Header Ads

  • Breaking News

    Báo chí – Mạng xã hội & Sự thật

    Thế kỷ 21 đang chứng kiến sự thay đổi về bản chất và sứ mệnh của thông tin. Có lẽ, không một tòa soạn nào còn dám nói rằng, họ là người biết tin đầu tiên nữa, vì mạng xã hội (MXH) đã làm điều đó. Giờ, báo chí biết làm gì?

    b
    Chiến dịch “Thực tế là trên hết” của CNN tuyên chiến với nạn tin giả.

    1. Kênh truyền hình CNN của Mỹ bước vào thế kỷ 21 bằng câu slogan đầy kiêu hãnh: “Là người đầu tiên biết” (Be the first to know). Họ là kênh truyền hình tin tức 24 giờ đầu tiên trên thế giới, và từ lâu đã là một thương hiệu lớn trong làng báo toàn cầu. “Là người đầu tiên biết”, nghĩa là CNN biết tin nhanh nhất, và hỡi các khán giả của CNN, bạn sẽ được thông báo tin tức nhanh nhất.

    Đó phải chăng là sứ mệnh cao nhất của báo chí? Chữ “news” (tin tức) trong tiếng Anh có từ nguyên chính là chữ “new” (mới). Thông báo cho công chúng sự kiện mới nhất, một cách nhanh nhất, là nhiệm vụ mà mọi tòa báo đeo đuổi.

    Nhưng điều đó chỉ đúng đến đầu thế kỷ này. Cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, xã hội loài người chứng kiến một cuộc chuyển dịch chưa từng có của lĩnh vực thông tin: Nhờ vào các nền tảng MXH như YouTube hay Facebook, nhờ vào các thiết bị thông minh ngày càng phổ biến, giờ tin tức nóng hổi có thể được bất kỳ người bình thường nào đăng trực tiếp lên mạng, thay vì các tòa báo.

    Năm 2014, cả thế giới theo dõi những hình ảnh đầu tiên của thảm kịch rơi máy bay MH17 bằng một đoạn video nhòe nhoẹt trên YouTube. Ai đó đã đứng ở ngay trên cánh đồng hướng dương tại Ukraine, đưa điện thoại lên trời, và cho cả thế giới chứng kiến.

    Năm 2014, CNN đổi slogan. Họ biết rằng không còn tòa báo nào trên hành tinh này dám tuyên bố “là người đầu tiên biết” nữa. Bây giờ, họ là “CNN go there” – CNN “đi tới đó”.

    CNN đi tới đó. Thông điệp như sau: Thôi được, chúng tôi biết rằng mình không phải là người đầu tiên biết tin nữa rồi; nhưng chúng tôi sẽ là người tới tận nơi, cho bạn cái nhìn trực tiếp, chân thực, chính xác và toàn cảnh về những gì đã diễn ra. Trong chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu này, CNN chạy hình ảnh của Anderson Cooper, Christiane Amanpour, những người dẫn chương trình nổi tiếng, có mặt tại những điểm nóng trên thế giới. Họ không còn ngồi trong trường quay và phân tích sự kiện nữa. Họ “go there” (đi tới đó).

    2.Đó có lẽ là ẩn dụ cho cuộc chuyển dịch quan trọng nhất của báo chí trong thế kỷ 21. Lợi thế của báo chí giờ là khả năng điều tra, thu thập bằng chứng thực địa, quan sát, mô tả, cung cấp cho độc giả những điều họ không thể tiếp cận từ xa.

    Song, “đi tới nơi” là chưa đủ. Năm 2017, CNN thay đổi khẩu hiệu một lần nữa. Lần này, là “Facts First” – “Thực tế là trên hết”. Họ chạy một quảng cáo dài 30 giây trên sóng, chỉ có ảnh một quả táo. “Đây là một quả táo”, giọng dẫn chuyện nói, “Ai đó sẽ bảo với bạn rằng đây là một quả chuối. Họ có thể gào lên: “Chuối, Chuối, Chuối” lặp đi lặp lại lặp đi lặp lại. Họ có thể viết hoa cả chữ CHUỐI. Bạn thậm chí có thể bắt đầu nghĩ rằng đây là quả chuối. Nhưng nó không phải. Đây là quả táo”.

    Chiến dịch của CNN, “Thực tế là trên hết”, khẳng định sứ mệnh lớn thứ hai của báo chí trong thế kỷ 21: tuyên chiến với tin giả. Lúc đó, hãng nói rằng họ không bỏ hẳn “Đi tới đó”, mà sẽ dùng lại nó trong tương lai sau này. Có thể hiểu rằng “Go there” và “Facts First” là một cặp khẩu hiệu có tinh thần chung.

    Thời nay, tin tức có rất nhiều và rất nhanh, nhưng lại rất dễ bị bóp méo, xuyên tạc, đi qua bộ lọc của những lực lượng, phe phái khác nhau và khiến công chúng không thể tiếp cận được “thực tế”. Giá trị của một tòa báo lúc này là tìm kiếm và phân định cho độc giả, khán thính giả của họ đâu là “thực tế”, đâu là “thực tế đã bị biến dạng”.

    Cùng giai đoạn đó, báo The New York Times cũng “chơi lớn” để đưa ra thông điệp tương tự. Họ mua 30 giây quảng cáo trong lễ trao giải Oscar chỉ để chạy một video toàn chữ. Nội dung xoay quanh ba từ: “Sự thật là…”. Trong đó có câu: “Sự thật là thực tế (fact) mà bị biến dạng thì chỉ còn là lời nói dối”.

    3. Câu chuyện thương hiệu của các hãng thông tấn lớn trên thế giới khẳng định một xu thế không thể cưỡng lại. Nói một cách hình ảnh, nếu MXH là “mỏ tin tức” khổng lồ, đủ các thứ tin tức không được phân loại, đúng sai tốt xấu hòa trộn, thì báo chí là các kỹ sư phân kim phải tách “vàng” – thứ quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất – ra khỏi mớ hỗn độn đó, và trao vào tay độc giả.

    Từng có thời, xã hội trả công cho nhà báo để lặn lội đến các vùng xa xôi, đưa tin về một cơn lũ quét. Nhưng giờ thì đồng bào cũng đã dùng điện thoại thông minh. Chỉ 15 phút khi cơn lũ quét xảy ra, một video thảm khốc và những tiếng than khóc có thể đã được chia sẻ rất nhanh trên MXH.

    Công chúng giờ sẽ trả công cho nhà báo để “đi tới đó”, tìm hiểu tác động của cơn lũ. Trong một thói quen thường thấy của MXH, ngôi làng nơi có video lan truyền sẽ nhận được hàng tỷ đồng hàng hóa cứu trợ, đầy gạo và mì ăn liền. Nhà báo sẽ có trách nhiệm nói với công chúng: Đừng tặng mì nữa, vì bà con không có nước sạch và bếp, “thực tế là trên hết”. Họ có trách nhiệm băng qua ngọn núi, và chỉ ra rằng bản bên cạnh cũng bị lũ, chỉ ít hơn một chút, để các nhà hảo tâm biết quan tâm cả đến các vùng chung quanh. Thậm chí, họ có trách nhiệm nói rằng việc bà con mua mì cứu trợ nhiều như thế sẽ làm các vùng lũ nhẹ chung quanh bị thiếu hàng hóa, tăng giá cục bộ. Báo chí sẽ trở thành điểm tựa đáng tin cậy, nếu thực hiện được các cuộc điều tra như vậy.

    Nhưng tất nhiên, các nhà báo cũng có thể lựa chọn cách khác: MXH nói gì thì mình sẽ a dua với điều đó. Họ có thể hùa theo, đến cái vùng lũ nơi có đoạn video nổi tiếng kia, chụp hàng đống ảnh, đưa tin một cách nghệ thuật hơn, thậm chí cường điệu nỗi đau của ngôi làng bằng sức mạnh của ngôn từ và ống kính. Bài viết có thể vẫn ăn khách; còn “thực tế là trên hết” kiểu nói ở trên, thì thật sự là quá tốn công…

    ĐỨC HOÀNG

    Không có nhận xét nào