Indonesia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung oxy trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh.
Hôm 5/7, theo một số bệnh viện tại thành phố Bandung, Indonesia thì nguồn cung oxy đã cạn, buộc họ phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân tại khoa cấp cứu.
Một bệnh viện cho biết 63 bệnh nhân đã chết vì thiếu oxy.
Các bệnh nhân thậm chí phải nằm bên ngoài chờ đợi, một số người phải dựng lều.
Cuối tuần qua, các bệnh viện công tại Bandung, Surakarta và Pamekasan tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu các công ty ưu tiên sản xuất oxy y tế.
Biến thể Delta đã làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại quốc gia này, với việc Indonesia mỗi ngày ghi nhận đến hơn 25.000 ca nhiễm Covid-19 mới.
Người ta lo ngại rằng số ca nhiễm thực tế cao hơn con số công bố chính thức.
Hồi tuần rồi, Hội Chữ thập Đỏ và Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế cho rằng Indonesia đang đứng trước bờ vực thảm hoạ Covid-19.
Hiện Indonesia đang áp lệnh phong toả 121 quận, huyện và thành phố trên đảo Java và Bali trong thời gian từ 3 đến 20/7.
Việt Nam vẫn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiếu về xoá bỏ tình trạng buôn người dù Chính phủ đã nỗ lực đáng kể
Chính phủ Việt Nam (VN) luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp.
Thông tin trên được Chính phủ Việt Nam thông tin với truyền thông Nhà nước trong ngày 6/7, ngay sau khi Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải theo dõi về nạn buôn người trong báo cáo về tình trạng buôn người thường niên trên thế giới công bố hôm 1/7.
Để minh chứng cho công tác quyết liệt chống nạn buôn người, thông tin đăng tải trên vov.vn cho hay, Việt Nam từ năm 2019 đến tháng 6/2021, công an, biên phòng đã điều tra, khám phá hơn 320 vụ, bắt 420 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội có liên quan đến mua bán người.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Trong tháng 2/2021, Thủ tướng VN đã ban hành Quyết định số 193/QĐ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030
Mặc khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng cũng đã nhiều lần khẳng định: Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, nhằm tăng cường hiểu biết và hợp tác hiệu quả trong phòng chống buôn bán người.
Tuy vậy, trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Việt Nam bị đánh giá là đã không cho thấy việc gia tăng nỗ lực tổng thể so với năm trước đó trong việc phòng chống nạn buôn người, một phần cũng là vì đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam không tiến hành các thủ tục xác định nạn nhân một cách hệ thống, trong khi các quan chức không tích cực xác định nạn nhân như phụ nữ và trẻ em bị cưỡng bức tình dục. Điều này dẫn đến việc có những nạn nhân thậm chí bị trừng phạt theo pháp luật vì những gì họ đã làm vì bị những kẻ buôn người ép họ làm.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết đã có những quan chức Việt Nam, chủ yếu ở cấp xã, đã tiếp tay cho nạn buôn người, bóc lột nạn nhân bằng cách nhận hối lộ từ bọn buôn người.
Do đó, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ, so với năm ngoái, năm nay Việt Nam vẫn bị đánh giá là chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xoá bỏ tình trạng buôn người dù chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể.
Thế giới không thể làm gì chính quyền quân sự Myanmar
Ngày mai Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Thế giới đã không đứng yên kể từ cách đây 5 tháng khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bỏ tù hàng nghìn người và giết hàng trăm người trong nỗ lực ngăn chặn phản kháng. Đại hội đồng LHQ đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Myanmar. Mỹ, Anh, Canada và EU đều đã áp lệnh trừng phạt lên các tướng lĩnh hàng đầu và một số doanh nghiệp nhà nước Myanmar.
Nhưng những biện pháp như vậy sẽ không xoay chuyển được các tướng lĩnh. Trong khi đó những nước có thể tạo ra khác biệt lại có phản ứng khác nhau. ASEAN không thể thống nhất về một chiến lược chung. Trung Quốc dường như đã chấp nhận chính quyền quân sự. Kể từ tháng 6 các nhà ngoại giao Trung Quốc đã bắt đầu coi Tổng Tư lệnh quân đội là nhà lãnh đạo Myanmar, còn chính phủ Trung Quốc tổ chức một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN – trong đó có sự tham dự của ngoại trưởng chính quyền quân sự.
UK Covid-19
Dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy số ca nhiễm covid-19 ở nước này đã tăng 53% trong tuần qua. Tuy vậy, thủ tướng Boris Johnson cho biết vẫn sẽ dỡ bỏ các hạn chế coronavirus còn lại ở Anh vào ngày 19 tháng 7, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Ông nói: “Đáng buồn là chúng ta phải chấp nhận việc số ca tử vong covid gia tăng.”
Cái chết của một nhà hoạt động nhân quyền làm rúng động Ấn Độ
Stan Swamy, một linh mục dòng Tên 84 tuổi, là người lớn tuổi nhất ở Ấn Độ bị buộc tội khủng bố. Ông vừa qua đời hôm Chủ nhật sau khi bị giam giữ suốt từ năm 2018 và liên tục bị từ chối bảo lãnh dù sức khỏe kém. Hôm nay các chính trị gia đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền Ấn Độ sẽ mạnh dạn lên tiếng vì cái chết của ông – nhưng có lẽ đã muộn. Cha Stan bị bệnh Parkinson và thậm chí bị người ta rút bỏ chiếc ống hút mà ông cần để uống nước trong nhiều tháng. Ông chết vì covid-19; và quản ngục đã không nghĩ đến việc tiêm phòng cho ông đến tận sau làn sóng thứ hai của Ấn Độ.
Mọi thứ khác về vụ bắt giữ Cha Stan đều là một trò hề. Ông đã đấu tranh suốt nhiều thập niên qua nhằm cải thiện cuộc sống của các cộng đồng bản địa và những người đẳng cấp thấp ở Ấn Độ. Ông bị bắt chính vì đã giúp tổ chức một cuộc tuần hành đòi quyền lợi cho những người thuộc đẳng cấp Dalit, tức những người từng bị coi là “không được chạm vào”. Và khi ấy người ta dựng nên các bằng chứng thô thiển để buộc tội ông là nổi loạn theo chủ nghĩa Mao. Không lạ lắm.
Tương lai của việc làm: văn phòng hay làm từ xa?
Khi các nước bắt đầu nới lỏng quy định ở nhà cũng là lúc hàng triệu người lao động bắt đầu cân nhắc quay lại văn phòng. Từ hôm nay JPMorgan Chase, ngân hàng nắm giữ nhiều tài sản nhất nước Mỹ, sẽ là một trong những công ty đầu tiên đón tất cả nhân viên quay lại bàn làm việc (chỉ ở Mỹ). Nhưng mỗi công ty lại có một chính sách quay lại khác nhau. Một số công ty như dịch vụ phát trực tuyến nhạc Spotify đã cho phép nhiều nhân viên có thể vĩnh viễn làm việc từ xa. Còn một số hãng khác thì kém linh hoạt hơn.
Người lao động cũng không quá thống nhất về điểm này. Nhiều người thích sự tự chủ khi làm việc tại nhà. Họ không thích phải chen chúc trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt khi biến thể Delta của covid-19 lan rộng. Trong khi đó một số người khác than thở về sự thiếu tương tác giữa người với người. Điều này cho thấy hầu hết các công ty rồi sẽ áp dụng mô hình hỗn hợp. Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, gần đây đã châm biếm, “mọi người không thích di chuyển đến chỗ làm, nhưng rồi sao nữa?” Nếu vậy, nó sẽ tạo cơ hội cho các công ty nào muốn thu hút người lao động khỏi các hãng có chính sách nghiêm khắc hơn.
Đức xem xét cơ chế trần nợ
Chính trị gia của hầu hết các nước luôn hứa chi nhiều hơn. Còn ở Đức người ta thắng cử bằng chính sách tài khóa nghiêm khắc. Armin Laschet, người đang dẫn đầu cuộc đua kế nhiệm Angela Merkel làm thủ tướng, ủng hộ một “phanh nợ” để giới hạn khoản vay hàng năm của chính phủ sau điều chỉnh chu kỳ kinh tế không quá 0,35% GDP.
Phanh nợ đã được ghi vào hiến pháp Đức từ năm 2009. Khi đó mục đích của nó là nhằm củng cố niềm tin vào khả năng trả nợ của chính phủ, do đó giảm chi phí đi vay. Những người ủng hộ lập luận rằng Đức chỉ có thể tung ra phản ứng tài khóa khổng lồ để đối phó đại dịch, với tổng trị giá hơn 6% GDP trong năm 2020, là nhờ sự tiết kiệm bấy lâu của nước này.
Thay vì giúp giải quyết, phanh nợ có lẽ đã tạo ra nhiều vấn đề hơn. Nó khiến đầu tư bị siết chặt và chi tiêu trở nên kém minh bạch. Nhưng nếu ông Laschet thành công, nó có thể sớm được tái áp dụng lại và gây hại cho cuộc phục hồi kinh tế. Trong khi đó EU cũng sẽ sớm xem xét lại các quy tắc tài khóa của họ. Và một chính phủ Đức tiết kiệm ở trong nước khó có thể sẽ khuyến khích nới lỏng ở EU.
Công ty Canada yêu cầu chính quyền Biden bồi thường 15 tỷ đô-la.
Công ty năng lượng Canada TC Energy gần đây đã tuyên bố rằng họ đang yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ bồi thường 15 tỷ đô la Mỹ vì Tổng thống Joe Biden hủy dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, theo Epoch Times.
TC Energy, trong một tuyên bố vào ngày 2/7, cho biết rằng họ đã gửi thông báo tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Biden phải tuân theo “Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ” và “Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada” (NAFTA) trong đó có những điều khoản liên quan tới dự án Keystone XL.
Công ty TC Energy cho biết họ yêu cầu chính phủ Mỹ khoản bồi thường này nhằm “vãn hồi những thiệt hại kinh tế do việc Tổng thống Biden thu hồi giấy phép dự án Keystone XL”, và chỉ ra rằng “do chính phủ Hoa Kỳ đã vi phạm các nghĩa vụ của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ”, nên công ty đã bị lỗ hơn 15 tỷ đô la Mỹ.
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông Biden đã ký một lệnh hành pháp dừng giấy phép mở rộng đường ống Keystone XL nối Hoa Kỳ và Canada đã được cựu Tổng thống Trump phê duyệt. Sau đó TC Energy đã chính thức rút khỏi dự án vào ngày 9 tháng 6.
Keystone XL được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2008 và dự kiến sẽ giúp vận chuyển hàng trăm nghìn thùng dầu từ Canada đến Hoa Kỳ mỗi ngày.
Mặc dù quyết định của ông Biden được nhiều người hoạt động môi trường hoan nghênh, nhưng hầu hết đảng viên Cộng hòa và các tổ chức công nghiệp lên tiếng phản đối. Một số nhà phê bình nói rằng hàng chục nghìn công việc đã biến mất chỉ sau một đêm sau khi ông Biden hủy Keystone XL. TC Energy cũng tuyên bố, “điều này đã trực tiếp dẫn đến việc hàng ngàn công nhân của công đoàn bị sa thải”.
Theo Bloomberg, lệnh cấm của ông Biden đã làm dấy lên sự lo ngại về phương án dùng vận tải đường sắt để thay thế việc vận chuyển dầu thô từ Canada sang Mỹ vì cách vận chuyển này tạo ra khí thải ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường hơn cả dự án Keystone XL.
Thống đốc Jason Kenney của tỉnh Alberta, Canada, địa phương có đường ống Keystone XL đi qua, cho biết trong một tuyên bố ngày 9 tháng 6 rằng ông vẫn “thất vọng với tình hình xung quanh dự án Keystone XL”.
Alberta đã đầu tư khoảng 1,1 tỷ đô la Mỹ cho dự án Keystone XL, quyết định của Tổng thống Biden đồng nghĩa với việc giờ đây họ phải chịu lỗ hoàn toàn.
