Header Ads

  • Breaking News

    « Cách mạng » cộng sản Cuba đang tàn hơi

    Trong bài « Cuba, một cuộc cách mạng đang hụt hơi » đăng trên Le Monde, nhà báo mang bút danh Thérésa Bond nhận định, tuy các cuộc biểu tình vô tiền khoáng hậu gần đây không dẫn đến sự sụp đổ chính quyền, nhưng sự phẫn nộ của người dân cho thấy những huyền thoại xung quanh bình đẳng xã hội ở Cuba đã sụp đổ.

    Đối với hàng triệu du khách nhất là người Pháp, cái tên Cuba gợi lên ánh nắng mặt trời, điệu nhảy salsa, cocktail mojito, những chiếc xe cổ lỗ sỉ từ thế kỷ trước…Từ ngày 11/07, một loạt các cuộc biểu tình ở khắp nơi trên đảo quốc đã làm lộ ra một bộ mặt khác, đó là một cuộc cách mạng đang hấp hối. Phải chăng sau 62 năm ngự trị, đây là khởi đầu cho hồi kết của chế độ cộng sản kiểu Castro ? Fidel đã chết, nhưng những huyền thoại bao quanh vẫn tồn tại.

    Các huyền thoại đã chết

    Trước hết là huyền thoại về bình đẳng xã hội. Trong khi giới cầm quyền có chế độ đặc biệt, thì đại đa số người dân Cuba khẳng định đang phải đối mặt với ba vấn đề : tìm cho được cái ăn buổi sáng, buổi trưa và buổi tối, tuy đã có tiêu chuẩn trong sổ mua hàng. Từ tờ mờ sáng, mỗi lần tin đồn có hàng phân phối về là đám đông lại tụ tập. Những hàng dài người chờ đợi trước các cửa hàng nhà nước ở thủ đô và các tỉnh tạo điều kiện cho con virus corona sinh sôi. Mỗi tối phải nghe những lời tuyên truyền nổ như pháo trên truyền hình, nhưng sáng ra người Cuba lại thấy những cửa hàng với quầy kệ trống rỗng. Đó là « chiến thắng của tủ lạnh đối với tivi » - theo như câu nói thời Liên Xô cũ vào thập niên 80.

    Một huyền thoại khác bị sụp đổ, là hệ thống y tế Cuba thường được cho là tuyệt vời. Lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, ông Jean-Luc Mélenchon ngưỡng mộ vaccin Cuba, tuy không được công nhận và hiệu quả chưa biết rõ. Các trường hợp lây nhiễm và tử vong do Covid tăng vọt, nhất là tại tỉnh Matanzas, nơi có các bãi biển thu hút nhiều khách Nga. Khẩu trang và các sản phẩm vệ sinh không thể nào tìm mua được, các bác sĩ giỏi nhất đã được gởi ra nước ngoài để duy trì hình ảnh và để kiếm ngoại hối…

    Chỉ còn lại huyền thoại « cách mạng », một từ ngữ chung chung mang lại hy vọng. Tại Cuba từ năm 1959, từ này được dùng để chỉ một chế độ độc đảng với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đã thất bại ở khắp nơi trên thế giới. Sự rút lui của các nhà lãnh đạo lão thành không làm thay đổi được gì, tân chủ tịch Miguel Diaz-Canel lặp lại những câu khẩu hiệu đã sáo mòn.

    Nhân dân đã xuống đường, nỗi sợ đang ở phía chế độ

    Dưới thời Fidel Castro, từ 1980 đến 1994, các cuộc biểu tình đã dẫn đến làn sóng vượt biên ồ ạt, thường được chế độ tạo điều kiện. Nhưng phong trào biểu tình mới đây mang một tính cách khác. Ngày 11/07, đám đông không mong sang Mỹ hay các nước khác tị nạn, mà họ hô vang « Tự do ! », « Đả đảo cộng sản ! », « Chúng tôi không còn sợ hãi », những câu khẩu hiệu mang nặng ý nghĩa trong một xã hội nổi tiếng là « ngoan ngoãn ». Hiện thời chính quyền huy động đông đảo lực lượng an ninh để lập lại trật tự, nhưng những bất mãn chồng chất khiến biểu tình rồi sẽ tái diễn. Bởi vì tất cả những khuôn mặt xã hội dân sự có thể đối thoại đều đã bị chính quyền thường xuyên gạt ra bên lề.

    Các nhà đấu tranh nhân quyền trong thập niên 80-90 hy vọng perestroika theo kiểu xô-viết ? Fidel Castro đã tống giam họ hoặc buộc phải lưu vong. Năm 2003, các nhà báo độc lập có cùng số phận : 75 người phải lãnh những bản án tù nặng nề. Tháng 11/2020, khi một nhóm nghệ sĩ cố gắng đối thoại với bộ trưởng Văn hóa, họ đã bị cáo buộc hoạt động phản cách mạng. Những ai không đi tị nạn nay đã bị quản thúc tại gia. Đối mặt với chế độ, nay chỉ còn sót lại vài ca sĩ nhạc rap hoặc « người có ảnh hưởng » trên các mạng xã hội, những người kế thừa thảm hại so với Nelson Mandela, Vaclav Havel hay Andrei Sakharov.

    Cách đây đúng 70 năm, Fidel Castro, đặt cộp khẩu súng trên bàn Thư viện Quốc gia, tuyên bố : « Đi với cách mạng thì có tất cả, chống lại cách mạng sẽ không có gì cả ». Vào thời đó, nhà thơ phản kháng Virgilio Pinera đã phản ứng : « Tôi sợ, rất sợ hãi ». Ngày nay nhân dân đã xuống đường. Và chính là chế độ đang phải « sợ, rất sợ ».

    https://www.rfi.fr/vi

    Không có nhận xét nào