Tàu hải cảnh Trung Quốc có vẻ như đã bắt đầu quấy phá một giàn khoan được Indonesia thuê để tiến hành chiến dịch khoan ở phía bắc đảo Natuna.
Hình ảnh vệ tinh ngày 3.7 cho thấy một tàu giống tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần giàn khoan Clyde Boudreaux đang khoan thẩm lượng ở cụm mỏ khí Tuna.
Đây là mỏ khí nằm trên vùng biển có độ sâu khoảng 110 mét sát ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia, nằm giáp phía nam lô 07/03 của Việt Nam.
Chiếc tàu được cho là hải cảnh Trung Quốc xuất hiện cách giàn khoan khoảng 2,88 hải lý về phía đông vào lúc 3 giờ 17 phút, giờ GMT ngày 3.7, theo hình ảnh của vệ tinh Sentinel 2.
Theo đo đạc, chiếc tàu này dài khoảng 100 mét, phù hợp với chiều dài của lớp tàu hải cảnh Zhaojun (Type 718) của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện có một tàu lớp Zhaojun ở khu vực này là chiếc Hải cảnh 5202. Nó cũng thường xuyên tiến hành xâm nhập vào gần mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh của Việt Nam.
Tuy nhiên, tối ngày 28.6, khi giàn khoan Clyde Boudreaux được kéo ra lô Tuna, tàu 5202 đã tắt tín hiệu.
Nhận diện từ hình ảnh vệ tinh cho thấy chiếc tàu trên hoàn toàn giống với tàu Hải cảnh 5202. Khi chiếc tàu này xuất hiện, giàn Clyde Boudreaux đang được bảo vệ bởi 3 tàu hỗ trợ công trình ngoài khơi.
Tín hiệu AIS sáng 4.7 cho thấy tàu tuần duyên Indonesia KN Pulau Dana-323 cũng xuất hiện ở khu vực. (Chiếc tàu nói trên không phải là tàu KN Pulau Dana-323 bởi nó dài 100 mét trong khi tàu KN Pulau Dana-323 chỉ dài 80 mét).
Trong khi đó, 3 tàu Kiểm ngư Việt Nam 210, 265 và 278 cũng lượn lờ phía bắc giàn Clyde Boudreaux ở khoảng cách chỉ từ 10 đến 15 hải lý. Các tàu kiểm ngư ở sát ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia chứ không tiến qua bên phía Indonesia.
Đặc biệt, tàu Kiểm ngư 278 trước đây thường xuyên bám theo tàu Hải cảnh 5202 nên sự xuất hiện của nó ở khu vực này càng củng cố thêm nhận định tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến xuống mỏ Tuna của Indonesia.
Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh cũng ghi nhận một tàu chiến không rõ của nước nào xuất hiện ở phía bắc giàn khoan Clyde Boudreaux khoảng 10 hải lý, tiến xuống phía nam.
Nếu việc tàu hải cảnh áp sát giàn Clyde Boudreaux được xác nhận, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành quấy phá hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Indonesia.
Trước đó, Trung Quốc từng nhiều lần quấy phá hoạt động của Việt Nam và Malaysia ở khu vực mà họ cho là nằm trong “đường lưỡi bò”.
Không chỉ cho tàu hải cảnh áp sát, Trung Quốc còn triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến hành khảo sát ở các khu vực gần đó để gây sức ép.
Việt Nam - Indonesia - Nga
Nếu Trung Quốc thực sự quấy phá mỏ Tuna, việc này không chỉ liên quan đến Indonesia mà còn dính líu đến cả Việt Nam và Nga.
Cụm mỏ Tuna của Indonesia gồm mỏ Kuda Laut và Singa Laut có trữ lượng thu hồi dự kiến trên 10 tỷ m3 khí.
Nó có sự liên hệ với Việt Nam bởi vào tháng 11.2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Premier Oil Tuna B.V (POT) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc cung cấp khí từ cụm mỏ Tuna cho thị trường Việt Nam.
Khí ở mỏ này sẽ vận chuyển thông qua đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
Trong khi đó, tập đoàn Nga Zarubezhneft đã mua lại 50% cổ phần mỏ khí Tuna.
Zarubezhneft cũng đang đàm phán mua lại toàn bộ tài sản ở Việt Nam của tập đoàn đồng hương Rosneft.
Rosneft, nhà điều hành của mỏ Lan Tây - Lan Đỏ, vốn cũng nắm cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
Trung Hiếu
Không có nhận xét nào