Võ Thái Hà tóm lược
Miến Điện : Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội tham nhũng
Bà Aung San Suu Kyi (T), cựu tổng thống Win Myint (G) và bác sĩ Myo Aung tại tòa án ở Naypyitaw, Miến Điện, ngày 24/05/2021. MRTV via REUTERS - REUTERS TV
Bà Aung San Suu Kyi, nguyên lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện bị quân đội làm đảo chính, lật đổ hồi đầu tháng Hai, vừa bị tập đoàn quân sự cáo buộc thêm tội tham nhũng.
Hôm nay, 10/06/2021, tờ báo chính thức của Miến Điện, The Global New Light of Myanmar, loan tin, bà Aung San Suu Kyi bị buộc tội nhận trái phép « 600.000 đô la và 11 kg vàng » từ Phyo Min Thein, khi đó là bộ trưởng phụ trách vùng Rangoon. Bà còn bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cho quỹ từ thiện Daw Khin Kyi, do chính bà làm chủ tịch, thuê đất với những điều kiện có lợi.
Theo tờ báo, bà Aung San Suu Kyi bị buộc tội theo điều 55 luật chống tham nhũng và có thể bị kết án nhiều năm tù.
Tuy nhiên, ông Khin Maung Zaw, một trong những luật sư của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, nói với AFP là những lời buộc tội trên là « vô căn cứ » và chỉ nhằm làm hoen ố hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi và khiến bà không thể tham gia chính trường trở lại.
Chuyên gia Richard Horsey của trung tâm phân tích International Crisis Group nhắc lại các chế độ quân sự Miến Điện luôn muốn « chụp mũ » tham nhũng cho các đối thủ.
Quân đội Miến Điện đã tiến hành đảo chính ngày 01/02/2021, và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi. Cho tới nay, lãnh đạo đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, giải Nobel Hòa Bình năm 1991, vẫn bị quản thúc tại gia và phải đối mặt với các thủ tục tố tụng với nhiều tội danh như sở hữu bất hợp pháp máy bộ đàm, kích động gây rối trật tự công cộng, vi phạm một đạo luật về bí mật Nhà nước....
Theo dự kiến, phiên tòa xét xử nhà lãnh đạo chính quyền dân sự vì tội nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm, không tuân thủ các quy định phòng dịch Covid-19 và vi phạm luật viễn thông sẽ khởi động vào ngày 14/06. Phiên tòa xử bà về tội « nổi loạn » cùng cựu tổng thống Win Myint sẽ mở ra ngày 15/06.
Giới siêu giàu Mỹ 'hầu như không trả thuế thu nhập'
ProPublica cho biết họ đã nhìn thấy hồ sơ khai thuế của Jeff Bezos, Warren Buffet và Elon Musk
Chi tiết nói về việc tiết lộ mức thuế thu nhập ít ỏi mà các tỷ phú Mỹ trả thế nào đã bị rò rỉ trên một trang web tin tức.
ProPublica cho biết họ đã xem được hồ sơ khai thuế của một số người giàu nhất thế giới, bao gồm Jeff Bezos, Elon Musk và Warren Buffett.
Trang web này cáo buộc ông Bezos của Amazon không trả thuế trong năm 2007 và 2011, trong khi ông Musk của Tesla không hề trả thuế thu nhập vào năm 2018.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng gọi vụ rò rỉ là "bất hợp pháp", và FBI và cơ quan thuế Hoa Kỳ đang điều tra.
ProPublica cho biết họ đang phân tích cái mà họ gọi là "một kho dữ liệu khổng lồ của Sở Thuế vụ" về thuế của các tỷ phú và sẽ công bố thêm thông tin chi tiết trong những tuần tới.
Trong khi BBC chưa thể xác nhận các tuyên bố này, vụ rò rỉ được cho là xảy ra vào thời điểm ngày càng có thêm tranh luận về số tiền thuế mà giới có tiền của đã trả và sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
ProPublica cho biết 25 người Mỹ giàu nhất trả thuế ít hơn - trung bình là 15,8% tổng thu nhập đã điều chỉnh - so với hầu hết những người lao động chính thống của Mỹ.
Jesse Eisinger, phóng viên có thâm niên và là biên tập viên tại ProPublica, nói với BBC: "Chúng tôi khá ngạc nhiên khi người ta có thể làm [thuế] giảm xuống bằng không nếu người ta là tỷ phú. Thực tế, việc trả thuế bằng không đã thực sự khiến chúng tôi hết sức thất vọng.
"Những người siêu giàu có thể lách hệ thống theo cách hoàn toàn hợp pháp.
"Họ có rất nhiều khả năng để tìm các khoản khấu trừ, tìm các khoản tín dụng và khai thác các lỗ hổng trong hệ thống," ông nói.
Vì vậy, mặc dù giá trị tài sản của họ tăng lên rất nhiều thông qua việc họ sở hữu cổ phiếu trong công ty của mình, nhưng các tài sản đó không được ghi là thu nhập.
Nhưng còn hơn thế nữa, ông nói: "Họ cũng khấu trừ thuế rất nhiều, thường là vì họ đã vay mượn để tài trợ cho cách sống của mình."
Ông cho biết các tỷ phú Hoa Kỳ mua một tài sản, xây dựng hoặc thừa kế một tài sản, và sau đó vay mượn dựa trên của cải của họ.
Bởi vì họ không thể hiện bất kỳ khoản lợi nhuận hoặc bán bất kỳ cổ phiếu nào, họ không nhận bất kỳ khoản thu nhập nào mà có thể bị đánh thuế.
“Sau đó, họ đi vay từ một ngân hàng với lãi suất tương đối thấp, sống dựa vào khoản đó và có thể sử dụng chi phí lãi vay để khấu trừ vào thu nhập của mình,” ông giải thích.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ tăng thuế đối với những người Mỹ giàu nhất.
Kế hoạch của Biden
Trang web này cho biết "sử dụng các chiến lược thuế hoàn toàn hợp pháp, nhiều người giàu có thể giảm thuế thu nhập của họ xuống bằng không hoặc gần bằng không" ngay cả khi tài sản của họ tăng vọt trong vài năm qua.
Những người giàu có, cũng như nhiều công dân bình thường, có thể giảm mức thuế thu nhập của họ thông qua những thứ như quyên góp từ thiện và rút tiền từ thu nhập đầu tư thay vì thu nhập từ lương.
ProPublica, sử dụng dữ liệu do tạp chí Forbes thu thập, cho biết tài sản của 25 người Mỹ giàu nhất gộp lại đã tăng khoảng 401 tỷ USD từ năm 2014 đến 2018 - nhưng họ đã trả 13,6 tỷ USD thuế thu nhập trong những năm đó.
Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ tăng thuế với những người Mỹ giàu nhất như một phần trong sứ mệnh cải thiện bình đẳng và quyên tiền cho chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của ông.
Ông muốn tăng mức thuế cao nhất, tăng gấp đôi thuế đối với những gì người có thu nhập cao kiếm được từ các khoản đầu tư và thay đổi thuế thừa kế.
Tuy nhiên, phân tích của ProPublica kết luận: "Trong khi một số người Mỹ giàu có, chẳng hạn như các nhà quản lý quỹ đầu tư, sẽ trả nhiều thuế hơn theo đề xuất của chính quyền Biden hiện tại, thì sẽ không thấy thay đổi nhiều với phần lớn trong số 25 người giàu nhất."
Một trong những tỷ phú được nói tới, George Soros, cũng được cho là đã đóng thuế ở mức tối thiểu. Văn phòng của ông đã không trả lời yêu cầu của BBC đề nghị bình luận, nhưng cho biết trong một tuyên bố với ProPublica rằng ông Soros không nợ thuế trong một số năm vì thua lỗ từ các khoản đầu tư.
Tuyên bố cũng nói rằng ông từ lâu đã ủng hộ việc đánh thuế cao hơn đối với những người giàu nhất Hoa Kỳ.
'Bất hợp pháp'
Theo các tường thuật tại Hoa Kỳ, Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York, người có chi tiết thuế nằm trong số các tài liệu bì rò rỉ, cho biết việc tiết lộ gây lo ngại về quyền riêng tư và ông sẽ sử dụng "các biện pháp pháp lý" để tìm ra nguồn gốc của vụ rò rỉ này.
ProPublica, một trang web điều tra, đã đăng một số bài báo về việc cắt giảm ngân sách tại Sở Thuế vụ Hoa Kỳ đã cản trở khả năng thực thi các quy định về thuế đối với các tập đoàn giàu có và lớn như thế nào. Trang tin này cho biết họ đã nhận được các tài liệu bị rò rỉ để phản hồi lại các bài báo này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng "bất kỳ việc tiết lộ trái phép thông tin chính phủ được bảo mật" đều là bất hợp pháp.
Phát ngôn viên Bộ Tài chính Lily Adams cho biết trong một tuyên bố gửi qua email tới Reuters rằng vấn đề đã được chuyển tới FBI, các công tố viên liên bang và hai cơ quan giám sát nội bộ của Bộ Tài chính, "tất cả đều có thẩm quyền điều tra độc lập".
"Tôi không thể nói điều gì với liên quan đến những người nộp thuế cụ thể. Tôi có thể xác nhận rằng có một cuộc điều tra, đối với các cáo buộc rằng nguồn thông tin trong bài báo đó đến từ Sở Thuế vụ Hoa Kỳ,” Giám đốc Sở Thuế vụ Hoa Kỳ Charles Rettig nói.
Lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh
Các số liệu công bố tháng trước cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tháng 4 ở Mỹ đã lên mức cao nhất trong 13 năm qua, 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tin này làm thị trường lo lắng. Theo một cuộc thăm dò của Dow Jones, các nhà kinh tế lo ngại con số của tháng 5, dự kiến được công bố hôm nay, có thể lên tới 4,7%.
Tốc độ lạm phát lên cao một phần lớn là do giá dầu giảm khiến con số của năm ngoái xuống mức rất thấp. Nhưng nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhờ các khoản tiền kích thích cũng khiến các công ty bất ngờ. Nhiều công ty đã phải vật lộn để có thể đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng thiếu hụt — từ ô tô, chip máy tính cho đến cả lao động tay nghề cao — đã đẩy giá lên cao.
Dù vậy, lạm phát chỉ tăng nếu người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng giá tăng trong tương lai. Hiện các công ty Trung Quốc dường như đang cắt giảm tỷ suất lợi nhuận thay vì chuyển chi phí cao hơn sang cho khách hàng. Vẫn chưa rõ liệu người Mỹ có làm theo hay không. Sẽ còn nhiều nguy cơ lạm phát trong những tháng tới.
Tòa án Hình sự Quốc tế sắp nhận hai vụ kiện về người Duy Ngô Nhĩ
Hôm nay, hai nhóm Duy Ngô Nhĩ ở Washington sẽ yêu cầu công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đề xuất một cuộc điều tra về các hành vi lạm dụng nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ của các quan chức Trung Quốc. Một yêu cầu trước đó đã bị từ chối vì tòa thiếu thẩm quyền đối với các nước không phải thành viên như Trung Quốc. Nhưng luật sư của nhóm cho biết họ đã phát hiện thêm bằng chứng về các vụ lạm dụng ở Tajikistan, một thành viên ICC. Cho đến nay chỉ mới có một cuộc điều tra tương tự. Vào năm 2019, tòa đã đồng ý xem xét các hành vi tàn bạo khiến người Rohingya ở Myanmar phải chạy trốn sang Bangladesh, song Myanmar không công nhận thẩm quyền của ICC.
Đương nhiên Myanmar không có tầm ảnh hưởng như Trung Quốc. Nhưng trái ngược với Bangladesh, Tajikistan khó có thể sẽ hợp tác, vì nước này phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt tín dụng và an ninh. Trung Quốc sẽ không bao giờ giao các quan chức của mình ra tòa. Tuy nhiên, đối với Salih Hudayar, một trong những người khiếu nại, vụ kiện này này là “để thử phản ứng của cộng đồng quốc tế … chúng tôi cảm thấy mệt mỏi vì cứ bị gạt ra lề”.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu thảo luận chính sách tiền tệ
Vắc-xin đang bơm sức sống vào nền kinh tế châu Âu. Điều đó đồng nghĩa khi họp hôm nay, ECB có thể sẽ đưa ra một dự báo tốt hơn so với dự đoán hồi tháng 3. Nhưng liệu triển vọng có tốt đến mức khiến các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ? Chắc là không. Lạm phát ước tính đạt 2% trong tháng 5. Song nếu bỏ đi các yếu tố ngắn hạn thì nó sẽ chỉ còn một nửa. Với tốc độ tăng lương yếu và nhiều tiềm lực kinh tế vẫn chưa được dùng hết, sẽ là quá sớm nếu giảm đáng kể tốc độ mua tài sản vào lúc này.
Nợ mới của châu Âu càng làm mọi thứ phức tạp hơn đối với các nhà hoạch định chính sách. Khoảng 100 tỷ euro (122 tỷ USD) sẽ bắt đầu được phát hành trong những tuần tới. Nó được dự định tạo ra phục hồi, nhưng cũng sẽ khiến ngân hàng khó hạn chế nhu cầu mà không khiến các nhà đầu tư cảm thấy căng thẳng tín dụng. Hiện tại, họ kỳ vọng ECB đứng yên. Người ta không muốn ngân hàng tung ra quá nhiều tiền.
Bầu cử tổng thống Peru đã có kết quả sơ bộ
Gần như mọi lá phiếu của cuộc bầu cử tổng thống Peru hôm Chủ nhật đã được đếm. Pedro Castillo, người ra tranh cử theo cương lĩnh cực tả, đạt 50,2%, vượt xa đối thủ từ phe bảo thủ, Keiko Fujimori. Bà Fujimori cáo buộc gian lận, nhưng không thể đưa ra bằng chứng. Các nhà quan sát quốc tế cũng cho biết không thấy dấu hiệu gian lận nào.
Với khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý về phiếu bầu, sẽ mất một thời gian để kết quả được chứng nhận. Giả sử được công nhận chiến thắng, ông Castillo, một giáo viên và lãnh đạo công đoàn từ một ngôi làng ở núi Andes, sẽ tiếp quản một đất nước vừa chia rẽ sâu sắc vừa quay cuồng với tỉ lệ tử vong vì đại dịch trên dân số cao nhất thế giới. Ông có sự ủng hộ của Evo Morales, cựu tổng thống tả khuynh của Bolivia, và đã kêu gọi xây dựng hiến pháp mới cũng như một nền kinh tế ổn định hơn. Nhưng ông không có nhiều kinh nghiệm chính trị. Tuần này ông trở nên ôn hòa hơn khi nói với người ủng hộ rằng ông sẽ tôn trọng nền dân chủ, hiến pháp và sự ổn định kinh tế. Các đối thủ mong ông sẽ giữ lời.
Trung Quốc tập trận rầm rộ sau khi máy bay quân sự Mỹ tới Đài Loan
Quân đội Trung Quốc đã tập trận đổ bộ ở vùng biển gần Đài Loan sau khi máy bay quân sự chở 3 nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan cuối tuần qua, kênh SCMP cho hay.
Theo tài khoản Weibo chính thức của Quân khu phía Đông thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 8/6, quân đoàn số 72 của họ đã thực hiện một cuộc diễn tập hải quân, tấn công đổ bộ ở vùng biển phía nam tỉnh Phúc Kiến, đối diện đảo Đài Loan.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tỏ ra giận dữ – khi hôm 6/6, một máy bay vận tải quân sự của Mỹ đã chở 3 thượng nghị sĩ Mỹ cùng với 750.000 liều vắc xin Covid-19 đến hỗ trợ Đài Loan đối phó với đại dịch.
Theo đoạn video được quân đội Trung Quốc công bố, các xe thiết giáp lội nước di chuyển lên các tàu tấn công đổ bộ, sau đó các tàu này di chuyển đến vùng biển mục tiêu để các xe thiết giáp đổ bộ bờ biển.
Trước đó, một bản tin của kênh truyền hình CCTV cho biết trong đợt huấn luyện này, quân đoàn 72 đã tiến hành các chiến thuật tập hợp khẩn cấp, vận chuyển đường dài và tấn công đổ bộ trong điều kiện phức tạp nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ tác chiến đổ bộ. Trong cuộc tập trận này, các tàu chở một số loại khí tài như xe bọc thép có bánh xích, xe địa hình bánh lốp và xe tải.
Quân khu phía Đông của quân đội Trung Quốc có nhiệm vụ chính là đối phó các tình huống khẩn cấp liên quan đến Đài Loan. Theo truyền thông Trung Quốc, những năm gần đây, quân đội Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động huấn luyện hải quân và Quân khu phía Đông đã đưa tác chiến hải quân trở thành hạng mục diễn tập bắt buộc kể từ tháng 9.
Phản ứng về chuyến thăm của các Thượng nghị sĩ Mỹ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 8/6 tuyên bố: “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ đáp trả, quyết tâm bảo vệ thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá nếu có ai dám chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc”. Vị này còn nói rằng, chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng đến nền tảng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cũng như sự ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng sáp nhập bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực. Bắc Kinh coi đó là “lằn ranh đỏ” mà Washington không nên bước qua và phản đối mọi liên hệ cấp cao giữa Washington và Đài Loan.
Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan kể từ năm 1979, nhưng vẫn là đối tác thương mại và quân sự quan trọng của hòn đảo này trong nhiều năm qua.
Tổng thống Mỹ Biden đến châu Âu với lời hứa tặng vac-xin cho thế giới
Hôm nay, 10/06/2021, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mở đầu chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông tại Anh Quốc. Một mặt tuyên bố nước Mỹ “đang trở lại”, mặt khác nguyên thủ quốc gia Mỹ sẽ thông báo mua hàng trăm triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 để tặng cho những nước đang cần đến.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình:
“Nước Mỹ lãnh đạo không phải là với việc nêu gương bằng sức mạnh mà là bằng sức mạnh của việc nêu gương. Đó là một trong những câu nói tâm đắc của tổng thống Mỹ Joe Biden và ông đã nhắc lại câu nó ngay khi vừa đặt chân lên đất châu Âu. Ông Biden mong muốn đặt Hoa Kỳ trở lại vị trí trung tâm của bàn cờ quốc tế và kêu gọi các đối tác của Mỹ tập hợp cùng với ông để chống đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ nói: “Vào mỗi chặng của chuyến công du này, chúng tôi sẽ làm cho hiểu rõ là Hoa Kỳ đang trở lại và các nền dân chủ trên thế giới đoàn kết chặt chẽ với nhau để đối phó với các thách thức lớn nhất và các vấn đề quan trọng nhất đối với tương lai của chúng ta.”
Hôm nay, ông Biden sẽ thông báo là Hoa Kỳ đã mua 500 triệu liều vac-xin ngừa virus corona và những vac-xin này sẽ được phân phối cho gần một trăm quốc gia trên thế giới. Đây cũng giống như một món quà của vị khách đến thăm, nhằm khẳng định giá trị của bài diễn văn của ông.”
Trong một thông cáo, Nhà Trắng xem việc Hoa Kỳ đặt mua nửa tỷ liều vac-xin Pfizer/BioNTech là một “hành động lịch sử”, vì đây là đơn đặt hàng lớn nhất và số lượng vac-xin được tặng lớn nhất của một quốc gia. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết các vac-xin này sẽ được phân phối cho 92 nước nghèo thông qua cơ chế COVAX. Cụ thể, 200 triệu liều sẽ được phân phối từ đây đến cuối năm, và 300 triệu liều sẽ được giao từ đây đến tháng 6/2022. Toàn bộ các liều này sẽ được sản xuất trong các nhà máy của Mỹ.
Cuộc gặp đầu tiên Biden-Johnson
Hôm nay, lần đầu tiên tổng thống Biden sẽ gặp trực tiếp thủ tướng Boris Johnson, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với “đồng minh đặc biệt” đang gặp nhiều rắc rối do hồ sơ Brexit và hậu quả của Brexit đối với Bắc Ireland. Luân Đôn hy vọng cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Anh-Mỹ sẽ giúp đạt được một “Hiến chương Đại Tây Dương” mới, theo mô hình của Hiến chương mà thủ tướng Anh Winston Churchill đã ký với tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Theo phủ thủ tướng Anh, hiến chương mới sẽ khẳng định, “thế giới đã thay đổi so với năm 1941, nhưng những giá trị về bảo vệ dân chủ, an ninh tập thể và thương mại quốc tế vẫn không đổi”.
