Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 29 tháng 6 năm 2021

    Lào tặng Việt Nam 300.000 đô la để chống dịch COVID-19

    Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/6 đã cảm ơn Đảng và Nhà nước, nhân dân Lào vì dù khó khăn vẫn tặng 300.000 đô la cho Việt Nam để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

    Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, món quà Lào trao cho Việt Nam lần này nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

    Trong cuộc gặp với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Lào cũng cảm ơn Việt Nam đã giúp Lào kiểm soát bệnh dịch.

    Hồi tháng 5, Việt Nam cũng trao tặng 500,000 USD và vật tư, thiết bị y tế hỗ trợ Lào ứng phó với đại dịch.

    Trước đó hai tháng, Hà Nội cũng bàn giao công trình Nhà Quốc hội Lào trị giá hơn 111 triệu USD sau gần bốn năm xây dựng.

    Trong cuộc gặp hôm 29-6, ông Phúc cũng nhấn mạnh, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm trên cương vị mới thể hiện sự coi trọng của đảng, Nhà nước Lào đối với Việt Nam.

    Đối tác Moderna ở Đông Nam Á: Kín đơn hàng mua vaccine trong khu vực đến cuối năm nay

    Zuellig Pharma, đối tác cung cấp vaccine COVID-19 của Moderna ở Đông Nam Á, hôm 29/6 cho biết rằng họ hầu như kín đơn hàng đặt mua vaccine mRNA trong khu vực cho năm nay, theo Reuters.

    Zuellig có trụ sở tại Singapore tham gia vào việc phân phối, phê duyệt theo quy định và ký kết hợp đồng bán vaccine của công ty Moderna để sử dụng ở Đông Nam Á, Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan.

    Giám đốc điều hành John Graham của Zuellig nói với Reuters: “Rất nhiều giao dịch đang được thực hiện hôm nay sẽ là cho năm 2022 ... bởi vì về cơ bản nguồn cung vaccine Moderna chỉ đủ cho năm 2021”.

    Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi tùy thuộc vào biến động về nguồn cung, ôngGraham nói. Ông Graham từ chối cung cấp chi tiết cụ thể về các cuộc đàm phán hoặc giao dịch vaccine, với lý do bảo mật.

    Một đợt bùng phát COVID-19 trong những tháng gần đây khiến các quốc gia trong khu vực phải nỗ lực tìm mua vaccine.

    Nhiều quốc gia trong khu vực đông dân cư chỉ tiêm ít nhất một liều cho khoảng 10% dân số, khiến khu vực này dễ bị lây nhiễm khi dịch bệnh bùng phát, nhất là đối với các biến thể mới và dễ lây lan hơn.

    Việc triển khai vaccine trong khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung dành cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, khi chương trình này đang tìm cách giải quyết lượng thiếu hụt khoảng 200 triệu liều do hạn chế xuất khẩu từ nhà cung cấp lớn ở Ấn Độ.

    Nhà máy Thủy điện Trung Quốc

    28/6/2021

    Nhà máy thủy điện lớn thứ hai thế giới đã đi vào hoạt động ở Tây Nam Trung Quốc, dù vẫn chưa xây xong hoàn toàn. Nhà máy Thủy điện Bạch Hạc Than nằm trên một nhánh sông Dương Tử có 16 turbine sản xuất 62,4 terawatt giờ điện mỗi năm. Hôm qua người ta đã cho vận hành hai turbine.

    Hai trong số các tuabin một gigawatt đầu tiên trên thế giới đã bắt đầu phát điện toàn bộ vào thứ Hai tại công ty khổng lồ Trạm thủy điện Baihetan ở tây nam Trung Quốc. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, Baihetan bắt đầu phát điện sau ba ngày thử nghiệm. Khi hoàn thành, nó sẽ chứa 16 máy phát điện cung cấp tổng công suất 16 gigawatt.

    Covid-19 tung hoành ở châu Phi

    Tại đại dịch mới bắt đầu có người nói Châu Phi sẽ không bị covid-19 ảnh hưởng nhiều. Nhưng xem ra họ đã sai. Đang có một đợt dịch thứ ba quét qua châu Phi và nhiều khả năng sẽ còn nghiêm trọng hơn đợt trước.

    Có nhiều lý do cho mức độ nghiêm trọng của đợt dịch này. Cũng như người dân ở mọi nơi khác, dân châu Phi đã chán ngấy covid-19 và mệt mỏi với khẩu trang hay giữ khoảng cách. Chính phủ quá túng thiếu để có thể trả tiền cho người dân ở nhà, trong khi biến thể delta lan rộng ở Nam Phi và khoảng một chục quốc gia khác.

    Xét nghiệm vẫn ở mức thấp, tức số ca nhiễm hiện tại là không chính xác. Congo, một đất nước 87 triệu dân, chỉ có 40.000 ca – ít hơn cả Glasgow, một thành phố Scotland với 630.000 ca. Đồng thời việc thiếu vắc-xin cũng khiến chỉ hơn 1% người châu Phi được tiêm phòng đầy đủ, với hầu hết là ở bắc Sahara. Với việc các nước giàu độc quyền sản xuất thuốc, lục địa này xem ra dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

    Hai người giúp Carlos Ghosn vượt ngục ra hầu tòa


    Hai người Mỹ sẽ ra tòa Tokyo vào hôm nay vì vai trò của họ trong cuộc đào thoát khỏi Nhật Bản của Carlos Ghosn. Đối mặt với các cáo buộc hành vi sai trái tài chính (mà ông phủ nhận) và với niềm tin sẽ không được xét xử công bằng, cựu giám đốc Nissan đã quyết định bỏ trốn. Ông thuê cựu lính đặc nhiệm Michael Taylor và con trai ông này, Peter, để giúp ông trốn trong một hộp đựng thiết bị âm nhạc nhằm bay đến Beirut trên một chiếc máy bay tư nhân. Kế hoạch bất ngờ thành công. Vị cựu giám đốc giờ đã an toàn ở Lebanon, một quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Nhật Bản.

    Nhưng hai cha con nhà Taylor không may mắn như vậy. Họ bị bắt ở Massachusetts vào năm ngoái và bị dẫn độ về Nhật Bản. Đầu tháng này, họ đã nhận tội giúp đỡ ông Ghosn và phải đối mặt với án tù ba năm. Thật trớ trêu là họ đang bị giam giữ ở chính trại giam trước đây của ông Ghosn.

    Nắng nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ

    Hôm Chủ nhật người ta đo được nhiệt độ lên tới 46,6°C tại một ngôi làng ở British Columbia, kỷ lục nóng nhất từng ghi nhận ở Canada. Bờ biển phía tây của nước này và tây bắc nước Mỹ đang chìm trong một đợt nắng nóng khiến toàn bộ các thành phố phải ngừng hoạt động. Việc tiêm vắc-xin phải dừng lại, và trường học cũng đóng cửa. Ở Portland, Oregon, xe điện thậm chí ngừng chạy vì dây cáp điện bị tan chảy. Và bởi vì nhiều tòa nhà không có điều hòa nhiệt độ, chính phủ đã buộc phải mở các trung tâm làm mát chuyên biệt – những địa điểm mà mọi người có thể ghé thăm để nghỉ ngơi.

    Người ta từng nghĩ một đợt nắng nóng dữ dội như thế này chỉ có thể xảy ra vài nghìn năm một lần. Nhưng các ước tính như vậy chỉ dựa trên giá trị trung bình trong lịch sử. Trên thực tế, biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn. Mặc dù nắng nóng gây chết người hơn cả bão hoặc lũ lụt trong một năm bình thường, nhưng các chính phủ – ngay cả ở các nước giàu – vẫn chưa sẵn sàng để đối phó. Có lẽ họ nên nhanh chóng chuẩn bị.

    Ngoại trưởng Israel thăm UAE

    Mối quan hệ giữa Israel và vùng Vịnh không phải quá mới mẻ. Vào năm 2008 Bộ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Livni đã đến thăm Qatar. Nhưng tinh thần nồng nhiệt trong chuyến thăm UAE hôm nay của Yair Lapid, người kế nhiệm bà, là chưa từng có. Năm ngoái, với việc Mỹ thu hẹp can dự ở khu vực và Iran tỏ ra nguy hiểm, UAE đã đi tìm đồng minh. Họ bình thường hóa quan hệ với Israel vào tháng 8, một động thái được cựu tổng thống Donald Trump ủng hộ (ông vốn muốn thúc đẩy quan hệ Ả Rập-Israel). Kể từ đó, các hạn chế thị thực đã được hủy bỏ và bắt đầu có các chuyến bay thẳng. Và trong chuyến thăm này ông Lapid sẽ khánh thành đại sứ quán thứ ba của Israel ở thế giới Ả Rập, lần này là Abu Dhabi, thủ đô UAE.

    Chuyến đi hôm nay sẽ giúp Israel bớt lo lắng rằng tiến trình bình thường hóa với các nước Ả Rập có thể chậm lại nếu không có kỹ sư trưởng, ông Trump. Tin tốt là mọi chuyện cũng đang diễn tiến suôn sẻ ở đầu bên kia của khu vực: hai hãng hàng không Israel cho biết họ sẽ sớm bắt đầu các chuyến bay đến Morocco.

    Nga thử hệ thống phòng không ở Crimea khi Ukraine, Mỹ tập trận ở Biển Đen



    Hôm 29/6, hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin rằng Nga đã kiểm tra mức độ sẵn sàng của các hệ thống phòng không ở Crimea, bán đảo mà Moscow sáp nhập từ tay Ukraine vào năm 2014. Việc kiểm tra hệ thống này diễn ra giữa lúc Ukraine và các nước NATO tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen, theo Reuters.

    Cuộc tập trận Sea Breeze của NATO bắt đầu hôm 28/6 sau khi căng thẳng giữa NATO và Moscow gia tăng.

    Interfax cho biết Hạm đội Biển Đen của Nga đã triển khai khoảng 20 máy bay chiến đấu và trực thăng, bao gồm cả máy bay cường kích Su-24M, cũng như các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và Pantsir trong các cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.

    Moscow coi Crimea là một phần của Nga, nhưng bán đảo này được quốc tế công nhận là một phần của Ukraine. Bản thân Ukraine cũng muốn thu hồi lại.

    Interfax dẫn lời Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga cho biết trong một tuyên bố: “Hạm đội Biển Đen đang thực hiện một số việc để giám sát hành động của các tàu của NATO và các quốc gia khác tham gia cuộc tập trận Sea Breeze 2021”.

    Moscow kêu gọi hủy bỏ các cuộc tập trận Sea Breeze trước khi chúng bắt đầu, và Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ sẽ phản ứng nếu cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.

    Cuộc tập trận Sea Breeze 2021 sẽ kéo dài hai tuần và có sự tham gia của khoảng 5.000 binh sĩ từ các nước NATO và các đồng minh khác, cùng khoảng 30 tàu và 40 máy bay. Tàu khu trục có tên lửa của Hoa Kỳ USS Ross và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ tham gia cuộc tập trận này.

    Căng thẳng Nga-Anh tại Biển Đen từ góc độ luật pháp quốc tế


    Ngày 23/6/2021, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu khu trục Anh HMS Defender đã tiến sâu vào vùng biển của Nga 3km ở mũi Fiolent thuộc Crimea (Biển Đen) và cho rằng đây là hành động khiêu khích. Phía Nga cho biết đã bắn cảnh cáo và ném bom để đuổi tàu Anh.

    Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã phản đối cáo buộc trên và khẳng định Nga đang diễn tập hải quân. Anh cho rằng sự hiện diện của Anh tại Biển Đen không mang tính chất gây hấn mà nhằm mục đích bảo vệ trật tự quốc tế trên biển. Theo đó, trên twitter, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố tàu hải quân Anh đang thực hiện quyền qua lại không gây hại qua lãnh hải của Ukraina, phù hợp với luật pháp quốc tế.

    Trong một diễn biến khác, ngày 27/6, một số hãng thông tấn (Reuteurs, BBC) đưa tin một tập tài liệu bí mật (khoảng 50 trang) từ Bộ Quốc phòng Anh chứa đựng các thông tin về tàu chiến Anh và những phản ứng của Nga đối với việc qua lại của tàu Anh ở Biển Đen đã được tìm thấy ở một trạm xe bus phía Nam nước Anh. Ngay lập tức, Bộ Quốc phòng Anh đã tiến hành một cuộc điều tra liên quan đến vụ việc. Người phát ngôn BNG Nga, Maria Zhakharova đã chỉ trích Chính phủ Anh trên kênh Telegram cho rằng Luân Đôn đã nói dối để che đậy sự vụ gần đây tại Biển Đen.

    Dưới lăng kính luật pháp quốc tế, có thể đưa ra một số nhận định như sau:

    1. Công ước Luật biển quốc tế 1982 có quy định cụ thể liên quan đến quyền qua lại không gây hại (tại điều 17, 18 và 19) áp dụng với tất cả các loại tàu thuyền. Theo đó, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, dều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải. Nội hàm của thuật ngữ “đi qua” và “đi qua không gây hại” lần lượt được làm rõ trong Điều 18 và Điều 19 UNCLOS 1982. Theo đó, tàu thuyền đi qua phải liên tục và nhanh chóng và không làm phương hại đến hoà bình, trật tự và an ninh của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, trên thực tiễn giải thích và áp dụng công ước, quyền qua lại không gây hại là vấn đề gây tranh luận vì nhiều quốc gia ven biển có quy định rằng tàu thuyền nước ngoài (nhất là tàu chiến) muốn qua lãnh hải thông báo trước (prior notification) hoặc phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển để đảm bảo an ninh. Tại khu vực Biển Đen, trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã tuyên bố sẽ đình chỉ quyền qua lại không gây hại của tàu chiến và tàu không vì mục đích thương mại qua ba khu vực thuộc lãnh hải của Nga tại Biển Đen (áp dụng từ ngày 24/4 đến 31/10/2021, bao gồm khu vực ven biển Crimea giữa Sevastopol và Gurzuf, một vùng gần bán đảo Kerch và một vùng nhỏ ở phía Tây Crimea. Do đó, có thể việc tàu chiến Anh đi qua khu vực Crimea là nhằm thách thức quy định trên của Nga.

    2. Theo thông tin phía Nga cho biết Nga đã bắn đạn thật và ném bom cảnh cáo tàu Anh, tuy nhiên phía Anh cho rằng không có sự việc này. Thông tin này chắc chắn cần phải kiểm chứng. Tuy nhiên chi tiết này nảy sinh một câu hỏi từ góc độ pháp lý. Đó là liệu hành vi bắn đạn thật và ném bom cảnh cáo (nếu có) có vi phạm các quy định áp dụng cho tàu chiến và tàu nhà nước không vì mục đích thương mại theo UNCLOS 1982 hay không. Vì UNCLOS 1982 có quy định về quyền miễn trừ đối với tàu chiến.

    3. Nguồn gốc sâu xa của vụ việc này liên quan tới quy chế của Crimea xét từ góc độ lịch sử. Thật vậy, Anh khẳng định việc tàu chiến của Anh đi qua khu vực mũi Fiolent (thuộc bán đảo Crimea), và giống như Mỹ và các quốc gia Phương Tây, Anh coi Crimea là lãnh thổ Ukraina trong khi đó Nga luôn khẳng định Crimea là phần lãnh thổ của Nga. Cuộc tranh luận về số phận của Crimea nảy sinh từ sự kiện Crimea giai đoạn 2014-2015 và hiện nay vẫn chưa có hồi kết.

    Vụ việc giữa Anh và Nga tại Biển Đen cần tiếp tục theo dõi, trong bối cảnh hai nước đã từng xảy ra những căng thẳng ngoại giao liên quan đến vụ Sergei và Skirpal.

    Từ góc độ nghiên cứu luật biển, vụ việc cũng có để lại nhiều suy ngẫm đối với khu vực Biển Đông, với những tranh chấp phức tạp và trong bối cảnh Luật Hải Cảnh Trung Quốc cũng cho phép sử dụng các biện pháp cần thiết, kể cả vũ lực, trong đó có tính đến các khả năng sử dụng vũ khí bắn từ tàu (shipborne) và trên không (airborne).

    Trung Quốc nhấn mạnh chiến thắng Covid-19 nhân kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản


    Thứ Năm 01/07/2021 là ngày kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng những hoạt động rầm rộ đã bắt đầu. Từ tối thứ Hai 28/06, một buổi diễn văn nghệ hoành tráng do Tập Cận Bình chủ trì đã diễn ra tại sân vận động Olympic, dành cho một công chúng chọn lọc, an ninh được tăng cường.

    Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

    « Cho đến phút cuối cùng, chương trình kỷ niệm 100 năm thành lập vẫn được giữ bí mật. Những tin nhắn đầu tiên đến tối Chủ Nhật mới được gởi bằng WeChat cho các nhà báo đã được đăng ký, thông báo về một màn diễn mang tên « Trường Chinh ».

    Những ai tham dự phải được tiêm chủng, làm lại xét nghiệm PCR và ngủ đêm tại một khách sạn đã chỉ định, trước khi được đưa đến sân vận động tổ chim. Zero Covid được bảo đảm đến ba lần cho dịp kỷ niệm này. Sân vận động Olympic ở phía bắc Bắc Kinh hoàn toàn được phong tỏa, cũng như những con đường xung quanh quảng trường Thiên An Môn, nơi diễn ra một phần buổi lễ.

    Người dân Bắc Kinh dường như đã quen thuộc với những lễ hội tốn kém và bị hạn chế di chuyển. Một cư dân ở phía bắc Bắc Kinh vừa ra khỏi phòng tập thể thao nói : « Đó là để kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ sẽ nhảy múa và hát hò, nhưng chúng tôi không thể tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập » - người này vừa cười vừa nhắc lại.

    « Đừng nói gì, hãy kín đáo ». Đó là ngày Chủ Nhật, ở lối ra một nhà thờ Tin Lành. Các địa điểm thờ tự và một số quán karaoke phải đóng cửa trong thời gian lễ hội. Những người bán hàng trên mạng nói với hãng tin Reuters là họ không có quyền gởi các loại hàng như bình gas và các sản phẩm dễ cháy cho các khách hàng ở Bắc Kinh, cho đến khi có lệnh mới. »

    Buổi diễn không được truyền hình trực tiếp, nhấn mạnh vào sự phục hồi của Trung Quốc sau khủng hoảng Covid-19. Chiến thắng trước virus được coi là thắng lợi trong việc tổ chức của đảng Cộng Sản, chiếm một vị trí đặc biệt trong chương trình, với các nghệ sĩ mang trang phục bảo hộ và những người lính đeo khẩu trang.

    Các nghệ sĩ vung cao nắm tay chiến thắng trong các cảnh sân khấu hóa lịch sử Trung Quốc Cộng Sản, từ buổi họp đầu tiên trong tô giới ở Thượng Hải năm 1921 đến cuộc trường chinh của Mao. Góp sức cho các hoạt cảnh là giàn kèn trompette 100 chiếc, điểm tô thêm lời chào của các phi hành gia Trung Quốc từ vũ trụ. Chân dung các nhà lãnh đạo quan trọng được chiếu trên màn hình lớn, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình. Pháo bông thắp sáng bầu trời đêm dù lâu nay bị cấm ở Bắc Kinh, hàng ngàn khán giả tập trung quanh sân vận động để thưởng lãm.

    AFP ghi nhận đảng đã cố tình bỏ qua những chương đen tối nhất trong lịch sử : nạn đói khủng khiếp và thanh trừng trong Cách mạng văn hóa, vụ thảm sát Thiên An Môn, phong trào đấu tranh dân chủ Hồng Kông.

    Nga và Trung Quốc gia hạn hiệp ước hữu nghị thêm 5 năm

    Hôm qua 28/06/2021, Matxcơva và Bắc Kinh loan báo gia hạn thêm 5 năm bản hiệp ước hữu nghị và hợp tác có từ 20 năm qua, trong lúc quan hệ với phương Tây đang căng thẳng. Nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc qua video, tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, các hiệp định kiểm soát vũ khí bị ngưng và xung đột tiềm năng tại nhiều nơi trên thế giới.

    Quan hệ giữa Nga với Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang xuống đến mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh, chủ yếu do Nga chiếm Crimée của Ukraina và can thiệp vào bầu cử Mỹ. Còn Trung Quốc đang bị chỉ trích dữ dội vì đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

    Thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản cảnh báo : Đã đến lúc cần "tỉnh giấc" để bảo vệ Đài Loan

    Theo hãng tin Reuters, thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama hôm qua 28/06/2021 đã cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh và Matxcơva tăng cường hợp tác.

    Phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Hudson ở Washington, ông Yasuhide Nakayama, quốc vụ khanh đặc trách Quốc Phòng Nhật Bản, một chức vụ tương đương với thứ trưởng, đã đặt vấn đề là liệu chính sách “một nước Trung Hoa duy nhất” có còn phù hợp ở thời hiện tại hay không. Ông Nakayama cho rằng các nước dân chủ phải bảo vệ lẫn nhau và ông đã luôn coi Đài Loan như "lằn ranh đỏ" mà Trung Quốc không được vượt qua. Theo ông, “cần tỉnh giấc" trước sức ép của Bắc Kinh đối với Đài Loan và bảo vệ đảo quốc này "như một quốc gia dân chủ".

    Quan chức Nhật Bản lưu ý rằng Nhật Bản và Đài Loan là hàng xóm về mặt địa lý, đồng thời nhấn mạnh nếu điều bất trắc xảy ra ở Đài Loan, nó sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Okinawa của Nhật Bản, nơi đồn trú của lính Mỹ cũng như gia đình họ. Ông cho biết thêm, các mối đe dọa tăng cao từ phía Trung Quốc bao gồm các cuộc chạy đua về hàng không vũ trụ, tên lửa, tin học, vũ khí hạt nhân và quy ước ... đồng thời cho rằng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc có tư tưởng "đặc biệt hiếu chiến ...".

    Theo Reuters, phản ứng trước các tuyên bố của thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, Trung Quốc vào hôm nay 29/06/2021 đã tỏ thái độ rất tức giận và cực lực phản đối việc quan chức Nhật Bản gọi Đài Loan là một quốc gia. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết là phát biểu của ông Nakayama “thể hiện một sự nhầm lẫn và vi phạm nghiêm trọng tinh thần của bản “Tuyên bố chung" giữa hai nước (Nhật Bản và Trung Quốc) năm 1972".

    Trong phát biểu vào hôm qua, thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản còn kêu gọi thể hiện sự răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc và cả Nga - nước đã tăng cường các cuộc tập trận trên vùng lãnh thổ mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, cũng như gần bang Hawaii của Hoa Kỳ. Đối với ông, Washington và Tokyo nên tăng cường hợp tác trên phương diện công nghệ trong bối cảnh Trung Quốc và Nga ngày càng xích lại gần nhau hơn.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào