Monday, January 27.

Header Ads

  • Breaking News

    ĐẬP LUANG PRABANG SẮP ĐẾN CHÂM NGÒI CHO ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG DI SẢN UNESCO

    (Impending Luang Prabang dam sparks Unesco heritage impact assessment)

    Tyler Roney and Piyaporn Wongruang – Bình Yên Đông lược dịch

    The Third Pole – June 28, 2021

    Sông Nam Khan nhìn từ đồi Phou Si, Luang Prabang. [Ảnh: Alamy]

    Mặc dù có những thách thức và lo ngại từ UNESCO và các nhà hoạt động môi trường, việc xây cất đập Luang Prabang vẫn tiến hành ở Lào

    Khi đập Luang Prabang – cách thành phố ở thượng Lào 25 km về phía bắc – bắt đầu tiến hành, UNESCO bày tỏ lo ngại về sự thích hợp và an toàn của vị trí hồi tháng 3.  Chánh phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Lao PDR) nay đang thực hiện Đánh giá Ảnh hưởng Di sản (Heritage Impact Assessment (HIA)), do UNESCO thúc đẩy.

    “Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh về điều nầy và cuối cùng chánh phủ Lào đồng ý để thực hiện.  Việc đánh giá được thực hiện gần đây và nó có thể mất nhiều tháng […]  Hy vọng, nó có thể hoàn tất trong năm nay,” nguồn tin, từ nhân viên đánh giá tình trạng bảo vệ của UNESCO trong khu vực, nói với The Third Pole.

    Nằm trên bờ sông Mekong, Luang Prabang được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO trong năm 1996.  Từ đó, hạ tầng cơ sở và du khách đã biến đổi cố đô uể oải thành một trung tâm đi lại của khu vực.  Cực điểm của việc phát triển nguy hiểm là Đường sắt Boten-Vientiane trị giá 5,9 tỉ USD của Trung Hoa, đã đến Luang Prabang từ phía nam.

    “Tình trạng bảo tồn của khu di sản nầy sẽ được cứu xét trong phiên họp lần thứ 44th sắp tới của Ủy ban Di sản Thế giới (16-31, July 2021),” Mechtild Rössler, giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, nói với The Third Pole.  “Khu di sản đã là chủ đề của các quyết định của Ủy ban Di sản Thế giới về tình trạng bảo tồn từ năm 1996.  Năm 2020, Văn phòng của Quy ước Di sản Thế giới (World Heritage Convention (WHC)) đã yêu cầu Đảng của Lao PDR đệ trình một phúc trình về tình trạng bảo tồn.”

    Khi ký kết WHC, các quốc gia hứa “không có bất cứ biện pháp cố ý nào có thể gây thiệt hại trực tiếp hay gián tiếp cho thiên nhiên và văn hóa của di sản” của một địa điểm và để “bảo đảm việc bảo vệ và bảo tồn Giá trị Tổng quát Nhận Thấy và các giá trị di sản khác.”

    Náo động của các dự án thủy điện

    Khi hoàn tất, đập Luang Prabang, được Công ty Điện PetroVietnam bảo trợ, sẽ trở thành đập ở tận cùng về phía bắc trên sông Mekong ở Hạ lưu vực Mekong, ở bên dưới 11 đập của Trung Hoa trên thượng lưu Mekong, được gọi là Lancang.

    Đập thủy điện đang được Trung Hoa xây trên sông Mekong ở gần Luang Prabang, Lào. [Ảnh: Alamy]

    Ở ngay phía nam của đập, Mekong gặp Nam Ou, một phụ lưu với chuỗi 7 đập thủy điện do PowerChina xây.  Xa về phía nam là đập Xayaburi, đập đầu tiên trên dòng chánh ở Hạ lưu Mekong và là một nguồn của tranh chấp xuyên biên giới trong hơn 1 thập niên.

