Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 23 tháng 6 năm 2021

    iến Điện : Khi các nhà ngoại giao theo tiếng gọi của tự do
    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 23 tháng 6 năm 2021

    Về tình hình Miến Điện, tờ Le Monde đặc biệt chú ý đến các nhà ngoại giao đã can đảm đi theo phong trào phản kháng chống tập đoàn quân sự sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.

    Từ Paris, Berlin, Ottawa, cho đến Washington, Tel-Aviv và Genève, hàng chục nhà ngoại giao của các toà đại sứ và tòa lãnh sự Miến Điện chỉ vì tham gia phong trào bất phục tùng dân sự nên đã bị sa thải, bị cắt lương, mất nhà ở, không còn được hưởng quy chế ngoại giao và không thể trở về nước vì sợ bị bắt. Nay họ phải tự lo liệu cuộc sống, nhưng vẫn đóng góp hết khả năng của mình vào hoạt động của chính phủ đoàn kết dân tộc, do các nghị sĩ và chính khách lưu vong thành lập ngày 16/04.

    Tờ Le Monde nêu trường hợp của Chaw Kaylar, bí thư thứ ba của sứ quán Miến Điện ở Berlin, đã thông báo trên tài khoản Facebook ngày 04/03 là bà quyết định tham gia phong trào bất phục tùng dân sự. Bà nói với phóng viên báo Le Monde : « Đây đã là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi ». Hai đồng nghiệp của Chaw Kaylar, có cùng quan điểm, cũng đã quyết định đi theo bà.

    Đối với cả ba nhà ngoại giao này, động cơ thúc đẩy họ chính là « hành động can đảm » của Kya Moe Tun, đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc hôm 26/02 tại New York. Hôm đó, đại diện chính thức của Miến Điện ở Liên Hiệp Quốc đã từ chối đọc trên diễn đàn bài diễn văn mà phe quân sự đã chuẩn bị sẵn. Nhân danh ủy ban đại diện Quốc Hội Miến Điện, do các nghị sĩ tham gia phong trào phản kháng thành lập, ông đã lên án « những tội ác chống nhân loại mà tập đoàn quân sự gây ra đối với nhân dân Miến Điện », trong tiếng vỗ tay của cử tọa tại Liên Hiệp Quốc.

    Le Monde cũng đề cập đến tình cảnh của Phe Grace Mee, bí thư thứ hai sứ quán Miến Điện ở Paris, cùng với một đồng nghiệp cùng hàm, đã thông báo tham gia phong trào bất phục tùng dân sự hôm 18/03. Cả hai đều bị cho nghỉ việc và được cho phép ở lại căn hộ của sứ quán cho đến cuối tháng 5, vì một trong hai người bị nhiễm Covid-19. Từ đó đến nay, họ sống lay lắt qua ngày nhờ khoản trợ cấp 500 euro/tháng mà cộng đồng người Miến Điện ở Pháp cấp cho họ đến tháng 10. Một nhóm bác sĩ Miến Điện sống ở Hoa Kỳ đã thuê cho họ một căn hộ từ tháng 6, nhưng chỉ có thể trả tiền thuê cho đến tháng 7.

    Phe Grace Mee tuy vậy vẫn giữ quan hệ tốt với với các đồng nghiệp khác của sứ quán. Bà nói : « Phải hiểu cho họ, có rất nhiều rủi ro đối với những người tham gia phong trào. Nhưng tôi có thể khẳng định là rất nhiều đồng nghiệp của tôi không chấp nhận cuộc đảo chính phi pháp này và đang chiến đấu với những phương tiện có thể có. »

    Tin Vatican


    Vatican đã viết thư cho đại sứ Ý tại Tòa thánh cảnh báo rằng một đạo luật đang đề xuất nhằm chống phân biệt đối xử và bạo lực với người LGBTQ sẽ đe dọa “quyền tự do tư tưởng” của nhà thờ. Dự luật này được đưa ra từ năm ngoái, với nỗ lực đưa Ý đến gần hơn với các tiêu chuẩn chống phân biệt đối xử ở châu Âu. Vatican cũng nói các trường Công giáo nên được miễn trừ ngày quốc gia chống kỳ thị đồng tính đang được đề xuất.

