Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc khoe "công nghệ độc nhất" trong cuộc đua với Nga-Mỹ

    Theo nhà nghiên cứu Han Guilai thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, đường hầm gió siêu thanh này có khả năng đưa Trung Quốc "đi trước phương Tây khoảng 20 đến 30 năm".

    Trung Quốc khoe "công nghệ độc nhất" trong cuộc đua với Nga-Mỹ

    Giới báo chí truyền thông Trung Quốc những ngày gần đây đã rầm rộ đưa tin về một đường hầm gió mới sắp ra mắt ở thủ đô Bắc Kinh với tuyên bố mạnh miệng rằng, chính nó sẽ giúp Trung Quốc "đi trước hàng thập kỷ trong cuộc đua công nghệ siêu thanh so với phần còn lại của thế giới".

    Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị các chuyên gia công nghệ bác bỏ và chỉ trích là "kỳ dị" và "quá non nớt".

    Đường hầm gió JF-22, theo tuyên bố của các nhà vật lý Trung Quốc, có khả năng mô phỏng các chuyến bay với tốc độ Mach 30 (37.000km/h), tức là gấp 30 lần tốc độ âm thanh. JF-22 được cho là sẽ sớm đi vào hoạt động.

    Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhà nghiên cứu Han Guilai thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc nói trong một bài giảng trực tuyến rằng, đường hầm gió siêu thanh này [nằm ở quận Huairou, Bắc Kinh] có khả năng đưa Trung Quốc "đi trước phương Tây khoảng 20 đến 30 năm".

    Theo ông Han, năng lượng do đường hầm gió JF-22 tạo ra lên đến 15 gigawatt - gần 70% công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới là đập Tam Hiệp ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.


    Đường hầm gió JF-22 có thực sự mạnh?

    Theo bài viết trên SCMP, điều khiến đường hầm gió JF-22 khác biệt so với các đối thủ phương Tây là "công nghệ độc nhất" được sử dụng để vận hành các đường hầm. Chẳng hạn như, không giống như các cơ sở ở các nước khác sử dụng máy nén cơ học để tạo ra luồng không khí tốc độ cao, JF-22 sử dụng các vụ nổ hóa học để tạo ra điều kiện siêu âm trong đường hầm.

    Tuy nhiên, theo giáo sư - nhà nghiên cứu Chris Combs, một chuyên gia về lĩnh vực siêu âm và kỹ thuật hàng không ở San Antonio (Mỹ), những tuyên bố về đường hầm siêu thanh JF-22 là "kỳ quặc" và "quá non nớt" vì đã phớt lờ rất nhiều cơ sở hàng chục năm tuổi trên khắp thế giới.

    "Về phòng thủ và không gian, khi họ nói về Mach 30, đó là không gian khá khác biệt. Ngoài ra, tôi cũng không chắc về hiệu quả mặt vật lý trong tuyên bố Mach 20 với Mach 30. Nhưng có rất nhiều cơ sở khác trên khắp thế giới có thể đạt được Mach 5 đến khoảng Mach 8 (cơ sở tôi muốn nói ở đây là LENS II, đường hầm gió tiên tiến nhất ở Mỹ, đã mô phỏng các chuyến bay lên tới Mach 7 (8.575km/h)" - ông Combs nói với tờ EurAsian Times.

    Theo vị giáo sư này, có rất nhiều cách khác nhau để đạt đến Mach 20+, và rất nhiều đường hầm gió hiện có trên khắp thế giới có thể làm được điều đó. "Như tôi đã nói, họ có thể mô phỏng các chuyến bay với số Mach thấp hơn cho các ứng dụng chú trọng nhiều hơn vào an ninh quốc phòng" - ông nói thêm.

    Trước đó, nhà nghiên cứu Han của Trung Quốc cho biết, thời gian thử nghiệm của JF-22 sẽ lâu hơn so với các cơ sở thử nghiệm hiện có đang hoạt động trên thế giới. Theo ông, vì vậy mô hình máy bay có thể lớn hơn của họ, và các thử nghiệm có thể tiên tiến hơn những gì các đường hầm hiện có có thể đáp ứng. "Điều này quyết định vị thế hàng đầu của chúng tôi trên thế giới" - ông Han nhấn mạnh.

    Bắc Kinh vẫn chưa công bố ngày ra mắt JF-22, nhưng nó sẽ hoạt động cùng với JF-12, một đường hầm gió cũ đã hoạt động với khoảng 1/5 công suất điện. JF-12 là nơi để mô phỏng các điều kiện bay ở cả độ cao khí quyển lớn hơn và thấp hơn, nơi mật độ không khí khá khác nhau.


    Mỹ đi tiên phong, Nga đang dẫn đầu và Ấn Độ nối bước

    Trong bối cảnh cuộc đua về công nghệ siêu thanh đang nóng lên từng ngày, nhiều quốc gia đang ráo riết thúc đẩy các cơ sở thử nghiệm tiên tiến mới mức mô phỏng ở tốc độ nhanh hơn. Và các đường hầm thử nghiệm chính là chìa khóa quan trọng trong cuộc đua này.

    Hầu hết các đường hầm thử siêu thanh đã xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ đi tiên phong trong cuộc đua này nhằm thử nghiệm các phương tiện vũ trụ và tên lửa. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã xây dựng nhiều cơ sở thử nghiệm như vậy trong nhiều thập kỷ để nghiên cứu hàng loạt tên lửa và tàu vũ trụ trước khi phóng ra ngoài không gian.

    Nhà nghiên cứu Combs cho biết, các bài báo của giới truyền thông Trung Quốc đã không đề cập đến "cách họ sẽ xử lý thực tế trong trường hợp đường hầm bị kích nổ, vốn sẽ làm thay đổi thành phần hóa học trong không khí đến mức nó không thể mô phỏng các chuyến bay được nữa".

    Các quốc gia như Nga và Trung Quốc được cho là đã đạt đến giai đoạn triển khai vũ khí siêu thanh và hiện đang chú trọng năng lực phòng không tiên tiến để chế tạo những hệ thống chống vũ khí siêu thanh.

    Trong đó, Nga mới đây tuyên bố đã đạt được điều đó với tổ hợp phòng không chống tên lửa đạn đạo S-500, dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Nga khẳng định S-500 có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình siêu thanh với tốc độ cao hơn Mach 5.

    Hồi tháng 12 -2020, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khánh thành đường hầm gió siêu thanh đầu tiên của quốc gia Nam Á này, vốn có khả năng thử nghiệm tên lửa và máy bay.

    Trước đó, tháng 9- 2020, Ấn Độ đạt cột mốc quan trọng khi Cơ quan nghiên cứu và phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã đạt cột mốc quan trọng với chuyến bay siêu thanh khi đã thử nghiệm thành công phương tiện bay trình diễn công nghệ siêu vượt âm (HSTDV) với tốc độ Mach 6 trong hơn 22 giây.

    Theo DRDO, đường hầm mới sẽ có khả năng mô phỏng chuyến bay từ Mach 5 đến Mach 12. Trước đó, Ấn Độ đã thực hiện tất cả các cuộc thử nghiệm tên lửa và máy bay tại Cơ sở đường hầm gió Trisonic ở Bangalore, có thể mô phỏng các chuyến bay lên đến Mach 4.

    Sự bùng nổ của công nghệ siêu thanh không chỉ là công cụ quan trọng đối với lĩnh vực quốc phòng mà còn được kỳ vọng sẽ thay đổi giao thông dân sự và năng lực tiếp cận không gian vũ trụ.

    Những chuyến bay với tốc độ siêu thanh sẽ giúp con người có thể đi đến bất kỳ đâu trên trái đất chỉ trong 2 giờ. Chi phí cho các vụ phóng tên lửa vào không gian cũng sẽ giảm đáng kể nhờ công nghệ như vậy.

    Không có nhận xét nào