TNS Josh Hawley kêu gọi Tiến sĩ Fauci từ chức vì scandal e-mail
Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 06 tháng 6 năm 2021 |
Thượng nghị sĩ Josh Hawley hôm 4/6 đã kêu gọi cố vấn y tế cấp cao của Tòa Bạch Ốc, Tiến sĩ Anthony Fauci, từ chức và cũng yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ của quốc hội về kho email liên quan tới virus corona mà ông Fauci cung cấp cho báo chí, theo Daily Wire.
Một loạt email của Tiến sĩ Fauci có nội dung liên quan đến nguồn phát sinh virus corona tập hợp trong một tài liệu dài 3.200 trang đã được cung cấp cho giới truyền thông trong tuần này. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong đó đã được biên tập lại khiến những người phản biện cho rằng ông Fauci muốn che giấu sự thật về nguồn gốc COVID-19.
Thượng Nghị sĩ Hawley viết trên Twitter: “Các email được phát hành gần đây của Anthony Fauci và báo cáo điều tra về nguồn gốc # COVID19 thật gây sốc. Đã đến lúc Fauci phải từ chức và tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ của quốc hội về nguồn gốc của # COVID19 – và [cần một cuộc điều tra] đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn việc kiểm toán đầy đủ”.
Ông Hawley tiếp tục rằng: “Công chúng xứng đáng được biết liệu những người trong chính phủ Hoa Kỳ có cố gắng ngăn chặn một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc #COVID hay không, như đã báo cáo gần đây. Và Quốc hội cũng phải tìm hiểu xem Fauci’s NIAID [Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia nơi Fauci làm giám đốc] đã tham gia vào nghiên cứu tài chính tại Viện virus học Vũ Hán ở mức độ nào”.
Tiến sĩ Fauci kêu gọi Bắc Kinh công bố hồ sơ y tế của nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán
The Epoch Times hôm 5/6 đưa tin, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc về đại dịch COVID-19, đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc công bố hồ sơ y tế của 9 người làm việc cho phòng thí nghiệm Vũ Hán từng trải qua các triệu chứng như người nhiễm virus corona, theo Epoch Times.
Ông Fauci nói: “Tôi muốn xem hồ sơ bệnh án của ba người được cho là đã mắc bệnh vào năm 2019. Họ có thực sự bị bệnh không, và nếu có, họ bị bệnh gì?”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 1 cho biết các nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm virus học Trung Quốc ở Vũ Hán đã bị ốm nặng vào năm 2019, một tháng trước khi các trường hợp COVID-19 đầu tiên được báo cáo.
Các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc đã liên tục bác bỏ giả thuyết virus corona mới đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cho rằng virus có thể đã lưu hành ở các khu vực khác trước khi tấn công Vũ Hán và thậm chí có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc thông qua các lô hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu hoặc động vật hoang dã.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, từ chối bình luận về việc liệu Trung Quốc có công bố các hồ sơ theo đề nghị của Tiến sĩ Fauci hay không.
Theo Financial Times, trừ khi có các bằng chứng rõ ràng, ông Fauci vẫn tiếp tục tin rằng virus corona xuất phát từ động vật, nói rằng ngay cả khi các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nhiễm COVID-19, thì là do họ đã lây từ ai đó.
Covid-19 : Mỹ viện trợ vac-xin cho Đài Loan
Sau Nhật Bản đến lượt Hoa Kỳ viện trợ vac-xin chống Covid-19 cho Đài Loan. Ngày 06/06/2021, ba thượng nghị sĩ Mỹ đến Đài Bắc và thông báo cung cấp 750.000 liều vac-xin hỗ trợ Đài Loan đẩy lui đại dịch. Đây là đợt hỗ trợ đầu tiên trong chương trình trợ giúp Đài Loan đối phó với khủng hoảng y tế của chính quyền Biden.