    Apple Daily bị buộc đóng cửa


    Tờ báo ủng hộ dân chủ thẳng thắn nhất Hồng Kông sẽ phải đóng cửa trong vài ngày tới. Tờ báo đang bị đàn áp dưới danh nghĩa luật an ninh quốc gia do Trung Quốc áp đặt hồi năm ngoái. Tuần trước, nhà chức trách đã phong tỏa tài sản và bắt giữ năm sếp của công ty, bao gồm cả biên tập viên và giám đốc điều hành. Cả hai đều bị buộc tội thông đồng với các thế lực nước ngoài và bị từ chối bảo lãnh.

    Đây là lần đầu tiên nhà chức trách buộc tội một biên tập viên theo luật an ninh mới. Trước đây Hồng Kông từng nổi tiếng với một không khí báo chí huyên náo và đầy thẳng thắn. Nhưng không còn nữa, khi nỗi sợ len lỏi khắp các hãng tin của thành phố. Chủ sở hữu Apple Daily và người chuyên chỉ trích đảng cộng sản Trung Quốc Jimmy Lai đã bị bỏ tù. Còn những tờ báo ủng hộ Trung Quốc mạnh miệng hẳn lên. Orange News, một trong những hãng tin trực tuyến như vậy, rất muốn thấy đối thủ của mình lụn bại.

    Softbank họp đại hội đồng bầu ban quản trị

    Giám đốc điều hành SoftBank, Son Masayoshi (Masa), đã trở lại phong độ. Lợi nhuận kỷ lục gần đây của công ty đã giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư. Song, họ có thể vẫn muốn cẩn trọng. Hôm nay một số vị trí trong hội đồng quản trị sẽ được bỏ phiếu phê duyệt tại đại hội đồng thường niên trực truyến của SoftBank. Các nhà đầu tư sẽ săm soi kỹ lưỡng.

    Hội đồng quản trị Softbank từng chỉ toàn các đồng minh lâu năm của ông Masa. Một số là tỷ phú nặng ký như Jack Ma hay Yanai Tadashi, những người có thể thay đổi hướng đi của SoftBank. Song cả hai đều đã rời đi trong những năm gần đây. Giờ đây tuy SoftBank có nhiều giám đốc độc lập hơn, nhưng không ai có tầm vóc của hai vị kể trên.

    Một vị trí quan trọng sẽ được quyết định là người thay thế nữ giám đốc đầu tiên của SoftBank, Kawamoto Yuko. Vị chuyên gia quản trị doanh nghiệp này sẽ rời đi để nhận một công việc chính phủ chỉ sau một năm. Ứng viên thay thế là Erikawa Keiko, một doanh nhân và nhà đầu tư với số tài sản nhờ kết hôn giúp bà trở thành một trong số ít nữ tỷ phú của Nhật Bản. Bà Erikawa có nhiều điểm chung với Masa; ông có thể bị bà ảnh hưởng quan điểm.

    Đức muốn tăng nợ

    Hôm nay Olaf Scholz, bộ trưởng tài chính và cũng là ứng viên thủ tướng của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), sẽ trình bày dự thảo ngân sách của ông cho năm 2022. Ông muốn tăng vay thêm 100 tỷ euro (119 tỷ đô la) để giúp nước Đức phục hồi sau đại dịch covid-19. Con số này cao hơn 18 tỷ euro so với dự báo hồi tháng 3 của bộ tài chính.

    Phần lớn số nợ mới sẽ dành cho chi tiêu y tế và các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Các kế hoạch của ông đang gây tranh cãi với phe diều hâu tài khóa vì chúng đồng nghĩa không thực thi giới hạn vay nợ mà hiến pháp quy định tới năm thứ ba liên tiếp. Nhưng chúng được lòng cử tri, những người đã bỏ SPD để sang các đảng khác trong những năm gần đây. Tuy vậy SPD cũng không nên kỳ vọng quá nhiều. Phải đến tháng 9 quốc hội mới phê chuẩn ngân sách, tức sau cuộc bầu cử.

    Nga phản pháo phương Tây ở hội nghị an ninh Moskva

    Các lãnh đạo phương Tây đã chỉ trích Nga tại hội nghị thượng đỉnh tuần trước vì hành vi hung hăng và vi phạm nhân quyền. Giờ đến lượt Nga. Hội nghị Moskva về An ninh Quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga sẽ khai mạc hôm nay với bài phát biểu của bộ trưởng lâu năm Sergei Shoigu.

    Ông Shoigu tin Nga đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ phương Tây, với máy bay ném bom Mỹ tiến sát biên giới Nga, tàu chiến NATO ở Biển Đen và các cuộc tập trận lớn hơn bao giờ hết của NATO. Nga tin phương Tây đang tìm cách kéo Belarus ra khỏi quỹ đạo của Nga và kéo Ukraine xích lại gần NATO.

    Châu Âu không phải là mối bận tâm duy nhất của hội nghị, với một trong những phiên họp đầu tiên là về châu Á. Đầu tháng này, hải quân Nga đã tiến hành cuộc tập trận lớn nhất ở Thái Bình Dương kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chỉ cách Hawaii có vài trăm km. Cũng như NATO, Nga rất lo ngại Trung Quốc.

    Biến thể Delta, đe dọa lớn nhất trong việc đối phó COVID tại Mỹ

    Biến thể Delta của COVID vốn phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đang là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ trong nỗ lực chống dịch, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ, bác sĩ Anthony Fauci, tuyên bố ngày 22/6.

    “Không nghi ngờ gì nữa, tính truyền nhiễm cao hơn” nơi biến thể Delta so với COVID nguyên thủy, ông Fauci nói và cho biết thêm “biến thể này liên hệ đến tính trầm trọng ngày càng tăng của bệnh.”

    Biến thể Delta đang chế ngự toàn cầu, khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới công bố ngày 18/6.

    Theo bác sĩ Fauci, các vaccine được phép sử dụng tại Mỹ, trong đó có vaccine Pfizer, đều hữu hiệu chống lại biến thể mới của COVID.

    Mỹ không đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% người trưởng thành trước ngày 4/7, phải cần thêm vài tuần nữa mới đạt mục tiêu này, cố vấn cao cấp về COVID của Tòa Bạch Ốc, Jeffrey Zients, tuyên bố.

    Hơn 150 triệu người tại Mỹ, hơn 45% dân số, đã được tiêm chủng hoàn toàn, theo dữ liệu liên bang tính tới 21/6.

    Biến thể Delta góp phần gây đợt bùng phát dịch dữ dội tại Ấn Độ trong tháng 4 và tháng 5 khiến các dịch vụ y tế quá tải và giết chết hàng trăm ngàn người.

    Tàu chiến Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc lên án


    Chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur tiến hành hoạt động định kỳ ở Biển Đông hôm 22/6/2021, theo Hạm đội 7 của Mỹ.

    Hôm thứ Tư 23/6, Trung Quốc lên án rằng Hoa Kỳ là "kẻ tạo ra rủi ro" an ninh lớn nhất trong khu vực sau khi một tàu chiến của Hoa Kỳ lại đi qua tuyến đường thủy nhạy cảm nằm giữa Đài Loan với Trung Quốc.

    Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu khu trục USS Curtis Wilbur (lớp Arleigh Burke) mang tên lửa có điều hướng đã "đi qua eo biển Đài Loan như thường lệ" theo luật pháp quốc tế vào hôm 22/3.

    "Việc con tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Hạm đội 7 nói.

    Bộ Tư lệnh Chiến trường Miền đông của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Hoa cho biết lực lượng của họ đã giám sát con tàu trong suốt hành trình của nó và đã cảnh cáo nó.

    "Phía Hoa Kỳ đang cố ý chơi những thủ đoạn cũ như trước đây và tạo ra rắc rối cũng như gây xáo trộn mọi thứ ở eo biển Đài Loan", Bộ Tư lệnh của Trung Quốc nói.

    Họ nói tiếp rằng điều này "cho thấy một cách đầy đủ rằng Mỹ là kẻ tạo ra rủi ro lớn nhất cho an ninh khu vực, và chúng tôi [Trung Quốc] kiên quyết phản đối điều này".

    Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết con tàu Mỹ đã đi về phía bắc qua eo biển và tình hình "vẫn bình thường như mọi khi".

    Cũng chính con tàu đó đã đi qua eo biển một tháng trước, khiến Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đe dọa hòa bình và ổn định.

    Hải quân Hoa Kỳ lâu nay vẫn tiến hành các hoạt động như vậy ở eo biển Đài Loan với tần suất hàng tháng hoặc gần như vậy.

    Giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với đảo Đài Loan có chế độ dân chủ, nhưng Hoa Kỳ là nước ủng hộ quốc tế quan trọng nhất và là nước bán nhiều vũ khí cho Đài Loan.

    Dân quân Myanmar quyết tâm chống phe quân nhân tại thành phố Mandalay

    Với sự yểm trợ của xe bọc thép, các lực lượng an ninh Myanmar hôm 22/6 đã đụng độ với một nhóm dân quân mới được thành lập ở thành phố lớn thứ hai của nước này là Mandalay, gây ít nhất hai thương vong, theo các thành viên của nhóm và tin tức của truyền thông.

    Kể từ khi quân đội giành chính quyền hôm 1/2 và phế truất chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, lực lượng an ninh đã dập tắt các cuộc biểu tình phản đối sự nắm quyền của quân đội.

    Đáp lại, các nhóm phản đối cuộc đảo chính, gọi là lực lượng phòng vệ nhân dân, đã mọc lên khắp Myanmar.

    Cho đến nay, các cuộc giao tranh liên quan đến lực lượng dân quân được trang bị vũ khí hạng nhẹ chủ yếu chỉ giới hạn ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn, nhưng một nhóm tự xưng là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân mới của Mandalay cho biết các thành viên của nhóm đã đáp trả sau khi quân đội đột kích vào một trong các căn cứ của nhóm này.

    "Giao tranh đã bắt đầu. Sẽ còn nhiều cuộc giao nữa", một thành viên của lực lượng dân quân trên, tự nhận là Đại úy Tun Tauk Naing, cho biết qua điện thoại.

    20 binh sĩ đã thực hiện cuộc đột kích nhắm vào nhóm, gây ra một cuộc đọ súng với quân đội, vốn đã triển khai 3 xe bọc thép tới khu vực này, Myanmar Now đưa tin.

    Một quan chức khác của nhóm dân quân nói với cổng thông tin Mizzima rằng sáu thành viên của nhóm đã bị bắt và hai binh sĩ đã thiệt mạng.

    Một phát ngôn viên của quân đội không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận.

    Truyền hình Myawaddy (MWD) thuộc sở hữu của quân đội đưa tin trên nền tảng nhắn tin Telegram rằng lực lượng an ninh đã đột kích vào một ngôi nhà và "những kẻ khủng bố có vũ trang" đã chống trả bằng vũ khí loại nhỏ và bom.

    Kênh truyền hình này nói rằng 4 "kẻ khủng bố" đã bị tiêu diệt và 8 người bị bắt trong khi một số thành viên lực lượng an ninh bị thương nặng.

    ASEAN chia rẽ trong vấn đề Myanmar


    Ngày 18/6/2021, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết số A/RES/75/286 về vấn đề Myanmar. Nghị quyết này tuy vẫn không dùng từ “đảo chính” (coup) nhưng đã “lên án mạnh mẽ nhất” hành vi bạo lực của quân đội Myanmar, kêu gọi quân đội Myanmar “tôn trọng ý chí của người dân được thể hiện trong kết quả tổng tuyển cử ngày 8/11/2020” và kêu gọi “ngăn chặn dòng chảy vũ khí vào Myanmar”.

    Theo AP, đây là kết quả đàm phán giữa một nhóm cốt yếu (“Core Group”) bao gồm Liên hiệp Châu Âu (EU) và các nước phương tây với ASEAN. Đáng chú ý, dù một nhà ngoại giao nói rằng ASEAN đồng ý đồng thuận trong bỏ phiếu, kết quả cho thấy Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cũng như đại diện của Myanmar ở Liên Hợp Quốc (do chính quyền dân sự bổ nhiệm) bỏ phiếu thuận, trong khi Brunei, Thái Lan, Lào và Campuchia bỏ phiếu trắng, cùng với một số nước khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Belarus là quốc gia duy nhất bỏ phiếu chống.

    Bộ Ngoại giao chính quyền quân sự Myanmar đã phản đối nghị quyết này và gọi đây là nghị quyết “dựa trên ‘cáo buộc một chiều và giả định sai lầm’”.

    NSW áp dụng luật giới hạn nghiêm khắc sau 4 giờ chiều hôm nay

    Những luật giới hạn nghiêm khắc sẽ được áp dụng tại Sydney sau khi có 16 ca nhiễm mới.

    Trong 24 giờ qua, NSW ghi nhận có thêm 16 ca nhiễm mới. Tính cho đến nay có 37 ca liên quan đến ổ dịch Bondi.

    Để đối phó với sự bột phát lần này, Thủ hiến NSW Gladys Berejiklian vừa công bố những sự giới hạn mới trong buổi họp báo vào lúc 11 giờ sáng nay.


    Bắt đầu từ 4 giờ chiều hôm nay 23/6, những sự giới hạn dưới đây sẽ được áp dụng trên toàn thành phố Sydney (Greater Sydney) bao gồm Blue Mountains, Central Coast và Shellharbour:

    • Không được có hơn 5 người khách ở nhà bao gồm luôn trẻ em

    • Tại tất cả buổi tụ tập, tất cả khách phải mang khẩu trang

    • Bắt buộc phải mang khẩu trang tại các tụ tập indoor, bao gồm nơi làm việc và các tụ tập ngoài trời

    • Trong những buổi tụ tập, không được ca hát và khiêu vũ, ngoại trừ đám cưới chỉ được 20 người tại sàn nhảy

    • Luật giữ khoảng cách 1 người/4 mét vuông sẽ được áp dụng lại

    • Các buổi tụ tập ngoài trời chỉ có thể chứa tối đa là 50% sức chứa

    • Các lớp học khiêu vũ và các lớp thể dục (gym classes) chỉ được có tối đa là 20 người nhưng phải mang khẩu trang

    Những ai sống hoặc làm việc tại các vùng City of Sydney, Waverley, Randwick, Canada Bay, Inner West, Bayside và and Woollahra không được di chuyển ra khỏi các vùng này nếu không có lý do chính đáng

    Bà Berejiklian không áp dụng sự phong tỏa toàn diện như đề nghị của một số nhà vi trùng học của Úc nhưng bà kêu gọi tất cả các cư dân không nên tổ chức các tụ tập không cần thiết ngoài trừ trường hợp rất cần thiết.

    Khi được hỏi tại sao không áp dụng sự phong tỏa toàn diện giống như Victoria trước đây, bà Berejiklian cho biết bà không muốn tạo gánh nặng cho cư dân ngoài trừ bắt buộc phải làm.

    “Tôi không loại trừ khả năng phải có những giới hạn hơn nữa, nhưng tôi tin tưởng nếu tất cả chúng ta tuân thủ những luật lệ mới của ngày hôm nay, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội ngăn chận được sự bột phát này. Tôi không thể nói vào lúc này những gì chúng tôi phải làm sau tuần tới vì tôi không biết những gì sẽ xảy ra,” bà nói.

    Nga nói sẽ tăng cường quan hệ quân sự với Myanmar

    Hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Sergei Shoigu, nói với lãnh đạo quân đội Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, rằng Nga cam kết tăng cường quan hệ quân sự với Myanmar.

    Tướng Min Aung Hlaing hiện đang thăm Moscow.

    "Chúng tôi quyết tâm tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ song phương có nền tảng là sự hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau đã được thiết lập giữa hai nước chúng ta", RIA dẫn lại lời phát biểu của ông Shoigu tại cuộc họp vào tối thứ Ba 22/6.

    Ông Min Aung Hlaing có mặt tại thủ đô của Nga để tham dự một hội nghị an ninh trong tuần này.

    Các nhà hoạt động nhân quyền lâu nay cáo buộc rằng Moscow hợp pháp hóa chính quyền quân sự của Myanmar thông qua việc vẫn tiếp tục các chuyến thăm song phương và các giao dịch vũ khí.

    Giới lãnh đạo quân đội Myanmar đã tiếm quyền sau một cuộc đảo chính hôm 1/2.

    Hồi tháng 3, Nga nói họ vô cùng lo ngại về tình trạng số lượng dân thường thiệt mạng ở Myanmar ngày càng tăng.

    Mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước này đã phát triển trong những năm gần đây với việc Moscow cung cấp các khóa đào tạo quân sự và học bổng đại học cho hàng nghìn binh sĩ, cũng như bán vũ khí cho quân đội Myanmar vốn bị liệt vào sổ đen của một số quốc gia phương Tây.


    Võ Thái Hà tổng hợp


    Không có nhận xét nào