Cuộc gặp diễn ra tại Carbis Bay, một thành phố nghỉ mát ở miền tây nam Anh Quốc. Đây cũng sẽ là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 đặc biệt bàn về đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Cảnh sát trưởng ở Arizona ‘chê’ Phó Tổng thống Kamala Harris
Cảnh sát trưởng Mark Lamb của Quận Pinal, bang Arizona, hôm 9/6 trong cuộc phỏng vấn với Fox News cho rằng cách Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris xử lý cuộc khủng hoảng biên giới đang diễn ra cho thấy bà “không phải là người phù hợp với công việc”, theo Breitbart.
Người dẫn chương trình Brian Kilmeade đã hỏi ông Mark Lamb rằng “Ông có biết tại sao [Phó Tổng thống Kamala Harris] không đến biên giới không?”
Ông Mark Lamb trả lời: “Rõ ràng là chúng tôi cũng bối rối như bà ấy sau câu hỏi đó [của người dẫn chương trình Lester Holt thuộc đài NCB News]. Đây là phó tổng thống của chúng ta, người đã nói với Lester [Holt] rằng “Tôi thậm chí không biết bạn đang hỏi gì ở đây.”
Ông Lamb tiếp tục: “Nghe đây Kamala, nếu bà không biết anh ấy đang hỏi gì, bà chắc chắn không phải là người phù hợp với công việc”.
Cảnh sát trưởng tiếp tục: “Bà ấy [Harris] liên tục cho thấy hết lần này đến lần khác rằng tại sao bà ấy không phải là người phù hợp cho công việc. Đây là [khủng hoảng nhập cư] nhưng no không phải là vấn đề quan trọng đối với bà ấy, đó là lý do tại sao bà ấy không đi thăm biên giới và chúng tôi đúng là đã tin rằng đây chính xác là những gì họ [đảng Dân chủ] muốn. Họ muốn sự hỗn loạn đang đến với đất nước này. Đó là lý do tại sao họ từ chối giải quyết vấn đề đó, cụ thể là bà ấy. Đây [vấn đề biên giới] không phải là chuyện chơi đâu. Thật xấu hổ cho bà ấy”.
Em trai tướng Flynn nắm quyền chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương
Charles Flynn, em trai của cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã nắm quyền chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và thề sẽ đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng của ĐCSTQ.
Tờ Independent đưa tin, trong một buổi lễ nhậm chức được tổ chức ở Hawaii hôm thứ Sáu, tướng Charles Flynn đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh Thái Bình Dương của Lục quân Hoa Kỳ, nắm quyền chỉ huy 90.000 binh sĩ.
Tướng Charles Flynn phát biểu tại lễ nhậm chức: “Ngày nay, khi xu hướng phát triển của Trung Quốc ngày càng trở nên đáng lo ngại và đặt ra thách thức đối với khu vực Thái Bình Dương tự do và cởi mở, Quân đội buộc phải thay đổi một lần nữa.
Nếu chúng ta chỉ hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh và chiến đấu, chúng ta sẽ từ bỏ lợi thế của mình và đặt tương lai của chúng ta vào nguy hiểm. Nhưng nếu chúng ta, hành động và chiến đấu với tư cách là một lực lượng liên hợp tổng hợp, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình, thì sẽ không có đối thủ nào trên địa cầu này có thể cạnh tranh với lực lượng này”.
Kể từ tháng 6 năm 2019, Tướng Charles Flynn đã phục vụ tại Washington, DC với tư cách là phó tham mưu trưởng về các hoạt động, kế hoạch và huấn luyện của Quân đội. Vị tướng 57 tuổi này trước đây đã đóng quân ở Hawaii nhiều lần, gần đây nhất, ông đảm nhiệm chức vụ Phó tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Cựu tướng Michael Flynn từng là cố vấn an ninh quốc gia của cựu tổng thống Donald Trump. Ông đã nhận tội nói dối FBI trong cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Tướng Flynn đã được ông Trump ân xá vào tháng 11.
Mặc dù Michael Flynn là một nhân vật chính trị phân cực, em trai của ông, Tướng Charles Flynn, một vị tướng 4 sao, có được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Washington.
Dân biểu Dân chủ Ed Case từng ca ngợi “Tướng Charles Flynn đã phụng sự một cách xuất sắc đất nước của chúng ta trong ba thập kỷ rưỡi. Ông ấy đã chứng tỏ [mình] hoàn toàn có khả năng tách bạch nghĩa vụ và gia đình.”
Không có nhận xét nào