Header Ads

  • Breaking News

    Bs. Võ Xuân Sơn - Thay đổi hay là chết

    Một công ty có 81 người, chủ động đi xét nghiệm, lòi ra 20 người dương tính, gần 25% (1). Như vậy là dịch đã lưu hành trong cộng đồng nhiều và khá lâu rồi. Vậy thì chúng ta có thể tự hào là chúng ta chống dịch giỏi hay không?

    Còn nhớ có lúc tôi rất muốn đi xét nghiệm. Tôi muốn biết mình âm tính chắc chắn để về thăm mẹ tôi. Vì tôi làm trong cái ngành mà mức độ phơi nhiễm khá cao, trong khi mẹ tôi thì lớn tuổi và mắc nhiều bệnh nền. Có lúc, cả mấy tháng trời tôi không gặp mẹ, dù tôi ở chỉ cách mẹ tôi có chưa đến 5 phút đi xe. Vậy mà rất khó khăn. Khi đó, phải có những tiêu chuẩn dịch tễ mới được xét nghệm.

    Chúng ta không xét nghiệm thì làm sao biết dịch có lây lan trong cộng đồng hay không. Vì vậy, khi mọi người cảm thấy dịch vãn rồi, thậm chí có người còn đề nghị tuyên bố hết dịch, thì tôi vẫn nói với các bạn của tôi, rằng không biết chừng dịch đầy ra trong cộng đồng. Và bây giờ là thế thật.

    Bây giờ, chính quyền quyết định cho phép làm xét nghiệm rộng rãi. Ngoài chiến dịch xét nghiệm tại TPHCM, còn cho phép các cơ sở y tế làm test kháng nguyên nhanh, chắc chắn là số lây nhiễm sẽ rất lớn. Vấn đề đặt ra là chúng ta xét nghiệm để làm gì? Chúng ta sẽ xử lí ra sao với kết quả xét nghiệm?

    Nếu cứ truy vết, phong tỏa, cách li, thì liệu ai sẽ đi làm việc đó? Đi lấy mẫu, có người dương tính: phong tỏa, cách li. Đi chích ngừa, có người dương tính: phong tỏa, cách li. Bệnh viện có bệnh nhân dương tính: phong tỏa, cách li. Bệnh viện có nhân viên dương tính: phong tỏa, cách li… Nếu cứ xét nghiệm thế này thì ai còn ở ngoài, không bị phong tỏa, cách li, để đi phong tỏa, cách li người khác nữa?

    Theo số liệu ngày 28/6/2021 (2), chúng ta có 12.788 ca nhiễm kể từ 27/4, trong đó có 3.745 đã khỏi bệnh, còn lại 9.043 ca. Trong khi đó, chúng ta đang cách li 204.159 người. Trung bình, mỗi người dương tính, có 22,5 người phải cách li. Nếu lấy 1/10 tỉ lệ của cái công ty 81 người, có 20 người dương tính, thì tỉ lệ lây nhiễm cộng đồng khoảng 2,5%. Với tỉ lệ đó, có khoảng 2,3 triệu người Việt nam bị nhiễm, và sẽ phải cách li gần 52 triệu người.

    Làm được không?

    Giả sử chúng ta có 2.300.000 người dương tính (theo tỉ lệ kì vọng là chỉ bằng 1/10 tỉ lệ dương tính của cái công ty kia), thì, tính theo tỉ lệ bệnh nặng mà giám đốc HCDC cung cấp là 1,3% (3), số bệnh nhân mà chúng ta cần chữa chạy tích cực là 29.900 người. Còn nếu tính theo tỉ lệ nhập viện của bệnh nhân nhiễm cúm Tàu của Mỹ là 4,9% (4), tức là 112.700 người.

    Còn nếu chúng ta cố gắng ngăn chặn bằng truy vết, cách li, phong tỏa như đang làm, với hi vọng giảm số lây nhiễm bằng 10% con số trên, là 230.000 người. Như vậy, chúng ta sẽ phải lo bệnh viện cho 230.000 bệnh nhân, và quản lí cách li cho 230.000 X 22,5 = 5.175.000 người. Đấy là tôi đang giả sử là chúng ta thực hiện truy vết, cách li, phong tỏa hiệu quả, chứ thực ra như trên nói, là cách làm đó không hiệu quả, chuyện giảm tới 90% số lây nhiễm chỉ là mơ tưởng mà thôi.

    Thôi thì dù là con số mơ tưởng, chúng ta cứ thử chọn xem sao. Chúng ta chọn gì giữa việc tập trung chữa trị cho 29.900 bệnh nhân (hoặc lấy tỉ lệ của Mỹ, là 112.700 bệnh nhân), với việc phải xây dựng bệnh viện cho 230.000 bệnh nhân, đồng thời quản lí 5.175.000 người cách li? Chúng ta có làm nổi việc đó không?

    Chưa kể là 5.175.000 con người bị cách li kia không tham gia vào việc tạo ra của cải vật chất, mà lại trở thành gánh nặng cho xã hội vì bị cách li, và việc phong tỏa làm cho gấp 10 lần số người đó không có khả năng làm việc tạo ra của cải vật chất. Ai sẽ làm ra tiền để nuôi bộ máy đi truy vết, cách li, phong tỏa?

    Liệu có còn ai để đi truy vết, cách li, phong tỏa nữa không?

    Với việc phát hiện quá nhiều ca ngoài cộng đồng như trường hợp 20 ca trong 81 người của công ty kia, thì rõ ràng là cách làm cũ đã không hiệu quả, nếu không nói là thất bại hoàn toàn. Nó chứng tỏ rằng chúng ta không thực sự giỏi như chúng ta vẫn thường nói về mình. Nó chứng tỏ rằng, cách thức chúng ta làm đã không còn phù hợp.

    Chúng ta bắt buộc phải thay đổi.

    (1): https://tuoitre.vn/mot-cong-ty-o-binh-thanh-phat-hien-20...

    (2): https://moh.gov.vn/.../ban-tin-dich-covid-19-sang-29-6...

    (3): https://thanhnien.vn/.../tphcm-can-tinh-den-phuong-an...

    (4): https://vietnamese.cdc.gov/.../cases-updates/burden.html

    PS: Tôi xin sửa lại vài câu chữ, không ảnh hưởng đến nội dung chính của bài viết, và bổ sung thêm tài liệu tham khảo (do trước đó nghĩ ai cũng biết nên đã không dẫn ra).

    GIẢI THÍCH THÊM VỀ BÀI “THAY ĐỔI HAY LÀ CHẾT”

    Trong bài “THAY ĐỔI HAY LÀ CHẾT”, nhận thấy có một số bạn vẫn chưa hiểu rõ về bài viết, tôi viết thêm một diễn giải khác, ở góc độ dễ hiểu hơn.

    Giả sử chúng ta có 1.000 người bị xác định nhiễm virus cúm Tàu (dương tính với xét nghiệm Sars-Cov 2).

    Theo cái cách chúng ta đang làm, thì chúng ta phải có 1.000 giường bệnh, và phải kiểm soát 22.500 người cách li (cứ 1 F0 chúng ta cách li 22,5 người).

    Còn nếu chúng ta thay đổi lại, tập trung điều trị người nhiễm virus cúm Tàu có triệu chứng thực sự cần chăm sóc y tế, không cách li F1, F2… thì chúng ta sẽ phải có 13 giường bệnh (theo tỉ lệ bệnh nặng do HCDC đưa ra), hoặc 49 giường bệnh (theo tỉ lệ nhập viện của Mỹ). Và chúng ta sẽ phải kiểm soát 987 người (hoặc 951 người) cách li.

    Sẽ có bạn phản biện, rằng nếu chúng ta bỏ cách li F1, F2, thì số người lây nhiễm sẽ tăng cao.

    Cứ cho là con số người được xác định là bị nhiễm virus cúm Tàu tăng lên gấp 10 lần, thì việc phải có 130 giường bệnh (hoặc 490 giường bệnh) so với 1.000 giường bệnh, vẫn là rất nhẹ nhàng hơn nhiều. Đồng thời, việc quản lí cách li 9.870 người (hoặc 9.510 người) cũng sẽ nhẹ nhàng hơn việc quản lí cách li 22.500 người.

    Tuy nhiên, theo những diễn tiến hiện nay thì cách chúng ta đang làm không có hiệu quả, nên cái giả định là do áp dụng các biện pháp cực đoan, con số lây nhiễm giảm được đến 90%, là không tưởng. Tức là, nếu áp dụng theo cách làm chỉ quản lí người nhiễm (F0), thì số người nhiễm virus cúm Tàu nếu có tăng thêm thì cũng tăng không nhiều.

    https://www.facebook.com/xuanson.vo.5

    Không có nhận xét nào