Theo hãng tin Anh Reuters, chiếc máy bay quân sự của Hoa Kỳ đã đáp xuống phi trường quốc tế Tùng Sơn – Đài Bắc sáng nay, cho phép ba thượng nghị sĩ thuộc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa bắt đầu chuyến công tác tại Đài Loan. Trong cuộc họp báo thượng nghị sĩ Tammy Duckworth bang Illinois cùng với hai đồng nhiệm Christopher Coons của bang Delaware và Dan Sullivan của bang Alaska cho biết chuyến bay này mang theo 750.000 liều vac-xin ngừa Covid-19 nhằm hỗ trợ Đài Loan vượt qua đại dịch.
Không đi sâu vào chi tiết, bà Tammy Duckworth chỉ thông báo đây là « đợt đầu tiên » trong số những lô vac-xin của Hoa Kỳ gửi đến Đài Loan và Washington ghi nhận « nhu cầu cấp bách » của Đài Bắc trong nỗ lực đối phó với virus corona. Ra tận phi trường tiếp đón các thượng nghị sĩ Mỹ, bộ trưởng Y Tế Trần Thời Trung (Chen Shih Chung) kỳ vọng Đài Loan sớm nhận được những liều thuốc cần thiết như đã yêu cầu được mua.
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) cảm ơn Mỹ và không quên nói đến những « trở ngại đang phải vượt qua do sự can thiệp của Bắc Kinh ». Tình hình y tế tại Đài Loan hiện đang xấu đi, chỉ trong hay ngày 05 và 06/06, chính quyền ghi nhận có hơn 800 ca nhiễm mới. Trung Quốc vẫn luôn tìm cách gây áp lực, ngăn chặn Đài Bắc thương thuyết với các tập đoàn dược phẩm phương Tây để mua vac-xin.
Theo giới quan sát sự hiện diện của các thượng nghị sĩ Mỹ tại Đài Bắc và nhất là quyết định của Washington viện trợ vac-xin cho Đài Bắc càng khiến Trung Quốc phẫn nộ.
Trong chuyến công tác Đài Loan lần này, ba thượng nghị sĩ Mỹ dự trù có cuộc gặp tổng thống Thái Anh Văn. Khủng hoảng y tế dịch Covid-19, an ninh và một số chủ đề khác được các bên mang ra thảo luận theo như tiết lộ của Reuters.
Bà Pelosi đưa ra tuyên bố kỷ niệm 32 năm sự kiện đàn áp ở Thiên An Môn
Chủ tịch Hạ viện, đảng viên Dân California, Nancy Pelosi, đã đưa ra tuyên bố vào ngày 3 tháng 6 năm 2021, nhân kỷ niệm 32 năm sự kiện ĐCSTQ đàn áp sinh viên, học sinh ủng hộ dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ .
Trong tuyên bố của mình, bà Pelosi viết:
“Ngày 4 tháng 6 là một ngày đã, đang và phải khắc sâu trong trái tim của tất cả những người yêu tự do. 32 năm trước, sinh viên, công nhân và người dân [Trung Quốc] đã xuống đường ôn hòa, đòi tự do khỏi chế độ Trung Quốc áp bức: Đây là một trong những hành động can đảm nhất về mặt chính trị trong thời hiện đại. Bắc Kinh đã thực hiện cuộc tàn sát khủng khiếp đối với những anh hùng này và chính những công dân của họ, đàn áp cuộc biểu tình, nhưng [ĐCSTQ] không thể dập tắt ngọn lửa tự do đang bùng cháy trong trái tim những người dân – hôm nay, chúng ta phải duy trì ngọn lửa này.
Mặc dù Trung Quốc đã thay đổi trong thế hệ qua, nhưng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ nước này vẫn không thay đổi. Cộng đồng quốc tế phải chung một tiếng nói, tiếp tục lên tiếng và bảo vệ tất cả những người bị Bắc Kinh đàn áp: Bắc Kinh đang cố gắng loại bỏ tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của người Tây Tạng một cách tàn nhẫn; các quyền cơ bản của người Hồng Kông bị đàn áp hàng ngày; người Duy Ngô Nhĩ đang trải qua nạn diệt chủng; có vô số nhà hoạt động nhân quyền vô tội đang phải chịu đựng trong các nhà tù tại Trung Quốc đại lục.
Hồ sơ gia tăng vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ là lý do tại sao tôi tiếp tục kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh. Thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ khi đăng cai Thế vận hội Olympic ở một quốc gia đã phạm tội ác diệt chủng và vi phạm nhân quyền hàng loạt. Sự im lặng về vấn đề này đã cho Trung Quốc [thực hiện các hành vi] xâm phạm [nhân quyền]”.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi cũng đăng trên Twitter một video năm 1991, bà cùng hai dân biểu Hoa Kỳ khác tưởng niệm những người đã hy sinh trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Bà cho biết: “28 năm trước, chúng tôi đã đến Quảng trường Thiên An Môn để tri ân lòng dũng cảm và sự hy sinh của các sinh viên, công nhân và những công dân bình thường đã đứng lên vì nhân phẩm và nhân quyền của tất cả mọi người. Cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn cam kết chia sẻ câu chuyện của họ với thế giới”
Thẩm phán liên bang Mỹ đảo ngược lệnh cấm vũ khí tấn công của California
Một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đảo ngược lệnh cấm vũ khí tấn công 32 năm của bang California vào ngày thứ Sáu, mô tả đây là một “thử nghiệm thất bại.”
California đã cấm bán vũ khí tấn công kể từ năm 1989. Lệnh cấm đã bị thách thức trong một vụ kiện năm 2019 nhắm vào tổng chưởng lý của California bởi các nguyên đơn bao gồm James Miller, một cư dân của bang này, và Chủ sở hữu Súng Quận San Diego, một ủy ban vận động chính trị.
“Vụ án này liên quan đến quyền hiến định căn bản và liệu một bang có thể áp đặt một lựa chọn chính sách về súng ảnh hưởng đến quyền đó hay không với một thử nghiệm thất bại kéo dài 30 năm,” Thẩm phán Roger Benitez của Tòa án khu vực tư pháp Nam California viết trong lệnh tòa án đệ nạp vào cuối ngày thứ Sáu.
“Chính phủ không có quyền tự do áp đặt các lựa chọn chính sách mới của riêng mình lên công dân Mỹ trong những lĩnh vực liên quan tới quyền hiến định,” lệnh nói thêm.
Lệnh tòa án tuyên bố rằng những đạo luật của bang vi phạm các quyền Tu chính án thứ hai Hiến pháp Hoa Kỳ của công dân California. Tu chính án thứ hai Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm công dân quyền mang vũ khí.
Thẩm phán liên bang nói rằng ông đã cho phép hoãn thi hành phán quyết trong 30 ngày theo yêu cầu của Tổng chưởng lý California Rob Bonta, một bước đi sẽ cho phép ông Bonta kháng án.
“Quyết định ngày hôm nay sai sót về căn bản, và chúng tôi sẽ kháng án,” ông Bonta nói trong một phát biểu.
Bảy bang, bao gồm California và Địa khu Columbia, tức thủ đô Washington, đã ban hành luật cấm vũ khí tấn công, theo Trung tâm Luật Giffords, một tổ chức vận động kiểm soát súng.
Kiểm soát súng là một chủ đề gây chia rẽ chính trị ở Mỹ, nước đã trải qua nhiều vụ xả súng chết người hàng loạt tại các trường học và các địa điểm công cộng khác trong nhiều thập niên.
Ấn Độ: Vụ bệnh nhân Covid chết 'do bị bác sĩ bỏ rơi' dậy sóng dư luận
Bệnh viện Kriti ở Gurugram của thủ đô Delhi
Ở Delhi, hồi tháng 4, sáu người đã chết trong cô độc ở một khoa trong bệnh viện do bị các bác sĩ bỏ lại đó giữa đợt dịch Covid-19 thứ hai đang tàn phá đất nước.
Video về các thi thể bị bỏ lại trong khu chăm sóc đặc biệt đã lan truyền nhanh chóng, nhưng câu chuyện đã sớm nhường chỗ cho các chủ đề khác, để lại một khoảng trống thông tin về những gì thực sự đã xảy ra đêm đó và bo mặc những người thân phải đối diện với thảm kịch.
Trong đoạn ghi hình, có thể nghe thấy một người đàn ông đang nói chuyện phía sau khi điện thoại camera quay lướt quanh phòng.
