Võ Thái Hà tóm lược
COVID giảm, nước Mỹ sẽ bắn pháo hoa trong Lễ Độc lập
Reuters
Màn biểu diễn pháo bông hàng năm tại Quảng trường Quốc gia ở thủ đô Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 4/7 năm nay trong lúc nước Mỹ phục hồi từ đại dịch vốn đã khiến cho các cuộc tập họp lớn bị hủy hơn năm qua.
Dịch vụ Công viên Quốc gia ngày 15/6 tuyên bố màn trình diễn pháo bông 17 phút sẽ bắt đầu vào 9 giờ tối (giờ miền đông Hoa Kỳ) vào Ngày lễ Độc lập, từ hai bờ hồ trước Tượng đài Lincohn.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy nước Mỹ đang dần phục hồi sau đại dịch, Tổng thống Joe Biden đặt 4/7 là ngày đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành. Tới nay đại dịch đã giết chết hơn 600.000 người tại Mỹ.
Dịch vụ Công viên Quốc gia khuyến cáo dân chúng đi xem pháo hoa phải mang khẩu trang trên các phương tiện vận chuyển công cộng và những ai chưa tiêm chủng nên tiếp tục mang khẩu trang tại những nơi đông đúc ngoài trời.
Tuần trước, thành phố New York loan báo màn trình diễn pháo bông hàng năm của Macy nhân Lễ Độc lập sẽ tái tục trong mùa hè này.
New York đang gỡ bỏ các hạn chế bắt buộc của tiểu bang sau khi báo cáo 70% người trưởng thành trong tiểu bang đã nhận được ít nhất một liều vaccine COVID-19, Thống đốc Andrew Cuoma loan báo ngày 15/6.
“Đây là một cột mốc quan trọng, và chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy làm nhiều hơn,” ông Cuomo nói tại một cuộc họp báo và cho biết tiểu bang sẽ tiếp tục khuyến khích nhiều người New York đi tiêm chủng.
Nhiều hạn chế đối với các hoạt động xã hội và kinh doanh thương mại sẽ được New York gỡ bỏ tức thì.
Cùng ngày 15/6, tiểu bang California cũng gỡ bỏ những hạn chế vì COVID. Thống đốc Gavin Newsom ban hành sắc lệnh hành chánh tái mở cửa tiểu bang. Sắc lệnh này sẽ chấm dứt quy định về giãn cách, về bắt buộc mang khẩu trang, và về việc hạn chế công suất của các tiệm ăn, cửa hàng và các dịch vụ cung cấp khác.
Bộ Y tế tiểu bang yêu cầu cư dân California tiếp tục mang khẩu trang tại một số nơi như vận chuyển công cộng và các trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe. Các buổi hòa nhạc trong nhà và các sự kiện có hơn 5.000 nguời tham dự sẽ đòi hỏi mọi người có giấy xác nhận tiêm chủng hay kết quả xét nghiệm âm tính với COVID.
Thượng đỉnh Putin-Biden: Ngoại giao Nga đề ra các mục tiêu khiêm tốn
Về quan hệ Mỹ-Nga, điều được công nhận rõ ràng là bang giao giữa hai nước đã trở nên tồi tệ từ nhiều năm nay và không ngừng xấu đi kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng. Trong bối cảnh đó, Mátxcơva được cho là không chờ đợi bước đột phá nào từ cuộc tiếp xúc ngày hôm nay, 16/06/2021 tại Genève giữa Tổng thống Nga Putin và đồng nhiệm Mỹ Biden.
Theo thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Mátxcơva, điện Kremlin đã đề ra những chỉ tiêu rất khiêm tốn cho cuộc họp hôm nay: nối lại đối thoại và tái lập được mối quan hệ êm ả.
“Điện Kremlin không ngừng nhắc đi nhắc lại trong những tuần lễ gần đây: Không nên mong đợi một bước đột phá ngoại giao lớn nào nhân cuộc họp bên bờ Hồ Léman tại Genève (Thụy Sĩ). Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga vẫn khẳng định rằng không nên giảm thiểu tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh này.
Đối với Nga, chỉ riêng việc cuộc họp được tổ chức, lại do chính ông Joe Biden khởi xướng, đã là một kết quả đầu tiên. Theo Mátxcơva, đấy là một dấu hiệu cho thấy là Nga được tân tổng thống Mỹ coi trọng, đủ để quên đi, hoặc giả vờ quên đi, những đánh giá rất nghiêm khắc mà người kế nhiệm Donald Trump đưa ra về Vladimir Putin.
Theo báo chí Nga, điện Kremlin đã đặt ra ít nhất hai mục tiêu cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh này: Tái khởi động cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân và nối lại hoạt động lãnh sự bình thường ở hai nước.
Đối với các vấn đề còn lại, Matxcơva sẽ hài lòng với “dịch vụ tối thiểu”: Không có thông cáo báo chí chung, thậm chí cũng không có họp báo chung. Đối với tờ báo Nga Kommersant, trong ba mươi năm gần đây, chưa bao giờ hai nước lại tiến tới một hội nghị thượng đỉnh với ít tham vọng như vậy.”
Nga tập trận gần Hawaii, Mỹ tăng cường cảnh giác
Dẫu sao thì trước lúc cuộc họp mở ra tại Geneve, giới quan sát đã ghi nhận sự kiện Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga đã tổ chức một cuộc tập trận phối hợp hải quân và không quân rầm rộ, được phô trương là “lớn nhất từ thời Liên Xô đến nay”.
Bộ Quốc Phòng Nga cho biết là cuộc tập trận huy động đến 20 chiến hạm và tàu ngầm cùng với 20 máy bay quân sự đủ loại, trong đó có loại oanh tạc cơ tầm xa.
Địa điểm cụ thể của cuộc diễn tập không-hải quân không được tiết lộ, chỉ nói chung chung là ở khu vực “trung tâm Thái Bình Dương” (thuật ngữ tiếng Anh là “Central Pacific”), nhưng theo kênh truyền hình Mỹ CBS, thì vùng tập trận cách quần đảo Hawaii của Mỹ khoảng từ 300 đến 500 hải lý về phía tây.
Sự xuất hiện của oanh tạc cơ Nga gần Hawaii đã buộc Quân Đội Mỹ cho chiến đấu cơ F-22 cất cánh từ Hawaii lên để sẵn sàng ứng phó, nhung phi cơ Nga đã không đi vào vùng nhận dạng phòng không của Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng cho nhóm tác chiến của tàu sân bay USS Carl Vinson đang tập trận cách Hawaii khoảng 200 hải lý về phía đông, di chuyển về hoạt động gần quần đảo hơn.
Hai tổng thống Biden và Putin họp thượng đỉnh lần đầu
Lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh có một tổng thống mới của Mỹ mất niềm tin vào Nga đến vậy. Joe Biden đã công khai chỉ trích Vladimir Putin kể từ khi nhậm chức, và từng đồng ý với một người phỏng vấn gọi tổng thống Nga là “kẻ giết người”. Song cuộc gặp giữa hai tổng thống ở Geneva vào cuối ngày hôm nay sẽ khá tẻ nhạt. Ông Putin có thể dự đoán một tràng chỉ trích vì các nỗ lực ngày càng táo bạo của ông để áp đặt trật tự lên các nước láng giềng và gây rối ở những nơi khác. Vụ Ukraine, tội phạm mạng, và câu chuyện Alexei Navalny chính là tâm điểm.
Nhưng ông Biden sẽ không quá gay gắt để không làm thất bại các cuộc thảo luận nhằm cùng giải quyết các vấn đề lớn, từ kho dự trữ hạt nhân cho đến Bắc Cực ấm lên. Một phần của nỗ lực chứng minh chính sách ngoại giao Mỹ đã trở lại — mục tiêu trong chuyến công du châu Âu của ông Biden — là cho thấy sự từ tốn và có thể đoán trước, tránh những bất ngờ khó chịu. Giống như nhiều hành động khác trong thời hậu Trump của ông Biden, nhàm chán nhưng yên tâm.
Fed họp thường kỳ về chính sách tiền tệ
Hôm nay ngân hàng trung ương Mỹ sẽ khép lại cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày. Có hai vấn đề lớn đặt ra cho Fed, trong bối cảnh ngân hàng đã thực thi chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng để đối phó đại dịch. Một, là liệu họ có chấp nhận “giảm dần” hay không – tức là giảm tốc độ mua vào một số tài sản nhất định, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ. Một số thành viên cấp cao của Fed thừa nhận đã đến lúc làm vậy. Xét cho cùng, thì hiện lạm phát giá tiêu dùng khá cao, khiến cần thiết phải cắt bớt một số hỗ trợ kinh tế. Dù vậy, nhiều người vẫn coi lạm phát chỉ là nhất thời.
Câu hỏi lớn thứ hai, và quan trọng hơn với kinh tế Mỹ, là khi nào các quan chức Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất. Sẽ là một câu chuyện lớn nếu các lãnh đạo Fed rút ngắn thời điểm họ dự kiến tăng lãi suất lên năm 2023, như một số nhà kinh tế dự đoán. Không thể loại trừ bất kỳ bất ngờ lớn nào, đối với cả thị trường hay nền kinh tế thực.
Argentina chật vật chống lạm phát
Hôm nay Argentina công bố báo cáo hàng tháng về giá tiêu dùng. Lạm phát cao luôn ám ảnh đất nước này: giá tiêu dùng đã tăng 4,8% trong tháng 3, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ cuối năm 2019; và đến tháng 4 thì tăng tới 40,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí thực phẩm đóng vai trò lớn trong lạm phát của Argentina, và những nỗ lực giảm giá thực phẩm đã đẩy chính phủ vào một cuộc chiến gay gắt với các nông dân làm ra món thịt bò nổi tiếng của đất nước. Tháng trước, tổng thống Alberto Fernández đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt trong 30 ngày, từ đó đóng cửa nước xuất khẩu thịt bò lớn thứ năm thế giới, với hy vọng hạ nhiệt giá cả trong nước. Nhưng kế hoạch của ông tạm thời bị phản tác dụng: nông dân đình công, giảm nguồn cung, khiến giá còn tăng cao hơn. Kể từ đó giá đã bình ổn. Chính phủ giờ đây phải quyết định xem có nên gia hạn lệnh cấm hay không, trong khi các nhà sản xuất cảnh báo hàng nghìn việc làm đang bị đe dọa nếu ông Fernández không ngừng can thiệp vào thị trường thịt để phục vụ mục đích riêng của ông.
Học giả Đài Loan: Vắc-xin trở thành công cụ chính trị mới của phương Tây chống lại Trung Quốc
Trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu đang nghiêm trọng, và thông cáo của G7 đề cập về việc trao tặng 1 tỷ liều vắc-xin. Theo phân tích của các học giả, việc mua sắm vắc-xin đã chuyển từ vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu thành một vấn đề chính trị và trong trường hợp thiếu vắc-xin, những người có thể cung cấp vắc-xin sẽ đạt được chiến lược thương lượng ngoại giao lớn hơn để đối phó với chính sách ngoại giao vắc-xin của ĐCSTQ ở các nước đang phát triển.
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 lần thứ 47 đã kết thúc thành công tại Cornwall, Vương quốc Anh vào tối ngày 13. Một thông cáo chung đã được ban hành sau hội nghị. Một tỷ liều vắc-xin COVID-19 sẽ được cung cấp trong năm tới. Trong trong vài tháng tới sẽ có sự hợp tác với khu vực tư nhân, nhóm G20 và các nước khác để tăng số lượng đóng góp; đồng thời G7 cũng kêu gọi ĐCSTQ hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thực hiện giai đoạn thứ hai các cuộc điều tra “minh bạch” về nguồn gốc của đại dịch toàn cầu này.
Giáo sư Lu Yezhong thuộc sở ngoại vụ của Đại học Chengchi, Đài Loan hôm 14/6 chỉ ra rằng trong trận dịch này, có thể thấy rằng vắc-xin đã thay đổi từ vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu ban đầu thành vấn đề chính trị, nguyên nhân chính là tốc độ phản ứng của mỗi quốc gia sẽ kéo theo dịch bệnh. Có khoảng cách về quyền lực quốc gia. Đối với các nước G7, dù là trong các tổ chức quốc tế hay chính trị và kinh tế toàn cầu, họ đều giữ vai trò lãnh đạo.
Theo phân tích của giáo sư Lu, có hai cân nhắc chính đối với các thông báo của G7:
Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong khi các nước G7 phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu. Nói cách khác, mặc dù các nước G7 có chỉ số GDP cao, nhưng một số trong số đó đến từ thương mại toàn cầu và hưởng lợi từ thương mại toàn cầu.
Thứ hai, việc tặng vắc-xin có tầm quan trọng nhất định trong chiến lược ngoại giao. Những thông báo như vậy chủ yếu phản ánh định hướng giá trị và các cân nhắc chính trị. Trong số đó, các cân nhắc chính trị là do ĐCSTQ gần đây tích cực quảng bá vắc-xin ở các nước đang phát triển ở mức thấp và vừa. Các nước đang phát triển này tin rằng G7 là một tổ chức có vai trò nhất định trong sự phân công lao động toàn cầu.
Vì vậy, nếu chính sách ngoại giao vắc-xin của ĐCSTQ thành công ở các nước này, nó sẽ ảnh hưởng đến ảnh hưởng chiến lược toàn cầu của G7 trong tương lai.
Giáo sư Lu cũng cho rằng các loại vắc-xin hiện tại có vấn đề về bằng sáng chế, và việc độc quyền bằng sáng chế Vắc-xin của các nước phát triển bị các nước đang phát triển chỉ trích. Nếu G7 có thể sử dụng bằng sáng chế bên cạnh việc tặng vắc-xin, điều này sẽ giảm bớt sự chỉ trích đối với cáo buộc “vũ khí hóa vắc-xin”.
Ding Shufan, giáo sư danh dự tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Chengchi, tin rằng bất kỳ vấn đề nào cũng có thể liên quan đến chính trị và vắc-xin chắc chắn liên quan đến chính trị. Rõ ràng, vắc-xin sẽ trở thành nguyên liệu chiến lược, bởi vì mọi quốc gia đều phục vụ cho sự an toàn của đời sống của nhân dân và đất nước họ, ham muốn có được quyền lực về kinh tế sẽ dẫn đến ham muốn độc lập phát triển vắc-xin, vì vậy vắc-xin sẽ trở thành công cụ ngoại giao quốc tế, giống như lần này G7 sẽ tặng vắc-xin.
Su Ziyun, một nhà tư tưởng của Bộ Quốc phòng và là một học giả của Viện Nghiên cứu Quốc phòng An ninh Quốc gia Đài Loan, chỉ ra rằng ngoại giao vắc-xin sẽ tích hợp đạo đức con người, kinh tế và chống lại an ninh phi truyền thống. Nguyên nhân chính là có 7,9 tỷ người trên thế giới nhưng chỉ có 1,8 tỷ liều vắc-xin, tức là trung bình cứ 100 người thì chỉ có 24 liều vắc-xin.
Ông Su cho rằng khi khan hiếm vắc-xin, các quốc gia đủ khả năng cung cấp vắc-xin sẽ có khả năng thương lượng ngoại giao lớn hơn. Do đó, Hoa Kỳ cung cấp 500 triệu liều vắc-xin và Vương quốc Anh cung cấp 100 triệu liều vắc-xin dựa trên việc chống lại cuộc tấn công vắc-xin của Bắc Kinh;
Đồng thời, trong tình hình toàn cầu hóa hiện nay, nếu muốn đưa nền kinh tế trở lại bình thường thì tất cả các quốc gia không thể đứng một mình mà phải cùng nhau thiết lập miễn dịch toàn cầu, để có thể ngăn chặn sự tái diễn của vi-rút, khôi phục thị trường toàn cầu và xây dựng lại trật tự kinh tế toàn cầu.
Ông Su Ziyun cho rằng điều đáng chú ý là trước những mối đe dọa phi truyền thống như vậy, G7 sẽ tích hợp các tổ chức quốc tế, chính phủ, cộng đồng khoa học và ngành công nghệ sinh học, đồng thời rút ngắn quy trình phát triển và thử nghiệm vắc-xin xuống còn 100 ngày với tiền đề đảm bảo an toàn và hiệu quả. Để ứng phó với các mối đe dọa sinh hóa mới nổi.
Bắc Kinh phản đối tuyên bố của NATO
Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu u hôm 15/6 đã bác bỏ một tuyên bố của NATO khẳng định Bắc Kinh là một “thách thức an ninh”. Phái đoàn Trung Quốc mô tả Bắc Kinh thực sự là một lực lượng vì hòa bình nhưng sẽ có hành động tự vệ nếu bị đe dọa, theo AP.
Thông cáo của phái đoàn Trung Quốc cho biết tuyên bố của NATO là “sự vu khống về sự phát triển hòa bình của Trung Quốc, đánh giá sai về tình hình quốc tế và vai trò của chính NATO, đồng thời tiếp tục [duy trì] tâm lý Chiến tranh Lạnh và tâm lý [đấu tranh] chính trị [một cách] có tổ chức”.
Các đồng minh NATO vào hôm 14/6 đã thống nhất với Hoa Kỳ việc chính thức coi Bắc Kinh là một “thách thức an ninh” và ‘mối đe doạ mang tính hệ thống’.
Phái bộ Trung Quốc cho biết chi tiêu của Bắc Kinh cho quân sự ít hơn nhiều so với các thành viên NATO. Họ cũng cáo buộc tổ chức này đang vẽ ra mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc để biện minh cho chương trình nghị sự của riêng mình.
Đại diện của phái bộ Trung Quốc còn tuyên bố họ sẽ “không bao giờ từ bỏ quyền duy trì hòa bình nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc.
Bắc Kinh đưa 28 chiến đấu cơ áp sát Đài Loan ngay sau Tuyên bố chung G7
chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc được xác định xâm nhập không phận Đài Loan. AP
Hôm qua, 15/06/2021, Trung Quốc điều một số lượng chiến đấu cơ kỷ lục áp sát Đài Loan. Hành động nói trên diễn ra chỉ hai ngày sau khi khối G7 ra Tuyên bố chung, lần đầu tiên kêu gọi « hòa bình và ổn định » cho vùng eo biển Đài Loan.
Trong cuộc họp báo hôm qua, trả lời câu hỏi, liệu hành động quân sự này có liên quan đến Tuyên bố của G7 hay không, phát ngôn viên Văn phòng các Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) tuyên bố « chúng tôi sẽ không bao giờ khoan dung với các mưu toan đòi độc lập hay sự can thiệp vô cớ vào vấn đề Đài Loan của các thế lực nước ngoài, và như vậy chúng tôi phải phản ứng một cách cứng rắn với các hành động thông đồng này ».
Thông tín viên Adrien Simorre từ Đài Bắc cho biết thêm:
« Đây là một con số kỷ lục : 28 phi cơ Trung Quốc, trong đó có 20 máy bay tiêm kích, đã xâm nhập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm qua. Cuộc thao dượt này diễn ra hai ngày sau khi khối bảy cường quốc công nghiệp (G7) ra Thông cáo chung lịch sử, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ‘‘hòa bình’’ và ‘‘ổn định’’ tại eo biểu Đài Loan.
Rõ ràng là Bắc Kinh không thể chấp nhận được một tuyên bố như vậy, chính quyền Trung Quốc không giấu giếm ý đồ sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan và 24 triệu cư dân hòn đảo. Hôm thứ Hai, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên án Tuyên bố chung của khối G7, coi đây là một hành động ‘‘can thiệp’’ vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Các cuộc xâm nhập của không quân Trung Quốc đã gần như trở thành chuyện hàng ngày, kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn đắc cử hồi tháng Giêng 2020. Nữ tổng thống Đài Loan có quan điểm cương quyết chống lại mưu toan sáp nhập của Trung Quốc.
Một điều hiếm có xảy ra vào hôm qua : nhiều phi cơ tuần tiễu của Trung Quốc đã tiếp tục lộ trình vượt qua bờ biển phía đông của Đài Loan. Theo các chuyên gia, Bắc Kinh cũng tìm cách thu thập các thông tin về eo biển kênh Ba Sĩ (nằm giữa Đài Loan và cực bắc Philippines), một địa điểm có ý nghĩa chiến lược, nơi qua lại của nhiều tầu ngầm quân sự ».
Phản ứng của bộ Quốc Phòng Mỹ, Nhật
Sau hành động xâm nhập ồ ạt của của phi cơ Trung Quốc vào vùng ADIZ của Đài Loan, bộ Quốc Phòng Mỹ đã có phản ứng cứng rắn. Báo Nhật Japan Times dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple, tố cáo việc « các hoạt động quân sự gia tăng (của Bắc Kinh) tại khu vực sát không phận của Đài Loan đang gây mất ổn định, và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm », khiến xung đột bùng phát. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng cam kết hậu thuẫn của Mỹ đối với Đài Loan là « vững như bàn thạch », với khẳng định Washington « sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ an ninh phi chính thức, để bảo đảm Đài Loan có đủ khả năng tự vệ » trước mọi đe dọa.
Vẫn liên quan đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan, hôm nay, theo Kyodo News, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi đã kêu gọi « giải quyết một cách hòa bình » các bất đồng thông qua « đối thoại giữa các bên liên quan ». Tuyên bố được đưa ra trong hội nghị ADMM mở rộng trực tuyến, với sự tham gia của 10 quốc gia Đông Nam Á và nhiều cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Covid-19: Việt Nam thêm 176 ca nhiễm, 1 triệu liều vaccine mới về
Bộ Y tế trưa 16/6 ghi nhận 176 ca dương tính, gồm 174 ca trong nước và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
173 ca trong số này được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, theo tuyền thông địa phương.
Bắc Giang vẫn đứng đầu cả nước với 128 ca nhiễm mới.
Hiện đã có 40 tỉnh thành có dịch corona, với tổng số ca nhiễm từ 27/4 tới nay là 8.262.
Hôm 15/6, đã có thêm hơn 95.400 người được tiêm chủng, nâng tổng số người đã được tiêm đến nay là gần 1,65 triệu người, gần 64.000 người trong số này đã tiêm đủ 2 mũi.
Hôm 16/6 sẽ có thêm gần 1 triệu liều vaccine do Nhật Bản tặng về đến Việt Nam.
Đây là lô vaccine thứ 5 Việt Nam nhận được tính từ tháng Hai đến nay. Nhưng mới chỉ đủ cho trên 5% dân số có chỉ định tiêm ngừa mũi một.
Dự kiến từ nay đến tháng Bảy sẽ có thêm các lô vaccine từ Covax và nguồn mua tiếp tục về Việt Nam, trong đó có lô vaccine Pfizer đầu tiên.
Bộ Y tế cho biết đã chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng được cho là lớn nhất từ trước đến nay với 15.000 điểm tiêm, quân đội tham gia bảo quản và vận chuyển vaccine.
Tối 15/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của TP Hồ Chí Minh về việc mua và nhập khẩu vaccine phòng Covid-19.
Theo tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính phủ, hiện thành phố có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên; có trên 1,6 triệu công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay thành phố mới nhận được 140.000 liều vaccine và triển khai tiêm phòng mũi 1 cho hơn 64.000 người và hơn 10.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số TP trong thời gian sớm nhất thì việc mua vaccine là vấn đề cấp bách.
TP HCM: Biến chủng Ấn Độ len lỏi trong cộng đồng
TP Hồ Chí Minh đang trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn với cuộc chiến chống Covid-19 chưa từng có, theo Vietnamnet.
Các ca nhiễm tiếp tục gia tăng mạnh ở TP Hồ Chí Minh, nhiều hôm đứng đầu cả nước.
Diễn biến dịch ở đây được đánh giá là vô cùng phức tạp, khiến chính quyền TP Hồ Chí Minh vừa phải quyết định kéo dài thêm 14 ngày giãn cách nữa.
Nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng được đánh giá là 'bất ngờ' và việc truy vết đi vào 'ngõ cụt'.
Biến chủng virus Delta B.1.617.2 (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) là sự khác biệt trong đợt dịch mới bùng phát tại TP Hồ Chí Minh.
Nhiều chùm ca nhiễm được phát hiện trong gia đình, tòa nhà chung cư.
Các chuyên gia y tế nhận định mức độ lây lan virus biến chủng Delta rất nhanh. Người bệnh chỉ tiếp xúc F0 sau 3 ngày đã có thể xuất hiệu triệu chứng của Covid-19.
Đặc biệt, Covid-19 đã xâm nhập 5 bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, quận Tân Phú và Nam Sài Gòn. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ở quận 5 ghi nhận 60 ca nhiễm, nhiều nhất trong số các viện.
Sáng 16/6, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng vừa xác nhận hai ca nghi mắc Covid-19, trong đó một ca là nhân viên của viện.
Hiện Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh dã thông báo tạm ngừng hoạt động khám chữa bệnh để phục vụ công tác phòng chống Covid-19. Chưa rõ số lượng bệnh nhân nội trú cùng người nhà, và nhân viên đang có mặt tại bệnh viện.
Các khu cách ly tập trung vừa được thành lập khẩn tại ký túc xá các Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bách khoa và Sài Gòn.
Lãnh đạo TP cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức khu cách ly tập trung với công suất tối thiểu 200 giường. Riêng Thủ Đức có công suất 600 giường.
Tính đến sáng 16/6, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 980 ca nhiễm với 14 chuỗi lây nhiễm. Hiện, tỷ lệ lây nhiễm tại TP Hồ Chí Minh là 96 ca trong một triệu dân.
Chuyên gia y tế khuyên người dân tuân thủ đúng các quy định về giãn cách xã hội, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động khám bệnh khai báo y tế trung thực khi có biểu hiện viêm đường hô hấp.
Ông Mike Pompeo ra mắt nhóm hành động chính trị mới
Trước cuộc bầu cử giữa kỳ, Cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 15/6 ra mắt nhóm hành động chính trị mới có tên Ủy ban Hành động Chính trị Ủng hộ Giá trị Mỹ, trang Cavpac cho hay.
Trong thông báo ngày 15/6, ông Pompeo cho biết Ủy ban Hành động Chính trị Ủng hộ Giá trị Mỹ sẽ “bảo vệ những giá trị Mỹ, giúp các đảng viên Cộng hòa giành lại thế đa số” tại Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ, đồng thời thúc đẩy xây dựng các nghị viện và thống đốc bảo thủ cấp bang.
Ông nói thêm rằng: “Những ý tưởng nền tảng của chúng ta đang bị tấn công nhiều hơn bao giờ hết. Mục tiêu của tôi là tiếp tục đấu tranh. Sự tập trung, chiến đấu và khát khao chiến thắng sẽ là trọng tâm công việc dẫn dắt Ủy ban Hành động Chính trị Ủng hộ Giá trị Mỹ của tôi, cũng như những người đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi sẽ hỗ trợ những lãnh đạo có nhân cách và chính trực, hoàn toàn cam kết với những giá trị chung, làm việc mà không nao núng xây dựng tương lai của chúng ta”.
Việc ra mắt Ủy ban Hành động Chính trị Ủng hộ Giá trị Mỹ cho phép ông Pompeo có thể đi khắp nước Mỹ để vận động, gây quỹ và tài trợ cho các ứng viên đảng Cộng hòa. Ủy ban có thể vận động quyên góp không giới hạn để giúp các ứng viên chạy đua những vị trí ở cấp liên bang, cấp tiểu bang hay chính quyền địa phương.
Ủy ban Hành động Chính trị Ủng hộ Giá trị Mỹ ra mắt trong bối cảnh ông Pompeo đang tích cực đến các tiểu bang chủ chốt và phát biểu tại những sự kiện chính trị vài tháng gần đây. Ông nổi lên là một ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2024, bên cạnh các cựu quan chức khác trong chính quyền Donald Trump như cựu phó tổng thống Mike Pence, hay cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.
Ông Trump sẽ thăm biên giới phía nam với thống đốc Texas
Hôm 15/6, The Hill đưa tin, cựu Tổng thống Donald Trump sẽ đến thăm biên giới Mỹ-Mexico vào cuối tháng này cùng với Thống đốc Texas Greg Abbott.
Ông Trump nói trong một tuyên bố: “Chính quyền Biden thừa hưởng từ tôi biên giới mạnh nhất, an toàn nhất và an ninh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và chỉ trong vài tuần, họ đã biến nó thành cuộc khủng hoảng biên giới tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Đó là một vùng thảm họa không thể giải quyết”.
Chính quyền Biden trong những tuần đầu tiên đã đảo ngược một số chính sách thời Trump nhằm hạn chế nhập cư thông qua dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xin thẻ xanh, hủy bỏ lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia đa số theo đạo Hồi, chấm dứt chính sách “Ở lại Mexico” yêu cầu người di cư phải chờ phê duyệt hồ sơ xin nhập cư ở phía nam biên giới.
Những người Cộng hòa đã chỉ trích rằng việc thay đổi chính sách biên giới một cách quá nhanh chóng của chính quyền Biden đã khiến số lượng người di cư tăng kỷ lục ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico chỉ trong một thời gian ngắn.
Ông Trump nói: “Những gì Biden và Harris đã làm, và đang tiếp tục làm ở biên giới của chúng ta, là một sự tắc trách nghiêm trọng và cố ý làm trái nghĩa vụ”.
Cựu tổng thống Trump cho biết thêm: “Chuyến thăm của tôi hy vọng sẽ làm nổi bật những tội ác chống lại Quốc gia của chúng ta — và cho những người thực thi nhiệm vụ tuyệt vời của ICE [Cơ quan Thực thi Hải quan và Nhập cư Hoa Kỳ] và Đội Tuần tra Biên giới thấy rằng họ có sự hỗ trợ vững chắc của chúng tôi”.
Không có nhận xét nào