Trụ sở Liên hiệp quốc tại New York.
Võ Thái Hà tóm lược
Đại hội đồng Liên hiệp quốc lên án đảo chánh Myanmar; kêu gọi cấm vận vũ khí
AP
Trong một hành động hiếm hoi, Đại hội đồng Liên hiệp quốc lên án cuộc đảo chánh tại Myanmar và kêu gọi cấm vận vũ khí chống lại nước này trong một nghị quyết chứng tỏ có sự chống lại hội đồng quân nhân một cách rộng rãi trên toàn thế giới và đòi khôi phục việc chuyển tiếp dân chủ của nước này.
Người ủng hộ hy vọng 193 thành viên Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ nhất trí chấp thuận, nhưng Belarus kêu gọi bỏ phiếu. Nghị quyết được chấp thuận với 119 phiếu thuận, một phiếu chống của Belarus và 36 nước vắng mặt trong đó có láng giềng của Myanmar là Trung Quốc và Ấn Độ cùng với Nga.
Nghị quyết là kết quả của những cuộc thương thuyết kéo dài của tổ chức có tên là Core Group trong đó có Liên hiệp châu Âu và nhiều nước phương Tây và 10 thành viên của ASEAN, bao gồm Myanmar. Một nhà ngoại giao Liên hiệp quốc nói có một thỏa thuận với ASEAN để tìm đồng thuận, nhưng trong một cuộc bỏ phiếu, các nước thành viên chia rẽ, một số nước bao gồm Indonesia, Singapore và Việt Nam bỏ phiếu “thuận” và những nước khác bao gồm Thái Lan và Lào vắng mặt.
Dù nghị quyết không được ủng hộ với đa số tuyệt đối nhưng người ủng hộ hy vọng hành động của Đại Hội đồng, dù không ràng buộc về pháp lý, phản ánh sự lên án quốc tế cuộc đảo chánh 1/2 lật đổ đảng cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi và giam giữ bà cùng với nhiều lãnh đạo chính phủ và chính trị gia, cũng như chống lại mạnh mẽ việc quân đội đàn áp những người biểu tình đòi chấm dứt việc quân đội chiếm quyền.
Nghị quyết kêu gọi hội đồng quân nhân Myanmar khôi phục chuyển tiếp dân của nước này, lên án “bạo động quá mức và gây chết người” kể từ cuộc đảo chánh, và kêu gọi tất cả các nước “ngăn chặn làn sóng vũ khí vào Myanmar.”
Nghị quyết cũng kêu gọi quân đội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Quốc gia Suu Kyi và các giới chức chính phủ khác cùng các chính trị gia bị bắt sau đảo chánh, “và tất cả những người bị giam giữ, truy tố hay bị bắt tùy tiện.”
Tướng quân đội Myanmar thăm Nga: Mua vũ khí hay chọc tức phương Tây?!
Khi Moscow trải tấm thảm chào mừng tướng quân đội Myanmar, ông Maung Maung Kyaw, nó như một dấu hiệu báo trước rằng vũ khí do Nga sản xuất sẽ được chuyển đến Myanmar.
Chuyến đi của vị tư lệnh không quân Myanmar đến Moscow hồi tháng trước bao gồm chuyến thăm Heli Russia, triển lãm máy bay trực thăng của nước Nga, và các cuộc thảo luận với các quan chức Nga về kế hoạch mua sắm khí tài quân sự, theo truyền thông hai nước.
Điều đó dường như là một hành động thách thức của Nga, tiếp tục chọc tức các chính phủ phương Tây vốn đã có sự phẫn nộ sau vụ lật đổ và sự đàn áp sau đó bởi chính quyền quân đội đối với làn sóng giận dữ chống đảo chính bùng phát trên khắp Myanmar, theo nhận định của Nikkei Asia ngày 17/6.
Khin Zaw Win, giám đốc Viện Tampadipa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Yangon cho biết: “Chính quyền quân đội Myanmar “đã chớp thời cơ để có được một đồng minh lớn mạnh về quân sự”.
Các nhà phân tích cho rằng có thể có một sự tính toán sâu xa hơn đằng sau vòng tay rộng mở của Nga, vì Moscow đã chứng kiến sự sụt giảm liên tục trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí kể từ năm 2010. Dù rằng Nga vẫn là nhà cung cấp khí tài quân sự thống trị cho Đông Nam Á, dẫn trước Mỹ, Pháp và Trung Quốc. Theo một nhà quan sát, Myanmar đóng vai trò là “cửa ngõ” cho thị trường béo bở này.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy hoạt động buôn bán vũ khí của Nga ở Đông Nam Á, từ năm 1999 đến 2018, ước tính đạt 10,7 tỷ USD, theo sau là Mỹ với 8,2 tỷ USD, kế đến là Pháp và Đức, Trung Quốc thấp nhất trong số này ở mức 2,5 tỷ USD.
Myanmar đứng thứ hai sau Việt Nam trong việc mua vũ khí của Nga. Myanmar mua khoảng 1,5 tỷ USD khí tài quân sự từ Nga trong giai đoạn 1999-2018.
Mối quan hệ chặt chẽ của Nga với các tướng lĩnh quân đội Myanmar, đã được xoa dịu kể từ khi Thượng tướng Min Aung Hlaing dàn dựng cuộc đảo chính ngày 1/2 để lật đổ chính phủ được dẫn dắt bởi Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đảng này vốn đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai cầm quyền.
Nikki Haley: Nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan, mọi thứ sẽ kết thúc
Theo The Hill, hôm 16/6, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết trong cuộc họp kín của Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa Hạ viện Mỹ rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn thống trị thế giới, và nếu chiếm được Đài Loan, Bắc Kinh sẽ có động lực để chiếm các vùng lãnh thổ khác trên toàn cầu.
Tại cuộc họp, bà Haley tuyên bố rằng, Hoa Kỳ phải có những hành động mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, bắt đầu với việc cùng các đồng minh như Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.
Cựu đại sứ nói với khoảng 70 nghị sĩ Cộng hòa có mặt trong cuộc họp: “Nếu chúng ta không tẩy chay [Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022], nếu chúng ta không làm điều gì đó để thực sự kêu gọi [chính quyền Trung Quốc], hãy nhớ lời tôi nói. Tiếp theo sẽ là Đài Loan. Nếu [Đảng Cộng sản] Trung Quốc chiếm Đài Loan, mọi thứ sẽ kết thúc, vì họ sẽ nghĩ rằng điều này cho phép họ tự do chiếm bất kỳ lãnh thổ nào, không phải trong khu vực, mà là bất cứ nơi nào họ muốn”
Bà Haley cũng cáo buộc Tổng thống Mỹ Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác về thông cáo chung kêu gọi Trung Quốc ngừng vi phạm nhân quyền là cực kỳ yếu ớt. Theo bà Haley, thay vào đó, G7 nên xác định rằng Đài Loan là một “quốc gia có chủ quyền”.
Ngoài việc chỉ trích loạt đầu tư quy mô lớn hiện tại của chính quyền Biden và các chính sách đối nội khác, bà Haley dành nhiều thời gian trong bài phát biểu của mình để tập trung vào các vấn đề về Trung Quốc.
Bà cho biết, Bắc Kinh thực sự là một mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ và các nền dân chủ trên thế giới, và các quan chức Trung Quốc không nên được tin tưởng. Bà lập luận, sáng kiến Một vành đai Một con đường đã xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở hàng chục quốc gia trên thế giới, là một phương tiện để chính quyền Bắc Kinh đạt được ảnh hưởng và quyền lực trên toàn thế giới.
Nếu như quốc gia đi vay không thể trả nợ thì sẽ phải “hiến” cho Bắc Kinh các nguồn lực quốc gia như lưới điện quốc gia, cơ sở quân sự và cảng biển. Bà Haley nói: “Bây giờ hãy nhìn vào bản đồ [Một vành đai Một con đường] bạn sẽ thấy ớn lạnh về những gì họ muốn làm”.
Ngoài ra, bà Haley đưa ra mô tả đáng lo ngại về cuộc chiến không gian mạng do Bắc Kinh thực thi. Bà nói rằng Bắc Kinh vừa thông qua một biện pháp bảo mật dữ liệu, theo đó, quy định rằng tất cả dữ liệu cá nhân là tài sản quốc gia.
Nhà nghiên cứu NASA bị kết án vì che giấu việc tham gia dự án của ĐCSTQ
Theo thông báo của Bộ Tư Pháp Mỹ, một nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) mới đây đã bị kết án 30 ngày tù giam. Cách đây vài tháng, nhà khoa học này thừa nhận đã tham gia “Chương trình ngàn nhân tài” của chính phủ Trung Quốc và nói dối các công tố viên Mỹ về việc này.
Ông Meyya Meyyappan gia nhập NASA vào năm 1996 và là giám đốc của Trung tâm Công nghệ Nano cho đến tháng 6/2006. Kể từ năm 2006, ông là Nhà khoa học trưởng về Công nghệ Khám phá tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA ở Thung lũng Silicon, California.
Các công tố viên từ Bộ Tư pháp cho biết, ông Meyapan đã tham gia vào “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” của ĐCSTQ. Ông từng đảm nhiệm các vị trí trong các trường đại học ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản mà NASA không hề hay biết.
Luật sư Audrey Strauss cho biết, NASA nghiêm cấm “bất kỳ hành vi làm việc bên ngoài nào mà không được chấp thuận”, bao gồm cả việc trở thành diễn giả hoặc giáo viên. Là một nhân viên của NASA, ông Meyapan phải báo cáo bất kỳ khoản thu nhập bổ sung, quà tặng hoặc du lịch nào vượt quá 5.000 đô-la mỗi năm và ông ta đã không báo cáo những điều này cho NASA.
Khoảng năm 2016, ông Meyapan đăng ký tham gia “Chương trình Ngàn Nhân tài” của Bắc Kinh và trúng tuyển. Công tố viên nói rằng thông qua “Kế hoạch ngàn nhân tài”, ông Meyapan đã đến Trung Quốc và giới thiệu những người khác tham gia dự án này.
Từ năm 2014, ông là giáo sư thỉnh giảng tại một trường đại học ở Trung Quốc. Ông đã thuyết trình, viết bài nghiên cứu và được trả các chi phí du lịch. Khi bị các nhà điều tra liên bang thẩm vấn vào tháng 10/2020, ông ta phủ nhận việc mình có liên quan đến Dự án Ngàn nhân tài và làm việc cho các cơ quan Trung Quốc.
Luật sư Strauss cho biết trong một tuyên bố: “Là một nhà khoa học cấp cao của NASA, có quyền truy cập vào các quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ nhạy cảm và bí mật của chính phủ Hoa Kỳ, điều dễ hiểu là ông Meyapan bị hạn chế đối với các công việc và các khoản thanh toán nước ngoài. Đặc quyền này đi kèm với nghĩa vụ bảo mật quan trọng. Ông Meyapan đã phản bội sự tin tưởng này. Ông ta không những không tiết lộ các hoạt động của mình ở nước ngoài mà còn làm trầm trọng hơn sai lầm của mình bằng việc nói dối FBI and NASA. Giờ đây, ông ta đã bị kết án tù liên bang vì hành vi bất hợp pháp của mình.”
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ năm 2008, “Chương trình Ngàn nhân tài” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyển dụng hàng nghìn tài năng khoa học và công nghệ trên khắp thế giới.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lợi dụng chương trình “Ngàn nhân tài” để cài “gián điệp phi truyền thống”, tức là thông qua kế hoạch này để đánh cắp nhiều bí mật công nghệ của Hoa Kỳ.
Giữa tin đồn quan chức đào tẩu, ông Tập hô hào ‘trung thành’
Nhà phân tích Chu Hiểu Huy đã có bài phân tích về tin đồn gần đây, một quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc đã đào tẩu ra nước ngoài. Bài viết được đăng tải trên tờ Epochtimes.
Gần đây, một số tờ báo của phương Tây như DailyBeast, Spytalk, Redstate (Mỹ) hay Dailymail (Anh) và các tờ Hoa ngữ hải ngoại đưa tin rằng, ông Đổng Kinh Vĩ (Dong Jingwei), thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, đã đào tẩu sang Mỹ cùng con gái.
Các tờ này khẳng định ông Đổng là quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng đào tẩu sang Mỹ. Do đó, sự việc bí mật đến nỗi không cơ quan tình báo nào ở Mỹ biết được, ngoại trừ Cục Tình báo quân đội.
Tờ Redstate còn tiết lộ chi tiết về các tài liệu mật mà ông Đổng đem theo khi bỏ trốn, trong đó có những thông tin liên quan nguồn gốc COVID-19, cách thức tình báo Trung Quốc xâm nhập Cục Tình báo trung ương Mỹ và những người ở Mỹ đang làm việc cho Bắc Kinh.
Liệu có phải là ông Đổng Kinh Vĩ đào tẩu hay không, dựa trên thông tin hạn chế, chúng ta chưa thể đưa ra kết luận hiện tại. Nhưng có một điều chắc chắn là, nếu như ông Đổng, với tư cách là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc đào tẩu thì ông phải nắm được những thông tin tình báo tối mật của Bắc Kinh. Cho dù đó là virus, vũ khí sinh học hay các khía cạnh khác, một khi thông tin được kích hoạt, đòn giáng vào chính quyền Trung Quốc sẽ rất lớn, thậm chí là đòn chí mạng.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, sự thay đổi đột ngột gần đây của chính quyền Biden, các phương tiện truyền thông cánh tả, một số nhà khoa học và tiến sĩ Fauci về vấn đề nguồn gốc của virus, đều có liên quan mật thiết đến điều này.
Nga sắp rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí ‘Bầu trời mở’
Moscow thông báo cho các đối tác trong hiệp ước kiểm soát vũ khí “Bầu trời mở” rằng Nga sẽ rút khỏi hiệp ước này vào ngày 18/12, Reuters dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 18/6.
Điện Kremlin trong tháng này nói rằng quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp ước, vốn cho phép các chuyến bay giám sát phi vũ trang qua các nước thành viên, đã “làm đảo lộn đáng kể cán cân lợi ích” giữa các thành viên hiệp ước và buộc Nga phải rút lui.
Moscow từng hy vọng rằng Tổng thống Joe Biden sẽ đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã không thay đổi chiến lược, và cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, điều mà Moscow bác bỏ.
Vào tháng 1, Nga công bố kế hoạch rời khỏi hiệp ước và chính phủ đã đệ trình lên quốc hội vào tháng trước để chính thức hóa việc này.
Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ thúc đẩy người dân tiêm chủng
Reuters
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris thúc đẩy người dân Mỹ tiêm chủng vaccine COVID-19 vì nước Mỹ dường như không đạt được mục tiêu tiêm chủng của Tòa Bạch Ốc vào tháng tới.
“Hành động ngay, hành động ngay lúc này,” ông Biden nói trong một nhận xét tại Tòa Bạch Ốc, thúc đẩy những người chưa tiêm vaccine nói chuyện với gia đình và bạn bè đã được tiêm chủng.
Với nhịp độ như hiện nay, Mỹ dường như không đạt được mục tiêu của ông Biden là 70% người trưởng thành nhận được ít nhất một liều vaccine COVID-19 vào ngày 4/7, Ngày lễ Độc lập của nước Mỹ. Tính đến ngày 18/6, khoảng 65,1% người dân tại Mỹ nhận được ít nhất một liều, và dấu mốc này gia tăng chưa tới 1% trong hai tuần qua.
“Tiêm vaccine, có nghĩa là bạn sẽ không thể lây virus sang cho người nào đó ở nơi công cộng vì bạn không nhiễm COVID,” bà Harris nói trong một chiến dịch tiêm chủng tại Nhà thờ Báp-tít nổi tiếng Ebenezer ở Atlanta.
Mỹ đã tiêm 300 triệu liều vaccine COVID-19 trong 150 ngày, một giới chức Tòa Bạch Ốc nói ngày 18/6 trước bài diễn văn của ông Biden. Việc tăng cường đẩy mạnh rộng rãi tiêm chủng đã có kết quả, với các ca COVID-19, nhập viện và tử vong giảm ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, các giới chức nói.
Tin này được đưa ra sau khi Mỹ đánh dấu một cột mốc ảm đạm, hơn 600.000 người chết vì COVID-19.
Lo ngại chính quyền Joe Biden tạo chỗ cho ‘nhà trẻ trung ương’?
Một số người tại Mỹ bày tỏ lo ngại bộ máy cầm quyền ở Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn là chỗ "ưu ái" cho con cháu người thân tín.
Tuần rồi người ta được biết J.J. Ricchetti, con trai của cố vấn Nhà Trắng và người thân tín lâu năm của Joe Biden, Steve Ricchetti, vừa được nhận vào làm ở Bộ Tài chính.
Anh ta tốt nghiệp Đại học Pennsylvania năm ngoái với bằng cử nhân khoa học chính trị.
Không có bằng chứng là Steve Ricchetti đã giúp con trai được việc làm.
Tuy nhiên, Walter Shaub, cựu giám đốc Văn phòng Đạo đức Chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đã bày tỏ sự không hài lòng.
"Nó khiến người ta phải nhíu mày khi con của một nhân vật chính trị cấp cao được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp đại học," Shaub nói với CNBC.
"Ở một quốc gia hơn 300 triệu dân, con trai của một quan chức hàng đầu Nhà Trắng có phải là người duy nhất đủ tiêu chuẩn?"
Bản thân Tổng thống Joe Biden đã khác người tiền nhiệm Donald Trump ở chỗ: Không thành viên nào trong gia đình ông tham gia vào chính phủ.
Chỉ hai tuần sau khi lên làm tổng thống, Joe Biden dường như chỉ trích người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump, vì đã đưa các thành viên trong gia đình vào làm cố vấn Nhà Trắng.
"Chúng tôi sẽ điều hành giống như chính quyền Obama-Biden. Không ai trong gia đình và đại gia đình của chúng tôi sẽ tham gia vào bất kỳ chủ trương hoặc chính sách đối ngoại nào của chính phủ. Và không ai có văn phòng ở nơi này, "Biden nói với tạp chí People.
Nhắc lại, con gái của Tổng thống Donald Trump, Ivanka Trump và chồng cô Jared Kushner đã làm việc trong Nhà Trắng với tư cách là cố vấn cấp cao không được trả lương.
Tuy vậy, tờ báo The Washington Post ngày 18/6, chỉ ra rằng lời cam kết của Biden chưa thấy áp dụng cho các nhân viên cấp cao của ông và những người thân của họ.
Theo The Washington Post, trong vài tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Biden, "ít nhất năm người con của các trợ lý hàng đầu của ông đã có những công việc đáng mơ ước trong chính quyền mới".
"Họ bao gồm hai con trai và một con gái của cố vấn Nhà Trắng, con gái của một phó chánh văn phòng Nhà Trắng và con gái của giám đốc nhân sự tổng thống," tờ báo cho hay.
Cathy Russell, giám đốc nhân sự tổng thống trong Nhà Trắng, có một con gái, Sarah Donilon, tốt nghiệp đại học năm 2019 và làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng.
Chú của Sarah Donilon, Mike Donilon, là cố vấn cấp cao của Biden trong Nhà Trắng.
Luật liên bang Mỹ thường nghiêm cấm các quan chức chính phủ thuê người thiếu minh bạch và không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ trợ lý nào của Biden đã đóng vai trò tác động công việc cho con cái hoặc những người thân khác.
Nhà Trắng khẳng định rằng tất cả mọi người được tuyển đều có đủ tiêu chuẩn.
Nhưng The Washington Post nói việc tuyển dụng con cái của các trợ lý cấp cao "cho thấy rằng những người có liên hệ với các công chức cấp cao có thể có lợi thế hơn những người có trình độ tương tự cho các vị trí cấp thấp".
Úc đưa vụ tranh chấp rượu vang với Trung Quốc lên WTO
Trung Quốc cáo buộc Australia có hành vi "bán phá giá" bất hợp pháp
Úc sẽ đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi Trung Quốc áp thuế tới 218% đối với rượu vang của Úc vào năm ngoái.
Trung Quốc nói rằng việc tăng thuế này là do có hành vi sai trái trong thương mại, điều mà Úc phủ nhận.
Phía Úc cho biết vẫn sẵn sàng trao đổi trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang hàng đầu của Úc và các nhà sản xuất rượu nói rằng họ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng thuế.
Trong một thông cáo, chính phủ Úc cho biết quyết định đưa tranh chấp lên WTO được đưa ra sau khi tham vấn rộng rãi với các nhà sản xuất rượu.
Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Dan Tehan nói: "Chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của các nhà sản xuất rượu Úc bằng cách sử dụng hệ thống đã được thiết lập trong WTO để giải quyết những khác biệt của chúng ta."
Trung Quốc cáo buộc Úc về một hành vi thương mại được gọi là bán phá giá, được coi là bất hợp pháp trong luật thương mại quốc tế.
Bán phá giá là khi một quốc gia xuất khẩu một sản phẩm cho một quốc gia khác với giá thấp hơn giá thường tính ở thị trường nội địa của quốc gia đó. Mục đích là tăng thị phần ở nước ngoài và đẩy lùi cạnh tranh.
Hai quốc gia này là đối tác thương mại quan trọng của nhau nhưng quan hệ ngoại giao đã xấu đi kể từ khi Úc kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế để làm rõ nguồn gốc của Covid-19.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nhiều lần nói rằng chính phủ của ông sẽ không nhượng bộ trước các hành vi cưỡng bức kinh tế.
Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng các mức thuế cao đối với rượu vang Úc và cho biết chính sách này sẽ được duy trì trong 5 năm. Động thái trên diễn ra vài tháng sau các lệnh trừng phạt khác đối với hàng hóa của Úc, chẳng hạn lúa mạch, thịt bò và than đá.
Các nhà sản xuất rượu của Úc chỉ xuất được lượng rượu vang trị giá 12 triệu đô la Úc (206 tỉ đồng) sang Trung Quốc trong 4 tháng tính từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, theo số liệu của ngành.
Cùng kỳ năm trước, họ đã xuất khẩu rượu vang trị giá 325 triệu đô la Úc sang Trung Quốc.
Đặc vụ biên giới Mỹ bắt thêm nhiều tội phạm trong dòng người di cư
Các nhân viên Tuần tra Biên giới của Hoa Kỳ gần đây đã bắt giữ thêm nhiều người di cư từng là tội phạm tình dục và thành viên của băng đảng khét tiếng MS-13.
Theo Fox News, các đặc vụ ở Kingsville, Texas, tuần trước đã bắt giữ một thành viên băng đảng MS-13 đang cố gắng trốn trong một chiếc xe. Người này từng bị bắt ở tiểu bang Nam Carolina vào năm 2007 vì âm mưu giết người và cướp tiền viện trợ, sau đó đã bị kết tội với mức án 10 năm tù.
MS-13 được thành lập tại Los Angeles bởi những người nhập cư Trung Mỹ và sau đó mở rộng hoạt động trên khắp châu Mỹ – đặc biệt là ở các quốc gia Tam giác phía Bắc như El Salvador và Guatemala. Băng nhóm này được biết đến với những tội ác đặc biệt khủng khiếp và ghê rợn, với phương châm hành động được tóm tắt trong 3 từ: “mata, viola, controla”, có nghĩa là “giết, hãm hiếp, kiểm soát”.
Cũng trong ngày 18/6, các đặc vụ ở McAllen, Texas, đã ngăn chặn một thành viên của băng đảng Tango Blast mà các quan chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) cho biết người này từng vào Mỹ và thực hiện nhiều hành vi phạm tội nguy hiểm.
Một ngày sau, các đặc vụ đã bắt giữ một công dân Mexico từng tấn công tình dục một trẻ em vào năm 2008 tại Houston.
Hôm 16/6, các đặc vụ Hoa Kỳ đã phát hiện ra một thành viên băng đảng MS-13 trong một nhóm 53 người di cư. Sau đó, trong một nhóm người di cư khác, các đặc vụ đã bắt giữ một người Salvador từng có tiền án về tội hiếp dâm cấp độ ba, anh ta đã thụ án sáu năm.
Các nhân viên Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ thường xuyên phải đối mặt với các thành viên băng đảng và tội phạm tình dục trong số những kẻ lén lút vượt biên vào Mỹ. Trong một số trường hợp, những tên tội phạm bị phát hiện đang dẫn các trẻ em Trung Mỹ không có cha mẹ đi cùng.
Không có nhận xét nào