    “Phạm vi chính xác của ảnh hưởng sẽ không được biết cho đến khi HIA được thực hiện, nhưng lo ngại đã được nêu lên bởi nhiều chuyên viên.  Các rủi ro tiềm tàng đối với khu Di sản Thế giới cần phải cứu xét bất cứ ảnh hưởng nào có thể không thể đảo ngược,” nguồn tin từ UNESCO nói, sau đó thêm rằng dữ kiện đập có vẻ có ảnh hưởng đến nơi đến của Giá trị Tổng quát Nhận Thấy dựa trên tin tức từ việc cứu xét kỹ thuật của dự án.

    Nếu khu Di sản Thế giới  suy thoái đến mức nó mất các đặc tính để được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới, WHC nói, Ủy ban Di sản Thế giới có thể quyết định loại khu di sản ra khỏi danh sách.  Chỉ có 2 khu di sản bị loại khỏi danh sách: Arabian Oryx ở Oman và Dresden Elbe ở Đức.

    Đập tiên phong

    “Các đập nầy bao quanh khu đô thị của Luang Prabang có hiệu quả và tôi có thể thấy tình huống ác mộng khi các nhà điều hành đập không liên lạc với nhau, một hiện tượng thời tiết lớn lao trút xuống thượng Lào và xả nước từ đập thình lình sẽ gây ngập lụt không cần thiết ở chung quanh Luang Prabang,” Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson nói.  “Đập Xayaburi giống như vòi nước của bồn tắm, không cho phép nước chảy xuống hạ lưu nếu nó chưa sẵn sàng để đối phó với việc xả nước thình lình ở thượng lưu.  Nó là tình huống phức tạp nhưng có thể xảy ra.” [Lời người dịch: Đập Xayaburi là đập dòng chảy, nên lượng nước đến đập nhiều hơn nhu cầu chạy máy turbines sẽ chảy tràn qua đập.]

    Chánh phủ Lào sẽ cần phải gia tăng phối hợp giữa chuỗi đập trên Nam Ou, đập Luang Prabang, các đập trên Nam Khan, và đập Xayaburi ở hạ lưu, Eyler nói.

    Đập Luang Prabang sẽ là đập đầu tiên ở Hạ lưu vực Mekong đối mặt với lưu lượng dao động từ 11 đập trên dòng chánh của Trung Hoa, kể cả đập Nuozhadu khổng lồ có công suất 5.850 MW.

    Các đập ở thượng lưu làm chậm nước chảy qua các turbines và cửa xả [Lời người dịch: Không đúng!], và ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên của Mekong.  Ảnh hưởng nầy làm xói mòn năng suất của thủy sản và các đồng lụt nông nghiệp, phải bị ngập bắt đầu vào giữa hè.

     

    Cùng với các kế hoạch để làm cho Lao PDR thành “bình điện” của Á Châu, dự án thủy điện Luang Prabang sẽ có công suất 1.460 MW.  Số năng lượng nầy phần lớn sẽ được bán sang Thái Lan từ năm 2027.

    Lo ngại của UNESCO

    Ngoài vấn đề an toàn và bảo tồn của khu, các phần khác của WHC yêu cầu tin tức về cái có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn thể của khu Di sản Thế giới hay khung cảnh kế cận và rộng hơn.

    Có một vài nhóm xã hội dân sự ở Lao PDR có khả năng ngăn chận việc xây cất đập thủy điện.  Tuy nhiên, đập đã bị các nhóm môi trường chỉ trích và chánh phủ Thái Lan, cảm nhận ảnh hưởng đối với biên giới Mekong với Lào và xa hơn.

    “Ảnh hưởng đối với Thái Lan chắc chắn gồm có mất cá, dao động của đập cắt đứt sinh thái sông, và dòng chảy không tự nhiên và mất phù sa cho đến khi nước trở màu xanh,” Niwat Roykaew của Nhóm Bảo tồn Chiang Khong của Thái Lan nói, thêm rằng nó sẽ ảnh hưởng các cộng đồng đánh cá ven sông.

    Thủy sản và nguồn thực phẩm tự nhiên như kai, một loại rong nước ngọt, đã nhận quá nhiều nước từ các đập thủy điện, làm thay đổi nguồn thực phẩm và kinh tế của các cộng đồng địa phương.

    Tiến hành không ngừng

    Hình thức cai quản xuyên biên giới duy nhất cho các đập trên dòng chánh Mekong là Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)).  MRC hoàn toàn là một bộ phận tham vấn, qua đó các quốc gia thành viên Thái Lan, Việt Nam, Lào và Cambodia đệ trình dự án theo Thủ tục Thông báo, Tham vấn Trước và Thỏa thuận (Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement (PNPCA)).

    Đập thủy điện Luang Prabang là đập thứ 5th được đề nghị cho PNPCA của MRC, nhằm mục đích cho phép các bên có quan tâm để tham vấn về chi tiết củ dự án.  PNPCA không thể chấp thuận hay từ chối một dự án được đề nghị.

     

    PNPCA kéo dài 6 tháng bắt đầu vào tháng 10 năm 2019, nhưng được hoãn lại vì đại dịch Covid-19.  Trong phiên họp kết thúc PNPCA trong tháng 7 năm 2020 cho dự án Luang Prabang, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam đã yêu cầu Lao PDR thực hiện việc đánh giá ảnh hưởng xuyên biên giới “chặt chẽ” và tăng cường các biện pháp được đề nghị để làm giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực của đập.

    Somkiat Prajamwong, tổng thư ký của Văn phòng Quốc gia Thủy lợi Thái Lan, Văn phòng Ủy ban Mekong Quốc gia Thái, và cựu chủ tịch của Ủy ban Hỗn hợp của MRC, nói với The Third Pole rằng các quốc gia thành viên MRC chỉ nhìn vào các vấn đề liên quan đến quốc gia của họ hay các ảnh hưởng xuyên biên giới tiềm tàng.

    Một diễn đàn khu vực như MRC, ông nói thêm, không có bất cứ ràng buộc nào đối với các quốc gia thành viên để cứu xét vấn đề của khu Di sản Thế giới.  Ông tin rằng Lao PDR sẽ giải quyết vấn đề nầy theo luật lệ và nghĩa vụ với UNESCO.

    Trước khi hoàn tất PNPCA, Đài Á Châu Tự do (RFA) tường trình rằng giới chức Lào đã sẵn sàng để dọn đất cho việc xây cất.

    Đấu tranh sức mạnh

    Trong khi MRC không có quyền để ngăn chận việc xây đập, giới chức Thái Lan đã nhận áp lực từ các nhóm môi trường để không mua điện từ đập Luang Prabang và các dự án được đề nghị trên dòng chánh khác, chẳng hạn như Sanakham, do công ty Datang International Power Generation phát triển, chỉ cách biên giới Thái có 2 km.

    “Vì đập Luang Prabang không có chủ hay công ty xây cất của Trung Hoa tham gia vào dự án, trong ý nghĩa nào đó, một liên doanh Thái-Việt đã hợp thức hóa đập Luang Prabang trong khi bất hợp thức các đập trên dòng chánh do Trung Hoa làm chủ,” Eyler nói, thêm rằng thị trường cho các đập do Trung Hoa làm chủ đã trở nên kém phổ thông vì các đập do Thái Lan xây với thị trường điện ở Thái Lan và Việt Nam không thích mua điện từ các dự án do Trung Hoa xây ở Lào.

    Thái Lan, có số điện dự trữ 30% trong năm 2020, sẽ mua điện từ đập Luang Prabang qua Cơ quan Phát điện Thái Lan (Electricity Generating of Thailand (EGAT)) do nhà nước điều hành.

     

    “Những điều kiện bất lợi nầy không báo trước điều hay cho các đập trên dòng chánh Mekong do Trung Hoa làm chủ như Pak Beng, Pak Lay và Sanakham, vẫn chưa có các thỏa thuận mua điện và vì thế chưa thể khởi công,” Eyler nói.  “Nhưng trong cách nào đó, tiếc thay, nó thúc đẩy tiến trình chung quanh đập Luang Prabang.”

    Không có nhận xét nào