Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 25 tháng 7 năm 2021

    Lây nhiễm COVID-19 tăng mạnh tại Việt Nam, 7.968 ca nhiễm mới ngày 24/7

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 25 tháng 7 năm 2021

    Bộ Y tế Việt Nam báo cáo 7.968 ca nhiễm virus corona ngày thứ Bảy 24/7, mức tăng kỷ lục hàng ngày và cao hơn mức kỷ lục 7.307 của hôm thứ Sáu.

    Hơn 2/3 số ca nhiễm mới là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Reuters dẫn báo cáo của Bộ Y tế.

    Sau đợt đầu ngăn chặn thành công dịch COVID-19, quốc gia Đông Nam Á nay đang phải đối mặt với một đợt bùng phát mới của virus corona, với trung tâm thương mại phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chiếm phần lớn các ca lây nhiễm mới.

    Bộ Y tế hôm thứ Sáu cho biết sẽ kéo dài lệnh phong toả chống dịch trong thành phố cho đến ngày 1 tháng 8 và áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Hà Nội từ thứ Bảy. Các biện pháp bao gồm lệnh ở nhà, cấm tụ tập đông hơn hai người và đình chỉ các phương tiện giao thông công cộng.

    Hà Nội hôm thứ Bảy cũng đình chỉ dịch vụ giao nhận bằng xe máy, bao gồm cả các công ty như Grab và GoJek, bổ sung vào các biện pháp hạn chế hiện có.

    Quốc hội Việt Nam quyết định cắt ngắn kỳ họp tại Hà Nội 3 ngày để kết thúc vào ngày 28 tháng 7 do tình hình dịch bệnh bùng phát.

    Việt Nam cho đến nay đã ghi nhận 90.934 ca nhiễm virus corona và ít nhất 370 ca tử vong.

    Thêm 3 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tặng về tới Việt Nam 


    Một nửa trong số 3 triệu liều vaccine Moderna đã về tới TP HCM, còn một nửa sẽ về tới Hà Nội trong ngày hôm nay. Lô vaccine này tiếp nối 2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ trao tặng cho Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX hôm 10/7.

    Phát biểu về lô vaccine mới về tới Việt Nam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ Christopher Klein cho biết:

    "Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong thời điểm khó khăn này và tổng số năm triệu liều vaccine Moderna với công nghệ mRNA mà chúng tôi trao tặng Việt Nam là minh chứng cho sự hỗ trợ này. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch và vươn lên mạnh mẽ hơn".

    Bà Marie Damour, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM thì nói rằng: "Chúng tôi tự hào khi có thể hỗ trợ thêm vaccine của Hoa Kỳ cho Việt Nam, đặc biệt là việc vận chuyển gần 1,5 triệu liều trong tổng số 3 triệu liều đến thẳng Thành phố Hồ Chí Minh, tâm điểm của đợt dịch đang bùng phát mạnh ở Việt Nam".

    Ngoài việc trao tặng tổng cộng 5 triệu liều vaccine trên, tính từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 19,8 triệu đôla nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.

    Bên cạnh 5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ trao tặng theo cơ chế COVAX, Việt Nam cũng đã tiếp nhận 2.493.600 liều vaccine AstraZeneca thông qua cơ chế này.

    Hôm 29/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam ký quyết định phê duyệt khẩn có điều kiện vaccine Moderna. Đây là vaccine thứ 5 được chấp thuận ở Việt Nam, sau AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.

    Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về thông tin nói rằng Mỹ có kế hoạch tặng 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước.

    Bà Hằng nói Việt Nam hoan nghênh việc Mỹ công bố chiến lược chia sẻ vaccine Covid-19 nhằm phân phối 25 triệu liệu vaccine đầu tiên trên toàn thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam.

    "Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Việt Nam mong muốn các quốc gia và các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này", bà Lê Thị Thu Hằng nói.

    Trên trang Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhiều người bình luận bày tỏ sự cảm kích với chính phủ Mỹ, số khác hoan nghênh và cho rằng sau bao nhiêu năm, Mỹ vẫn tiếp tục 'chuộc lỗi' với người dân Việt Nam.

    Bên cạnh Mỹ, Việt Nam cũng nhận 4 triệu liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Nhật Bản quyên tặng.

    Bản tin sáng của Bộ Y tế cho biết sáng 25/7 có 3.979 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 3.973 ca ghi nhận trong nước.

    Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022.

    Bộ Y tế đề ra mục tiêu tiêm 150 triệu liều vaccine phòng Covid cho hơn 70% dân số đến cuối quý 1/2022. Nhưng nguồn vaccine khan hiếm khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Việt Nam có đạt được con số đặt ra vào đúng thời hạn hay không.

    Tính đến hôm nay, Việt Nam đã tiêm 4.597.045 mũi vaccine. Tại TP HCM, gần 11% dân số đã được tiêm 1 liều, chỉ 0.69% số dân tiêm đủ 2 liều.

    Còn ở Hà Nội, chỉ 2.73% người dân tiêm liều đầu tiên, số người tiêm đủ 2 liều chỉ ở mức 0.13%.

    Olympics Tokyo: Đài Loan vui mừng khi không bị gọi là ‘Đài Bắc Trung Hoa’ tại lễ khai mạc

    Tên chính thức của Đài Loan tại Thế vận hội đã trở thành đề tài được tranh luận sôi nổi vào cuối tuần này khi đài truyền hình quốc gia Nhật Bản đã không giới thiệu các vận động viên Đài Loan đến từ “Đài Bắc Trung Hoa” trong lễ khai mạc hôm thứ Sáu.


    Thay vào đó, người dẫn chương trình của NHK gọi thẳng tên đội tuyển là “Đài Loan”, một từ cấm kỵ mà Trung Quốc đã đưa ra như một thỏa thuận lâu dài với nhiều bên về quy ước đặt tên cho hòn đảo tự trị trong các sự kiện quốc tế như vậy.

    Các nhà bình luận ở Đài Loan, bao gồm cả Tổng thống Thái Anh Văn, ngay lập tức đã nhân cơ hội này cảm ơn Nhật Bản.

    Bà Thái cảm ơn Nhật Bản vì đã trở thành một “láng giềng tốt”, nhấn mạnh mối quan hệ đang ấm dần lên giữa hòn đảo và Tokyo.

    Tuy không đề cập trực tiếp đến sự việc, bà Thái viết trên Facebook sau lễ khai mạc: “Không có thách thức nào đủ lớn có thể làm mất đi sức mạnh của thể thao và giá trị của Thế vận hội Olympics. Xin cảm ơn nước chủ nhà Nhật Bản vì đã làm mọi thứ có thể để sự kiện được diễn ra.”

    “Dù thách thức lớn đến đâu, nó sẽ không ngăn cản Đài Loan trở thành một thành viên của thế giới. Khoảnh khắc khi người cầm cờ [vận động viên quần vợt] Lu Yen-hsun và [vận động viên cử tạ] Kuo Hsing-chun bước vào sân thi đấu là lúc Đài Loan đứng trên vũ đài thế giới. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy tự hào”.

    Bài đăng của bà đã thu hút hơn 140.000 lượt thích và 5.000 bình luận.

    Nhà lập pháp Đài Loan Claire Wang Wanyu đã mô tả trên Facebook rằng đó là một khoảnh khắc cảm động. “Tôi hy vọng sẽ có một ngày chúng tôi có thể bước vào sân vận động với tư cách là Đài Loan,” cô viết.

    Ngoài ra, thứ tự mà phái đoàn Đài Loan diễu hành vào Sân vận động Olympic, được gọi là Cuộc diễu hành của các quốc gia, cũng đã gây tranh luận sôi nổi.

    Thay vì thứ tự diễu hành bằng chữ “chi” (Chinese Taipei – Đài Bắc Trung Hoa), nước chủ nhà Nhật Bản lại xếp Đài Loan diễu hành ở vần “ta” (Taiwan) ngay trước Tajikistan.

    Hòn đảo tự trị này thường tham gia các tổ chức và sự kiện thể thao quốc tế dưới cái tên “Đài Bắc Trung Hoa,” bao gồm ở Tổ chức Thương mại Thế giới và Thế vận hội Olympics. Được coi là một cái tên nhục nhã, Đài Loan đã chấp nhận nó như một thỏa hiệp để đảm bảo sự công nhận của quốc tế.

    Tại lễ khai mạc, Đài Loan đã diễu hành với tư cách là phái đoàn thứ 104, và được giới thiệu bằng tiếng Anh và chú thích là “Đài Bắc Trung Hoa.” Nhưng đài truyền hình công cộng NHK đã gọi đội là “Đài Loan” trong tiếng Nhật.

    Tờ báo lá cải Thời báo Hoàn Cầu đã chỉ trích Nhật Bản vì “những thủ đoạn chính trị bẩn thỉu” trong một bài xã luận ngay sau đó.

    “Là một đài truyền hình công cộng ở Nhật Bản, NHK nên có trách nhiệm truyền hình trực tiếp Thế vận hội ra toàn thế giới. Chúng tôi không thể dung túng bất kỳ hành vi nào làm suy yếu nguyên tắc ‘một Trung Quốc’,” bài xã luận viết.

    Nó tiếp tục: “Một nỗ lực chung là cần thiết để chống lại các lực lượng Nhật Bản đang cố gắng lợi dụng Thế vận hội để tham gia vào các âm mưu chính trị. Thế vận hội là một sân khấu thánh khiết. Mọi thủ đoạn bẩn thỉu cần phải bị dọn sạch khỏi đó”.

    Bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu cũng nhắm vào NBC Universal vì đã trình chiếu một tấm bản đồ Trung Quốc “không hoàn chỉnh” tại lễ khai mạc, lặp lại những lời chỉ trích lần đầu tiên được đưa ra bởi lãnh sự quán Trung Quốc ở New York vào thứ Bảy.

    NBC đã hiển thị một bản đồ khi phái đoàn Trung Quốc đến mà không bao gồm Đài Loan và khu vực biển Đông, một động thái mà lãnh sự quán cho biết đã làm tổn thương người dân Trung Quốc.

    “Bản đồ là một biểu hiện của lãnh thổ quốc gia, tượng trưng cho chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ,” lãnh sự quán Trung Quốc tại New York viết tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi NBC nhận ra bản chất nghiêm trọng của vấn đề này và thực hiện các biện pháp để sửa lỗi.”

    Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)

    Thứ sáu, 23 Tháng 7 2021

    Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)

    Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam


    Ngày 22/7/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace đã thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Anh tới Việt Nam và diễn ra sau khi 2 nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh (2010 – 2020). Tháp tùng Bộ trưởng có Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh, Ngài Antony David Radakin, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách quan hệ với Châu Á Nigel Adams và nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ Anh.

    Trong bài phát biểu với các học giả Việt Nam và sinh viên Học viện Ngoại giao, Bộ trưởng Wallace nhấn mạnh, qua chiến lược “Ngả về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” công bố tháng 3/2021, Anh khẳng định cam kết lâu dài với hoà bình, ổn định của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”. Bộ trưởng Wallace khẳng định các thách thức an ninh biển khu vực là quan tâm chung của cộng đồng quốc tế vì có tác động đến hoà bình, ổn đinh khu vực và tính thượng tôn của luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh đó, Anh mong muốn tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, theo “phương cách ASEAN” nhằm thúc đẩy đối thoại, hòa bình, ổn định chung. Bộ trưởng Wallace cũng nhấn mạnh, là một nước P5, Anh có nghĩa vụ bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

    Đánh giá cao vai trò ngày càng tăng của Việt Nam không chỉ ở khu vực mà trong các vấn đề toàn cầu, như qua đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ, Bộ trưởng Wallace khẳng định Anh và Việt Nam chia sẻ nhiền tầm nhìn và lợi ích chiến lược, như quan điểm về tự do thương mại và về tầm quan trọng của luật quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982. Anh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt - Anh.

    Bộ trưởng Wallace và Quốc vụ khanh Adams cũng đã tham gia trao đổi với các học giả Việt Nam về tình hình khu vực, về vai trò và đóng góp của Anh với khu vực và phương hướng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Anh – Việt.

    Vương quốc Anh có lịch sử hiện diện lâu đời tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và có quan hệ gần gũi trong khối Thịnh vượng chung với nhiều quốc gia ASEAN. Để triển khai chiến lược “Ngả về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Anh gần đây đã đăng ký làm Đối tác đối thoại của ASEAN, thúc đẩy đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), triển khai việc ký kết FTA với nhiều quốc gia khu vực, trong đó có Việt Nam. Hai nước tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại (tăng hơn 25% 6 tháng đầu 2021), khoa học – công nghệ, giáo dục (74 chương trình giáo dục với 23 Đại học của Anh)...

    Mỹ không muốn cạnh tranh biến thành xung đột với Trung Quốc


    Hoa Kỳ sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng cần phải có những luật chơi công bằng và những bảo đảm để tránh cho cạnh tranh biến thành xung đột giữa hai nước.

    Đó là điều mà thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman sẽ nhấn mạnh trong cuộc gặp với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Thiên Tân (Tiajin) ngày mai, 26/07/2021, theo lời các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ với hãng tin Reuters hôm qua.

    Trong cuộc họp báo trước cuộc gặp ở Thiên Tân, các quan chức cao cấp của Mỹ cũng tuyên bố Hoa Kỳ không có ý định thiết lập một liên minh chống Trung Quốc, cho dù hai nước có những bất đồng về nhiều vấn đề. Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Vương Nghị, thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman sẽ bày tỏ những quan ngại về những hành động của Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho là vi phạm các cam kết và các chuẩn mực quốc tế, trong đó có những vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.

    Cuộc họp tại Thiên Tân giữa bà Wendy Sherman và ông Vương Nghị là sự tiếp nối cuộc họp ngoại giao cao cấp đầu tiên giữa hai nước dưới chính quyền Joe Biden vào tháng 3/2021 tại Alaska. Cuộc họp đó đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, các đại diện của Trung Quốc đã công khai cáo buộc Washington là có đầu óc bá quyền, còn phía Mỹ thì chỉ trích Bắc Kinh là mị dân.

    Theo hãng tin Reuters, nếu diễn ra tốt đẹp, cuộc họp tại Thiên Tân ngày mai có thể sẽ mở đường cho cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong năm nay, có thể là bên lề thượng đỉnh nhóm G20 tại Ý vào cuối tháng 10.

    Ngoài chuyến đi của thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman đến Trung Quốc, trong tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cũng sẽ công du Singapore, Việt Nam và Philippines, còn ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thăm Ấn Độ. Những chuyến đi này phản ánh nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

    Tổng thống Pháp và thủ tướng Nhật Bản gặp gỡ bên lề Olympic Tokyo 2020


    Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (P), và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi gặp gỡ bên lề Thế Vận Hội Olympic Tokyo 2020, ngày 24/07/2021. AP - Franck Robichon

    Đến Tokyo dự lễ khai mạc Olympic 2020, tổng thống Pháp Emmnanuel Macron hôm qua 24/07 đã có buổi trao đổi với thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga và gặp gỡ một số chủ doanh nghiệp lớn của Nhật, trong đó có Nissan.

    Trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi mối quan hệ đối tác « đặc biệt » đã gắn kết hai nước Pháp và Nhật : « Quan hệ đối tác này là một sức mạnh ». Trong một thông cáo chung được AFP trích dẫn, sau cuộc gặp, tổng thống Macron và thủ tướng Suga đã nhắc lại về tầm quan trọng của việc đạt được một vùng « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở », « dựa trên Nhà nước pháp quyền », trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc trong khu vực đang gây ra lo ngại cho cả Nhật Bản và các cường quốc phương Tây.

    Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến quan hệ hợp tác Pháp-Nhật trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, coi biến đổi khí hậu không phải một điều ràng buộc mà là sự thúc đẩy những sáng kiến, đổi mới và tạo công ăn việc làm, đồng thời mong muốn củng cố, tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

    Còn trong cuộc gặp với một số chủ doanh nghiệp lớn tại Nhật, trong đó giám đốc điều hành của tập đoàn Nissan, Makoto Uchida, tổng thống Macron đã ca ngợi sức hấp dẫn về kinh tế của Pháp.

    Tổng thống Pháp Macron là một trong số hiếm hoi nhà lãnh đạo trên thế giới đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ông Macron đã đến xem 2 trận thi đấu của các vận động viên Pháp.


    Võ Thái Hà tổng hợp


    Không có nhận xét nào