Tìm hiểu nguồn gốc và thực hư như
thế nào về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên là chuyện thật khó làm. Để giải
thích cho có lý lẽ về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, may ra chúng ta chỉ có
thể nghiên cứu tra khảo những bộ sách sử cổ như Việt Sử Lược (1), Lĩnh Nam
Chích Quái (2), và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (3), tra khảo những nguồn sử liệu
viết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, vua Hùng Vương của các sử gia nước ngoài (Tàu,
Pháp, Nhật, và Mỹ) (4). Sau đó phân tích, đối chiếu về ngày tháng của những sứ
kiện lịch sử để giải thích về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên.
Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên xuất hiện từ khi nào trong lịch sử, ai là tác
giả và với mục đích gì? Vì lý do gì lại có chuyện “chia tay”, 50 người con theo
cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi?
Chúng ta là hậu duệ của con Rồng cháu Tiên, thử đi tìm hiểu và trả lời những
câu hỏi trên.
Khái niệm về Rồng và Tiên của người xưa
Cụ Trần Trọng Kim đã dựa vào cuốn sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sĩ
Liên, đời Hậu Lê viết lại huyền thoại con Rồng cháu Tiên như sau: Kinh Dương
Vương làm vua nước Xích Quỷ vào năm 2879 trước Tây lịch, lấy Long Nữ sinh ra
Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân, lấy con gái vua Đế Lai
tên là Âu Cơ, sinh một lần được một trăm người con. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ
rằng: “ta là dòng dõi Long quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với
nhau không được. Nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống biển Nam
Hải”.
Ở thế kỷ 15, khi sử gia Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông có
khái niệm gì về Rồng và Tiên?
Rồng có thể là con rồng giao long ở dưới nước thường gây sóng gió lật đổ thuyền
bè. Theo tiền Hán Thư thì vua Hán Vũ Đế bắn được một con giao long ở sông Dương
Tử có bốn chân và cổ có vẩy. Các nhà khảo cổ và khoa học cho rằng rồng ở dưới
nước có nguồn gốc phát xuất từ con cá sấu, một loại bò sát sống lâu năm ở ven
biển vùng Đông Nam Á. Chữ rồng của ta mượn chữ Long bên Tàu. Trên nhiều trống
đồng thời văn hóa Đông Sơn có rất nhiều hình cá sấu. Vào năm 1958 ở Hòa Bình có
một trống đồng trên mặt trống có hình 6 con cá sấu. Như vậy Lạc Long Quân là
rồng dưới nước, vật tổ của dân Văn Lang là rồng từ con cá sấu, không phải rồng
từ con rắn. Rồng từ con rắn ngược lại là giống rồng bên trời Tây gọi là dragon,
biết bay phun lửa, và thường thấy xuất hiện ở trên trời.
Vì quan điểm rồng ở dưới nước, cho nên sử gia Ngô Sĩ Liên ghi lại Lạc Long
Quân, dòng dõi Long vương mang 50 người con xuống biển Nam Hải.
Tiên là nhân vật thần kỳ bí hiểm.
Theo Hán tự, tiên gồm có chữ Nhân và chữ Sơn, người Tàu xem tiên là người sống
ở trên núi. Có lẽ tiên hạ giới lúc đầu ở trên núi cao, mà cao hơn nữa là trời,
nên lúc đầu là tiên ở trên núi sau này thành tiên ở trên trời.
Theo truyền thuyết, Âu Cơ sau khi chia tay mang 50 người con lên núi, có lẽ vì
vậy sử gia Ngô Sĩ Liên ghi Âu Cơ là dòng dõi thần tiên.
Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên ra đời từ khi nào?
Bộ chính sử đầu tiên của đất nước
viết về Lạc Long Quân và Âu Cơ là cuốn sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia
Ngô Sĩ Liên, hoàn tất vào năm 1479, đời vua Lê Thánh Tông, dựa theo quyển Lĩnh
Nam Chích Quái chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời kỳ Bắc thuộc. Lĩnh Nam Chích
Quái là tập truyện ghi chép lại những truyền thuyết và cổ tích nước Văn Lang
bắt đầu từ chuyện Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiếp đó là
truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản
Viên: Sơn Tinh – Thủy Tinh v.v…
Theo Lĩnh Nam Chích Quái, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng sau nở ra thành
100 người con trai, 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ
lên núi. Người con đầu theo cha và sau đó trở thành vua Hùng Vương thứ nhất.
Sách Lĩnh Nam Chích Quái xuất hiện vào cuối đời nhà Trần.
Đọc Lĩnh Nam Chích Quái về 18 đời vua Hùng Vương trải qua một thời gian dài
2622 năm (từ 2879 cho đến 257 trước Tây lịch là năm nước Văn Lang của vua Hùng
bị Thục Phán chiếm mất) chúng ta không tìm thấy câu chuyện nào liên quan về
dòng dõi Âu Cơ.
Hơn nữa, đọc những chuyện thời các
vua Hùng chúng ta có thể biết ít nhiều về một nước Văn Lang khá thanh bình, dân
sống an cư lạc nghiệp, vua tôi hòa thuận, mà sau này sử gia Ngô Sĩ Liên viết
trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, người dân đều tự hào là con dân nước Văn
Lang.
Như vậy, tại sao lại có câu chuyện chia tay, 50 người con theo cha xuống biển
và 50 người con theo mẹ lên núi?
Trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim viết: “Người cháu Thục Vương tên là
Phán đem quân sang đánh lấy nước Văn Lang…..vua Hùng Vương thua chạy, nhảy
xuống giếng tự tử. Năm giáp thìn (257 trước Tây lịch), Thục Phán dẹp yên mọi
nơi, rồi xưng là An Dương Vương đổi quốc hiệu là Âu Lạc”.
Thục Phán An Dương Vương vua của dân Âu Việt trước kia thuộc vùng Ba Thục (vùng
cao nguyên Vân Nam và Tứ Xuyên bên Tàu ngày nay), nhưng bị nhà Tần chiếm mất
đất nên chạy về phía nam chiếm Văn Lang. Người Âu Việt thường sinh sống ở vùng
cao nguyên bắc phần Việt Nam và cao nguyên Vân Nam, Tứ Xuyên bên Tàu, họ có
huyền thoại là con cháu của bà Ngu Ky. Người Tàu phiên âm hai chữ Ngu Ky sang
tiếng Hán, rồi sau này qua Hán Việt, trở thành Âu Cơ. Như vậy có phải là Âu Cơ
trong huyền thoại của chúng ta?
Phải chăng An Dương Vương là tác giả của truyền thuyết con Rồng cháu Tiên?
An Dương Vương vừa chiếm nước Văn Lang, với hai sắc tộc Âu và Lạc sống chung
đụng, không tránh khỏi va chạm trên cùng một nước Âu Lạc mới thành lập, thêm
phải lo giặc bên ngoài, lo xây thành Cổ Loa để chống áp lực xâm lăng, nên ông
phải nhanh chóng tìm cách ổn định việc thống nhất hai sắc tộc trong nước để có
thì giờ đối phó với nhà Tần từ phương Bắc.
Có lẽ nào đây là thời điểm ra đời
của hai câu ca dao tối nghĩa trong nhân gian sau đây:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Để giải quyết vấn đề đụng chạm của hai sắc dân Âu và Lạc, An Dương Vương có lẽ
là nhân vật lịch sử khả thi nhất đã dựng lên truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long
Quân với 100 người con. Ý nghĩa trong câu chuyện thật rỏ ràng: Âu Lạc là anh em
một nhà cùng cha mẹ. Đã là anh em thì phải thương nhau chẳng khác gì Bầu và Bí.
Tuy nhiên, để giải thích sự kiện phần lớn người Lạc ở vùng đồng bằng và đa số
người Âu ở trên cao nguyên núi cao, An Dương Vương thêm vào truyền thuyết “chia
tay” với 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi. Âu
Cơ trở thành tiên, vì tiên thường sống trên núi do đó 50 người con theo bà lên
núi sau này là người Âu. Còn Lạc Long Quân biến thành dòng dỏi con Rồng cá sấu,
50 người con theo cha xuống biển là dân Lạc. Bây giờ thì phải “Bầu ơi thương
lấy Bí cùng”, để đoàn kết chống giặc ngoại xâm.
Như đã nói trong phần mở đầu, tìm hiểu về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên thật
khó đủ điều. Sử liệu phía sử gia Việt quá ít nếu không nói là không có. Sử gia
Việt ngày xưa phần lớn chỉ ghi chép lại, thêm bị chi phối dưới chế độ quân chủ
toàn trị, không dám có ý tưởng riêng biệt. Sách viết về truyền thuyết con Rồng
cháu Tiên của người nước ngoài, tuy không bị gò bó như các sử gia Việt nhưng
nhiều khi thiên về sách sử Tàu nhiều hơn. Do đó việc so sánh phân tích đối
chiếu giữa các nguồn sử liệu thêm rắc rối.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa ra một giải thích sau đây về truyền thuyết
con Rồng cháu Tiên, có tính cách gợi ý, hy vọng những người trẻ đam mê môn lịch
sử có nhiều khả năng để nghiên cứu bổ túc thêm trong tương lai. Truyền thuyết
con Rồng cháu Tiên có thể phát hiện vào thời kỳ An Dương Vương, năm 257 trước
Tây lịch, để ổn định tình hình trong nước Âu Lạc và được sử gia Ngô Sĩ Liên đời
vua Lê Thánh Tông chính thức ghi chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư sau hơn
1600 năm truyền khẩu trong dân gian.
Trần Phước Đạt July 2020, Florida
Tài Liệu Tham Khảo:
1- Việt Sử Lược, Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là ba nguồn sử liệu cổ đầu tiên ghi chép về Lạc Long Quân, Âu Cơ, và vua Hùng Vương. Những sử liệu sau này đều dựa theo ba tài liệu trên.
2- Việt Sử Lược cũng có tên là Đại Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh, ra đời vào khoảng thời nhà Trần (theo dịch giả Nguyễn Gia Tường, 1972, Đại Việt Sử Lược ra đời ở thế kỷ 14, từ 1377–1388). Bộ sử này và Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu bị thất lạc khi nhà Minh xâm chiếm nước ta, nhưng sau này được tìm thấy trong kho lưu trử nhà Thanh và đã được vua Càn Long cho in khắc lại. Trong Quyển I của Việt Sử Lược viết “…đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682) trước công nguyên ở bộ Gia Ninh (phần đất Mê Linh), có người lạ dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đống đô ở Văn Lang, đặc quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút …. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương ”.
3- Lĩnh Nam Chích Quái (những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) là tập truyện ghi chép lại những truyền thuyết và cổ tích nước Văn Lang bắt đầu từ chuyện Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiếp đó là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên: Sơn Tinh – Thủy Tinh”. Không có ngày tháng ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái. Tương truyền Trần Thế Pháp, một danh sĩ đời nhà Trần là tác giả bộ sách Lĩnh Nam Chích Quái. Sách có thể ra đời khoảng thế kỷ 14 hoặc đầu thế kỷ 15. Trích một đoạn về Lạc Long Quân “…Kinh Dương Vương xuống Thủy Phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thay cha trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần, tôn ty, có luân thường về phụ tử, phu phụ…” Viết về Âu Cơ và Lạc Long Quân “…Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm sinh ra một bọc trứng cho là điềm không may nên đem bỏ ra ngoài đồng nội, hơn bảy ngày trong bọc nở ra trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, bà đem về nuôi nấng, không cho ăn cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng uy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường…”
4- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của
Ngô Sĩ Liên ra đời sau Việt Sử Lược và Lĩnh Nam Chích Quái. Khi soạn bộ Đại
Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên không biết sách Việt Sử Lược viết về 18 đời
Hùng Vương vì bị nhà Minh lấy mang về Tàu. Sử gia Ngô Sĩ Liên đọc sách Lĩnh Nam
Chích Quái và đã thêm năm tháng về Lạc Long Quân và Âu Cơ trong chương Kỷ Hồng
Bàng Thị cho phần Ngoại Kỷ của bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Ngô Sĩ Liên đã
viết trong chương Kỷ Hồng Bàn Thị “…Trở lên là kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương
Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối đời vua
Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57, tức năm Quý Mão (258
trước Công Nguyên) thì hết. Tất cả là 2622 năm (2879 – 258 TCN). Sử gia Ngô Sĩ
Liên căn cứ vào đâu để ghi 2879 TCN, năm Nhâm Tuất là năm Kinh Dương Vương lên
ngôi làm vua nước Xích Quỷ?
Những tài liệu tham khảo sau đây viết về nguồn gốc Việt Nam, Lạc Long Quân và
Âu Cơ, vua Hùng Vương để những người yêu thích sử nghiên cứu thêm: Henri
Maspero “Études d’histoire d’Annam”, Bulletin de l’École Française
d’Extrême-Orient 16 (1916) . Émile Gaspardon “Matériaux pour servir
a l’histoire d’Annam”, Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient 29 (1929). Trần
Quốc Vượng “Hùng Vương Dựng Nước”, Ủy bsn khoa học Hà Nội, 1973. Hoàng Thị
Châu “Nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ”, Nghiên Cứu Lịch Sử 1969. Hoàng Văn
Chí “Duy Văn Sử Quan”, Tủ sách Cành Nam 1990. Norman G. Owen “The
Emergence of Modern Southeast Asia”, 2005 University of Hawaii
Press. Keith Weller Taylor “The Birth of Vietnam”, 1983 University of
California Press. Yamamoto Tatsuro “On The Việt Sử Lược and Đại Việt Sử Ký
Toàn Thư” 1949.
http://www.tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/bien-kh-o/34343-ai-la-tac-gi-truy-n-thuy-t-con-r-ng-chau-tien-tr-n-phu-c-d-t
Không có nhận xét nào