Phe chủ chiến tại Bắc Kinh được cho là ngày càng chiếm ưu thế, trong khi ông Tập Cận Bình đang hạ quyết tâm thu hồi Đài Loan bằng mọi giá.
Ngày 6-6 (giờ địa phương), hãng Reuters đưa tin ba thượng nghị Mỹ là bà Tammy Duckworth, ông Dan Sullivan và ông Christopher Coons đã đến Đài Loan để thông báo về quyết định của Nhà Trắng rằng Mỹ sẽ viện trợ hòn đảo này 750.000 liều vaccine ngừa COVID-19. Vài ngày tới, các nghị sĩ Mỹ sẽ còn hội đàm với nhà lãnh đạo Thái Anh Văn về quan hệ Đài-Mỹ, an ninh khu vực và nhiều vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm.
Chuyến đi nói trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Đài Loan và Trung Quốc (TQ) tiếp tục leo thang đáng lo ngại thời gian gần đây. Hiện Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng chính thức về vụ việc nhưng có thể đoán được là họ sẽ tiếp tục sử dụng những ngôn từ gay gắt để cảnh báo Mỹ dừng quan hệ ngoại giao với Đài Loan và không can thiệp vào công việc nội bộ của TQ.
Nguy cơ xung đột Đài-Trung gia tăng
Theo một thống kê mới đây của Viện Brookings (Mỹ), tính từ đầu năm nay TQ đã điều ít nhất 25 máy bay quân sự áp sát không phận Đài Loan, còn trong năm ngoái là tổng cộng 380 máy bay. Chuyên gia Oriana Skylar Mastro thuộc ĐH Stanford (Mỹ), trong bài viết cho tạp chí Foreign Affairs, nhận định đây là những con số kỷ lục và thể hiện mức độ hiện diện quân sự chưa từng thấy của TQ ở những khu vực xung quanh Đài Loan. Hơn nữa, việc tăng cường máy bay như vậy là dấu hiệu Bắc Kinh dường như không còn quá lo ngại về khả năng nổ ra xung đột quân sự với Đài Loan như trước.
Nhìn lại lịch sử quan hệ hai bờ eo biển, Bắc Kinh những năm qua dù đưa ra nhiều phát biểu cứng rắn đòi thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, nhưng trên thực tế lại muốn tìm cách thu phục hòn đảo này một cách hoà bình bởi hai nền kinh tế Trung-Đài hiện đang liên kết rất chặt chẽ. Năm 2020 là một cột mốc kỷ lục đối với trao đổi thương mại giữa hai bên khi tổng giá trị xuất khẩu từ Đài Loan sang đại lục đạt hơn 102 tỉ USD, nhiều hơn con số 91,8 tỉ USD của năm 2019. 70% lượng nhập khẩu của hai đặc khu TQ là Hong Kong và Macau cũng đến từ thị trường Đài Loan, theo tờ South China Morning Post.
Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Bắc Kinh ngày càng cạn dần bởi cách tiếp cận hoà bình như vậy không đem lại kết quả hai bờ thống nhất như họ mong muốn mà trái lại, người Đài Loan ngày càng tạo lập bản sắc riêng một cách rõ ràng và đòi quyền độc lập quyết liệt hơn trước. Tình trạng này dẫn tới việc phe chủ chiến trong giới lãnh đạo Bắc Kinh, hầu hết là tướng lĩnh và cựu tướng lĩnh quân đội, chiếm ưu thế hơn phe chủ hoà, theo bà Mastro.
Phe này lý luận rằng sau hơn 20 năm hiện đại hóa thì quân đội TQ đã có đủ thực lực và số lượng để tiến hành mở rộng lãnh thổ, và mục tiêu đầu tiên bị nhắm đến chính là Đài Loan. Quân đội TQ giờ được cho là đủ khả năng tiến hành chiến tranh dài hạn và tổ chức đánh chiếm, chốt giữ các mục tiêu quân sự trên Đài Loan với tổn thất ở mức chấp nhận được. Phe chủ chiến cũng cho rằng càng đợi lâu thì sẽ càng khó thu hồi Đài Loan bởi hòn đảo này sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị và kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Bên cạnh đó, thu hồi Đài Loan sớm thì TQ sẽ có thêm lợi thế trong chiến lược mở rộng hiện diện quân sự ra khu vực Thái Bình Dương. Đài Loan là một trong năm khu vực thuộc chuỗi đảo thứ nhất Tây Thái Bình Dương (bên cạnh Nhật, Hàn Quốc, Philippines và quần đảo Sunda lớn). Kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất sẽ giúp TQ tạo được thế vây quanh Biển Đông, rộng đường tiến ra toàn bộ Tây Thái Bình Dương cũng như hạn chế được sự hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh.
Ông Tập sẽ lựa chọn hoà bình hay chiến tranh?
Chuyên gia Mastro cho biết đây không chỉ là nhận định riêng của bà mà một số lượng không nhỏ học giả TQ cũng đồng tình với bà về khả năng nổ ra xung đột Đài - Trung là rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Một số quan chức Bắc Kinh giấu tên còn tiết lộ thêm rằng không những phe chủ chiến đang gia tăng về số lượng mà ý kiến của phe này đã đến tay cấp lãnh đạo cao nhất là Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây thực sự là một diễn biến hết sức nguy hiểm bởi ông Tập kể từ khi nhậm chức đến nay không hề che giấu tham vọng muốn thống nhất Đài Loan bằng bất kỳ giá nào, tiến tới hoàn thành mục tiêu đưa TQ đến vị trí số một thế giới.
Hồi năm 2017, Ông Tập từng có phát biểu tuyên bố “thống nhất toàn diện đại lục và Đài Loan là yêu cầu để hiện thực hoá giấc mơ khôi phục TQ cường thịnh”. Ba năm sau, đến lượt cấp dưới của ông là Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu, lần đầu tiên không sử dụng cụm từ “hòa bình” khi đề cập việc thu hồi Đài Loan. “Chúng ta sẽ khuyến khích người dân Đài Loan cùng phản đối nỗ lực đòi độc lập của hòn đảo và thúc đẩy sự thống nhất TQ. Với những nỗ lực này, chúng ta chắc chắn sẽ mang đến tương lai tươi đẹp cho hòa giải đất nước” - ông Lý khẳng định.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AP hồi tháng 1 năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lạc Ngọc Thành tiếp tục nhấn mạnh ông Tập đã hạ quyết tâm rằng sẽ nỗ lực thống nhất Đài Loan và ”kế hoạch này không loại trừ bất kỳ biện pháp nào và không thể bị bất kỳ thế lực nào cản trở”.
Do đó, có thể thấy rõ ràng ông Tập rất muốn biến việc thu hồi Đài Loan, việc chưa có đời chủ tịch TQ nào làm được, trở thành một trong những di sản đáng kể nhất trong sự nghiệp chính trị của ông. Việc ngày càng có nhiều tiếng nói trong nội bộ Bắc Kinh ủng hộ xung đột sẽ càng tiếp thêm sức mạnh để ông Tập thực hiện tham vọng của mình và một cuộc chiến với quy mô như vậy sẽ là kịch bản không hề mong muốn đối với người dân của cả hai bờ eo biển lẫn những nước khác trong khu vực.
Việc tăng cường máy bay là dấu hiệu Bắc Kinh dường như không còn quá lo ngại về khả năng nổ ra xung đột quân sự với Đài Loan như trước.
Một khảo sát gần đây của tờ Hoàn Cầu thời báo cho thấy tới 70% người lục đại lục muốn thống nhất Đài Loan, trong khi 37% muốn dời việc thu hồi Đài Loan vào 3-5 năm tới để đảm bảo cơ hội chiến thắng.
Mỹ cần thay đổi cách tiếp cận về vấn đề Đài Loan
Trong bối cảnh căng thẳng quân sự Đài - Trung gia tăng hiện nay, Mỹ có thể được xem là “chỗ dựa” vững chắc nhất cho chính quyền Đài Bắc trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự với Bắc Kinh. Dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng Mỹ vẫn duy trì quan hệ thương mại, văn hóa với hòn đảo này theo Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979.
Theo quy định của đạo luật, Mỹ những năm qua cung cấp vũ khí để giúp Đài Loan duy trì năng lực phòng vệ. Mặt khác, đạo luật không đảm bảo Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu TQ tấn công Đài Loan, nhưng cũng không nêu rõ là Washington sẽ không thực hiện điều đó.
Tuy nhiên, chuyên gia Michael Cole thuộc Viện Chính sách TQ của ĐH Nottingham (Canada) viết cho tạp chí The National Interest rằng đã đến lúc phải từ bỏ sự mơ hồ nếu muốn tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các nước khác để hỗ trợ Đài Loan trong cuộc xung đột sắp tới. Việc Mỹ công khai trở thành đồng minh của TQ cũng sẽ khiến Bắc Kinh phải dè chừng bởi chiến tranh với Đài Loan cũng đồng nghĩa với việc khai chiến với Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần tập trung cải thiện năng lực tình báo và giám sát từ xa để phát hiện sớm các động thái chuyển quân của TQ và ngăn chặn từ trước bởi nếu đợi tới khi Đài Loan nổ ra chiến sự thì sẽ nước này sẽ bị đặt vào thế bị động, không có lợi về dài hạn.
Trên thực tế, Washington lâu nay cũng đã thực hiện việc này thông qua việc điều tàu tàu quân sự đi qua eo biển Đài Loan. Lần gần đây nhất, tàu khu trục USS Curtis Wilbur hồi ngày 18-5 đã đi ngang qua khu vực này để thể hiện cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo thông báo của Hạm đội 7.
Không có nhận xét nào