"Cả bác sĩ lẫn dược sỹ đều không ở đây. Không có ai ở quầy lễ tân," ông nói, khi những thân nhân đi từ giường này sang giường khác, cố gắng hồi sinh người thân của mình.
"Làm sao mà các bác sĩ có thể bỏ chạy để lại bệnh nhân của mình cho đến chết bất chấp cả sự hiện diện của ông?" một người đàn ông được nhìn thấy đang hỏi một cảnh sát.
"Đã chết," một người đàn ông trong một video khác nói. "Đã chết. Tất cả mọi người."
Ấn Độ có số người chết vì Covid cao thứ hai trên thế giới
Đoạn video được quay vào đêm 30/4 tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Kriti ở Gurugram, ngoại ô Delhi.
Thân nhân của những người tử vong nói rằng họ đã xông vào khu ICU sau khi không thể tìm thấy bác sĩ ở hành lang, cuối cùng chỉ thấy ICU cũng bị bỏ hoang. Họ cáo buộc các bác sĩ đã bỏ mặc bệnh nhân sau khi bệnh viện cạn nguồn oxy.
Các bác sĩ, những người đang ẩn nấp ở nơi khác trong bệnh viện, nói rằng họ bỏ trốn vì sợ bạo lực từ các gia đình nạn nhân. Các gia đình nói rằng họ chưa bao giờ đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào.
Một tháng sau, một cuộc điều tra nội bộ vẫn chưa xác nhận nguyên nhân của những ca tử vong. Không có cáo buộc nào. Phó cảnh sát trưởng Gurugram Yash Garg không thể nói khi nào cuộc điều tra sẽ hoàn tất.
Đối với các gia đình thì họ không có mấy manh mối để tiếp tục theo đuổi vụ việc.
'Chúng tôi muốn công lý cho người thân của mình'
Tính đến tháng 4 ở Ấn Độ, tình trạng cạn kiệt oxy đã trở thành mối quan tâm trên toàn quốc, khi làn sóng Covid thứ hai quét qua đất nước khiến hệ thống y tế của Ấn Độ kiệt quệ. Bệnh nhân chết trên cáng bên ngoài bệnh viện đã quá tải trong khi các lò hỏa táng tràn ngập người chết.
Bệnh nhân tử vong ngay cả khi bệnh viện và gia đình tranh giành nhau để sắp xếp nguồn cung oxy. Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những lời cầu nguyện trong tuyệt vọng từ các bác sĩ và người thân của những người chịu đau khổ vì Covid.
Cái chết của sáu bệnh nhân không được săn sóc là một trong nhiều bi kịch, nhưng bản chất gây sốc của đoạn phim đã khiến nó được lan truyền khắp thế giới.
Sau đó, khi câu chuyện dần bị bỏ rơi khỏi các tít báo, một cảm giác hụt hẫng len vào cuộc sống của những người thân yêu bị bỏ lại phía sau.
Một nhóm WhatsApp được tạo ra sau thảm kịch, từng đầy những thông điệp về niềm hy vọng và sự ủng hộ, giờ phủ toàn sự thất vọng và tuyệt vọng.
"Chúng tôi muốn công lý cho người thân của mình," Namo Jain, một thanh niên 17 tuổi mất bố vào đêm hôm đó, mới đây viết trong nhóm.
Những thành viên trong nhóm không biết nhau trước khi họ hợp lại nhờ vào những gì đã xảy ra, và họ vẫn chỉ biết nhau qua WhatsApp.
"Chúng tôi không biết mặt nhau, nhưng chúng tôi phải ở cạnh nhau để hỗ trợ lẫn nhau," Nirupama Verma, có mẹ là Gita Sinha, một trong những người thiệt mạng đêm đó, nói.
Amandeep Chawla, người có bố nằm trong số 6 người thiệt mạng, cho biết anh không được thông báo về tình trạng thiếu oxy tại bệnh viện Kriti.
Ông nói: "Chúng tôi được các nhân viên bệnh viện đảm bảo rằng có hai chiếc xe đã ra ngoài để lấy oxy nên không cần phải lo lắng."
Chawla nhớ lại đã nhìn thấy hàng dãy bình oxy cạnh cổng chính. Nhưng đến 21h giờ địa phương, ông nói, hầu hết các bình đã biến mất, khiến gia đình bệnh nhân hoang mang sợ hãi.
Càng về đêm, các gia đình càng bất an. Ở một thời điểm nào đó, theo phiên bản mà họ nhớ về sự kiện, họ nhận ra rằng các nhân viên đã biến mất. Hoảng hốt, một số người trong số họ đã quyết định kiểm tra khu ICU.
Khi đến đó, họ nói chỉ thấy khu chăm sóc đặc biệt vắng tanh, ngoại trừ thi thể thân nhân của họ.
Chawla nói: "Không có bác sĩ, không có nhân viên bệnh viện. "Họ đã bỏ chạy."
BBC không thể xác định chính xác dòng thời gian của sự kiện đêm đó - có những phiên bản trái ngược nhau. Không rõ nhân viên bệnh viện rời khỏi khu khám bệnh khi nào và bệnh nhân có còn sống tại thời điểm đó hay không.
Chủ bệnh viện Swati Rathore nói với BBC rằng các nhân viên đã "đi trốn" một thời gian ngắn sau khi họ bị một số người nhà bệnh nhân tấn công, một cáo buộc mà các gia đình nạn nhân phủ nhận.
Bà Rathore nói: "Có sự khác biệt giữa việc ẩn trốn và bỏ rơi bệnh nhân," đồng thời nói thêm rằng bà đã yêu cầu nhân viên của mình không ra ngoài cho đến khi bà báo cảnh sát.
Bà Rathore đã gửi cho BBC một đoạn video cho thấy những người tấn công nhân viên của bà và phá hoại bệnh viện vào một tuần trước đó. Bà nói cảnh tượng tương tự đã lặp lại vào đêm các bệnh nhân chết trong ICU.
Bà Rathore nói: "Chúng tôi sẽ không chịu thêm sự đánh đập nào nữa."
Các gia đình buộc bệnh viện phải chịu trách nhiệm không chỉ vì bỏ lại khu chăm sóc đặc biệt mà còn vì không báo với họ về việc thiếu nguồn oxy.
Ông Jain nói: "Ai đó nên nói với chúng tôi rằng bệnh viện đã hết oxy". Ông có ba bình oxy ở nhà nhưng khi chị gái của ông kịp mang một bình đến bệnh viện thì bố ông đã qua đời.
Jugesh Gulati, người có bố nhập viện và vẫn còn sống, cho biết anh mang hờ thêm một bình oxy vì các nhân viên đã thông báo với anh về khả năng thiếu hụt oxy. Nhưng một số gia đình khác nói với BBC rằng họ không được cung cấp bất kỳ thông tin nào trước đó.
Trong khi đó, các cuộc trao đổi trong nhóm WhatsApp mà kết nối những người thân của tang quyến phản ánh cảm giác bất lực ngày càng tăng.
"Không có ý nghĩa gì khi ở lại trong nhóm này," một người tên là Jain chán nản viết.
Cô Verma đã cố gắng động viên ông. "Chúng tôi sẽ kề vai sát cánh chiến đấu," cô viết.
VN: Nhiều địa phương ‘phong thành’, thủ tướng phải lên tiếng
Khu vực bị phong tỏa ở một phường tại Gò Vấp, TP HCM
Nhiều địa phương áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn người từ vùng dịch đến khiến người đứng đầu chính phủ Việt Nam phải lên tiếng nhấn mạnh không 'ngăn sông cấm chợ'.
TP HCM đang là một trong những điểm nóng về dịch bệnh với 355 ca nhiễm tính đến sáng 6/6 và con số này tiếp tục tăng lên sau mỗi ngày. Điều đó đã khiến các địa phương lân cận áp dụng chính sách mạnh.
Tỉnh Đồng Nai vào ngày 4/6 đã ban hành quy định cách ly đối với người từ TP HCM. Theo đó, từ 0 giờ ngày 5/6, người từ TPHCM tới Đồng Nai sẽ phải cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày, người cách ly tự trả phí.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng áp dụng quy định cách ly tập trung 21 ngày đối với người từ quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), là hai điểm bùng phát dịch nghiêm trọng tại TP HCM.
Hàng loạt tỉnh thành khác như Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Thanh Hóa… cũng áp dụng các biện pháp ngăn ngừa tương tự đối với người đến từ TP HCM.
Các biện pháp này bị nhiều người cho là "quá cực đoan" và đang phản ứng thái quá.
"Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các địa phương phòng dịch nhưng không được ngăn sông cấm chợ, không được áp dụng các biện pháp cực đoan. Nhưng việc Đồng Nai cách ly 21 ngày người về từ TP HCM từ sáng nay rõ ràng là ngăn sông cấm chợ, rất cực đoan," nhà báo Nguyễn Trường Uy ở TP HCM viết trên Facebook cá nhân.
Báo Tuổi Trẻ ngày 4/6 có bài viết trong đó dẫn nhiều ý kiến của người dân phản đối quyết định của chính quyền tỉnh Đồng Nai. "Một ngày có bao nhiêu ngàn người Đồng Nai đến TP HCM làm việc? Riêng công ty tôi đã là vài trăm người nhà ở Đồng Nai. Quy định vậy chỉ làm khó cho dân," một người dân được trích lời trên báo cho biết.
Không ít người cho rằng việc mà các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh lân cận, đang làm với TP HCM là góp phần làm đứt gãy các liên kết kinh tế quan trọng trong vùng.
Nhưng nhiều người cho rằng, các biện pháp mà các địa phương áp dụng đều dựa vào tinh thần các chỉ đạo trước đây của chính phủ.
Vào tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Khi triển khai chỉ thị này, ông Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị thủ tướng, lúc bấy giờ đã nhấn mạnh "cách ly toàn xã hội" trên phạm vi toàn quốc. Việc cách ly được thực hiện "theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Đây chính là sự cụ thể hóa của chủ trương "chống dịch như chống giặc" mà giới lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh.
Chiến lược "dập dịch tận gốc" cùng với lối tuyên truyền thời chiến đã có tác động mạnh mẽ tới nhận thức của công chúng cũng như các quyết định của địa phương.
Có thể thấy, báo chí nhà nước và người dân, với sự dẫn dắt của chính quyền, luôn sẵn sàng "truy cùng diệt tận" các "ổ dịch", các cá nhân và tổ chức mà họ cho là thủ phạm làm lan truyền dịch, như điều đang xảy đến với Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại TP HCM.
Các tỉnh thành cũng luôn sẵn sàng áp dụng biện pháp mạnh nhất có thể để bảo đảm an toàn cho địa phương mình, bao gồm cả "ngăn sông cấm chợ".
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, với những diễn biến dịch bệnh phức tạp ở trong nước và trên thế giới, Việt Nam dường như đã nhận ra rằng "dập dịch" bằng các phương thức trước đây không phải là kế sách lâu dài. Việt Nam rõ ràng không thể trở nên miễn nhiễm chỉ bằng cách cách ly toàn bộ đất nước với thế giới bên ngoài.
"Dập dịch" như cách thức lâu nay cũng sẽ khiến nền kinh tế kiệt quệ, như các lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo bằng tuyên bố thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Chính phủ của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển hướng mạnh mẽ sang công tác tiêm vaccine cho người dân. Dù việc này còn nhiều khó khăn do Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vaccine nhập khẩu, nhưng điều đó cho thấy Việt Nam đã có những chuyển dịch lớn trong nhận thức về đại dịch.
Trước tình hình "ngăn sông cấm chợ" của nhiều địa phương, vào ngày 5/6, Chính phủ đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, về việc áp dụng biện pháp thực hiện "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, báo Thanh Niên cho biết.
Công điện cho biết vừa qua một số địa phương đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần thống nhất áp dụng quản lý vận tải, đảm bảo kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc ảnh hưởng tiêu cực sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng nay 5/6, một thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nói sẽ kiểm tra ngay quyết định cực đoan của Đồng Nai đối với người đến từ TP HCM.
Sau khi có nhiều ý kiến phản ứng, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản nới lỏng quy định về cách ly 21 ngày đối với người về từ TP HCM.
Không có nhận xét nào