Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 11 tháng 6 năm 2021

    Báo Global Times nói 'G7 hết uy tín, không còn ra lệnh được cho thế giới'

    Trước ngày Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Cornwall, Anh Quốc tuần này, tờ Hoàn cầu Thời báo bản tiếng Anh (Global Times) có bài của Martin Jacques cho rằng khối G7 "chỉ là cái bóng mờ nhạt của chính nó".

    Tác giả người Anh, người từng làm nghiên cứu ở ĐH Cambridge và ĐH Phục Đán, cho rằng "vai trò và tầm quan trọng của G7 nay đã giảm đi vì vai trò tăng lên của thế giới gồm các nước đang phát triển".

    Bài báo mang tựa đề "G7 no longer able to order world around" (08/06/2021) cũng phê phán nỗ lực biến G7 - gồm các nền kinh tế phát triển cao, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản - thành nhóm 10 nền dân chủ.

    Vì lý do đó, lãnh đạo ba nước Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ được mời tới dự hội nghị ở Anh, khai mạc 11/06 này ở thị trấn ven biển St Ives, Cornwall, Anh Quốc.

    Nhưng ông Martin Jacques, người thường phê phán Phương Tây, cho rằng vì muốn thay đổi mục tiêu của mình, G7 có thể chỉ trở thành "giáo phái mang tính ý thức hệ" (ideological sect).

    Việc muốn lập ra liên minh 10 nền dân chủ chẳng qua là cách vận động chống lại "các chế độ độc đoán, một cách viết tắt để ám chỉ Trung Quốc".

    Đây sẽ là mục tiêu không đi tới đâu và khó được ngay các nước G7 đồng ý ủng hộ, trừ Úc, theo Martin Jacques.

    Luận điểm của ông là các nước đang phát triển nay đóng góp 2/3 tỷ trọng kinh tế thế giới, và Phương Tây chỉ còn 1/3.

    Trong thập niên 1970 thì tương quan này là ngược lại.

    Martin Jacques tin rằng năm 2008 - khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới - là thời điểm bước ngoặt cho G7.

    Nay Trung Quốc trỗi dậy, làm "khiến G7 bị đẩy sang một bên và điều chỉnh lại cả quan hệ của từng nước trong G7 với Trung Quốc", ý kiến này nói.

    Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ bằng 'con đường đặc sắc Đông Á'

    Nay, đại dịch Covid là một dịp nữa chứng tỏ ưu điểm của Trung Quốc, so với Mỹ, theo Martin Jacques.

    "Hoa Kỳ hứa xuất khẩu 80 triệu liều vaccine cuối năm nay. Thử so con số này với thành tích của Trung Quốc. Ngoài 770 triệu liều đã được tiêm trong nước, Trung Quốc xuất khẩu trên 300 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển. Quá nửa số tiêm chủng tại châu Mỹ La tinh là dùng nguồn Trung Quốc."

    Bài ý kiến của Martin Jacques được đăng hôm 08/06, trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố mua 500 triệu liều vaccine Pfizer cho thế giới khi tới Anh dự Thượng định G7.

    Tuy thế, bài không chỉ đăng trên báo Trung Quốc mà còn được báo khu vực như tờ Khmer Times ở Campuchia đăng tải lại.

    Cùng thời gian, các báo Trung Quốc đăng nhiều tin về hội nghị Trùng Khánh 06-07 tháng 6, đánh dấu 30 năm quan hệ Trung Quốc -ASEAN.

    Ủy viên Quốc vụ - Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã tiếp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tới dự lễ và phát biểu khẳng định tầm quan trọng của quan hệ với ASEAN.

    Mậu dịch TQ-ASEAN đã đạt 685 tỷ USD và là nền tảng để xây đắp thêm quan hệ hai bên, theo báo TQ.

