Nhà báo Mỹ nói ông bị tra tấn tàn bạo trong nhà tù ở Myanmar
Myanmar
rơi vào hỗn loạn từ khi quân đội đảo chính vào ngày 1 tháng 2 và lên
nắm quyền. Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự diễn ra ở
nhiều địa phương. Lực lượng an ninh Myanmar đã bắt giữ hàng ngàn người,
trong đó có nhiều nhà báo quốc tế.
Ông Nathan Maung, 44 tuổi,
tổng biên tập của nền tảng tin tức trực tuyến Kamayut Media, đã bị chính
quyền Myanmar bắt giữ vào ngày 9 tháng 3 và được trả tự do vào ngày 15
tháng 6. Sau khi bị trục xuất về Hoa Kỳ, ông tiết lộ rằng, mình đã bị
lực lượng an ninh Myanmar tra tấn trong hơn một tuần thẩm vấn.
Ông
cho biết đồng nghiệp của mình là Hanthar Nyein, người vẫn đang bị giam
giữ, còn bị tra tấn dã man hơn. Ông cũng chứng kiến nhiều người khác
phải chịu chung cảnh ngộ.
Quân đội cho biết những người bị giam giữ đang được đối xử theo quy định của pháp luật.
Ông
Maung nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn vào ngày 25/6: “Ba đến bốn
ngày đầu tiên là tồi tệ nhất. Tôi bị đấm và tát nhiều lần. Dù tôi có nói
gì thì họ cũng vẫn đánh tôi. Họ dùng tay tát nhiều lần vào màng nhĩ của
tôi. Họ đấm vào hai bên má tôi. Họ đấm vào vai tôi. Tôi không được phép
đứng dậy. Chân tôi bị sưng tấy. Tôi không thể cử động được nữa”.
Tổng
biên tập Nathan Maung sinh ra ở Myanmar và sang Mỹ tị nạn vào những năm
1990. Ông nói rằng ông đã bị bắt giữ tại văn phòng của Kamayut Media và
bị đưa đi thẩm vấn về việc đưa tin tức và vai trò của ông ở hãng tin.
Ông kể lại: “Họ còng tay tôi ra sau lưng, che mắt tôi bằng một miếng vải
và che tiếp bằng một lớp vải ở ngoài. Họ không cho phép tôi ngủ trong
khoảng ba hoặc bốn ngày. Thẩm vấn không ngừng. Không có thời gian để
ngủ”.
Ông cho biết thêm rằng việc đánh đập đã giảm bớt vào ngày thứ tư, sau khi lính canh phát hiện ra ông là công dân Hoa Kỳ.
Trong
thời gian bị giam giữ, Maung cho biết ông đã gặp những người khác bị
ngược đãi và nghe thấy tiếng la hét, cầu xin từ các tòa nhà khác.
“Một
số người đã trải qua màn tra tấn tồi tệ hơn chúng tôi. Có người ở cùng
tôi 2 ngày trong một căn phòng. Cơ thể anh ta đầy vết bầm tím và thương
tích. Họ đặt đôi tay bị còng lên bàn và đánh anh ta. Xương không bị gãy,
nhưng anh ấy bị thương nặng và rách da.”
Kamayut Media đã ngừng
xuất bản sau khi tổng biên tập bị bắt, nhưng ông Maung cho biết ông đã
lên kế hoạch tiếp tục công việc của mình.
Nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết hơn 5.200 người vẫn bị giam giữ, ít nhất 881 người đã thiệt mạng.
CDC: Tới ngày 26/6, Hoa Kỳ tiêm hơn 322 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19
Những
con số này tăng từ mức 321.199.379 liều vắc-xin mà CDC cho biết đã được
tiêm cho người dân vào ngày 25 tháng 6 trong tổng số 380.222.670 liều
được giao.
Cơ quan này cho biết thêm rằng 178.873.816 người đã được tiêm ít nhất một mũi.
Trong khi đó, tính tới ngày 26/6, 152.184.243 ở Hoa Kỳ đã được tiêm đủ mũi.
Dữ
liệu của CDC bao gồm vắc-xin phải dùng hai liều của Moderna và
Pfizer/BioNTech, cũng như vắc xin một mũi của Johnson & Johnson.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi đến Baghdad
trong
chuyến thăm Iraq đầu tiên của ông kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ
sau cuộc xâm lược Kuwait của Iraq năm 1990. Tại đây, ông al-Sisi và tổng
thống Iraq Barham Salih đã gặp Vua Abdullah II của Jordan. Cả ba hy
vọng sẽ tăng cường mối quan hệ để tạo đối trọng với ảnh hưởng của Iran
trong khu vực.
Trong khi đó, Quốc hội Iran tuyên bố sẽ không còn
chia sẻ hình ảnh của một số địa điểm hạt nhân nhất định với các thanh
sát viên quốc tế sau khi thỏa thuận giám sát tạm thời hết hạn, đánh dấu
việc Iran ngày càng giảm tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Động thái
này có khả năng tác động đến các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận 2015
ở Vienna.
Một số nước châu Á đề xuất tái phong tỏa khi số ca nhiễm covid-19 gia tăng.
Thái
Lan sẽ áp đặt các hạn chế ở Bangkok và các vùng ngoại ô lân cận kể từ
hôm nay. Còn ở Bangladesh, nhiều người đã rời khỏi thủ đô Dhaka ngay
trước khi lệnh ở nhà bảy ngày (trừ trường hợp khẩn cấp) có hiệu lực. Và ở
Úc, Sydney cũng như khu vực lân cận đã bước vào ngày thứ ba của đợt
phong tỏa hai tuần.
Evergrande, hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc, chạy đua trả nợ
Liệu
hãng bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới có quá lớn để sụp đổ? Ngày
nào các nhà đầu tư Trung Quốc cũng phải đi tìm lời giải cho câu hỏi này
để đánh giá sức khỏe tài chính của Evergrande, công ty bất động sản lớn
nhất đất nước. Hôm nay là một phép thử lớn cho họ với 1,5 tỷ đô la trái
phiếu đáo hạn. Tuy nhiên công ty bán được khoảng nửa triệu căn nhà mỗi
năm này đã trả sớm vài ngày trong nỗ lực xoa dịu thị trường.
Nhà
đầu tư chưa bị thuyết phục. Dù cổ phiếu của công ty có tăng nhẹ, nhưng
trái phiếu đáo hạn 2025 của họ vẫn đang giao dịch ở mức thấp hơn 30% so
với mệnh giá, cho thấy rủi ro vỡ nợ lớn. Chính phủ từng đe dọa sẽ cho
các ngân hàng cắt giảm tín dụng dành cho các hãng bất động sản mắc nợ
cao. Vì vậy Evergrande đang phải chạy đua để thanh toán các khoản nợ
bằng cách thu hẹp đế chế rộng lớn của mình, bao gồm giảm bớt cổ phần
trong các công ty con về internet và xe điện. Gã khổng lồ nhà đất này
cần phải nắm vững nghệ thuật phá hủy công ty để tồn tại.
Xuất hiện biến thể virus “delta cộng”
Biến
thể delta của SARS-CoV-2 là dạng coronavirus dễ lây lan nhất cho đến
nay. Nghiên cứu ước tính nó có thể lây nhanh hơn gần 2,5 lần so với
chủng covid-19 ban đầu. Song trong khi thế giới đang tìm hiểu mức độ
nguy hiểm của nó, lại có một đột biến khác xuất hiện.
AY.1, hay
“delta cộng”, được cho là đã lây cho 168 người ở ít nhất 11 quốc gia. Nó
tương tự như delta, với một đột biến bổ sung (K417N) trong protein gai
giúp virus xâm nhập vào tế bào. Biến thể mới này liên kết dễ dàng hơn
với các tế bào phổi và có thể né tránh tốt hơn các kháng thể đơn dòng
(protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm bắt chước phản ứng của hệ
thống miễn dịch trước tác nhân lây nhiễm). Vẫn chưa rõ liệu delta cộng
có dễ lây lan hơn, gây ra các triệu chứng tồi tệ hơn, hay gây tử vong
nhiều hơn hay không. Nhưng sự xuất hiện của nó tiếp tục nhắc nhở rằng
SARS-CoV-2 vẫn còn tiếp tục đột biến.
Mùa phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ
Tuần
này Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ công bố năm phán quyết còn lại trong năm
2020-21. Liệu New Jersey có quyền ngăn một công ty đặt đường ống dẫn
khí đốt tự nhiên qua bang mình, hay các cơ quan liên bang có thể cho
phép công ty tư nhân sử dụng đất đó bằng cách trưng thu đất vì mục đích
công? Điều gì sẽ xảy ra với một quy tắc cũ cấm các nhà phát minh kiện
những người được họ chuyển giao quyền sáng chế? Liệu người nhập cư bất
hợp pháp đang chờ trục xuất có được ở lại Mỹ nếu phải đối mặt ngược đãi
hoặc tra tấn ở quê nhà? Và California có quyền yêu cầu các tổ chức từ
thiện tiết lộ danh tính nhà tài trợ hay không, khi những người phản đối
cho rằng làm vậy là vi phạm Tu Chính án thứ nhất?
Có một vụ sẽ
tác động lớn lên nền dân chủ Mỹ. Vụ Brnovich v Ủy ban Quốc gia Dân chủ
liên quan đến hai quy tắc bỏ phiếu ở Arizona mà đảng Dân chủ cho rằng vi
phạm Đạo luật Quyền Bầu cử, một phần quan trọng của luật dân quyền.
Cách tòa án xem xét những điều khoản này sẽ định hình các thách thức
pháp lý đối với những hạn chế bỏ phiếu gần đây, mà phe phản đối cho rằng
tạo ra phân biệt đối xử người da màu.
Haiti chìm trong khủng hoảng
Đáng
lẽ hôm qua người Haiti đã đi bỏ phiếu về hiến pháp mới. Nhưng chính phủ
đã hoãn cuộc thăm dò vì lý do covid-19. Mọi người đều thấy cần phải sửa
hiến pháp, nhưng đa phần sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì được đề xuất
bởi Tổng thống Jovenel Moïse, một người chuyên điều hành đất nước bằng
sắc lệnh. Phe phản đối nói nhiệm kỳ của ông Moïse kết thúc vào tháng 2
này, năm năm sau khi người tiền nhiệm của ông rời nhiệm sở. Nhưng ông
thì nói nhiệm kỳ chỉ bắt đầu khi ông nắm quyền, tức sẽ còn đến tháng 2
năm 2022.
Thiếu dân chủ và covid-19 không phải là các vấn đề duy
nhất của Haiti. Bạo lực băng đảng liên quan đến các chính trị gia đã gia
tăng, khiến 8.500 phụ nữ và trẻ em phải rời khỏi nhà mình trong hai
tuần đầu tiên của tháng 6, theo Liên Hợp Quốc. Nền kinh tế lung lay. Mùa
mưa bão đã bắt đầu, làm dấy lên lo ngại một cơn bão lớn có thể làm gia
tăng tình trạng đói nghèo và suy dinh dưỡng. Mỹ đang thúc giục tổ chức
cả cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 9. Nhiều người Haiti
nghĩ chúng cũng nên được trì hoãn như cuộc trưng cầu dân ý.
Mỹ: Nhân viên cứu hộ gấp rút tìm kiếm người mất tích trong vụ sập chung cư
Các
nhân viên cứu hộ hôm 27/6 tiếp tục tìm kiếm hơn 156 cư dân còn mất tích
dưới đống đổ nát của tòa chung cư bị sập ba ngày trước đó.
Số tử
vong hiện được xác nhận là 5 người chắc chắn sẽ còn tăng. Các nhóm cứu
hộ từ Israel và Mexico đã tham gia công tác tìm kiếm tại thị trấn duyên
hải Surfside gần thành phố Miami.
Các quan chức cho biết rằng họ vẫn nuôi hy vọng rằng có ai đó trong 156 người mất tích vẫn còn sống.
Với
sự hỗ trợ của các chú khuyển, việc quét tia hồng ngoại và thiết bị hạng
nặng, họ hy vọng có thể tìm thấy người sống sót bởi cái gọi là các túi
khí được hình thành giữa các mảnh vỡ trong đống đổ nát.
Các quan
chức cho biết rằng một ngọn lửa âm ỉ cháy bên dưới đống đổ nát, tạo ra
khói dày đặc và cản trở công tác cứu hộ, đã dịu đi.
“Điều lớn
nhất bây giờ là hy vọng,”, người đứng đầu lực lượng cứu hỏa, ông Alan
Cominsky, nói. "Đó là điều đang thúc đẩy chúng tôi. Tình hình thực sự
rất khó khăn”.
Một số gia đình của những người mất tích đã cung
cấp cho các quan chức mẫu ADN để giúp nhận dạng, trong khi những người
khác kể lại chuyện sống sót.
Kèm theo hoa và các lời nhắn, các bức ảnh chụp những người mất tích đã được dán trên một hàng rào gần nơi sập chung cư.
Iran từ chối cung cấp hình ảnh địa điểm hạt nhân cho IAEA
Chủ
tịch Quốc hội Iran hôm 27/6 nói rằng Tehran sẽ không bao giờ chuyển
giao hình ảnh bên trong một số địa điểm hạt nhân của Iran cho cơ quan
giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc vì một thỏa thuận với cơ quan này đã
hết hạn, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.
Ông Mohammad Baqer
Qalibaf cho biết: “Thỏa thuận đã hết hạn… bất kỳ thông tin nào được ghi
lại sẽ không bao giờ được cung cấp cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc
tế [IAEA] và dữ liệu và hình ảnh sẽ thuộc quyền sở hữu của Iran”.
Thông
báo này có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán giữa Iran và sáu
cường quốc nhằm khôi phục một thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Ba
năm trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và tái
áp đặt các biện pháp trừng phạt gây tác động mạnh đối với Tehran; Iran
đã phản ứng bằng cách vi phạm nhiều hạn chế của thỏa thuận về chương
trình hạt nhân của nước này.
Một phát ngôn viên của Ủy ban An
ninh Quốc gia và Đối ngoại của Quốc hội Iran cảnh báo rằng "Iran cũng sẽ
tắt các camera của IAEA nếu Hoa Kỳ không dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng
phạt", trang web của tờ báo nhà nước Tehran Times đưa tin.
IAEA
và Tehran đã ký thỏa thuận giám sát kéo dài 3 tháng vào tháng 2 để hạn
chế việc Iran giảm bớt hợp tác với cơ quan này, đồng thời cho phép tiếp
tục giám sát một số hoạt động mà lẽ ra đã bị cắt bỏ.
Theo thỏa
thuận mà vào ngày 24 tháng 5 đã được gia hạn thêm một tháng, dữ liệu
tiếp tục được thu thập như kiểu lưu trữ bởi “hộp đen” và IAEA chỉ có thể
tiếp cận sau đó.
Hôm 25/6, IAEA đã yêu cầu Iran trả lời ngay về
việc liệu nước này có gia hạn thỏa thuận giám sát hay không, khiến một
đặc phái viên của Iran trả lời rằng Tehran không có nghĩa vụ phải đưa ra
câu trả lời.
Iran nói hôm 23/6 rằng Hội đồng An ninh Quốc gia
Tối cao của nước này sẽ quyết định liệu có gia hạn thỏa thuận giám sát
hay không chỉ sau khi nó hết hạn.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony
Blinken hôm 25/6 nói rằng bất kỳ sự thất bại nào của Tehran trong việc
gia hạn thỏa thuận giám sát sẽ gây ra "mối quan ngại nghiêm trọng" đối
với các cuộc đàm phán.
Crisis Group lo ngại tập đoàn quân sự Miến Điện thẳng tay trả thù người dân
Hơn
880 người chết tại Miến Điện kể từ khi quân đội đảo chính ngày
01/02/2021. Các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số đã tham gia phong trào
chống tập đoàn quân sự khiến tình trạng bạo lực gia tăng. Trong bản báo
cáo công bố ngày 28/06, một tổ chức phi chính phủ cảnh báo cái giá phải
trả về nhân mạng là « rất lớn » nếu chế độ quân sự sử dụng mọi quyền lực
để thẳng tay trấn áp, trả thù người dân.
Nhóm Khủng hoảng Quốc
tế (International Crisis Group, ICG) lưu ý đến việc cả hai bên gia tăng
bạo lực. Tại nhiều vùng, người dân lập « lực lượng tự vệ », thường sử
dụng súng săn và vũ khí tự chế để chống lại tập đoàn quân sự. Trong khi
đó, quân đội huy động máy bay trực thăng và pháo binh để phản công, nhắm
vào nhiều nhóm tại tây bắc bang Chin và dọc biên giới phía đông với
Thái Lan.
Theo tổ chức phi chính phủ này, được AFP trích dẫn, «
trước cuộc khởi nghĩa vũ trang, tập đoàn quân sự có thể sẽ trút sức mạnh
vào thường dân ». Nếu việc này xảy ra, « giá nhân mạng sẽ rất lớn, đặc
biệt là đối với phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, nhưng người vốn đang
phải đối mặt với những khó khăn do tình trạng bạo lực và di chuyển gây
ra ».
