Một làng ở miền trung Myanmar bị thiêu trụi sau cuộc đụng độ
Một ngôi làng ở miền trung Myanmar đã bị thiêu trụi sau cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và du kích địa phương, làm ít nhất hai người chết.
Người dân nói với BBC rằng 200 trong số 240 ngôi nhà ở Kin Ma đã bị quân đội san bằng vào hôm thứ Ba.
Họ cho biết vụ việc xảy ra sau khi các lực lượng an ninh đụng độ với một nhóm dân quân địa phương chống lại chính quyền.
Dan Chugg, đại sứ Vương quốc Anh tại Myanmar, đã lên án vụ tấn công.
“Tin đưa về việc chính quyền đã thiêu rụi toàn bộ một ngôi làng ở Magway, giết chết người dân cao tuổi, một lần nữa cho thấy rằng quân đội tiếp tục gây những tội ác kinh hoàng và không đếm xỉa gì đến người dân Myanmar,” ông Chugg viết trên Facebook .
Tuy nhiên, truyền hình nhà nước đã đổ lỗi vụ phóng hỏa này cho "phần tử khủng bố".
Hàng trăm nhà tại Kin Ma bị phá, dân làng nói với BBC.
Theo hãng tin Reuters, MRTV đưa tin rằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào đưa ra nguyên nhân khác là "cố tình mưu toan hạ uy tín quân đội".
Một người dân nói với BBC rằng lực lượng an ninh đã đụng độ với Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) vào hôm thứ Ba.
Các nhóm dân quân như vậy được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự gần đây và đã bắt đầu chống lại cảnh sát và quân đội bằng vũ khí tự chế.
"Khi các thành viên của PDF rút lui, họ [lực lượng an ninh] đã vào làng và bắt đầu phóng hỏa các ngôi nhà ở khu vực phía nam," một người dân nói. "Gần như toàn bộ ngôi làng đã bị thiêu rụi thành tro.''
Một người dân khác cho biết dân làng đã chạy trốn vào rừng phía ngoài Kin Ma sau khi quân đội nổ súng. Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết hai người lớn tuổi không thể chạy và đã chết trong đám cháy, trong khi tin cho hay một số người khác mất tích.
"Lửa ở khắp mọi nơi trong làng và chúng tôi nhìn thấy những đám cháy lớn," người dân này cho biết. "Chúng tôi phải chạy để tránh đạn và chúng tôi phải quan sát từ xa."
Theo Reuters, đám cháy quá lớn tới mức đã được hệ thống theo dõi hỏa hoạn qua vệ tinh của Nasa ghi lại vào lúc 15:22 GMT hôm thứ Ba.
Quân đội Myanmar đã nắm chính quyền vào tháng Hai, với cáo buộc gian lận bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào năm ngoái – trong khi một tổ chức giám sát độc lập nói rằng bầu cử phần lớn được tiến hành tự do và công bằng.
Các cuộc biểu tình lan rộng khắp Myanmar sau cuộc đảo chính. Lực lượng an ninh đã đáp trả bằng một cuộc đàn áp tàn bạo, giết chết hơn 800 người và bắt giữ gần 5.000 người.
Liệu pháp kháng thể của Regeneron giảm tử vong nơi bệnh nhân COVID nhập viện
Một liệu pháp hỗn hợp kháng thể COVID-19 do công ty dược Regeneron và Roche bào chế giảm tử vong nơi các bệnh nhân nằm viện mà hệ thống miễn dịch của họ không tạo ra được đáp ứng miễn nhiễm, một cuộc nghiên cứu lớn của Anh phát hiện ngày 16/6.
Liệu pháp REGEN-COV đã được phép sử dụng khẩn cấp cho những người nhiễm COVID từ nhẹ đến trung bình tại Mỹ, nhưng kết quả từ cuộc thử nghiệm RECOVERY tại Anh cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất về tính hiệu nghiệm của thuốc đối với bệnh nhân nằm bệnh viện.
Cuộc nghiên cứu phát hiện rằng liệu pháp kháng thể vừa kể giảm một phần năm tỉ lệ tử vong trong 28 ngày của những người nhập viện vì COVID-19 mà hệ thống miễn nhiễm của họ không tạo ra đáp ứng kháng thể.
Các nhà nghiên cứu nói kết quả này có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân không tạo ra đáp ứng kháng thể được điều trị bằng liệu pháp REGEN-COV thì giảm được 6 ca tử vong.