    Hôm 07/06, ông Vương Nghị nêu cam kết giúp ASEAN chống đại dịch Covid và đề xuất phát triển "một con đường hợp tác mang tính cách đặc sắc Đông Á" (road of regional cooperation with East Asian characteristics).

    Cùng thời gian, theo trang CGTN của Trung Quốc (07/06), một hội nghị riêng rẽ về Hợp tác Lancang-Mekong được tổ chức, với sự tham gia của đại diện Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, L:ào, Campuchia và Việt Nam.

    G7 có kế hoạch cung cấp 1 tỷ liều vaccine cho thế giới trong năm 2022

    Các nhà lãnh đạo của khối G7 có kế hoạch sẽ cung cấp 1 tỷ liều vaccine để chấm dứt đại dịch COVID-19 vào năm 2022, đồng thời thúc giục WHO tiến hành một cuộc điều tra mới nghiêm túc về nguồn gốc của virus Vũ Hán.

    Khi ông Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác tụ họp để bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Cornwall (Anh Quốc), một kế hoạch nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19 vào tháng 12 năm 2022 đã được vạch ra. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các Tổng thống và Thủ tướng sẽ cam kết cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine bổ sung trong năm tới để tiêm cho khoảng 80% dân số trưởng thành trên thế giới, theo một thông cáo dự thảo được Bloomberg News thông báo.

    Theo nguồn tin của Reuters, Mỹ đã lên kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine của Pfizer để chia sẻ với thế giới. Thông tin được đưa ra khi ông Biden đang chuẩn bị tham gia cùng các nhà lãnh đạo G7 bàn về kế hoạch chấm dứt đại dịch bằng cách phân phát các liều vaccine cho toàn cầu.

    Chính phủ Mỹ sẽ mua khoảng 200 triệu liều trong năm nay để phân phối thông qua COVAX, sáng kiến ​​do Tổ chức Y tế Thế giới hậu thuẫn nhằm đảm bảo sự phân phối vaccine công bằng trên toàn cầu, và khoảng 300 triệu liều trong nửa đầu năm tới.

    Vaccine Pfizer của Mỹ sẽ được cung cấp cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và các nước châu Phi. Ông Biden dự kiến ​​sẽ công bố kế hoạch đó vào thứ Năm trước khi Hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

    Hành động này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đối mặt với áp lực phải làm nhiều hơn để giải quyết tình trạng thiếu vaccine toàn cầu.

    Tuần trước, ông Biden thông báo lô hàng đầu tiên gồm 6 triệu liều sẽ được phân phối ở Trung Mỹ và Caribbean thông qua chương trình COVAX, trong khi những lô khác sẽ được gửi trực tiếp từ Mỹ đến Mexico.

    Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng sẽ kêu gọi một cuộc điều tra mới, minh bạch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc của virus corona.

    Lời kêu gọi được chính quyền Biden khởi xướng và theo sau quyết định của Tổng thống Mỹ nhằm mở rộng cuộc điều tra của Mỹ về nguồn gốc của đại dịch, với một cơ quan tình báo nghiêng về giả thuyết rằng virus đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

    Theo báo cáo của Bloomberg, thông cáo năm nay của các lãnh đạo G7 cũng sẽ có cam kết giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và may mặc và những nơi liên quan đến lao động cưỡng bức của người thiểu số.

    Trong một thái độ rõ ràng đối với Trung Quốc, cam kết cũng buộc các nhà lãnh đạo EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh phải có hành động chống lại Bắc Kinh vì đã bức hại đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

    Trước thềm hội nghị G7

    Đối với các nhà lãnh đạo G7, thì trên một số mặt cuộc họp ở Vịnh Carbis tây nam nước Anh dường như rất giống ngày xưa. Sau rất nhiều hội nghị thượng đỉnh online, việc được gặp trực tiếp sẽ cho họ cơ hội để tương tác với nhau — đặc biệt là Joe Biden trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống. Hơn nữa, “Nước Mỹ đã trở lại”, như ông Biden thường hay nói. Đã qua rồi cái thời mà các lãnh đạo thế giới luôn phập phồng lo ông Trump bỗng nhiên nổi giận.

    Nhưng họ không thể chỉ đơn giản quay ngược đồng hồ. Những người bạn cần được thuyết phục là Mỹ thực sự đã quay lại. Và Mỹ cũng muốn các nước cam kết nghiêm túc để giải quyết các thách thức toàn cầu, từ đại dịch, biến đổi khí hậu cho đến Trung Quốc và Nga. Ông Biden tin phương Tây sẽ mạnh hơn khi cùng nhau đối mặt thách thức. Đó cũng là mục đích ban đầu của G7.

    G7 và vấn đề vắc-xin toàn cầu


    Thách thức trước mắt mà G7 phải đối mặt là kiểm soát đại dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn nhóm cùng tài trợ một tỷ liều vắc-xin covid-19 cho các nước khác có nhu cầu. Mỹ đã cam kết 500 triệu liều. Nghe có vẻ hào phóng, nhưng nó sẽ khiến COVAX, một chương trình cung cấp vắc-xin cho các nước thiếu thuốc, thiếu hàng tỷ liều.

    IMF tính toán chỉ tốn 50 tỷ đô la để 70% người trưởng thành trên thế giới được tiêm chủng tới tháng 4. Con số này chỉ bằng 0,13% GDP của các nước G7. Và lợi ích sẽ lớn hơn rất nhiều chi phí. Quỹ cho biết nó sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tới 9 nghìn tỷ đô la cho đến năm 2025 – một mức lợi nhuận 17,900%. Nếu G7 ngừng tiêm chủng phổ cập nhanh chóng, thì họ sẽ bỏ lỡ một thời cơ hiếm có.

    Đảng Xanh của Đức họp đại hội trước bầu cử

    Các kỳ đại hội đảng Xanh của Đức từng là những cuộc tranh cãi nảy lửa. Năm 1999, Bộ trưởng Ngoại giao khi ấy Joschka Fischer đã bị sỉ vả vì thúc đẩy Đức can dự vào cuộc xung đột Kosovo. Sự kiện trực tuyến kéo dài ba ngày khai mạc từ hôm nay sẽ yên tĩnh hơn. Đảng ít nhiều đoàn kết với đồng lãnh đạo Annalena Baerbock, và sẽ chính thức phê duyệt bà làm ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử tháng 9 tới. Những trận chiến ý thức hệ xưa cũ đã được kiềm chế, và đảng đang chuẩn bị cho việc tham gia chính quyền.

    Tuy nhiên, con đường phía trước khá quanh co. Trong những tuần gần đây, các đại biểu đã yêu cầu tới hơn 3.200 sửa đổi đối với dự thảo tuyên ngôn tranh cử của đảng. Một số đã âm thầm được giải quyết, nhưng số khác phải xử lý tại đại hội. Dự đoán sẽ có tranh cãi xoay quanh giá carbon, thuế, lương tối thiểu và giới hạn tốc độ trên đường ô tô của Đức. Các đại biểu ủng hộ bà Baerbock cho chức thủ tướng rất muốn biết một điều: bà dự định làm thế nào để khắc phục màn thể hiện kém cỏi gần đây của đảng trong các cuộc thăm dò?

    Các cổ phiếu “meme” bị SEC điều tra


    Tháng vừa rồi là một tháng đầy biến động đối với các cổ phiếu “meme”, tức các cổ phiếu phổ biến trên mạng xã hội với các nhà đầu tư lẻ. Giá cổ phiếu của các công ty như vậy, bao gồm GameStop, một hãng bán lẻ trò chơi điện tử, và AMC, một chuỗi rạp chiếu phim, đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 5. Nhưng hôm qua chúng giảm xuống vì GameStop tiết lộ họ đang hợp tác với một cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC). Dường như cơ quan quản lý thị trường của Mỹ đã thấy điều gì đó không ổn trong sự biến động của các cổ phiếu này.

    Chủ tịch SEC Gary Gensler trong tuần này cũng cho biết ông đã mở một cuộc điều tra khác. Một quy trình gây tranh cãi được gọi là “thanh toán cho dòng lệnh” (payment for order flow), trong đó các nhà môi giới được thưởng khi hướng các nhà đầu tư lẻ đến các nhà cung cấp thanh khoản. Dòng doanh thu này cho phép các nhà môi giới mang lại cho nhà đầu tư lẻ quyền giao dịch cổ phiếu miễn phí, giúp người dân bình thường đầu cơ vào cổ phiếu dễ dàng và rẻ hơn. Quá dễ dàng, như một số người nói. Ông Gensler kỳ vọng một sự rung chuyển tạm thời sẽ mang đến ổn định cho thị trường về lâu dài.

    Nếu Đài Loan và Ukraine bị tấn công cùng một lúc, Mỹ sẽ bảo vệ bên nào?


    Trong tình huống Nga đánh Ukraine và Bắc Kinh đánh Đài Loan cùng một lúc, Mỹ sẽ ưu tiên bảo vệ bên nào, dưới đây là nhận định của các chuyên gia…..

    Về việc 3 Thượng nghị sĩ Mỹ đến thăm Đài Loan trên máy bay vận tải quân sự C-17, nhà kinh tế học tổng thể Ngô Gia Long chỉ ra rằng, ý nghĩa quan trọng nhất của sự việc này là Mỹ cố tình giẫm lên lằn ranh đỏ với Bắc Kinh; ông Akio Yaita, giám đốc tờ kinh tế Nhật Bản chi nhánh Đài Bắc, đã phát biểu trong một chương trình trực tuyến rằng tất cả mọi người đều đang đi trên lằn ranh đỏ, khiến Bắc Kinh vội vã không kịp trở tay.

    Chuyên gia khoa học chính trị Đài Loan ông Minh Cư Chính cũng cho hay, Hoa Kỳ muốn cho Bắc Kinh biết rằng, lằn ranh đỏ của Hoa Kỳ cũng chính là Đài Loan. Đối với việc Bắc Kinh muốn chia cắt quan hệ Mỹ – Đài Loan, ông Minh cho rằng Đài Loan nên tận dụng tốt vị trí chiến lược của mình như một con bài để thương lượng, ông cũng cho rằng nếu cả Đài Loan và Ukraine đều bị tấn công, Đài Loan chắc chắn sẽ quan trọng hơn đối với Mỹ.

    Ngô Gia Long: Hoa Kỳ cố tình giẫm lên lằn ranh đỏ của Bắc Kinh

    Ông Ngô chỉ ra rằng C-17 về cơ bản đang gửi tín hiệu tới Bắc Kinh để chứng tỏ khả năng tác chiến tầm xa của họ; điểm thứ hai là đưa Đài Loan vào tầm bắn của Phòng thủ của Mỹ-Nhật. Điểm thứ ba là Hoa Kỳ đang gửi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng Hàn Quốc đã bắt đầu tham gia, Tây Thái Bình Dương đã hình thành một mặt trận bình ổn thống nhất; và điểm thứ tư là Hoa Kỳ cố tình giẫm lên lằn ranh đỏ của Bắc Kinh để cố tình thử phản ứng của Trung Quốc.

    Ông Yaita Akio: Mọi người đều đang đi trên “lằn ranh đỏ”, Bắc Kinh vội vã trở tay không kịp

    Ông Akio Yaita trong chương trình “Giải mật tin tức” cho biết, Bắc Kinh đã kẻ lằn ranh đỏ ở khắp mọi nơi và không cho phép một ai giẫm lên vạch, nhưng một khi tất cả mọi người đã bước lên đó, thì Bắc Kinh bận tới mức trở tay không kịp. Thứ hai các nước đang thoát khỏi lệnh trừng phạt của Bắc Kinh.