Trước đó, Liên Hiệp Quốc đưa ra con số 230.000 người đã
phải sơ tán vì các cuộc giao tranh và tình trạng mất an ninh. Ngoài 20
nhóm dân tộc thiểu số nổi dậy vẫn hoạt động trước cuộc đảo chính, việc
có nhiều « lực lượng phòng vệ » tự phát khiến tình hình tại Miến Điện sẽ
thêm bất ổn. Vào tuần trước, có ít nhất 6 người bị chết trong một vụ
đấu súng giữa lực lượng an ninh và một nhóm tự vệ tại Mandalay.
Tập đoàn quân sự bắt nghiên cứu sinh Miến Điện ở nước ngoài thề trung thành
Ngoài
trấn áp trong nước, tập đoàn quân sự cũng tìm cách đe dọa kiều dân Miến
Điện ở nước ngoài. Ngày 28/06, báo mạng Úc abc.net.au cho biết một nhà
ngoại giao tại đại sứ quán Miến Điện ở Canberra, thay mặt cho đại sứ, đã
gửi một bức thư qua email đến các du học sinh và nghiên cứu sinh nước
này tại Úc.
Nội dung bức thư yêu cầu các nhà nghiên cứu của chính
phủ Miến Điện tại Úc phải cam kết « trung thành và phục tùng » chính
quyền quân sự, còn du học sinh có học bổng, trong đó có rất nhiều người
nhận được học bổng của chính phủ Úc, phải tuyên bố « không tham gia
phong trào bất tuân dân sự và không xúi giục bất kỳ ai tham gia ». Họ
cũng được yêu cầu không được đăng bất kỳ nội dung nào « chống lại Liên
bang Miến Điện » trên các mạng xã hội.
Mỹ tấn công lực lượng dân quân thân Iran tại Syria và Irak
Để
đáp trả liên tiếp các vụ tấn công bằng thiết bị không người lái vào các
căn cứ Mỹ tại Irak, theo lệnh của tổng thống Joe Biden, quân đội Mỹ,
ngày hôm qua, 27/06/2021, đã mở một loạt các cuộc không kích vào các cơ
sở của lực lượng dân quân vũ trang do Iran hậu thuẫn tại Syria và Irak.
Theo Washington, đó là những cơ sở hậu cần trọng yếu để mở các cuộc tấn
công nhằm vào lợi ích của Mỹ tại Irak.
Thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm thông tin:
Tin
được thông báo qua thông cáo của Bộ Quốc Phòng cho biết các cuộc không
kích diễn ra trong đêm nhằm vào 3 mục tiêu, trong đó 2 mục tiêu nằm ở
Syria, 1 tại Irak.
Đó là các địa điểm cất giữ vũ khí đạn dược của
lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn. Những nhóm quân này đã dùng
thiết bị bay không người lái tiến hành nhiều cuộc tấn công vào quân Mỹ.
Chỉ
tính riêng trong tháng Tư, đã có 5 vụ tấn công bằng thiết bị bay mang
chất nổ điều khiển từ xa nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại Irak, trong đó
có cả những địa điểm của CIA và lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Phát ngôn
viên bộ Quốc Phòng Mỹ giải thích : « Tổng thống Biden đã nói rất rõ là
ông sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ nhân viên Mỹ ».
Đây không
phải lần đàu tiên tổng thống Mỹ ra lệnh tiến hành các chiến dịch quân
sự kiểu như thế này. Hồi tháng Hai vừa qua, các cơ sở của lực lượng dân
quân thân Iran tại Syria cũng đã bị oanh tạc.
Hoa Kỳ nhận thấy
Téhéran sử dụng lực lượng dân quân vũ trang và các cuộc tấn công người
Mỹ nhằm gây áp lực để Washington gỡ bỏ các trừng phạt.
Khi trở
lại Nhà Trắng ngày cuối tuần, được hỏi về các vụ tấn công vừa rồi, ông
Joe Biden nói ông sẽ có tuyên bố ngày hôm nay về các chiến dịch quân sự
này.
Các đợt không kích đã làm ít nhất 5 chiến binh của lực lượng
dân quân Irak thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, theo thông báo
của tổ chức phi chính phủ Đài Quan sát Nhân Quyền tại Syria (OSDH).
Trong
một bối cảnh khác, theo Reuters, hôm nay, 28/06/2021, tại Nhà Trắng,
ông Joe Biden tiếp tổng thống mãn nhiệm Israel, Reuven Rivlin, để thảo
luận thêm về các nỗ lực của Hoa Kỳ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran ký
hồi 2015 cũng như những vấn đề liên quanđến thành lập chính phủ mới ở
Israel của tân thủ tướng Naftali Bennett.
Bắc Kinh lại ‘ê mặt’ vì tôm hùm Úc
Tôm
hùm của Úc, vốn đã hy sinh một cách vô tội trong cuộc chiến thương mại
giữa Trung Quốc và Úc, đang âm thầm trở lại các bàn tiệc Trung Quốc qua
cửa sau hoặc tái xuất thương mại, trang VOA Chines cho hay.
Tôm
hùm Úc từng là một trong những món xa xỉ bậc nhất trên bàn tiệc của
người Trung Quốc. Là khách hàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc từng nhập
khẩu hơn 90% tôm hùm của Úc mỗi năm. Tuy nhiên, vì Úc đã đáp lại lời kêu
gọi của Hoa Kỳ và loại Huawei khỏi việc xây dựng mạng 5G với lý do cân
nhắc về an ninh quốc gia và vì Úc đi đầu trong việc kêu gọi một cuộc
điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus corona mới, nên chính
phủ Trung Quốc đã đáp trả thương mại song phương, và tôm hùm trở thành
một trong những nạn nhân của cuộc đấu tranh địa chính trị này.
Chính
phủ Trung Quốc đã không cấm nhập khẩu tôm hùm Úc một cách rõ ràng,
nhưng sử dụng việc kiểm tra kiểm dịch hải quan như một cái cớ, chẳng hạn
như trì hoãn hoặc từ chối nhập khẩu tôm hùm Úc vì hàm lượng kim loại
nặng của chúng vượt quá tiêu chuẩn. Sau tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc
đã thực sự ngừng nhập khẩu tôm hùm Úc. Điều này khiến những người nuôi
tôm hùm Úc bất ngờ bị thiệt hại nặng nề, đồng thời nó cũng khiến giá tôm
hùm giảm mạnh.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu các dữ liệu thương mại
khác nhau, Bloomberg báo cáo rằng sau khi Trung Quốc thực sự ngừng nhập
khẩu tôm hùm Úc, Hồng Kông bất ngờ trở thành nhà nhập khẩu và tiêu thụ
tôm hùm Úc lớn nhất thế giới. Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 4 năm nay,
nhập khẩu tôm hùm Úc của Hồng Kông tăng 2000% mỗi tháng. Hãng tin
Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho biết giá tôm hùm Úc giảm mạnh chắc
chắn sẽ kích thích khẩu vị của người Hồng Kông, nhưng người Hồng Kông có
thể sẽ không ăn nhiều tôm hùm như vậy ngay cả khi họ có nhu cầu và khả
năng.
Theo số liệu chính thức do Tổng công ty Nghiên cứu và Phát
triển Thủy sản của Canberra thu thập, trong giai đoạn 2019-2020, Trung
Quốc nhập khẩu 93% tôm hùm xuất khẩu của Úc trị giá 412 triệu đô-la Úc.
Tuy nhiên, từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, nhập khẩu tôm hùm
Úc của Trung Quốc giảm tới 99%.
Đồng thời, xuất khẩu tôm hùm của
Úc sang Hồng Kông đạt 19 triệu đô-la Mỹ chỉ trong tháng 4 năm nay, đây
là mức cao mới hàng tháng kể từ tháng 2 năm 2013. Trong 4 tháng đầu năm
nay, tổng giá trị nhập khẩu tôm hùm Úc của Hồng Kông là 59,36 triệu
đô-la Mỹ.
Bloomberg đã kiểm tra dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc và
phát hiện ra rằng trong khi Hồng Kông đang nhập khẩu tôm hùm Úc, thì
lượng hải sản của Trung Quốc nhập khẩu từ Hồng Kông cũng đang tăng lên.
Tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đại lục từ Hồng Kông đã
tăng từ 500.000 đô-la Mỹ vào tháng 9 năm ngoái lên 10,6 triệu đô-la Mỹ
vào tháng 4 năm nay.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào