Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ chi 1,5 tỷ USD quyết đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua AI

    Mỹ sẽ dành gần 1,5 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển trí thông minh nhân tạo trong 5 năm tiếp theo để chiến thắng trong cuộc đua AI với Trung Quốc, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.

    Mỹ chi 1,5 tỷ USD quyết đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua AI

    “Ở lĩnh vực AI, cũng như những lĩnh vực khác, chúng ta hiểu rằng Trung Quốc là thách thức. Chúng ta sẽ cạnh tranh để thắng, nhưng chúng ta sẽ thực hiện điều đó theo cách đúng đắn”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại hội thảo quốc tế ngày 13/7 do Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ nhân tạo tổ chức, theo Nikkei Asia.

    “Rõ ràng là chúng ta không phải người duy nhất hiểu được sự hứa hẹn của AI. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ rõ mong muốn đi đầu thế giới trong AI vào năm 2030”, ông Austin nói.
     

    Trước đó, Bộ trưởng Austin hồi tháng 5 ký ban hành một văn kiện chiến lược cho hệ thống Kiểm soát và Chỉ huy chung trên mọi lĩnh vực (JADC2).

    Ý tưởng đằng sau JADC2 là kết nối dữ liệu quan sát và do thám từ mọi nhánh quân đội vào một mạng lưới duy nhất. AI và các công nghệ khác sau đó có thể được dùng để xây dựng chiến lược tối ưu, từ đó cắt giảm thời gian giữa phân tích tình thế và đưa ra hành động.

    Chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang bắt kịp Washington trên đất liền, biển cả, không trung, không gian, và không gian số. Theo một số nhà quan sát, Trung Quốc thậm chí còn vượt qua sức mạnh của Mỹ ở vùng tây Thái Bình Dương.

    Lúc này, khi 2 bên đã cân sức hơn, tốc độ thu thập và phân tích dữ liệu để đưa chiến thuật vào hành động sẽ có vai trò quyết định.

    Lầu Năm Góc muốn hợp tác với hơn 30 quốc gia để thực thi nền tảng JADC2, theo một quan chức cấp cao. Nếu xung đột xảy ra, việc tích hợp dữ liệu của nước bạn sẽ tăng độ chính xác của AI.

    Trong bài phát biểu ngày 13/7, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh hoạt động sử dụng AI cần mang tính “trách nhiệm, công bằng, có thể truy vết, đáng tin cậy, và có thể được kiểm soát”.

    Một số nhà phê bình từng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xuất hiện “robot sát thủ” tự hành có khả năng tấn công mà không cần con người can thiệp. Số lượng các cuộc thảo luận về quy định quốc tế điều chỉnh sử dụng AI trong chiến tranh còn rất ít.

    Cũng trong buổi hội thảo ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong những tuần tới, Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra chiến lược sử dụng dữ liệu hiệu quả trong chính sách đối ngoại.

    Những dữ liệu này có thể “giúp Bộ Ngoại giao dự đoán nơi nào sẽ xảy ra nội chiến, nạn đói, hoặc khủng hoảng kinh tế cùng cách phản ứng hiệu quả hơn”, ông Blinken nói.

    Không có nhận xét nào