WHO phê duyệt vắc-xin Sinovac thứ 2 của Trung Quốc |
“Tôi vui mừng thông báo rằng vắc-xin CoronaVac của Sinovac đã được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp sau khi được đánh giá là an toàn, hiệu quả và đảm bảo chất lượng”, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo.
Ông nói thêm rằng việc lưu trữ dễ dàng của CoronaVac làm cho nó rất phù hợp với nhiều khu vực trên thế giới.
“Bây giờ điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa những công cụ cứu mạng sống này đến những người cần chúng,” Tổng giám đốc WHO cho biết.
Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố: “WHO khuyến cáo nên sử dụng vắc-xin này cho người lớn từ 18 tuổi trở lên làm 2 liều với khoảng cách từ hai đến bốn tuần giữa mỗi liều.”
“Kết quả nghiên cứu về hiệu quả của vắc-xin cho thấy vắc-xin đã ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở 51% những người được tiêm chủng và ngăn ngừa tình trạng COVID-19 tiến triển nghiêm trọng phải nhập viện ở 100% số người được nghiên cứu,” WHO nói.
Vắc-xin Sinovac chứa một dạng virus corona bất hoạt không thể gây bệnh. Nó cũng có một chất giúp tăng cường phản ứng miễn dịch với vắc-xin.
Khi được tiêm, hệ thống miễn dịch sẽ xác định virus bất hoạt là ngoại lai và tạo ra các kháng thể chống lại nó, sau đó sẽ nhận ra virus đang hoạt động và bảo vệ cơ thể chống lại.
Rất ít người trên 60 tuổi đã tham gia thử nghiệm lâm sàng với vắc-xin của Sinovac.
Tuy nhiên, WHO cho biết không nên giới hạn độ tuổi trên đối với vắc-xin.
Vắc-xin Sinovac đã được sử dụng ở 22 vùng lãnh thổ trên thế giới, theo số liệu của AFP.
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia sử dụng Sinovac bao gồm Chile, Brazil, Indonesia, Mexico, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy vậy, tính hiệu quả của các loại vắc-xin Trung Quốc đã bị nhiều chuyên gia nghi ngờ, đặc biệt khi đã có rất nhiều báo cáo về hàng chục ca tử vong tại Hồng Kông và Đại lục sau khi tiêm vắc-xin.
Được phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO đồng nghĩa rằng đã có sự đảm bảo của WHO rằng vắc-xin đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tháng trước, Sinopharm đã trở thành loại vắc-xin đầu tiên của Trung Quốc được WHO phê duyệt.
WHO trước đó cũng đã phê duyệt các loại vắc-xin được sản xuất bởi Pfizer / BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ, Hàn Quốc và EU.
Danh sách của WHO mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới chấp thuận và nhập khẩu vắc-xin để phân phối nhanh chóng, đặc biệt là những quốc gia không có cơ quan quản lý tiêu chuẩn quốc tế của riêng họ.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Sinovac sẽ có mặt trong cơ sở chia sẻ vắc-xin COVAX toàn cầu của WHO – vốn là sáng kiến nhằm cung cấp vắc-xin một cách công bằng cho các quốc gia kém phát triển trên thế giới.
Hiện tại chỉ có AstraZeneca và một số lượng ít vắc-xin của Pfizer đang được phân phối qua chương trình này.
Mariangela Simao, trợ lý Tổng giám đốc WHO cho biết: “Thế giới cần rất nhiều vắc-xin COVID-19 để giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận trên toàn cầu.”
“Chúng tôi kêu gọi các nhà sản xuất tham gia vào cơ sở COVAX, chia sẻ bí quyết và dữ liệu của họ để góp phần kiểm soát đại dịch.”
Không có nhận xét nào