Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Jimmy Carter (1977-1981). Chính quyền Carter khi đó đã đề nghị Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy vậy, các hành động của Việt Nam sau năm 1978 đã làm ảnh hưởng xấu đến tiến trình này, khiến Carter từ bỏ nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Viện trợ của Mỹ cho Việt Nam: Việt Nam là một trong số những nước nhận viện trợ từ Mỹ nhiều nhất trong khu vực (nhiều năm qua luôn nằm trong nhóm 3 hoặc 4 nước đầu bảng). Tuy nhiên, chính phủ và truyền thông Việt Nam vẫn thường tuyên truyền và gợi lại những tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Những phát ngôn thù ghét nước Mỹ xuất hiện phổ biến trên mạng xã hội của người Việt Nam.
Vào ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), hai mươi năm sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ đó, quan hệ Việt – Mỹ phát triển với xu hướng ngày càng tốt đẹp hơn. Hai nước đẩy mạnh hợp tác trên hầu như tất cả lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, ngoại giao và an ninh. Tuy nhiên, vẫn còn những điều ít người biết liên quan đến tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cựu thù này.
1. Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa với Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Jimmy Carter (1977-1981)
Vào tháng 3/1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã cử một phái đoàn đến thăm Việt Nam và Lào. Chuyến đi của phái đoàn Mỹ có mục tiêu hàn gắn quan hệ với hai nước Đông Dương và tìm kiếm hài cốt của 2.550 quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. [1]
Carter nói với phái đoàn rằng ông hy vọng chuyến công tác này “sẽ dẫn đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ […] Chúng ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh Việt Nam với rất nhiều vết sẹo, vấn đề tâm lý và những vấn đề khác, chúng cần được chữa lành. Tôi nghĩ bây giờ không còn thù hận trong lòng người dân Hoa Kỳ.”
Mỹ cũng không còn phủ quyết đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của Việt Nam, mở đường cho khuyến nghị ngày 20/7/1977 của Hội đồng Bảo an, và kết quả là Việt Nam chính thức được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc vào ngày 20/09/1977. [2]
Vào năm 1977, chính quyền Carter đã đề nghị Việt Nam nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, sau đó, Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận xuất khẩu và phong tỏa tài sản đối với Việt Nam. [3]
Chính phủ Việt Nam, trong hào quang của chiến thắng, đã yêu cầu Mỹ viện trợ cho Việt Nam với khoản phí lên đến vài tỷ USD, nếu không sẽ không cung cấp thông tin về vấn đề tù nhân chiến tranh và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIAs – Prisoner of War/Missing in Action). [4]
Quan điểm của Việt Nam thể hiện trong bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền ngày 26/3/1976 như sau: “Việc Hoa Kỳ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam là một nghĩa vụ không thể chối cãi, xét về mặt pháp lý của Hiệp định Paris về Việt Nam, về mặt pháp lý quốc tế cũng như đạo lý và lương tri của con người.” [5]
Thông tin về khoản viện trợ 3,25 tỷ USD mà chính phủ Việt Nam nêu ra trong các cuộc đàm phán với chính quyền Carter bắt nguồn từ bức điện đàm bí mật vào ngày 1/2/1973 (bốn ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết) của cựu Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon gửi cho ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. [6] Trong thư của Nixon có hứa hẹn viện trợ kinh tế 3,25 tỷ USD cho Bắc Việt Nam, và có ghi rõ rằng khoản viện trợ sẽ cần được Quốc hội phê chuẩn.
Sau đó, các hành động của Việt Nam từ năm 1978 đã làm ảnh hưởng xấu đến tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Việt Nam đã trục xuất hàng trăm nghìn người Việt gốc Hoa (năm 1978), [7] gây ra nạn thuyền nhân (diễn ra đỉnh điểm vào năm 1978 – 1979), [8] cùng với việc tham gia khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế của phe xã hội chủ nghĩa), [9] ký kết hiệp ước đồng minh với Liên Xô. Năm 1978, Việt Nam còn đổ quân vào chiếm đóng Campuchia và lập nên một chính phủ bù nhìn thân Việt Nam. [10]
Chính quyền Jimmy Carter sau đó đã dừng tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Thay vào đó, Mỹ tập trung hợp tác với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN – khi đó bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) để giải quyết vấn đề Campuchia và cứu trợ nhân đạo thuyền nhân Việt Nam. [11]
2. Chương trình người tị nạn
Khi Sài Gòn thất thủ, trong năm 1975, ước tính có 140.000 người Việt đã bỏ trốn khỏi đất nước vì lo sợ chính quyền cộng sản sẽ trả thù. [12] Trong thời gian đó, Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch giải cứu. [13] Khoảng 2.600 trẻ mồ côi Việt Nam được đưa đến Mỹ trong chương trình Operation Babylift (Chiến dịch Không vận Trẻ em Việt Nam). Ngoài ra, 130.000 người tị nạn Đông Dương (phần lớn là người Việt Nam) được đưa đến Mỹ trong chương trình Operation New Life (Chiến dịch Cuộc sống Mới) và Operation New Arrivals (Chiến dịch Điểm đến Mới).
Phần lớn người tị nạn sẽ được trung chuyển đến đảo Guam, một lãnh thổ hải ngoại và là căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ đã dựng một trại tị nạn dã chiến ở trên đảo này. [14] Trại này có thời điểm “lưu trú 39.000 người và đã tiếp nhận giải quyết hơn 90.000 người, tức cứ 3 người Đông Nam Á tị nạn thì 2 người sẽ đến trại”.
Do số người tị nạn quá đông nên điều kiện sống và điều kiện vệ sinh chỉ ở mức thấp. Những người tị nạn thường phải đứng dưới trời nắng, bị ruồi muỗi vây quanh khi họ xếp hàng nhận thức ăn, quần áo hoặc đăng ký nhập cư.
Những ai không kịp di tản khỏi Sài Gòn thì không may mắn như vậy. Họ là các sĩ quan, quân nhân và cán bộ của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Nhiều người trong số họ bị bắt đi tù cải tạo, [15] trong điều kiện giam giữ hết sức khắc nghiệt, thiếu nguồn nước sạch và khẩu phần ăn ít ỏi. Sau khi chiến tranh kết thúc, ước tính 1.000.000 người bị đưa vào các trại tù cải tạo, trong số đó có khoảng 165.000 tù nhân đã chết khi bị giam giữ. [16][17]
Từ sau năm 1975 đến cuối những năm 1990, theo ước tính của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), có khoảng 800.000 người Việt Nam vượt biên trên những con thuyền. [18] Khoảng 400.000 thuyền nhân đã chết. Nguyên nhân chính là do chết đuối, một số trường hợp bị cướp biển tấn công, giết hại, bị bán làm nô lệ, v.v.
Trước cuộc khủng hoảng thuyền nhân trong khu vực, UNHCR đã thành lập Chương trình Ra đi Có trật tự (Orderly Departure Program – ODP) vào năm 1979 để giúp người Việt Nam rời khỏi đất nước một cách an toàn, thay vì mạo hiểm vượt biên tới các nước láng giềng. [19] Năm 1980, Mỹ cho phép người từ Việt Nam đến định cư ở Mỹ thông qua chương trình ODP của UNHCR, theo ba nhóm: thân nhân của những người đã định cư ở Mỹ, cựu nhân viên của chính phủ Mỹ ở Việt Nam, và những người có liên quan gần gũi khác (chẳng hạn con cái của công dân Mỹ và thân nhân của họ).
Riêng những cựu tù nhân cải tạo (cựu công chức, sĩ quan của chính quyền Sài Gòn) được ra đi và nhập cư vào Mỹ theo diện HO (Humanitarian Operation), là một chương trình con của ODP. [20]
3. Viện trợ của Mỹ cho Việt Nam
Sau chiến tranh, Mỹ bắt đầu viện trợ lại cho Việt Nam vào năm 1991, trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Bắt đầu từ năm 1991 với khoản viện trợ nhỏ giọt 1 triệu USD để hỗ trợ mua các bộ phận cơ thể giả cho các nạn nhân chiến tranh của Việt Nam, số tiền viện trợ nhìn chung tăng dần qua từng năm. [21]
Năm 2021, Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản ngân sách gần 170 triệu USD để viện trợ cho Việt Nam, vượt quá 20% so với mức 141 triệu USD mà chính quyền Donald Trump đề nghị. [22] Con số này năm 2020 là 165 triệu USD, năm 2019 và 2018 lần lượt là 154 và 149 triệu USD.
Số tiền mà Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam tăng tương đối nhanh. Đầu những năm 2000, mỗi năm Việt Nam chỉ nhận được vài chục triệu USD viện trợ. Tổng số tiền Mỹ viện trợ cho Việt Nam trong 5 năm, từ 2000 tới 2004, là 171,41 triệu USD, tức chỉ tương đương với viện trợ của riêng năm 2021. [23]
Tổ chức USAID, Mỹ, trao tặng xe lăn và thiết bị trợ thính cho người khuyết tật tại Đà Nẵng. Ảnh: USAID Việt Nam.
Những năm 2000, viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam phần lớn là cho các lĩnh vực phát triển, an sinh xã hội (trợ cấp lương thực, các chương trình liên quan đến sức khỏe, chống HIV-AIDS, phát triển kinh tế và cải cách thị trường, v.v.). [24] Ngoài ra, còn có một khoản tương đối đáng kể để khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn.
Đối với viện trợ liên quan đến vấn đề chất độc da cam, từ năm 2007 Mỹ đã chi hơn 380 triệu USD cho hoạt động khử độc dioxin và chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân dioxin. [25] Hơn 70% khoản tiền trên đã được sử dụng để khử độc dioxin. Theo số liệu của Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), ước tính từ 2,1 – 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc dioxin do quân đội Mỹ rải xuống miền nam Việt Nam trong những năm 1961 – 1971. [26]
Năm 2020, chính phủ hai nước đã đồng ý triển khai dự án tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa. Dự án kéo dài 10 năm với kinh phí 450 triệu USD. [27]
Trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong số những nước nhận viện trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhiều nhất trong khu vực (luôn nằm trong nhóm 3 hoặc 4 nước đầu bảng). [28] Viện trợ của Mỹ ưu tiên những lĩnh vực như bảo vệ môi trường, sức khỏe, năng lượng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng xã hội. Đây cũng là một trong những nguồn tài trợ chính cho các tổ chức y tế, giáo dục, từ thiện và nhân đạo hoạt động ở Việt Nam.
Bên cạnh việc nhận viện trợ, Việt Nam cũng phải chi trả cho Hoa Kỳ những khoản nợ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Năm 1997, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert E. Rubin và Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã ký kết một thỏa thuận song phương, theo đó, Việt Nam đồng ý trả toàn bộ những khoản nợ kinh tế còn tồn đọng mà Mỹ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vay trong giai đoạn 1960 – 1975. [29]
Tổng cộng, Việt Nam phải trả cho Hoa Kỳ khoảng 145 triệu USD, các khoản thanh toán được trả dần từ tháng 7/1997 đến năm 2019. Đổi lại, Mỹ đồng ý chuyển giao cho Việt Nam những tài sản bị phong tỏa, bao gồm tài khoản ngân hàng và bất động sản của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị Mỹ phong tỏa từ năm 1975. [30]
Tuy nhiên, một phần số tiền mà Việt Nam trả nợ cho Hoa Kỳ đã được dùng để thành lập quỹ Vietnam Debt Repayment Fund (Quỹ Trả nợ của Việt Nam). Năm 2000, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật thành lập Vietnam Education Foundation (VEF – Quỹ Giáo dục Việt Nam, một cơ quan liên bang của Mỹ) và dành một nửa ngân sách của Quỹ Trả nợ của Việt Nam để tài trợ cho VEF. [31]
Trong suốt 15 năm hoạt động, VEF đã trao nhiều suất học bổng cho các thế hệ sinh viên Việt Nam, tạo điều kiện cho họ theo học các chương trình khoa học và công nghệ tại những trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ.
Năm 2014, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật ủy quyền cho Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng số tiền còn lại trong Quỹ Trả nợ của Việt Nam để hỗ trợ thành lập một trường đại học tư thục, phi lợi nhuận tại Việt Nam. Đó là trường Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright University Vietnam – FUV).
Mặc dù nhận tương đối nhiều viện trợ của Mỹ trong nhiều năm, chính phủ và truyền thông Việt Nam vẫn thường tuyên truyền và gợi lại những tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Trên không gian mạng, các tài khoản mạng xã hội được cho là của các lực lượng dư luận viên thân chính quyền vẫn thường có những phát ngôn thù địch đối với chính phủ và người dân Mỹ, bất kể việc hai nước đã bình thường hóa quan hệ được 26 năm.
https://www.luatkhoa.
Không có nhận xét nào