    Trên thực tế, trước đây khi Trung Quốc đang có tốc độ phát triển kinh tế cao, một số công ty nước ngoài thực sự sợ các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh, nhưng hiện nay, nền kinh tế của đại lục đã dần tách khỏi nước ngoài, đây cũng là cơ hội để các nước rút chân khỏi Bắc Kinh, “nếu Bắc Kinh áp chế tài tôi, được thôi, vừa hay tôi cũng sẽ rút khỏi Đaị lục”. Ông Akio tiếp tục: “Chúng tôi cũng đã phát hiện ra rằng Bắc Kinh không có nhiều biện pháp trừng phạt đối với thế giới”.

    Ông Minh Cư Chính: Hoa Kỳ tuyên bố với Bắc Kinh rằng “lằn ranh đỏ” của họ chính là Đài Loan

    Ông Minh cho hay Hoa Kỳ rất quan tâm đến vấn đề Đài Loan và hy vọng rằng Bắc Kinh cũng sẽ không giẫm lên lằn ranh đỏ này. Đôi khi một sự kiện đối với hai bên mà nói đều có lằn ranh đỏ, vậy phải giải quyết như thế nào? Thứ nhất, xem bên nào có thái độ cứng rắn hơn; thứ hai, xem nắm đấm của ai nặng hơn. Chính là ý tứ này, điều này rất đơn giản trong chính trị quốc tế.

    Ông Minh nói tiếp rằng Hoa Kỳ đang cảnh báo Bắc Kinh rằng họ sẽ không tiến thêm một bước nào nữa, Bắc Kinh hãy tự biết ý mà dè chừng, đồng thời họ cũng rất lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Đài Loan, và mong muốn Bắc Kinh không nên nhân cơ hội này để làm một việc gì đó khiến người khác thất vọng. Tình hình hiện tại ở Bắc Kinh có vẻ tạm ổn, nhưng vẫn cần theo dõi sát sao.

    Ông cũng nói thêm rằng, Đài Loan phải tận dụng tốt các con bài thương lượng của mình. Ông Minh cho hay, vấn đề ở Đài Loan một mặt là vấn đề đảng phái, và mặt khác là việc Bắc Kinh chen chân ở giữa. Ông cho hay, Đài Loan được coi như một “học sinh ngoan kiểu mẫu”. Đài Loan là học sinh gương mẫu trong nhiều năm, nhưng có một điều nguy hiểm đó là, mọi người đều nghĩ rằng, học sinh ngoan gương mẫu sẽ dễ bị bắt nạt như gót chân Ashin của cộng đồng quốc tế. Bởi vì xã hội quốc tế là một xã hội vô chính phủ, một xã hội kiểu rừng rậm, nơi kẻ yếu ăn thịt kẻ mạnh và mỗi quốc gia hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự tồn tại, an toàn và phát triển của chính mình.

    Ông Minh nói rằng Đài Loan bây giờ khá lúng túng, thường bị nhiều nước khác bắt nạt. Tuy nhiên Đài Loan thực sự có rất nhiều thế mạnh, chẳng hạn như vị trí chiến lược của họ. Mỹ cũng có thể gặp phải tình huống khó xử là Nga đánh Ukraine và Bắc Kinh đánh Đài Loan cùng một lúc. Khi này Mỹ sẽ đối phó như thế nào? Tuy nhiên đối với Mỹ, điều này đã quá rõ ràng, Đài Loan phải quan trọng hơn Ukraine. Bởi lẽ nếu Ukraine thua thì Mỹ sẽ mất mặt nhưng Mỹ vẫn có thể hiện diện ở đó; nhưng nếu Đài Loan thua thì Mỹ không chỉ mất mặt mà có thể buộc phải rút lui ở Đông Á. Vì vậy, ông nhấn mạnh rằng trình tự chiến lược của Hoa Kỳ phải đúng đắn, nói cách khác, đây cũng là lá bài thương lượng quan trọng cho Đài Loan.

    Tùy viên quốc phòng Hoa Kỳ bị từ chối toàn quyền tiếp cận căn cứ hải quân Campuchia


    Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh hôm 11/6 cho biết tùy viên quốc phòng của họ đã bị từ chối tiếp cận đầy đủ căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia trong một chuyến thăm được mời, chỉ vài ngày sau khi Washington bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại căn cứ này, theo Reuters.

    Trong chuyến công du tới Campuchia vào ngày 1/6, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã đưa ra câu hỏi về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Căn cứ Hải quân Ream và yêu cầu làm rõ về việc phá dỡ các tòa nhà do Hoa Kỳ tài trợ tại đây.

    Sau cuộc gặp với bà Sherman, Thủ tướng Hun Sen đã đồng ý để đại sứ quán Hoa Kỳ tiến hành các chuyến thăm thường xuyên, với việc tùy viên quốc phòng Hoa Kỳ, Đại tá Marcus M. Ferrara, được mời đến căn cứ vào thứ Sáu.

    “Trong chuyến thăm ngắn ngủi, các quan chức quân đội Campuchia đã từ chối cho phép Tùy viên Quốc phòng tiếp cận đầy đủ Căn cứ Hải quân”, Reuters dẫn thông báo của Đại sứ quán Mỹ cho biết.

    “Khi biết chắc sẽ không được cấp quyền tiếp cận đầy đủ, Đại tá Ferrara đã kết thúc chuyến thăm và yêu cầu các quan chức quân đội Campuchia lên lịch lại chuyến thăm với quyền tiếp cận đầy đủ trong thời gian sớm nhất”, thông báo cho biết thêm.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ nói các chuyến thăm thường xuyên của các tùy viên quân sự Hoa Kỳ và các nước khác tới căn cứ là một bước quan trọng nhằm hướng tới sự minh bạch và tin cậy lẫn nhau hơn.

    Chỉ huy căn cứ Hải quân Ream, Ouk Seyha, từ chối bình luận với Reuters khi được hỏi về chuyến thăm.

    Vào tháng 10, Campuchia xác nhận họ đã san bằng một cơ sở nhỏ do Mỹ xây dựng tại căn cứ này như một phần của kế hoạch nâng cấp, nhưng bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc có liên quan đến việc này.

    Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh tuần trước cho biết Trung Quốc sẽ giúp hiện đại hóa và mở rộng Ream, nhưng đây không phải là quốc gia duy nhất được phép tiếp cận cơ sở này.

    Campuchia đã xích lại gần Trung Quốc để trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh ở Đông Nam Á, vào thời điểm mà Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

    Tư lệnh Mỹ thăm tàu Cảnh sát Biển Việt Nam tại Hawaii


    Hôm 9/6, đại diện Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đến thăm tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 8021 vừa được phía Mỹ viện trợ trị giá tổng cộng 27 triệu đôla.

    Trong hải trình từ cảng Seattle, bang Washington về Việt Nam, tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 8021 đã tới Honolulu, Hawaii hôm 8/6. Đây là tàu tuần duyên lớp Hamilton từng thuộc biên chế Tuần duyên Hoa Kỳ và là tàu thứ hai thuộc lớp này mà Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ cho Cảnh sát biển Việt Nam.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết trong một thông báo hôm 10/6 rằng Chuẩn tướng Jennifer Short và Chuẩn tướng Alan Litster thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã tới thăm tàu CSB 8021 và gặp gỡ Sĩ quan chỉ huy tàu Đặng Lê Sơn, đồng thời chào đón thủy thủ đoàn tới Honolulu và bày tỏ mong muốn hỗ trợ thủy thủ đoàn trong thời gian lưu trú tại đây.

    Tuần duyên CSB 8021, trước đây là tàu John Midgett, đã được Hoa Kỳ chính thức chuyển giao tàu cho Việt Nam vào ngày 14/8/2020. Từ ngày 1/11/2020, thủy thủ đoàn mới của tàu – gồm các sĩ quan của Cảnh sát biển Việt Nam – đã được phía Mỹ đào tạo về tàu, hệ thống và thiết bị của tàu, theo thông cáo của Đại sứ quán.

    “Việc chuyển giao tàu CSB 8021 và các hoạt động hỗ trợ liên quan có tổng giá trị hơn 27 triệu đôla, và là viện trợ an ninh của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam,” thông cáo viết.

    Trước đó, việc chuyển giao tàu CSB 8020 vào năm 2017 có tổng giá trị khoảng 24 triệu đôla. Tàu CSB 8021 rời cảng cũ ở Seattle, bang Washington vào ngày 1/6/2021 sau khi hoàn thành quá trình trang bị và huấn luyện cho thủy thủ đoàn Cảnh sát Biển Việt Nam.

    Liên Âu và Anh kêu gọi « điều tra độc lập » về nguồn gốc đại dịch Covid-19


    Liên Âu và Anh quốc hôm nay, 11/06/2021, lên tiếng yêu cầu một « điều tra độc lập » về nguồn gốc đại dịch, khiến ít nhất hơn 170 triệu người nhiễm virus, gần 4 triệu người chết cho đến nay, theo các số liệu chính thức. Điều tra đầu tiên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bị chỉ trích gay gắt, do sự thiếu hợp tác và các giới hạn mà Bắc Kinh áp đặt.

    Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, đòi hỏi : « Các nhà điều tra phải có quyền tiếp cận đầy đủ tất cả những gì cần thiết, để tìm ra được nguồn gốc của đại dịch này ». Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh : « Thế giới có quyền biết được chính xác về những gì đã diễn ra, để có thể rút ra được các bài học ». Về phía nước Anh, tại Nghị Viện, bộ trưởng Y Tế Matt Hancock cũng yêu cầu « một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập tại Trung Quốc, nhằm phát hiện được tất cả những gì có thể liên quan đến hồ sơ này, và cuộc điều tra cần được tiến hành mà không gặp trở ngại ».

    Reuters tiếp cận được với một dự thảo tuyên bố chung Hoa Kỳ - Liên Âu, dự kiến sẽ được chính thức công bố ngày 15/06, theo đó, Washington và Bruxelles yêu cầu « một cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc Covid-19, dựa trên các bằng chứng, do các chuyên gia tiến hành dưới sự điều hành của Tổ Chức Y Tế Thế giới, và không bị bất cứ can thiệp nào ».

    Cuối tháng 1, đầu tháng 2/2021, một phái đoàn chuyên gia của WHO đã đến Vũ Hán, Trung Quốc, nơi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên hồi tháng 1/2020, để tiến hành điều tra. Báo cáo của các chuyên gia WHO soạn thảo, cùng với nhiều khoa học gia Trung Quốc, được công bố cuối tháng 3/2021, nêu khả năng virus có thể truyền từ loài dơi đến người thông qua một loài động vật trung gian. Trong báo cáo này, giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm được coi là « có xác suất rất thấp ». Tuy nhiên, sau khi báo cáo được công bố, định chế y tế của Liên Hiệp Quốc cũng phàn nàn về việc cuộc điều tra đã bị chính quyền Trung Quốc áp đặt nhiều hạn chế.

    Cuối tháng 5/202, phái bộ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ở Genève, yêu cầu WHO tiến hành một cuộc điều tra thứ hai, do các kết quả của cuộc điều tra đầu tiên là « không đủ và không có ý nghĩa kết luận ». Trong giới khoa học quốc tế, có nhiều tiếng nói yêu cầu xem xét nghiêm túc giả thiết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, giả thiết vốn gần như bị gạt sang một bên trong cuộc điều tra của WHO tại Trung Quốc.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào