Header Ads

  • Breaking News

    Cuộc khủng hoảng kế nhiệm sắp tới của Trung Quốc

    Sau gần chín năm cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống trị hệ thống chính trị của đất nước mình. Ông kiểm soát quá trình hoạch định chính sách trong nước, quân đội và chính sách đối ngoại. Quyền lực vô song của ông trong Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến ông Tập trở thành một người không thể chạm tới, như Joseph Stalin hay Mao Trạch Đông sau những cuộc thanh trừng tàn bạo từng được thực hiện trong thời kỳ Đại Khủng bố hay Cách mạng Văn hóa. Khi không có những đối thủ chính trị đáng kể, bất kỳ quyết định nghỉ hưu nào đều sẽ do ông Tập tự quyết định và theo lịch trình mà ông chọn.

    Cuộc khủng hoảng kế nhiệm sắp tới của Trung Quốc

    Việc dỡ bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước hồi năm 2018 cho phép ông cầm quyền vô thời hạn, nếu muốn. Nếu từ bỏ các chức vụ lãnh đạo chính thức của mình, ông Tập vẫn có khả năng giữ được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân. Ông càng nắm quyền lâu thì cơ cấu chính trị càng phù hợp với tính cách, mục tiêu, ý muốn bất chợt và mạng lưới thân hữu của ông. Đến lượt mình, càng tại vị lâu thì ông Tập càng trở nên quan trọng hơn đối với sự ổn định chính trị của Trung Quốc.

    Sự tập trung quyền lực cá nhân này khiến Trung Quốc phải trả giá. Ông Tập vẫn chưa chỉ định một người kế nhiệm, gây ra sự nghi ngờ về tương lai của một hệ thống vốn ngày càng phụ thuộc vào sự lãnh đạo của ông. Chỉ một số ít các quan chức cấp cao của đảng mới có một ít thông tin nào đó về kế hoạch dài hạn của ông Tập, và cho đến nay, họ vẫn im lặng về việc ông muốn tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo trong bao lâu. Ông sẽ nghỉ hưu tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022, hay sẽ bám lấy quyền lực vĩnh viễn? Nếu ông đột tử khi đang cầm quyền, như điều xảy ra với Stalin năm 1953, liệu có xuất hiện sự chia rẽ trong đảng khi các phe cánh tranh giành quyền lãnh đạo hay không? Liệu những người quan sát bên ngoài có thể phát hiện ra những dấu hiệu của sự bất hòa đó hay không?

    Đặt ra những câu hỏi này không phải là một sự suy đoán vu vơ. Một ngày nào đó, theo một cách nào đó, ông Tập sẽ phải rời khỏi sân khấu chính trị. Nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về việc ông ấy sẽ rời đi khi nào và theo cách như thế nào, hoặc ai sẽ là người thay thế ông. Do đó, Trung Quốc đối mặt với khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kế vị. Trong vài năm qua, ông Tập đã né tránh các chuẩn mực mong manh của Đảng về việc chia sẻ và chuyển giao quyền lực. Khi đến thời điểm phải thay thế ông, một điều tất yếu phải xảy ra, tình trạng rối loạn ở Bắc Kinh có thể gây ra những tác động bất ổn vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc.

    Sự trở lại của màn kịch chính trị

    Sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, trật tự và đều đặn thường được coi là điều đương nhiên trong các nền dân chủ hiện đại, trong khi những cuộc chuyển giao quyền lực không suôn sẻ là nguồn gốc của các cuộc xung đột và bất ổn trên toàn thế giới. Ngay cả các hệ thống dân chủ với các thủ tục pháp lý mạnh mẽ và các quy ước lâu đời liên quan đến kế vị cũng không tránh khỏi tình trạng chuyển giao quyền lực bấp bênh, như chúng ta đã thấy trong nỗ lực gần đây của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thách thức việc Tổng thống Joe Biden đắc cử. Ở nhiều quốc gia, các ràng buộc chính trị và pháp lý không đầy đủ đã tạo điều kiện cho các lãnh đạo đương nhiệm nắm giữ quyền lực, thường là vô thời hạn. Khi các quy trình pháp lý mạnh mẽ hơn, các nhà lãnh đạo có ý định bám víu quyền lực thường chặn trước hoặc thậm chí bỏ tù các đối thủ chính trị. Mặc dù một số nhà độc tài thành công trong việc chống lại các mối đe dọa đối với quyền lực của họ, nhưng những nỗ lực để cai trị suốt đời như vậy cũng có thể gây ra các cuộc khủng hoảng kế vị, hay các nỗ lực thách thức họ, hoặc thậm chí là các cuộc đảo chính.

    Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Học giả Bruce Dickson đã mô tả quá trình kế vị là “màn kịch trung tâm của chính trị Trung Quốc gần như kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân được thành lập vào năm 1949.” Trong thời Mao, các cuộc chiến giành quyền lãnh đạo diễn ra thường xuyên và khốc liệt, từ “Vụ việc Cao Cương” vào đầu những năm 1950, vốn chứng kiến việc ​​Mao gieo rắc mâu thuẫn giữa một số người kế vị, dẫn đến cái chết của Lâm Bưu, người được Mao chọn làm người kế vị và chết trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn khi đang cố gắng chạy trốn khỏi Trung Quốc vào năm 1971. Một người kế nhiệm tiềm năng khác, Lưu Thiếu Kỳ, bị Mao gạt sang một bên và bị Hồng vệ binh đánh đập trước khi chết trong cảnh bị giam cầm vào năm 1969. Cuối năm 1976, các thành viên của “Tứ nhân bang”,một nhóm các quan chức cấp cao đã tìm cách cực đoan hóa Cách mạng Văn hóa, đã bị bắt chỉ vài tháng sau khi Mao qua đời. Người được Mao chọn kế nhiệm, Hoa Quốc Phong, ủng hộ các vụ bắt giữ này nhưng lại bị Đặng Tiểu Bình, người nắm quyền lãnh đạo vào cuối năm 1978, gạt sang một bên vài năm sau đó. Hai nhà lãnh đạo mà Đặng Tiểu Bình đã chọn để dẫn dắt Đảng vào những năm 1980, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, đều bị hạ bệ trong bối cảnh bất ổn chính trị và các cuộc đấu đá nội bộ căng thẳng của giới chóp bu.

    Tuy nhiên, mô hình đã thay đổi trong vài thập niên tiếp theo. Vào thời điểm ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, có vẻ như Bắc Kinh đã hình thành ổn định quy trình chuyển giao quyền lực hòa bình, bền vững, và có thể đoán trước được. Các học giả nổi tiếng về Trung Quốc đã đi xa đến mức tuyên bố rằng “bản thân quá trình kế vị đã trở thành một thể chế của Đảng.” Nhưng ông Tập đã phá bỏ những giả định đó khi giờ đây ông sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ hai của mình. Tại cuộc họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào mùa xuân năm 2018, ông đã thông qua một bản sửa đổi hiến pháp loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của mình. Cũng quan trọng không kém là việc ông chưa xác định một ứng cử viên nào có thể thay thế ông, và cả Tập lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc đều không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một sự chuyển đổi sắp xảy ra. Mặc dù một số phương tiện truyền thông do đảng kiểm soát đã tuyên bố rằng ông Tập không có ý định cầm quyền suốt đời, nhưng rõ ràng đã không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về tương lai chính trị của ông.

    Kịch bản nào cho ông Tập?

    Ông Tập có thể sẽ khiến người ta bất ngờ và quyết định chuyển giao quyền lực tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm 2022. Nhưng nếu không có người kế nhiệm, một người đã tạo được uy tín và được Đảng thử thách, thì kịch bản này rất khó xảy ra. Thay vào đó, một số ứng viên có thể sẽ được thăng chức thông qua việc bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực chính trị cao nhất ở Trung Quốc. Những cá nhân này sau đó sẽ mất vài năm chuyển qua các chức vụ ngày càng cao hơn để có kinh nghiệm quản lý và xây dựng uy tín trong hệ thống. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Tập chỉ định một hoặc nhiều người kế nhiệm tiềm năng vào năm 2022 với mục tiêu chính thức nghỉ hưu vào Đại hội Đảng sau đó, điều đó cũng không có nghĩa là sự kiểm soát không chính thức của ông sẽ chấm dứt. Ông có thể tiếp tục nắm quyền từ hậu trường, như Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đã làm sau khi nhiệm kỳ lãnh đạo của họ kết thúc. Xu hướng này ở Trung Quốc phù hợp với một mô hình lịch sử nói chung từ trước đến nay: hiếm khi các hoàng đế quyền lực thoái vị, và nếu nhường ngôi họ vẫn thường giữ ảnh hưởng to lớn. Hiện tại, sự thống trị của ông Tập khiến các chính phủ nước ngoài không có cơ hội xây dựng quan hệ với những người kế vị tiềm tàng. Và nếu ông không xác định ứng viên mà ông ủng hộ vào năm 2022, sự trì hoãn có thể có nghĩa là bất kỳ ai đủ điều kiện trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc hiện vẫn giữ một chức vụ còn quá thấp để có thể lọt vào tầm ngắm của các nhà quan sát bên ngoài.

    Dù sự củng cố quyền kiểm soát của ông Tập là rất ấn tượng, nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo uy quyền nhất cũng phải dựa vào sự ủng hộ của một liên minh các tác nhân và nhóm lợi ích. Sự ủng hộ đó là có điều kiện, và có thể bị xói mòn khi các điều kiện trong nước và quốc tế thay đổi. Không người ngoài cuộc nào biết được bản chất chính xác của cuộc thương lượng giữa ông Tập và các thành viên của giới tinh hoa chính trị, kinh tế và quân sự. Nhưng chắc chắn rằng, nếu xảy ra suy thoái kinh tế đáng kể, hay việc liên tục xử lý sai lầm các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại, công việc cân bằng các nhóm lợi ích cạnh tranh của ông Tập sẽ trở nên thách thức hơn, và sự kiểm soát của ông trở nên khó khăn hơn. Mọi liên minh đều có điểm đứt gãy. Tất nhiên, đây là lý do tại sao các nhà lãnh đạo phản ứng với các nỗ lực đảo chính một cách mạnh tay như vậy; họ muốn ngăn chặn những kẻ thách thức. Như Tổng thống Gambia, Yahya Jammeh, đã cảnh báo sau một cuộc đảo chính thất bại hồi năm 2014: “Kẻ nào định tấn công đất nước này, thì hãy sẵn sàng, vì các người sẽ chết”.

    Việc lật đổ một nhà lãnh đạo đương nhiệm, đặc biệt là một nhà lãnh đạo có gọng kìm sắt kiểm soát một nhà nước độc đảng theo kiểu Lê-nin-nít, là một điều không dễ dàng. Bất kỳ ai nuôi tham vọng lật đổ phải đối mặt với những trở ngại khó khăn, bắt đầu với việc tập hợp sự ủng hộ từ các thành viên chủ chốt của bộ máy quân sự – an ninh mà không gây nên sự báo động đối với nhà lãnh đạo đương nhiệm và bộ máy an ninh xung quanh nhà lãnh đạo đó. Với khả năng công nghệ của các lực lượng an ninh của Đảng mà ông Tập kiểm soát, một nỗ lực như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị phát hiện và khả năng những người đồng chủ mưu sẽ thay đổi ý định và đào tẩu. Đúng là ông Tập có một loạt kẻ thù trong đảng. Nhưng cũng đúng khi nói rằng những rào cản đối với việc lập mưu chống lại ông gần như là không thể vượt qua. Nếu không có một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, khả năng các đối thủ của ông Tập tiến hành một cuộc đảo chính là cực kỳ nhỏ.

    Nhưng một cái chết đột ngột hoặc mất khả năng làm việc sẽ khiến sự lãnh đạo của ông Tập bị rút ngắn, bất kể ông định chấm dứt nó vào thời điểm nào. Ông Tập hiện đã 68 tuổi, có tiền sử hút thuốc, bị thừa cân, làm công việc căng thẳng, và theo truyền thông nhà nước, thì “tìm niềm vui trong việc làm việc hăng say”. Mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ông Tập đang gặp tình trạng sức khỏe kém, ông không phải là người bất tử. Và giờ đây, khi ông đã phá bỏ các chuẩn tắc kế vị của Trung Quốc, sự vắng mặt của ông sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực, và có thể kích hoạt các cuộc đấu đá nội bộ ở các cấp cao nhất của Đảng. Các thành viên trong liên minh của ông Tập có thể chia thành các nhóm đối lập, mỗi nhóm ủng hộ một người kế nhiệm của riêng mình. Những người đã bị trừng phạt hoặc bị gạt ra bên lề dưới thời ông Tập có thể cố gắng tận dụng cơ hội hiếm có để giành lại quyền lực. Ngay cả khi ông Tập không chết nhưng mất khả năng làm việc do đột quỵ, đau tim, hoặc một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, Trung Quốc cũng sẽ rơi vào tình trạng lấp lửng về chính trị. Những người ủng hộ chế độ, cũng như những người thách thức, sẽ buộc phải tranh giành để thành lập các liên minh mới, nhằm chuẩn bị cho cả tình huống ông Tập phục hồi hoặc không thể vượt qua, dẫn với những hậu quả khó lường đối với chính sách đối nội và đối ngoại.

    Tất nhiên, cũng có thể xảy ra những kịch bản khác. Đó là ông Tập có thể chọn nghỉ hưu vào năm 2035, thời điểm nằm giữa dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng trong năm nay và dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049. Nhưng bất kể việc ông Tập rời nhiệm sở bằng cách nào hoặc khi nào, việc thiếu một kế hoạch rõ ràng đặt ra những câu hỏi khó tránh khỏi, về khả năng chuyển giao quyền lực của đảng theo một cách thức hòa bình và có thể đoán trước được. Trong những thập niên sau khi Mao qua đời vào năm 1976, hệ thống chính trị của đất nước dường như dần ổn định, mặc dù đôi khi có bất ổn ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, ngày nay, tương lai chính trị của Trung Quốc đang bị bao bọc bởi sự bất định. Vấn đề kế vị không phải là loại vấn đề mà các quan chức Trung Quốc thảo luận công khai, nhưng họ cũng không thể phớt lờ nó được. Đó là một vấn đề mà sớm muộn cũng cần phải có giải pháp.

    Jude Blanchette là chủ nhiệm chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là tác giả cuốn sách China’s New Red Guards: The Return of Radicalism and the Rebirth of Mao Zedong.

    Richard McGregor là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lowy và là tác giả của cuốn Xi Jinping: The Backlash.

    http://nghiencuuquocte.

    Không có nhận xét nào