Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Nên ngưng đếm số ca nhiễm và chiến lược thoát covid-19


    Số liệu từ Bộ Y tế VN cho thấy số ca nhiễm nặng chỉ chiếm chừng 3% tổng số ca nhiễm. Con số 3% này rất thấp so với thế giới (17%).

    Đã đến lúc chúng ta nên làm như Singapore: ngưng đếm số ca nhiễm virus mỗi ngày. Con số đó, nhứt là ở Việt Nam, không nói lên điều gì. Thay vì đếm số ca, nên tập trung vào ‘đầu ra’ (outcome), vào tiêm chủng vaccine và vào biện pháp y tế công cộng. Nên chuẩn bị phương án 4 bước như Úc để sống chung với virus vĩnh viễn.

    Ở Việt Nam, tôi đoán rằng các bạn chắc đang mệt mỏi với dịch Vũ Hán và những con số. Mở báo (online) ra đọc là thấy toàn những cái tít như ‘sáng nay, TP.HCM đã có 175 ca nhiễm Covid-19‘, ‘Trưa nay, TP.HCM vẫn đứng đầu về số ca mắc Covid-19 mới’, ‘TP.HCM vượt mốc 6.000 ca Covid-19’, v.v. Tất cả những cái tít như vậy rất đúng với phương châm của giới truyền thông ‘no news is good news’ (không có tin nào là tin tốt).

    Tuy đúng với phương châm của báo chí, nhưng nhưng con số đó không đúng với khoa học. Khoa học đòi hỏi phải có phân tích, tìm ra qui luật, và làm cho người ta ‘sáng’ ra. Những tựa đề như thế làm cho người ta hoang mang. Những con số ca như trên gần như vô nghĩa, nếu không đặt trong bối cảnh. Nếu tôi nói hôm nay HCM có 700 ca dương tính, các bạn có lẽ nghĩ là khá cao. Nhưng nếu tôi nói tất cả 700 ca đó đều là nhẹ và không cần điều trị, thì có lẽ các bạn yên tâm hơn. Do đó, vấn đề của giới báo chí hiện nay là đưa ra những con số thống kê thiếu bối cảnh nên làm cho người ta (có lẽ kể cả nhà chức trách) hoang mang.

    So sánh tình hình VN và thế giới

    Trong thực tế, đa số các ca nhiễm ở TPHCM (và cả nước nữa) là nhẹ. Theo số liệu của Cục Quản Lý Khám Chữa Bệnh (Bộ Y tế) công bố ngày 4/7, thì trong số 4806 ca nhiễm ở HCM, chỉ có 131 ca (hay 2.7%) là nặng. ‘Nặng’ ở đây là cần thở máy hay ECMO. Còn tính trên cả nước, số ca nặng theo định nghĩa trên là 3% (236 trên tổng số 7796).

    Có lẽ những con số trên chưa đủ để các bạn đánh giá tình hình dịch ở VN, nên chúng ta cần phải so sánh với tình hình nước ngoài. Theo thống kê của WHO, đa số (khoảng 80%) người bị nhiễm tự bình phục mà không cần đặc trị. Vẫn theo số liệu của WHO, cứ 1 trong 6 (17%) người bị nhiễm bị nặng và cần trợ thở [1].

    So sánh số liệu ở VN với thế giới, chúng ta thấy rõ ràng là tình trạng ở VN nhẹ hơn nhiều. Trong khi thế giới có 17% ca nặng, Việt Nam chỉ có 3%.

    Con số tử vong có liên quan đến virus Vũ Hán ở VN cũng thấp hơn thế giới. Tính đến nay, số ca tử vong ở VN là 90 người, và tỉ lệ là 0.4% (hay 4 trên 1000 người). Trên thế giới, con số này (tỉ lệ tử vong – CFR) là 0.8%, và dao động từ 0.2% đến 2.9% [2]. Như vậy, tính trung bình, tỉ lệ tử vong Covid-19 ở VN chỉ bằng phân nửa tỉ lệ trên thế giới.

    Ở VN một số người có vẻ quan tâm đến con số ca nhiễm không có triệu chứng (68%). Nhưng ở nước ngoài, theo một nghiên cứu ở Ý thì con số này là 75% [3]. Con số 68% đó chẳng có gì là quá khác thường ở VN cả.


    So sánh tình hình covid-19 giữa Việt Nam và thế giới. Dù báo chí làm ồn ào và gây hoang mang, nhưng trong thực tế tình hình ở VN không nặng như trên thế giới. Chúng ta nên ngừng đếm số ca nhiễm, mà nên tập trung điều trị số ca nặng và kiểm soát dịch ở qui mô cộng đồng.

    Có nên đếm số ca nhiễm mỗi ngày?

    Câu hỏi đặt ra lúc đầu của cái note này là chúng ta có nên tiếp tục đếm số ca nhiễm mỗi ngày? Có lẽ vài bạn sẽ nói ‘nên’, và tôi thông cảm. Nhưng ở đây, tôi muốn nói là có lẽ đã đến lúc chúng ta nên ngưng cách làm đó, và thay vào đó là tập trung vào kiểm soát dịch và điều trị.

    Có lẽ vài bạn theo dõi vấn đề đã nghe đến việc Singapore lên kế hoạch ngưng đếm số ca nhiễm mỗi ngày [4]. Singapore là nước được xem là thành công trong chống dịch. Họ cũng đã tiêm chủng liều 1 cho gần 65% dân số. Cho đến nay, Singapore vẫn ghi nhận số ca nhiễm mỗi ngày. Nhưng các giới chức y tế bên đó đã có viễn kiến là phải sống chung với con virus này vĩnh viễn. Đã xác định đó là viễn cảnh, thì số ca nhiễm mới, theo họ, cũng như số ca cúm mùa nhưng có một số ca nặng hơn. Họ lí luận rằng, chúng ta không làm thống kê số ca cúm mùa mỗi ngày, thì hà cớ gì phải làm thống kê cho covid-19. Chúng ta đã sống với cúm mùa (mỗi năm cũng giết chết khá nhiều người), thì chúng ta cũng phải làm quen sống với Covid-19.

    Điều sau đây tôi thích chiến lược của Singapore: thay vì cứ đếm số ca nhiễm, nên tập trung vào số ca nặng và ‘outcome’. Bao nhiêu người bị nhiễm nặng, bao nhiêu người phải vào ICU, bao nhiêu người cần oxygen, bao nhiêu người tử vong, v.v. Đó là con số có ý nghĩa mà chúng ta cần tập trung vào. Còn con số ca nhiễm chung chung không có ý nghĩa gì cả.

    Song song với đó, con số 68% không triệu chứng có ý nghĩa là chúng ta cần phải tập trung vào công nghệ theo dõi (tracing). Ở Úc, khi chúng tôi đi đến đâu (quán cà phê, quán ăn, siêu thị, vào labo, vào công sở, v.v.) đều phải ‘ghi danh’ điện tử. Khi nơi đó có ca nhiễm được phát hiện thì tất cả những ai từng đến đó nên đi xét nghiệm. Theo dõi như thế này giống như chế độ ‘Anh Cả’ (Big Brother), nhưng đành phải chịu trong thời gian dịch bệnh thôi.

    Và, nếu có tracing như thế, thì câu hỏi đặt ra là chúng ta nên làm xét nghiệm PCR cho 5 triệu dân TPHCM? Theo tôi thì không. Tại sao? Tại vì chúng ta đoán khá rõ rằng số ca dương tính rất thấp (chừng 20,000 đến 25,000 người). Và, giả dụ rằng có 25,000 người bị nhiễm, thì số ca nặng cũng rất thấp (có lẽ chừng 750 người). Vậy thì tiêu ra 75 triệu USD hay 1500 tỉ đồng để làm xét nghiệm PCR sẽ đem lại lợi ích gì? Nó có lợi cho nghiên cứu khoa học, nhưng không hẳn có lợi ích trong kiểm soát dịch.

    Nếu cần làm xét nghiệm (và tôi nghĩ cần), tôi vẫn nghiêng về mô hình xét nghiệm ngẫu nhiên (random sampling) hơn là làm trên 5 triệu người. Xét nghiệm ngẫu nhiên ở đây có nghĩa là chọn ngẫu nhiên một phần trăm cư dân ở mỗi phường / xã để xét nghiệm (thay vì làm tất cả cư dân). Cách làm này sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền, mà vẫn có thể cho chúng ta một ước số đáng tin cậy để kiểm soát dịch.

    Có khi nào các bạn tự hỏi đã quá mệt mỏi với những thống kê về số ca nhiễm mỗi ngày? Ở Úc tôi, có thể nói cả nước cứ thấp thỏm về mấy con số này. Nếu con số ca giảm, nhà chức trách sẽ bỏ lệnh lockdown, còn nếu số ca không giảm hay tăng họ có lí do tiếp tục lockdown. Mà, ở Sydney này, số ca nhiễm chỉ chừng 20-30 mỗi ngày và tuyệt đại đa số là đã cách li. Nếu cứ lockdown như thế này thì ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của dân, trong đó có tôi. Cứ mỗi ngày lockdown, thành phố Sydney này (5 triệu dân) mất đi 1 tỉ đô-la. Đó là chưa nói đến những thiệt hại về sức khoẻ và tinh thần (xuống tinh thần) cho hàng vạn người mà chúng ta không thể thấy được.

    Úc đã lên kế hoạch 4 giai đoạn để ‘exit’ covid-19, và Việt Nam cũng nên tập trung trí lực suy nghĩ cho một kế hoạch như thế. Theo kế hoạch exit của Úc, có 4 giai đoạn [5]:

    Giai đoạn I: vaccine, chuẩn bị và thử nghiệm. Du lịch và đi nước ngoài sẽ giảm 50%, tiêm vaccine cho người hồi hương, thử nghiệm cách li 7 ngày (thay vì 2 tuần);

    Giai đoạn II: Du khách và đi nước ngoài sẽ khôi phục 100% như trước dịch. Ưu tiên du khách đã tiêm chủng vaccine, không lockdown hay chỉ lockdown khi tình huống hết sức nghiêm trọng;

    Giai đoạn III: Xem covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác. Không lockdown, không giới hạn đi lại nước ngoài, không giới hạn du khách;

    Giai đoạn IV: Bình thường hoá như trước đại dịch.

    Tóm lại, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên làm như Singapore: ngưng đếm số ca mỗi ngày (chỉ tập trung vào số ca nặng) và chuẩn bị phương án sống chung với con virus này vĩnh viễn [6] như Úc đang làm [5]. Sống với virus, nói như một giáo sư trong bài báo [6], là bảo đảm sao cho cộng đồng được bảo vệ từ những ảnh hưởng nặng nề của virus. Nhưng để sống chung với virus Vũ Hán, thì ưu tiên số 1 là vaccine tiêm vaccine, chớ không phải làm xét nghiệm đại trà.

    _____

    [1] https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/question-and-answers-hub/q-a-detail/coronavirus-disease-covid-19

    [2] https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.04.01.20050476v1

    [3] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0241536#pone-0241536-t002

    [4] https://edition.cnn.com/travel/article/singapore-covid-plan-intl-hnk/index.html

    [5] https://www.theguardian.com/australia-news/2021/jul/03/experts-welcome-australias-four-stage-covid-exit-strategy-but-warn-hard-yards-still-to-come

    [6] https://e.vnexpress.net/news/news/not-time-yet-for-vietnam-to-live-with-covid-experts-4303253.html

    https://nguyenvantuan.info/2021/07/07/nen-ngung-dem-so-ca-nhiem/

    Không có nhận xét nào