Header Ads

  • Breaking News

    Ls. Lê Quốc Quân - Các NGO là một nền tảng quan trọng của xã hội dân sự và là cái gai trong các chế độ độc tài, toàn tr

    Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung bị bắt. VOA News 

    Ảnh: Nhà báo Mai Phan Lợi, đang thuyết trình trong hội thảo nâng cao kỹ năng truyền thông và tiếp cận thông tin.

    Vào ngày 2/7 vừa qua, công an Hà Nội tiến hành bắt 2 người là Nhà báo Mai Phan Lợi và Thạc sỹ Đặng Đình Bách với cáo buộc "trốn thuế. Hai người này có vẻ xa lạ với giới đấu tranh dân chủ và việc bắt giữ họ không thu hút được sự quan tâm lớn và bình luận nổi trội trên mạng.

    Tuy nhiên, vì cũng đã từng bị cáo buộc về tội “trốn thuế” trong một vụ việc có động cơ chính trị rõ ràng, cho nên tôi đi sâu tìm hiểu về việc của 2 người này và đăng status sau đây giúp bạn bè facebook hiểu thêm.

    1. NHÀ BÁO MAI PHAN LỢI

    Nhà báo Mai Phan Lợi sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) có trụ sở tại Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy – HN với mã số thuế là 0105989599 thuộc quản lý của Chi cục thuế Quận Cầu Giấy.

    Trung tâm MEC là chủ trang kênh truyền thông GTV, thường có các Talkshow cùng các chuyên gia, học giả để phổ biến kiến thức và kỹ năng truyền thông cho những nhóm yếu thế trong cộng đồng. Đối tác hoạt động của Trung tâm MEC bao gồm cả WB, Đại sứ quán Anh và một số tổ chức phát triển trong nước và quốc tế khác.

    Nhà báo Mai Phan Lợi từng là phó tổng thư ký tòa soạn, trưởng văn phòng đại diện của Báo Pháp Luật tại Hà Nội nhưng đã bị thu hồi thẻ nhà báo vào năm 2016 với lý do được nêu ra là "xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Cá nhân tôi cho rằng ông đã bị rút thẻ và kỷ luật oan. Khi đó ông đã tạo một thăm dò trên trang Facebook về lý do chiếc máy bay Casa 212 của Quân đội bị rơi và đã dùng từ “tan xác”.

    Trước đó Ông Lợi đã tham gia gặp Tổng thống Hoa Kỳ Obama trong chuyến thăm Việt nam. Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra năm 2016 thì cho rằng Ông Lợi bị chính quyền “trừng phạt” vì đã đi gặp tổng thống Obama, đi ra nước ngoài mà không được phép và có đòi hỏi quyền tự do báo chí rộng rãi hơn. Sau khi rời nhóm "Nhà báo trẻ" có hơn 33 ngàn thành viên, Ông lại tích cực tham gia trên nhóm "Góc nhìn Báo chí - Công dân" với hơn 120 ngàn thành viên.

    Nhà báo Phan Văn Lợi bị tạm giữ từ ngày 24/6 nhưng bị khởi tố và chính thức bị bắt giữ vào 2/7 đúng lúc trên mạng lùm xùm việc quân nhân Trần Đức Đô bị chết và anh Lê Dũng Vova cũng là chủ một kênh TV là CHTV vừa bị bắt. Bản tin cuối cùng của GTV là ngày 22 tháng 6.

    Nhận xét về Nhà báo Mai Phan Lợi, một nhà báo đã viết: "Anh là người có công xây dựng nên giải Vành Khuyên, một giải danh giá trong đội ngũ báo chí; người sáng kiến ra giải Kền Kền, dành cho những nhà báo có bài viết nguy hại cho xã hội. Anh là người có công thu thập ý kiến góp ý vào dự thảo Luật báo chí sửa đổi và mang lại nhiều điều luật có lợi cho tác nghiệp của các nhà báo".

    2. THẠC SỸ ĐẶNG ĐÌNH BÁCH

    Thạc sỹ Bách là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) có trụ sở tại Phường Bạch Mai, Quận Hai Bà Trưng – HN với mã số thuế là 0102304889.

    Trang web của Trung tâm cho biết trung tâm được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ số 171/ĐK-KH&CN ngày 18/06/2007, là tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập, phi lợi nhuận và ưu tiên cao nhất là cho cộng đồng.

    LPSD là một thành viên của Mekong Legal Network (MLN), "Mạng lưới Môi trường Việt Nam" (Vietnam Environmental Network - VEN), "Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam" (Vietnam Sustainable Energy Alliance – VSEA), "Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam" (NCDs-VN)…

     


    Ảnh: Thạc sỹ Đặng Đình Bách đang phát biểu trong một cuộc tập huấn về Amiang, có nhiều nhà khoa học và người liên quan tham gia.

    Trong các bản tin và bài báo tôi tìm thấy thì Trung tâm này hướng về những vấn đề bảo vệ môi trường, hướng đến cuộc sống xanh và bền vững, đồng thời bảo vệ các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số.

    Có lẽ một trong những mục tiêu của Trung tâm là: “trở thành nơi lưu trữ thông tin về các vụ việc mà quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm do các hoạt động phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đã trở thành cái gai trong mắt của những người làm sai.

    Điều đặc biệt trong trung tâm của Đặng Đình Bách là các hoạt động thiện nguyện. Anh đã kêu gọi được sự tham gia rất lớn, rất tích cực của các bạn trẻ, từ những hoạt động hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ đến các hoạt ủng hộ chính quyền chống lại tác động của dịch COVID.

    Anh còn tổ chức được rất nhiều giải thưởng “sáng tạo xanh” có sự tham gia của nhiều nhân tố trẻ và đam mê bảo vệ môi trường, có tác động rất lớn đến giới trẻ. Ngay trước khi bị bắt anh còn kêu gọi được hơn 20 nhóm tham gia đăng ký đi tìm hiểu về đời sống và văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số.

    THẤY GÌ QUA VIỆC BẮT "TRỐN THUẾ"?

    Cách tiến hành bắt giữ 2 giám đốc của 2 trung tâm hoạt động như 2 NGO (Tổ chức phi chính phủ) về tội trốn thuế tự nó đã cho thấy đây là một bước đi mới. Tất nhiên, không mới là vì vẫn bài “trốn thuế” cũ như trường hợp của tôi hoặc luật sư Trần Vũ Hải, hay trước đó như anh “Điếu Cày”. Nhưng mới vì nó áp dụng cho đối tượng là “Trung tâm”. Các trung tâm này hoạt động bằng cách tự xin dự án, tự hoạt động và cân đối ngân sách, thường là không lấy tiền của cổ đông cũng không lấy tiền từ ngân sách.

    Đối với các tổ chức này, đối tượng quan trọng nhất cần phải giải trình chính là các nhà tài trợ quốc tế. Trong đó uy tín của người đứng đầu và hiệu quả của dự án là tiên quyết, lợi nhuận cũng chính là lương và sự lao lực của chủ dự án. Họ là xương sống của toàn bộ hoạt động tài trợ. Chúng ta thấy rằng cả 2 người đều là những người ôn hoà nhưng rất có năng lực và có ảnh hưởng lớn và tích cực đến truyền thông và xã hội.

    Họ không phải là những người “ồn ào” hoặc trực diện đấu tranh dân chủ nhưng việc làm của các anh có tác động tích cực và sâu rộng đến đời sống nhân dân. Họ như chiếc cầu nối giữa quần chúng cùng khổ với các chuyên gia và những nhà tác động chính sách.

    Cả nhà báo Mai Phan Lợi và Thạc Sỹ Đặng Đình Bách đều mời được rất nhiều GS-TS và những nhân vật rất có ảnh hưởng xã hội như Bà Bùi Thị An, cựu Đại biểu quốc hội; Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan; TS Nguyễn Hoàng Ánh, thậm chí như Ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội; cựu Bộ trưởng 4T Lê Doãn Hợp tham gia các Talkshow hoặc dự án của mình

    Đặc biệt hơn, ở chiều ngượi lại, họ tổ chức được cho rất nhiều thanh niên trẻ tham gia các hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường và giáo dục họ quan tâm đến những vấn đề của xã hội và đất nước.

    Phải chăng đây là vấn đề của an ninh chứ không phải của cảnh sát? Nếu thế an ninh Việt Nam đã tiến sang một bước là triệt phá các tổ chức NGO hoạt động phát triển vì cộng đồng do các thành viên mà nhà nước cho là nguy hiểm quản lý.

    Thực tế, các NGO là một nền tảng quan trọng của Xã hội dân sự và là cái gai trong các chế độ độc tài, toàn trị.

    L.Q.Q.

    Nguồn: https://www.facebook.com/vietnamsolutions

    https://boxitvn.blogspot.com/2021/07/cac-ngo-la-mot-nen-tang-quan-trong-cua.html

    Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung bị bắt

    06/07/2021

    VOA Tiếng Việt

     


    Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung. Photo Nguyen Thi Anh Tuyet

    Nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung bị công an tỉnh Nam Định bắt giam sáng ngày 6/7 tại Hà Nội, một người bạn của ông cho VOA biết.

    Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, bạn gái của ông Trung, nói rằng công an tỉnh Nam Định thực hiện khám xét nơi ở của họ ở quận Đống Đa, Hà Nội, nơi ông Trung đang cư ngụ cùng với bà.

    “Khoảng 8 giờ kém 15 thì an ninh có khoảng hơn 20 người đã ập vào nhà tôi,” bà Tuyết nói.

    Bà Tuyết cho biết ông Trung bị bắt sau khi rời nhà đi làm.

    “Tôi yêu cầu được xem giấy khám xét nhà thì được biết anh Trung bị bắt theo điều 117 Bộ Luật hình sự”, bà Tuyết cho biết thêm.

    Biên bản khám xét nhà được bà Tuyết đăng tải trên Facebook cho thấy chính quyền tịch thu một số tài liệu và thẻ nhớ máy tính của ông Trung.

    VOA đã liên lạc công an tỉnh Nam Định và công an Hà Nội để tìm hiểu thêm về việc bắt giam ông Đỗ Nam Trung nhưng chưa được phản hồi.

    Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam sử dụng điều luật 117 “tuyên truyền chống nhà nước” để bắt giam những người bình luận trên mạng xã hội, những nhà báo độc lập viết về những vấn đề chính trị nhạy cảm của đất nước hay chỉ trích giới lãnh đạo Hà Nội.

     


    Biên bản công an Nam Định khám xét nhà ông Đỗ Nam Trung ngày 6/7/2021. Photo Nguyen Thi Anh Tuyet

    Được biết vào năm 2014, ông Trung bị tống giam 14 tháng tù theo điều 258 Bộ Luật hình sự “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” vì tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông.

    Theo tổ chức nhân quyền Frontline Defenders, ông Đỗ Nam Trung, 40 tuổi, kể từ khi được trả tự do vào năm 2015, vẫn tiếp tục hoạt động tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống lại công ty Formosa (gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng năm 2016), giúp cứu hộ người dân ở những khu vực có nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất, thực hiện chiến dịch kêu gọi hàng nghìn tài xế tẩy chay các trạm thu phí, tổ chức các cuộc biểu tình chống lại chính phủ Việt Nam, và hỗ trợ dân oan mất đất.

    Tổ chức này cho biết “vì những việc làm này, ông Trung - và các đồng nghiệp của anh - phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng (cả từ chính quyền địa phương và xã hội đen) bao gồm việc quấy rối, hành hung, và đe dọa trên mạng xã hội.”

    https://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-do-nam-trung-bi-bat-/5954868.html

    Không có nhận xét nào