Không có hiệu ứng rõ ràng của liệu pháp này đối với những người tạo ra được đáp ứng kháng thể tự nhiên.
Liệu pháp REGEN-COV cũng rút ngắn thời gian nằm viện của các bệnh nhân không tạo ra đáp ứng kháng thể, và giảm nguy cơ họ cần máy thở, theo ông Martin Landray, trưởng thanh tra cuộc thử nghiệm.
Regeneron trước đây nói liệu pháp của họ cho thấy có đủ hứa hẹn nơi những bệnh nhân nằm viện để đảm bảo tiếp tục cuộc thử nghiệm của công ty. Dữ liệu cuộc nghiên cứu vừa công bố xác nhận tuyên bố đó.
Có 9.785 bệnh nhân COVID nhập viện được phân bổ ngẫu nhiên giữa việc được chăm sóc y tế thông thường với chăm sóc y tế cộng với liệu pháp kháng thể, 30% trong số này là các bệnh nhân không tạo ra đáp ứng kháng thể.
Cuộc thử nghiệm RECOVERY cũng cho thấy thuốc steroid dexamethasone và thuốc thấp khớp Actemra của Roch làm giảm tử vong nơi các bệnh nhân nằm viện.
Mỹ đã cho phép sử dụng khẩn cấp các liệu pháp kháng thể của Eli Lilly cũng như của Vir Biotechnology/GlaxoSmithKline. Cả hai liệu pháp này được chấp nhận cho sử dụng đối với các ca COVID nhẹ và trung bình.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục giữ phạm vi mục tiêu lãi suất từ 0 đến 0,25%
Nhưng cho biết có thể sẽ tăng lãi suất vào cuối năm 2023 lên 0,6%. Như vậy, Fed đã kéo thời điểm tăng lãi suất lên sớm hơn so với dự đoán hồi tháng 3, chủ yếu do Mỹ phục hồi nhanh, tỉ lệ tiêm phòng tăng và lạm phát trong nước tăng vọt.
Xuất khẩu của Nhật tăng gần 50% trong tháng 5 so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 năm 1980. Nhu cầu toàn cầu đối với ô tô và phụ tùng ô tô đã đẩy xuất khẩu lên 6,26 triệu tỷ yên (57 tỷ USD). Các con số này khả quan là bởi năm ngoái rất tệ: vào tháng 5 năm 2020, đại dịch đã khiến xuất khẩu giảm 28% so với 2019.
Chỉ số giá tiêu dùng của Canada tăng 3,6% trong tháng 5 so với một năm trước đó. Đây là mức tăng lạm phát cao nhất của nước này trong một thập niên qua; và giá nhà ở cũng tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, nhanh nhất kể từ năm 2008. Điều này một phần là do nhu cầu nhà ở và phương tiện đi lại tăng, song giá cả vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Các quan chức Moskva nói tất cả người lao động làm công việc có tiếp xúc với công chúng phải được tiêm phòng covid-19. Số ca nhiễm đang tăng vọt ở Nga. Các công ty có trụ sở ở thủ đô được yêu cầu phải có ít nhất 60% nhân viên của họ được tiêm chủng trước ngày 15 tháng 8. Cho đến nay, chưa đến 10% dân số Nga tiêm đủ hai liều.
Tổng thống Bolsonaro bị điều tra ở Thượng viện Brazil
Kể từ tháng 5, người Brazil đã theo dõi sát sao cuộc điều tra của Thượng viện về cách chính phủ xử lý covid-19. Hàng ngày họ xem các nhà khoa học và chính trị gia thay nhau ra điều trần. Mục tiêu chính của cuộc điều tra là Tổng thống Jair Bolsonaro, với cách xử lý đại dịch đã khiến gần 500.000 người chết.
Nhân vật ra điều trần hôm qua là Wilson Witzel, thống đốc bị luận tội của Rio de Janeiro, người từng là đồng minh nay trở thành đối thủ của ông Bolsonaro, và đã nói tổng thống bỏ mặc các bang “trước thảm họa đang đến”. Ông ủng hộ các cáo buộc cho rằng mục tiêu của chính phủ là miễn dịch cộng đồng. Những người khác cũng phàn nàn về việc sử dụng hydroxychloroquine, một loại thuốc trị covid-19 kém hiệu quả.
Cuộc điều tra khó có thể dẫn đến luận tội, nhưng tỉ lệ ủng hộ của ông Bolsonaro đã giảm xuống dưới 30%, theo các cuộc thăm dò gần đây. Cao trào cuối cùng sẽ đến vào năm 2022, khi tổng thống bước vào cuộc bầu cử.
Các ngân hàng ráo riết chuẩn bị rời bỏ LIBOR
LIBOR – một thước đo tài chính được các ngân hàng trên thế giới sử dụng để xác định lãi suất nợ và hợp đồng phái sinh – sắp bị bỏ đi. (Năm 2012, người ta nhận ra các ngân hàng đã thao túng nó để thu lời.) Định giá hàng ngày dựa trên LIBOR cho 4 loại tiền tệ sẽ bị ngừng từ cuối năm 2021. Song các nhà quản lý Anh muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Kể từ hôm nay, họ khuyến khích các sàn giao dịch cho các công cụ phái sinh lãi suất bằng bảng Anh chuyển sang một chuẩn khác.
Đây chỉ là một phần nhỏ của một sự điều chỉnh khổng lồ. Các hợp đồng bị ảnh hưởng chỉ chiếm một phần nhỏ các hợp đồng phái sinh lãi suất bằng bảng Anh. Và khi so sánh thì chúng quá bé nhỏ trước 223 nghìn tỷ đô la được gắn với mức định giá đô la Mỹ của LIBOR. Vì vậy cắt đứt thị trường khỏi nó rất phức tạp — có một số đối thủ cạnh tranh và nhiều người không chắc nên chọn loại nào. Các nhà quản lý Mỹ đã đồng ý LIBOR đô la sẽ không bị ngừng cho đến tháng 6 năm 2023. Nhưng vì một khối lượng lớn nợ và công cụ phái sinh cần phải thay đổi nên việc đáp ứng thời hạn trên sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Eurostat sắp công bố chỉ số lạm phát của EU
Hôm nay Eurostat, cơ quan thống kê EU, sẽ công bố ước tính của họ cho Chỉ số Giá Tiêu dùng Hài hòa (HICP) cho khu vực đồng euro. Con số này đo lường giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng mà các hộ gia đình ở khu vực đồng euro mua, sử dụng hoặc thanh toán. Ngân hàng Trung ương Châu Âu, những người có nhiệm vụ giữ giá cả ổn định, sẽ theo dõi sát sao.
Từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021, lạm phát HICP của khu vực đã tăng từ -0,3% lên 1,6%, mức tăng nhanh nhất trong lịch sử của chỉ số. Điều này chủ yếu là do giá năng lượng cao hơn cũng như các yếu tố đặc biệt như chấm dứt lệnh giảm thuế giá trị gia tăng tạm thời của Đức. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán tình trạng lạm phát tăng sẽ thuyên giảm vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa ECB sẽ có thể hoàn thành nhiệm vụ chính của mình – duy trì giá cả ổn định – bằng cách giữ tỷ lệ lạm phát HICP hàng năm dưới 2% trong trung hạn.
Nhật Bản nói chiến lược quân sự của Trung Quốc không rõ ràng, đáng lo ngại
Nhật Bản hôm thứ Năm 17/6 nói rằng ý đồ quân sự của Trung Quốc không hề rõ ràng và việc các lực lượng vũ trang của nước này gia tăng nhanh chóng là điều hết sức đáng quan ngại. Nhật Bản cho rằng tình hình đó đòi hỏi châu Âu, Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á khác phải hợp tác để đương đầu với Bắc Kinh.
"Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự rất nhanh và chúng tôi không biết chắc ý đồ của Trung Quốc là gì", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói trước tiểu ban an ninh và quốc phòng của Nghị viện châu Âu.
"Và chúng tôi quan ngại sâu sắc về điều này", ông nói qua đường truyền video.
Hôm thứ Hai 14/6, các nhà lãnh đạo NATO lần đầu tiên nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại "những thách thức mang tính hệ thống". Chuyến công du 8 ngày vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến châu Âu tập trung vào việc tập hợp sự ủng hộ cho một chiến lược của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.
Phái bộ ngoại giao của Trung Quốc tại EU đã phản đối NATO và nói rằng họ "cam kết thực thi chính sách quốc phòng có tính phòng vệ".
Ông Kishi nói với các nhà lập pháp EU rằng các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, quyết định của nước này tăng ngân sách quốc phòng lên gấp 4 lần so với mức của Nhật Bản, và việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông là những điều cần phải được "theo dõi đầy cảnh giác" để "gìn giữ hòa bình".
Ông nói: “Họ đang tăng ngân sách quốc phòng của họ thêm rất nhiều. Cộng đồng quốc tế phải đoàn kết, có cùng một tiếng nói để tiếp cận với Trung Quốc". Vị bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản đồng thời kêu gọi Bắc Kinh giải thích vì sao Trung Quốc cũng đang nhanh chóng phát triển lực lượng không quân, hiện lớn thứ ba trên thế giới, theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với số lượng tàu chiến và tàu ngầm nhiều hơn Hoa Kỳ, cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, theo dữ liệu của Hoa Kỳ, dựa trên diễn biến năm 2019.
Trung Quốc cũng có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km, tầm bắn xa hơn Hoa Kỳ. Dữ liệu của Mỹ cho biết Mỹ không có tên lửa hành trình phóng từ mặt đất sau khi ký các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga mà Trung Quốc không phải tuân theo.
Bang Florida sẽ hỗ trợ Texas và Arizona giải quyết khủng hoảng biên giới
Thống đốc Florida Ron DeSantis hôm 16/6 thông báo rằng các nhân viên thực thi pháp luật ở tiểu bang của ông sẽ được cử đến bang Texas và Arizona để giúp giải quyết khủng hoảng biên giới.
Trang The Hill cho hay, Thống đốc DeSantis nói rằng ông đang phản ứng trước “sự thất bại của chính quyền Biden” trong việc bảo đảm an ninh biên giới cho người dân Mỹ. Ông lưu ý quyết định của Florida là hành động nhằm đáp lại lời kêu gọi của hai thống đốc Texas và Arizona hỗ trợ lực lượng cho biên giới phía nam.
Ông DeSantis nói trong cuộc họp báo: “Florida sẽ hỗ trợ Texas và Arizona. Chúng tôi tin rằng việc bảo đảm [an ninh] biên giới phía nam là quan trọng đối với đất nước của chúng ta, nhưng đặc biệt chúng tôi tin rằng điều đó sẽ mang lại lợi ích cho người dân Florida khi có thể kiểm soát được vấn đề [khủng hoảng biên giới] này và do đó, khi chính phủ liên bang thất bại, các bang đang đẩy mạnh và thực hiện tốt nhất [các hành động] để lấp đầy khoảng trống”.
Ông DeSantis lưu ý trong cuộc họp báo rằng Florida là tiểu bang đầu tiên tuyên bố sẽ gửi lực lượng thực thi pháp luật đến Texas và Arizona. Hơn mười cơ quan thực thi pháp luật và văn phòng cảnh sát trưởng ở cấp địa phương và tiểu bang Florida sẽ khai triển các sĩ quan.
Thông báo của Thông đốc Florida được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden phải đối mặt với số lượng người di cư qua biên giới Tây Nam gia tăng mạnh. Vào tháng 3, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro N. Mayorkas tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang trên đà chạm trán với nhiều người di cư hơn bất kỳ thời điểm nào trong 20 năm qua.
Chất cấm fentanyl ở biên giới Mỹ tăng vọt 300% so với năm ngoái
Breitbart News đưa tin, các quan chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã bắt giữ 934 pound (khoảng 420 kg) ma túy tổng hợp fentanyl tại biên giới phía nam vào tháng 5, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê gần đây nhất của cơ quan này cũng tiết lộ rằng trong 8 tháng của năm tài chính 2021, các quan chức đã thu giữ gần 3200 kg ma túy tổng hợp fentanyl, nhiều hơn toàn bộ số ma túy fentanyl bị thu giữ trong năm tài chính 2020.
Fentanyl là một loại ma túy tổng hợp, tương tự như morphin nhưng được ước tính là mạnh hơn heroin từ 30 đến 50 lần.
Dữ liệu cập nhật từ cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đưa ra trong bối cảnh làn sóng di cư bất hợp pháp gia tăng ở biên giới phía nam trong bốn tháng đầu tiên Tổng thống Joe Biden nắm quyền. Đơn cử, vào tháng 5, các quan chức biên giới đã bắt giữ hơn 180.000 người di cư vượt biên trái phép, tăng gần 700% so với tháng 5 năm ngoái, dưới thời cựu TT Trump.
Dân biểu Cộng hòa Yvette Herrell, bang New Mexico, một trong 4 bang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng biên giới cho biết trên mạng xã hội, số lượng vượt biên đạt hơn 180,000 lượt trong tháng 5 này là mốc cao mới trong suốt 21 năm qua. Kèm theo đó bà Herrell cũng chia sẻ lại bức ảnh những nhóm người vượt biên lúc rạng sáng.
Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cũng báo cáo đã bắt giữ hơn 100.000 người di cư bất hợp pháp vào tháng Hai, hơn 170.000 người vào tháng Ba và hơn 178.000 [di dân lậu] vào tháng Tư. Những con số này thể hiện mức tăng vọt lần lượt là 175%, hơn 400% và hơn 900% so với số lượng người vượt biên vào năm ngoái.
Tại Texas, một bang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ nạn di dân lậu, Thống đốc Greg Abbott đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí “Cuộc sống đang bị đe dọa khi các loại ma túy nguy hiểm như fentanyl tràn vào cộng đồng của chúng tôi với tốc độ đáng kinh ngạc, và chúng tôi phải hành động ngay từ bây giờ để ngăn chặn sự gia tăng của loại ma túy chết người này”. Thống đốc thông báo hôm thứ Bảy, ông đã ký một đạo luật để kéo dài thời gian tù giam cho những người “sản xuất và phân phối” ma túy Fentanyl.
Ông Abbott và Thống đốc tiểu bang Arizona Doug Ducey đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới của tiểu bang họ. Ông cũng lên án TT Biden vì các chính sách biên giới nới lỏng “Các chính sách của Chính quyền Biden là liều lĩnh, đáng trách và nguy hiểm nhất so với bất kỳ tổng thống nào mà tôi từng thấy,”.
Mỹ – Nga kết thúc hội nghị thượng đỉnh sau hơn 3 tiếng, ông Putin họp báo trước
Theo Hãng tin Reuters, cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ đã kết thúc sau hơn 3 giờ thảo luận và ngắn hơn dự kiến.
Một quan chức của Tòa Bạch Ốc xác nhận cuộc gặp song phương quy mô lớn hơn, với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các quan chức cấp cao khác tham dự, đã kết thúc lúc 17h05 giờ địa phương (khoảng 22h05 giờ Việt Nam).
Vòng đối thoại thứ nhất, giữa ông Biden, Putin và hai vị ngoại trưởng của hai nước là Antony Blinken và Sergei Lavrov kéo dài khoảng 2 tiếng.
Sau một quãng nghỉ ngắn, vòng thứ hai bắt đầu nhưng kết thúc sớm lúc 17h05 giờ địa phương (khoảng 22h05 giờ Việt Nam).
Trong hội nghị thượng đỉnh, ông Putin đã gọi Biden là một chính khách giàu kinh nghiệm. Tổng thống Putin tin rằng ông và Biden nói “cùng một ngôn ngữ” trong cuộc gặp của họ, nhưng ông nói thêm rằng họ không hình thành bất kỳ loại tình bạn lâu dài nào, thay vào đó là một cuộc đối thoại thực dụng về lợi ích của hai nước.
Tổng thống Biden cho biết ông đã nói với Tổng thống Putin rằng Mỹ – Nga cần một số quy tắc cơ bản mà cả hai bên có thể tuân theo.
Ông Putin tổ chức cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc hội nghị. Ông Putin cho biết cuộc gặp diễn ra mang tính xây dựng, không có thái độ thù địch và thể hiện mong muốn hiểu nhau của các nhà lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo của Nga cho biết việc cải thiện quan hệ với Mỹ là khó khăn, nhưng có một “tia hy vọng” liên quan đến sự tin cậy lẫn nhau. Tổng thống Putin nói ông vẫn chưa nhận được lời mời đến Tòa Bạch Ốc từ người đồng cấp Mỹ. Ông xác nhận mình cũng chưa mời Tổng thống Biden đến Moskva.
Về phía Mỹ, Ông Biden cho biết hai bên đã dành nhiều thời gian cho việc kiểm soát vũ khí và các cuộc tấn công mạng.
Trong lời phát biểu có lẽ là mạnh mẽ nhất của mình, ông Biden nói rằng hậu quả sẽ “tàn khốc đối với Nga” nếu chính trị gia đối lập Alexei Navalny qua đời.
Cả hai người đều cho biết Nga và Mỹ cùng chịu trách nhiệm về ổn định hạt nhân và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về những thay đổi có thể xảy ra đối với Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) mới được gia hạn gần đây của họ.
Về vấn đề cho phép các đại sứ, nhà ngoại giao hai nước quay trở lại, ông Putin tiết lộ sẽ có các cuộc họp tham vấn diễn ra ở cấp ngoại trưởng và đồng ý việc các đại sứ trở lại nhiệm vụ.
Ông Putin cho biết cả Mỹ và Nga đều có trách nhiệm trong vấn đề ổn định chiến lược hạt nhân. Cụ thể, hai nước sẽ bắt đầu thảo luận về những thay đổi có thể với Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) mở rộng.
Về vấn đề an ninh mạng, ông Putin tiết lộ đã đồng ý với ông Biden hai bên sẽ tham vấn lẫn nhau, nhưng cho rằng đa số các cuộc tấn công mạng đến từ Mỹ và Nga không phải là quốc gia “đầu sỏ” về việc này.
Nhận xét về cuộc họp, ông Putin cho biết không có sự thù địch trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ và cả hai phía đều muốn hiểu nhau, nhưng Nga hiểu vị trí của Mỹ về “lằn ranh đỏ” và ngược lại.
Mỹ-Nga : Trao đổi « mang tính xây dựng » giữa Biden và Putin
Hôm qua, 16/06/2021, cả tổng thống Mỹ Joe Biden và nguyên thủ Nga Vladimir Putin đều ca ngợi các cuộc trao đổi « mang tính xây dựng » trong cuộc họp thượng đỉnh tại Genève, Thụy Sĩ. Hai lãnh đạo tỏ quyết tâm làm dịu các căng thẳng song phương, nhưng không đưa ra nhiều thông báo cụ thể. Cuộc họp thượng đỉnh theo dự kiến ban đầu kéo dài từ 4 đến 5 tiếng, nhưng phái đoàn hai nước đã chia tay nhau chỉ sau khoảng 3 tiếng rưỡi.
Theo hãng tin AFP, khác với thái độ nhập nhằng của người tiền nhiệm Donald Trump, tổng thống Biden hôm qua đã đưa ra những lời cảnh cáo rõ ràng đối với tổng thống Putin, đặc biệt là về các vụ tấn công tin học. Ông Biden còn tuyên bố sẽ không dung thứ « những mưu toan gây mất ổn định các cuộc bầu cử dân chủ » ở Hoa Kỳ, ám chỉ đến sự can thiệp của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Về phần mình, tổng thống Putin bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về các vụ tấn công tin học và về trường hợp của nhà đối lập Alexeï Navalny.
Từ Genève, thông tín viên RFI Vincent Souriau tường trình :
« Đây chỉ là cuôc gặp đầu tiên, để thăm dò nhau. Không ai chờ đợi là sẽ có những bước tiến ngoạn mục. Và đúng là đã không có bước tiến nào. Tổng thống Joe Biden nói tóm tắt : « Tôi đã làm những gì mà tôi đã đề ra khi đến đây. Tôi đã kêu gọi tôn trọng nhân quyền, ủng hộ việc đề ra những quy tắc căn bản mà chúng ta phải đồng ý với nhau ».
Nhà Trắng đã nêu lên hai vấn đề gây khó chịu cho Matxcơva : Trường hợp của nhà đối lập Alexeï Navalny có nguy cơ bị chết trong tù và các vụ tấn công tin học mà tình báo Mỹ nghi thủ phạm là các nhóm tin tặc tại Nga. Trong cả hai vấn đề, Vladimir Putin đều phản bác ông Biden. Tổng thống Nga khẳng định: Navalny và tổ chức của ông ta xúi giục nổi loạn và chúng tôi hành động trong khuôn khổ luật pháp. Còn về an ninh tin học, chính người Mỹ tiến hành nhiều vụ tấn công tin tặc nhất thế giới. Hãy ngưng ngay việc cáo buộc chúng tôi một cách vô căn cứ.
Tóm lại, sau cuộc gặp, không có kẻ thua lẫn người thắng. Chỉ có một tiến bộ cụ thể : từ 3 tháng nay, không còn đại sứ Mỹ ở Matxcơva cũng như không còn đại sứ Nga ở Washington. Các nhà ngoại giao sẽ trở lại nhiệm sở trong thời gian sớm nhất »
Vpx Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào