảnh sát, thậm chí có người ẩu đả với cảnh sát.

    Cảnh sát NSW cho biết cuộc buổi tình là phi pháp vì đã vi phạm luật y tế cộng đồng (public health orders) và nhiều người trên các diễn đàn đã bày tỏ không đồng ý với cuộc xuống đường này.

    Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Y tế NSW Brad Hazzard gọi cuộc xuống đường này là “silly” bởi vì tình hình dịch bệnh tại Sydney đang rất nghiêm trọng.

    “Chúng ta sống trong một thể chế dân chủ. Bình thường tôi là một trong những người ủng hộ quyền được phản đối nhưng tôi nghĩ cuộc biểu tình này hết sức vô duyên (silly),” ông nói.

    “Hiện tại số người bị nhiễm đang lên tới nóc và vẫn có những người nghĩ là OK để đi ra ngoài đường đứng gần sát nhau để biểu tình, tôi cho rằng điều đó không chính đáng.”

    Những khẩu hiệu được giương lên trong cuộc biểu tình này gồm có:

    1/ chính quyền đã vi phạm quyền tự do của con người khi áp dụng sự phong tỏa

    2/ Đề cao thuyết âm mưu về đại dịch hiện nay

    3/ Quyền của con người được từ chối chích chủng ngừa “I believe in Jesus, not the vaccine” (Tôi tin ở Chúa Jesus nhưng không tin thuốc chủng ngừa).

    Có ít nhất 1000 người xuống đường ở Melbourne


    Cùng một thời điểm với Sydney, có ít nhất 1000 người đã xuống đường tại trung tâm thành phố Melbourne với lý do tương tự “chống lại sự phong tỏa” của chính phủ Victoria.

    Bộ trưởng Y tế Victoria bày tỏ sự thất vọng của ông về những người biểu tình này: “Vui lòng hãy đứng về phía con người, đừng đứng về phía vi khuẩn,” (Please, be on the side of humanity, not the side of virus,” he said.

    Một cuộc biểu tình bằng xe dự tính được tổ chức tại Adelaide và cảnh sát Nam Úc cảnh báo đây là hành động phi pháp và những ai tham dự có thể bị truy tố.

    Thế vận hội Tokyo khai mạc với buổi lễ ỉu xìu, sân vận động vắng tanh


    Ngọn lửa Olympic được thắp lên tại lễ khai mạc Olympic Tokyo, 23/7/2021.

    Sau thời gian dài bị hoãn vì đại dịch, Thế vận hội Mùa hè Tokyo cuối cùng đã khai mạc vào tối thứ Sáu 23/7 với màn bắn pháo hoa nhiều tầng và các tiết mục dành cho truyền hình diễn ra trong một sân vận động gần như trống trơn.

    Buổi lễ đầy màu sắc nhưng bầu không khí rất trầm, hoàn toàn ăn khớp với một kỳ Olympic giữa lúc có đại dịch.

    Ban tổ chức hy vọng rằng các cuộc thi đấu của các bộ môn thể thao sẽ tạo ra bầu không khí sôi động hơn, thu hút sự chú ý hơn so với sự phản đối của nhiều người Nhật đối với Thế vận hội lần này.

    “Hôm nay là một thời điểm của hy vọng. Vâng, nó rất khác so với những gì tất cả chúng ta đã tưởng tượng”, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach phát biểu. “Nhưng chúng ta hãy trân trọng thời khắc này vì cuối cùng tất cả chúng ta cùng nhau có mặt ở đây”.

    “Cảm giác ở bên nhau - đây chính là ánh sáng cuối đường hầm tăm tối của đại dịch”, ông Bach tuyên bố.

    Nhiều tháng qua, trên khắp Nhật Bản, nhiều người phản đối việc tổ chức Thế vận hội. Tuy nhiên, bên trong sân vận động, vào tối ngày 23/7, lễ khai mạc diễn ra nhằm thể hiện rằng rằng Thế vận hội - và tinh thần của sự kiện này - vẫn bất diệt.

    Tiếng nhạc lớn của buổi lễ át đi tiếng hò hét của những người biểu tình rải rác bên ngoài kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội.

    Phần lớn các vận động viên đeo khẩu trang, vẫy chào nhiệt tình hàng nghìn chiếc ghế trống, và qua truyền hình, họ cũng vẫy chào khán giả trên thế giới khao khát được xem họ thi đấu. Một số vận động viên tuân thủ quy định giãn cách khi diễu hành, trong khi những người khác đi thành từng nhóm, hoàn toàn trái ngược với hy vọng của ban tổ chức.
    Pháo hoa trong lễ khai mạc Olympic Tokyo.


    Các nhà tổ chức dành một phút mặc niệm cho những người đã thiệt mạng trong đại dịch; trong khoảnh khắc yên tĩnh đó và âm nhạc tạm dừng, từ xa vọng đến tiếng hô của các cuộc biểu tình.

    Nhật Hoàng Naruhito tuyên bố khai mạc Thế vận hội, sau đó là màn bắn pháo hoa trên sân vận động.

    Lúc này, có thể dễ dàng thấy được Thế vận hội lần này khác biệt với các lần trước ra sao. Sân vận động quốc gia đẹp đẽ của Nhật có lẽ trông giống như một khu quân sự biệt lập, bao quanh là những lớp rào chắn lớn. Các con đường xung quanh đã bị phong tỏa và các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa.

    Bên trong, cảm giác bị cách ly, bị kiểm dịch cũng hiển hiện. Các khán giả, những người cổ vũ thường hò hét ủng hộ cho đất nước của họ và hòa mình với mọi người từ khắp nơi trên thế giới, đã bị cấm vào sân. Chỉ có một số nhà báo, quan chức, vận động viên và những người tham gia được sàng lọc cẩn thận.

    Hiện thực lúc này là biến thể delta của virus corona vẫn đang lây lan mạnh, kéo căng hệ thống y tế Nhật Bản ở nhiều nơi, và làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát dịch như một trận lở tuyết.

    Mới chỉ có hơn 20% dân số Nhật được tiêm chủng đầy đủ.

    Và gần như ngày nào người ta cũng phát hiện ra các dương tính với virus trong khu Olympic, vốn được xem là có thể tách biệt những người tham gia Olympic khỏi người dân Nhật Bản đang đầy lo lắng, hoài nghi.

    Nhưng ít ra trong một đêm, sự tráng lệ và thông điệp đầy hy vọng của buổi lễ khai mạc có thể khiến nhiều khán giả toàn cầu tạm quên đi sự đau khổ và giận dữ xung quanh họ.

    Miến Điện : Khủng hoảng Covid-19 giúp tập đoàn quân sự củng cố quyền lực


    Miến Điện đang bên bờ thảm kịch dịch tễ do Covid-19 do hệ thống y tế gần như ngừng hoạt động, không người lãnh đạo. Chỉ riêng ngày 22/07/2021, Miến Điện có 6.701 ca nhiễm mới và 319 người chết vì Covid-19. Đây là con số cao nhất trong vòng một ngày kể từ khi quân đội đảo chính ngày 01/02.

    Theo nhiều tổ chức nhân đạo và dịch vụ mai táng, được trang The Irrawady trích ngày 23/07, số ca tử vong trên thực tế còn cao hơn. Nhiều bệnh nhân thoi thóp ở nhà do thiếu ô-xy, trong khi các nhà hỏa táng làm việc quá công suất. Tuy nhiên, thảm kịch dịch tễ này lại có thể là "cơ hội vàng" cho tập đoàn quân sự, theo giải thích của thông tín viên trong khu vực Carol Isoux từ Bangkok :

    “Vài nghìn ca nhiễm mỗi ngày và vài trăm người chết được thống kê, thế nhưng số liệu chính thức không phản ánh hết quy mô thảm kịch dịch tễ ở Miến Điện. Do phần lớn bác sĩ và y tá tham gia phong trào bất tuân dân sự để phản đối quân đội, hiện đang đình công hoặc phải ẩn trốn để tránh bị trấn áp, nên đa số các bệnh viện không còn hoạt động nữa, trừ mạng lưới bệnh viện quân y rất lớn. Đây là những nơi duy nhất còn có thể cung cấp ô-xy cho người bệnh.

    Một cuộc khủng hoảng có quy mô như thế này lại có thể là cơ hội cho giới tướng lĩnh củng cố tính chính đáng. Đối với luật gia May Oo Mutraw, tình hình dịch bệnh hiện nay gợi lại tình hình sau cú đảo chính năm 1988 lúc đó dịch sốt rét đã bóp chết phong trào đấu tranh trú ẩn trong rừng.

    Ông nói : “Lịch sử đang lặp lại. Vào thời điểm đó, thậm chí ở những vùng chiến, có nhiều người chết vì bệnh sốt rét hơn là tử trận. Và ngày nay, cũng là giới tướng lĩnh đó, cũng là thể chế đó, thấy rằng họ có cơ hội bằng vàng để biện minh cho chính quyền của họ. Tôi nghĩ là họ không đơn giản cho đó là một đại dịch, mối nguy hiểm mà đại dịch gây ra”.

    Rất nhiều thành viên ưu tú của phong trào phản kháng đã chết trong những ngày vừa qua, kể cả ở trong tù. Nỗi sợ đại dịch khiến các cuộc biểu tình phản đối tập đoàn quân sự ở nhiều thành phố phải tạm ngừng”.

    Biểu tình trong nhà tù ở Rangoon

    Ngày 23/07, những người bị giam giữ, trong đó có nhiều nhà đấu tranh phản đối tập đoàn quân sự, ở nhà tù Insein tại Rangoon đã biểu tình phản đối tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn trong tù.

    Một số đoạn video được các nhà đấu tranh địa phương đăng trên Facebook cho thấy những người biểu tình đã hô vang : “Chấm dứt chế độ độc tài ! Chính nghĩa là của chúng ta ! Biểu tình, phản đối !”… Theo Reuters, đây là cuộc biểu tình đầu tiên được tổ chức theo kiểu này kể từ khi tập đoàn quân sự đảo chính.

    Nga và Mỹ lại đối thoại cấp cao để bình ổn quan hệ, kiểm soát vũ khí


    Hoa Kỳ và Nga sẽ tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao vào tuần tới, lần thứ hai trong vòng hai tháng, nhất là về các biện pháp kiểm soát vũ khí để ổn định mối quan hệ vốn dĩ đang căng thẳng.

    Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua 23/07/2021 cho biết cuộc đối thoại về “sự ổn định chiến lược”, được thiết lập tại thượng đỉnh ngày 16/06/2021 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Genève, Thụy Sĩ, sẽ được tổ chức vào thứ Tư 28/07, cũng tại Genève.

    Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh: “Thông qua cuộc đối thoại này, chúng tôi tìm cách đặt nền móng cho các biện pháp trong tương lai nhằm kiểm soát vũ khí và giảm thiểu các nguy cơ”.

    Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là thứ trưởng Ngoại Giao, Wendy Sherman. Ngoài ra còn có Bonnie Jenkins, người mới được bổ nhiệm làm thứ trưởng Ngoại Giao chuyên trách kiểm soát kũ khí.

    Cuộc đối thoại Nga - Mỹ như vậy được diễn ra vài ngày sau khi thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman thực hiện sứ mệnh tương tự với Trung Quốc nhằm bảo đảm rằng Bắc Kinh và Washington sẽ có những "biện pháp bảo vệ" trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng mang tính thù địch.

    AFP nhắc lại quan hệ Nga - Mỹ cũng đang căng thẳng trên một số mặt trận. Washington dọa Matxcơva là Mỹ sẽ có các biện pháp hành động nếu chính quyền Nga không chấm dứt làn sóng tấn công mạng, mà theo nhà chức trách Mỹ, đa phần được tiến hành từ lãnh thổ Nga. Matxcơva phủ nhận mọi trách nhiệm, nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh đồng nhiệm Joe Biden đã có các nỗ lực để làm cho mối quan hệ trở nên dễ đoán định hơn.

    Không có nhận xét nào