Dữ liệu của 700 triệu người dùng LinkedIn bị rò rỉ và rao bán
Đây là vụ rò rỉ lớn thứ 2 của LinkedIn trong năm 2021, khiến cho dữ liệu của 700 triệu người dùng bị rao bán trên web ngầm. Mặc dù những dữ liệu cá nhân nhạy cảm như chi tiết thẻ tín dụng hoặc tin nhắn riêng tư không có trong thông tin rao bán, nhưng hồ sơ vẫn có đủ thông tin để gây hại cho người dùng. LinkedIn khuyên người dùng nên thay đổi mật khẩu để tránh những tổn thất không đáng có.
LinkedIn
Dữ liệu của 700 triệu người dùng LinkedIn đã bị hacker (tin tặc) rao bán trên một diễn đàn web ngầm (dark web) từ ngày 22/6. Theo Restore Privacy, đây là một trong những vụ rò rỉ thông tin lớn nhất của LinkedIn, lượng thành viên bị lộ dữ liệu tương đương 93% người dùng nền tảng.
Người rao bán có tên là “GOD User” TomLiner, đã chia sẻ 1 triệu dữ liệu công khai trên diễn đàn. Chúng bao gồm email, họ tên, số điện thoại, địa chỉ thực tế, dữ liệu định vị, tên người dùng, kinh nghiệm cá nhân và chuyên ngành, giới tính, tên tài khoản trên mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, LinkedIn đã giải thích thông qua một tuyên bố rằng đó không phải là một vụ xâm phạm dữ liệu, ít nhất không phải là “dữ liệu riêng tư”.
“Các đội ngũ của chúng tôi đã điều tra một tập hợp dữ liệu của LinkedIn bị cáo buộc đã được cung cấp để bán. Chúng tôi muốn làm rõ rằng đây không phải là một vụ xâm phạm dữ liệu và không có dữ liệu cá nhân nào của các thành viên LinkedIn bị tiết lộ”.
Sau khi phân tích rồi kiểm tra chéo với một số thông tin công khai trên Internet, Restore Privacy xác nhận các dữ liệu bị lộ là thật. Thời gian cập nhật thông tin khá mới, từ khoảng năm 2020 đến năm 2021. Hacker được cho đã tận dụng lỗ hổng trong API của LinkedIn để thu thập các dữ liệu được người dùng chia sẻ trên mạng xã hội này.
Đây là sự cố rò rỉ dữ liệu lớn thứ 2 của LinkedIn trong năm 2021. Trước đó vào tháng 4, thông tin của nửa tỷ người dùng mạng xã hội nghề nghiệp thuộc sở hữu của Microsoft cũng bị rao bán trên web ngầm.
Tuy các dữ liệu không bao gồm mật khẩu hay hồ sơ tài chính, Restore Privacy cho rằng hacker có thể sử dụng một số thông tin để giả mạo danh tính, phục vụ hoạt động lừa đảo hoặc tấn công tài khoản trên mạng xã hội. Khi các dữ liệu bị phát tán, nạn nhân sẽ không thể xóa chúng hoàn toàn khỏi Internet.
Restore Privacy cho biết rằng bất cứ tổ chức hay cá nhân kiểm soát dữ liệu người dùng đều có rủi ro. Để giảm nguy cơ rò rỉ thông tin, người dùng nên hạn chế chia sẻ dữ liệu trên mạng xã hội, sử dụng trình duyệt, dịch vụ email và công cụ tìm kiếm bảo mật nếu có thể.
Đây cũng không phải vụ lộ dữ liệu quy mô lớn duy nhất xảy ra trong năm 2021. Trước đó vào đầu tháng 4, hơn 500 triệu tài khoản người dùng Facebook với nhiều dữ liệu quan trọng như số điện thoại, email, ngày sinh… cũng bị tin tặc phát tán. Dù không chứa thông tin nhạy cảm, kẻ xấu vẫn có thể khai thác dữ liệu vào mục đích lừa đảo.
Nga ủng hộ kế hoạch xử lý cuộc khủng hoảng Myanmar của ASEAN
Nga ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực ngoại giao của các nước Đông Nam Á nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar và đã chuyển tải thông điệp tương tự tới chính quyền quân nhân Myanmar, ngoại trưởng Nga cho biết hôm 6/7.
Ông Sergei Lavrov nói trong chuyến thăm tới Jakarta rằng thỏa thuận 5 điểm mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí sẽ là cơ sở để giải quyết tình hình.
"Trong các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo Myanmar, các lãnh đạo quân sự, chúng tôi thúc đẩy quan điểm của ASEAN mà chúng tôi coi là cơ sở để giải quyết cuộc khủng hoảng này và đưa tình hình trở lại bình thường", ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, Ngoại trưởng Lavrov sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến với những người đồng nhiệm ASEAN trong chuyến thăm Jakarta.
Bình luận quan trọng của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga và Myanmar tăng cường trao đổi, và các cường quốc trên thế giới trừng phạt các doanh nghiệp và lãnh đạo cấp cao của Myanmar, trong khi có lời kêu gọi lệnh cấm bán vũ khí toàn cầu cho Myanmar.
Dù lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing hồi tháng Tư đồng ý với một kế hoạch hòa bình ASEAN, quân đội không cho thấy ý định tuân thủ và thay vào đó đã nhấn mạnh tới kế hoạch riêng, hoàn toàn khác, để khôi phục trật tự và dân chủ.
Lộ tin nội bộ của cơ quan y tế khiến công chúng Thái nghi ngại hiệu quả của vắc xin Sinovac
Một tài liệu bị rò rỉ của Bộ Y tế đã làm dấy lên kêu gọi các nhân viên y tế đã được tiêm chủng COVID-19 ở Thái Lan cần được tiêm thêm mũi tăng cường bằng một loại vắc-xin mRNA. Tài liệu này có nói rằng một động thái như vậy có thể khiến công chúng giảm tin tưởng vào vắc xin của Sinovac Biotech.
Thông báo nội bộ, bao gồm nhiều ý kiến khác nhau, được báo chí địa phương loan tải rộng rãi trên truyền thông xã hội. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul xác nhận có thông báo đó.
Thông báo đó bao gồm bình luận của một quan chức giấu tên khuyến cáo nhà chức trách không tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin Pfizer-BioNTech cho các nhân viên y tế tuyến đầu, bởi vì một động thái như vậy sẽ "thừa nhận rằng vắc xin Sinovac không hiệu quả”.
Thái Lan đã tiêm vắc xin vi rút bất hoạt Sinovac cho hầu hết các nhân viên y tế và nghiên cứu thực tế của họ cho thấy hai liều vắc xin này có hiệu quả 95% trong việc giảm tỷ lệ tử vong và các triệu chứng nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy nó có hiệu quả từ 71% đến 91% trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể Alpha.
Công ty Sinovac ở Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận về hiệu quả của vắc xin này.
Bình luận trong tài liệu bị rò rỉ đã khiến các chuyên gia y tế nổi tiếng của Thái Lan, bao gồm một quan chức hàng đầu của hội đồng y tế, kêu gọi tiêm tăng cường bằng vắc xin Pfizer-BioNTech cho các nhân viên y tế.
Kêu gọi “Tiêm Pfizer cho nhân viên y tế" đang phổ biến rộng trên Twitter Thái Lan với hơn 624.000 lượt tweet hôm thứ Hai 5/7.
Tuy nhiên, quan chức y tế cấp cao Opas Karnkawinpong nói với các phóng viên rằng tài liệu này không có thật. Điều này mâu thuẫn với Bộ trưởng Y tế Anutin.
Ông Anutin cho biết bình luận về mũi tiêm thứ hai "chỉ là một ý kiến" và có một hội đồng chuyên gia thiết lập chính sách vắc xin.
Ông cho biết hai liều vắc xin của Sinovac có hiệu quả cao và "mang lại kết quả vượt quá tiêu chuẩn".
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào