Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ rút khỏi Afghanistan: Washington thảm bại, chính phủ Kabul thành "mồi ngon" cho Taliban

    Chính quyền Mỹ tuyên bố, quân đội Mỹ và khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày mai, 4/7/2021.

    Mỹ rút khỏi Afghanistan: Washington thảm bại, chính phủ Kabul thành "mồi ngon" cho Taliban

    Việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan trên thực tế được bắt đầu từ 1/5/20021 và sẽ hoàn thành trước thời hạn 11/9/2021 do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hồi tháng 4/2021 để tưởng nhớ vụ tấn công khủng bố năm 2001.

    Tổng thống Biden quyết rút quân Mỹ khỏi Afghanistan

    Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình, ông Donald Trump đã hứa chấm dứt cuộc chiến tranh tốn kém tại Afghanistan. Tháng 10/2018, chính quyền của ông đã bắt đầu các cuộc đàm phán về hòa bình với Taliban. Người kế nhiệm Trump, Tổng thống J. Biden cũng cam kết rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan.

    Ngày 14/4/2021, Tổng thống Biden đã chính thức thông báo quyết định rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9/2021.

    Chúng tôi không có ý định kéo dài và mở rộng sự hiện diện quân sự ở Afghanistan và hy vọng sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho việc rút quân Mỹ. Là Tổng thống thứ tư quân đội Mỹ có mặt ở Afghanistan và tôi không muốn chuyển giao trách nhiệm này cho Tổng thống thứ năm.

    Mới đây, các nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, việc rút các lực lượng nước Mỹ và các nước khỏi Afghanistan sẽ được hoàn tất trước thời hạn đã đề ra.. Lầu Năm góc đã đưa hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan được các tàu ​​chiến hộ tống, đến vùng Biển Ả Rập phối hợp với Hạm đội 5 để yểm trợ và đảm bảo cho các lực lượng Mỹ và đồng minh rút quân an toàn. Hơn 50 chuyến bay đã được thực hiện để vận chuyển quân Mỹ rời khỏi Afghanistan.

    Theo kế hoạch, Washington chỉ để lại khoảng 650 binh sĩ ở Afghanistan để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ và một số khác vài trăm người để bảo vệ an ninh sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul đến khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nhận nhiệm vụ điều hành các hoạt động của sân bay này vào tháng 9/2021.

    Ngày 22/6/2021, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) thông báo, Mỹ đã bàn giao 6 căn cứ quân sự và sắp tới sẽ tiếp tục chuyển giao thêm các căn cứ khác và các thiết bị quân sự cho Bộ Quốc phòng Afghanistan. CENTCOM cũng cho biết, Washington đã hoàn thành hơn 50% các giai đoạn rút quân khỏi Afghanistan.

    Cùng với Mỹ, các nước tham gia liên quân còn lại gồm Đức, Anh, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng đang rút khỏi Afghanistan.

    Trong tình hình như vậy, Tổng thống Afghanistan A. Ghani đã đến thăm Mỹ. Ngày 25/6/2021, trong cuộc gặp gỡ với người đồng cấp tại Nhà Trắng, ông J. Biden khẳng định người Afghanistan phải tự quyết định lấy tương lai của đất nước mình. Mỹ rút khỏi Afghanistan, nhưng vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ Afghanistan trong tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị và kinh tế, quan hệ hợp tác giữa Washington và Kabul sẽ vẫn tiếp tục.

    Về phần mình, Tổng thống A. Ghani nói, quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi nước ông là một quyết định mang tính lịch sử, quan hệ giữa Afghanistan và Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới, đó là quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện. Ông nói thêm, chuyến thăm của ông đến Washington là để ủng hộ quyết định rút quân của Mỹ, và cũng thông báo rằng các lực lượng Afghanistan đã tiếp quản các căn cứ quân sự ở phía Bắc đất nước.

    Sự thất bại của Mỹ tại Afghanistan

    Năm 2001, Mỹ và đồng minh NATO đã phát động chiến dịch quân sự "Tự do bền vững" tại Afghanistan với lý do để trả thù cho vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Các mục tiêu chính là Phong trào Taliban và Tổ chức Al-Qaeda.

    Vào lúc cao điểm của chiến dịch, số quân Mỹ và đồng minh ở Afghanistan đã lên tới hơn 150.000 người. Khoảng 2.400 lính Mỹ thiệt mạng, hơn 20.000 binh sĩ khác bị thương, hơn 1.000 binh sĩ các nước khác tham gia liên quân bị giết. Hơn 2 nghìn tỷ USD chi phí cho cuộc chiến. Đây là kết quả cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afghanistan và cuối cùng được thể hiện trong bản thỏa thuận hòa bình ký ngày 29/2/2020 giữa Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad và đại diện phong trào Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và Taliban tại thủ đô Doha của Qatar.


    Theo các điều khoản của thỏa thuận, Mỹ và đồng minh cam kết rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng theo từng giai đoạn. Trước hết, trong vòng 135 ngày sau khi ký Hiệp định, Mỹ phải giảm số quân từ 13.000 xuống còn 8.600, cũng như rút khỏi 5 căn cứ quân sự tại Afghanistan và sau đó phải triệt thoái toàn bộ các lực lượng của Mỹ và NATO trong vòng 14 tháng. Washington cũng cam kết sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các thành viên của Taliban và giúp đưa họ ra khỏi danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, do phía Mỹ hoãn đi hoãn lại nhiều lần, chiến dịch rút quân mới chính thức bắt đầu từ ngày 1/5/2021.

    Trong thời gian Mỹ và đồng minh đóng tại Afghanistan, sản xuất ma túy ở nước này đã tăng gấp 40 lần. Afghanistan vẫn cung cấp khoảng 80% khối lượng buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp trên thế giới. Lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan vẫn thiếu nhân lực nghiêm trọng, thương vong nặng nề mỗi ngày và mức độ đào ngũ ngày càng tăng.

    Dù có giải thích gì đi chăng nữa, quyết định rút khỏi Afghanistan có nghĩa là Washington thừa nhận thất bại của mình tại quốc gia này. Taliban đã đạt được mọi thứ họ muốn từ Mỹ.

    Các nhà phân tích chính trị cho rằng, đây thực chất là sự đầu hàng của Mỹ, cả về thực tế lẫn hình thức. Trong 20 năm, một lực lượng hùng hậu của Mỹ và NATO đã không đánh bại được Taliban, không xây dựng được một hệ thống chính trị ổn định có năng lực hoạt động và làm chủ được tình hình tại Afghanistan.

    Việc Mỹ phải ký một Hiệp định về việc rút quân với Taliban là một phong trào chống chính phủ và vẫn bị coi là khủng bố, chứ không phải với chính phủ Kabul đã thể hiện điều này.

    Tương lai Afghanistan sau khi Mỹ rút

    Chính phủ Kabul tồn tại được đến bây giờ là do sự ủng hộ của Mỹ và ở một mức độ nào đó vào các nước đồng minh NATO. Vì vậy, sau khi Mỹ vá các nước đồng minh rút đi, chính quyền Kabul sẽ phải nghĩ cách để tồn tại trong tình hình Taliban không muốn thỏa hiệp. Như vậy, tương lai của Afghanistan sắp tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Taliban. Sau khi Mỹ và liên minh phương Tây rút, xung đột giữa Taliban và chính phủ thân Mỹ tại Kabul sẽ không tránh khỏi khả năng bùng phát.

    Ngày 14/4/2021, Giám đốc CIA William Burns cho biết, việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan sẽ làm suy yếu khả năng của Washington trong việc đối phó với các mối đe dọa từ các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al-Qaeda. CIA đã cung cấp rất nhiều các thông tin tình báo cho các lực lượng Mỹ tại Afghanistan phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố.

    Đến nay, các lực lượng quân sự Mỹ rút đi, khả năng thu thập thông tin để đối phó với những mối đe dọa này sẽ yếu đi. Người đứng đầu CIA nói thêm, việc rút các lực lượng vũ trang của Mỹ và liên quân khỏi Afghanistan sẽ kéo theo sự xuất hiện của những "rủi ro đáng kể" trong lĩnh vực an ninh.

    Các quan chức quân sự của Mỹ nói, chính quyền ở Kabul sẽ không thể đứng vững được lâu. Tờ Wall Street Journal (WSJ) có quan hệ gần gũi với Nhà Trắng viết, các cơ quan tình báo Mỹ dự đoán chính phủ Kabul sẽ có thể sụp đổ trong vòng 6 tháng hoặc một năm sau khi Mỹ rút. Một số quan chức trong quân đội Mỹ còn tỏ ra bi quan hơn, cho rằng chính phủ của Tổng thống A. Ghani không thể trụ được sau 3 tháng.

    Với việc đẩy nhanh việc rút các lực lượng Mỹ và NATO khỏi Afghanistan, phong trào Taliban đã tăng cường các hoạt động quân sự, mở rộng phạm vi kiểm soát và đang đe dọa các thành phố lớn ở miền Bắc.

    Các cơ quan đặc nhiệm của Mỹ báo cáo, đến nay chỉ trong thời gian ngắn các tay súng Taliban đã chiếm giữ hàng chục khu vực và thành phố lớn ở miền Bắc. Trong khi đó, Taliban thông báo họ đã giành được quyền kiểm soát 18 căn cứ và trạm kiểm soát tại các khu vực Hotelistan, Qamshq, Sorkhi, Diraz Card, Kuna Qala và Bala Qala ở quận Siahard, bang Parwan.

    Họ cho biết thêm, phong trào đã giành quyền kiểm soát các thành trì cuối cùng ở tỉnh Zabul, các chốt biên giới giáp với Tajikistan, chiếm được 10 xe tăng, 27 xe quân sự và nhiều vũ khí khác. Nhiều đơn vị thuộc lực lượng an ninh Afghanistan đã đầu hàng và bỏ lại các vũ khí của Mỹ cho Taliban.

    Ngày 22/6/2021, tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về Afghanistan, Deborah Yayons, nói rằng chỉ riêng trong tháng 5/2021, Taliban đã giành quyền kiểm soát 50 trong tổng số 370 khu vực ở Afghanistan. Liên hợp quốc cho biết, Taliban hiện đang kiểm soát 50-70% lãnh thổ Afghanistan. Xung đột giữa lực lượng chính phủ và Taliban vẫn liên tiếp xảy ra ở hầu hết các khu vực.

    Bộ Quốc phòng Afghanistan trong cho biết, ngay trong khi Mỹ rút các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa lực lượng an ninh và phiến quân Taliban tại 13 tỉnh, đáng chú ý nhất là Kunar, Kandahar, Balkh, Faryab, Kunduz và Badakhshan. Taliban nói, chỉ trong 24 giờ họ đã giành được quyền kiểm soát 3 khu vực, nâng tổng số khu vực họ chiếm được trong tháng qua lên 60 khu vực.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi tất cả các bên Afghanistan nối lại các cuộc đàm phán Doha và khẳng định đàm phán là con đường duy nhất để đạt được một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột. Trong khi đó, đại diện của Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas Greenfield, khẳng định thế giới sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào dựa trên bạo lực ở Afghanistan và bất kỳ chính phủ nào ở Afghanistan cũng phải tôn trọng quyền con người.

    Mỹ và đồng minh rút quân, người Afghanistan phải tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Con đường duy nhất là chính phủ Kabul và phong trào Taliban nối lại các cuộc đàm phán hòa bình theo sáng kiến của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow và Istanbul để đạt được hòa giải dân tộc, tập trung tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá, xây dựng một nước Afghanistan mới.

    Không có nhận xét nào