Header Ads

  • Breaking News

    Singapore chống dịch và tiêm chủng thế nào và Việt Nam học được gì ?

    Chụp lại hình ảnh,

    Covid App của Singapore dùng công nghệ để truy vết

    Đảo quốc Singapore đã tiêm được hơn 4 triệu liều vaccine và giữ được kinh tế tăng trưởng nhờ ngay từ đầu đã có chiến lược khác Việt Nam về cách chống Covid.

    BBC News Tiếng Việt phỏng vấn ông Michael Nguyễn, doanh nhân quốc tịch Singapore về quá trình hình thành chiến lược chống dịch Covid-19 của chính phủ Lý Hiển Long cũng như một số bài học có thể giúp người Việt Nam tìm hiểu thêm về kinh nghiệm quốc gia cùng trong Đông Nam Á.

    Đầu tiên, chúng tôi đặt câu hỏi về tiến độ tiêm vaccine của Singapore, quốc gia hiện có 5,82 triệu người sinh sống, gồm 3,5 triệu là công dân, nhưng quyền được tiêm thuộc về tất cả những ai đang sống, làm việc tại đó.

    Michael Nguyễn: Cho đến ngày 1/06, chính quyền Singapore đã tiến hành tiêm hơn 4 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna. Như thế, hơn 40% dân số Singapore được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Và trên 30% dân số đã tiêm đầy đủ 2 mũi.

    Tốc độ triển hai tiêm vaccine đã đạt 100 ngàn mũi/ngày. Cho đến nay, theo số liệu chính thức mà tôi tìm hiểu thì kế hoạch đã đạt được:

    Gần như toàn bộ số nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu

    Gần như toàn bộ dân số trên 45 tuổi

    Bắt đầu tiêm chủng gần 400 ngàn học sinh, sinh viên cả nước

    Dự kiến đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng tới hết tháng 7/2021

    BBC: Theo ông thì các điểm hay, dở của công cuộc chống dịch Covid tại Singapore là gì?

    Nhìn lại những gì đang xảy ra ở Singapore trong trận chiến chống Covid, rồi các nước ASEAN đang vất vả chống lại làn sóng thứ 3, mới thấy câu chuyện 'quân tử phòng thân' quả là lúc nào cũng đúng.

    Tôi nhớ lại là vào tháng 1/2020, Singapore phát hiện ra ca Covid đầu tiên tại đây. Quá kinh nghiệm với các vụ dịch Sars với cúm gà vài năm trước, chính phủ Singapore gọi Bộ Y tế (lo thủ tục), Ủy ban phát triển kinh tế EDB (lo tiền), A Star (bộ não của chính phủ), có khu vực tư nhân tham gia, lập ra Ban chỉ đạo (TXvax Panel) đi tìm vaccine. Chưa biết dịch này sẽ lan rộng ra sao, nguy hiểm thế nào nhưng việc đầu tiên là đi tìm thuốc đã. Phải có vaccine và phải tiêm chủng cho toàn dân, nhanh nhất sớm nhất.

    Đến tháng 4/2020 TXvax tìm ra và chốt danh sách 35 cơ sở có tiềm năng sản xuất và cung cấp vaccine.

    Vì chưa có tiền lệ, chưa có cở sở đảm bảo thành công của vaccine, các quyết định đầu tư của Ban này dựa trên hai nguyên tắc:

    Nhà sản xuất nào sẽ đưa ra sản phẩm nhanh nhất.

    Công nghệ nào an toàn nhất.

    Rồi thì, lo ngại có tiền chưa chắc đã đặt mua được hàng, Singapore đầu tư trực tiếp vào các hãng công nghệ lớn. Hơn 1 tỷ đô la được Singapore đầu tư vào Pfizer, Modena, Sinovac để có quyền ưu tiên, hay quyết định số lượng cung cấp cho mình.

    Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đi mặc cả với hãng sản xuất về các điều kiện thương mại, trong lúc đó Cơ quan quản lý cấp phép rút gọn thời gian duyệt. Trong khi các hãng hàng không chưa nhận ra cơ hội mới thì SQ của Singapore đi chuyển đổi công năng máy bay, xây sẵn kho lạnh ở Changi để làm trung chuyển cho vaccine của khu vực. Máy bay của Singapore thậm chí còn lấy được phép đậu ngay ở sân bay gần nhất nơi sản xuất vaccine để lấy hàng nhanh. Hẳn là Singapore chưa quên vụ Mỹ "cướp trên giàn mướp" khẩu trang N95 của Đức.

    Tháng 12/2020, tức là 11 tháng sau khi phát hiện ca nhiễm covid19 đầu tiên, Singapore lấy được vaccine Pfizer về nước. Sớm nhất Châu Á.

    Tôi thấy vụ việc bỏ hơn 1 tỷ đô la đầu tư sớm cho vaccine của Singapore thể hiện đúng bản chất Kiasu (sợ mất) và Kiasee (sợ chết) của quan dân nước này. Xin mở ngoặc một chút, Kiasu hay Kiasee là ngôn ngữ địa phương Singapore, dân chúng hay sử dụng để chê bai chế nhạo lẫn nhau, nhưng về chính sách thì hóa ra lại đúng là Quân tử sớm tối nên phòng thân.

    BBC: Bây giờ nhìn lại ai cũng ghi nhận Singapore mạnh tay chi ra hơn 1 tỷ đô la cho vaccine, nhưng cụ thể thì họ thu lại được gì?

    Tôi thấy ngoài thắng lợi tinh thần cho dân chúng, rồi giảm thiệt hại do có thể mở cửa sớm nền kinh tế, thì Singapore còn thu về kha khá tiền đầu tư từ các hãng dược và công nghệ sinh học do chuẩn bị cơ sở tiếp vận hậu cần tốt. Thermo Fisher, hãng công nghệ sinh học lớn nhất thế giới vừa tuyên bố đầu tư gần 200 triệu đô la để mở cơ sở nghiên cứu tại đây. Ngoài ra còn Pfizer và Modena cũng kéo qua Singapore đặt cơ sở sản xuất vaccine.

    Tính đi trước lại là hay, vì giờ thế giới hỗn mang, nhà nào mở cửa sớm nhất thì có nhiều lựa chọn nhất. Người ta nói câu "Early bird catches the worm" - Chim săn mồi sớm mới bắt được giun.

    BBC: Theo ông quan sát, Singapore có nhập vaccine của Trung Quốc hay không? Nếu nhập thì đã dùng chưa? Tâm lý dân Singapore mà số đông là gốc Hoa, nghĩ về vaccine TQ thế nào?

    Singapore có nhập vaccine TQ (Sinopharm), khoảng 200 ngàn liều. Tuy nhiên cơ quan chức năng HSA chưa cấp phép sử dụng (tính đến 2/6/2021), lý do là phía nhà sản xuất chưa cung cấp đầy đủ các dữ liệu lâm sàng khi sử dụng vaccine này cho cơ quan kiểm định của Singapore.

    Chính quyền không khuyến khích việc phân biệt các loại vaccine phòng Covid-19, tuy nhiên phản ứng chung của dân Singapore là thấy an tâm với các loại vaccine đang được sử dụng (Pfizer và Moderna).

    BBC: Nhìn lại vấn đề chống dịch Covid, ông đã từng nói về cách Singapore vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế, và cũng tổ chức bầu cử năm ngoái, nhưng so sánh với VN thì có điều gì khác, giống?

    Tôi xin kể ra một số điểm giống nhau giữa hai nước:

    1.Cả VN và Singapore đều biết nguy cơ, tác hại của Covid-19 rất sớm từ TQ lúc mới bùng phát

    2.Đều có biện pháp ngăn chặn, không chủ quan, ngay từ đầu

    3.Quản lý hành chính của nhà nước sâu sát đến từng người dân, từng hộ dân

    4.Một đảng cầm quyền điều hành, huy động được tối đa vật lực, truyền thông, tuyên truyền theo ý muốn

    Thế nhưng việc chọn hướng đi và cách làm thể hiện ra khá nhiều điểm khác:

    Chiến lược xuyên suốt, thống nhất và được cho là chính xác ngay của Singapore từ đầu: vaccine, miễn dịch cộng đồng và chung sống với dịch. Còn VN thực hiện cách ly dập dịch.

    Điều hành thống nhất từ trên xuống: Ủy ban liên bộ thành lập sớm

    Đóng cửa là biện pháp khắc nghiệt cuối cùng

    Giữ được Kinh tế đi kèm với chống dịch, Singapore không có khả năng tự cung tự cấp.

    Chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ

     


    Chụp lại hình ảnh,

    Thiết bị truy vết Covid đeo ở cổ cho người cao tuổi tại Singapore thuộc nhóm không biết dùng điện thoại thông minh

    Ngoài ra, còn phải nói đến những điểm khác nữa là Singapore có các gói cứu trợ tài chính kịp thời, hiệu quả, và kỷ luật của dân chúng chống dịch văn minh, nghiêm túc.

    Tất cả những điều trên đem lại kết quả là Singapore bị "trầm" giai đoạn đầu, tức là kinh tế Singapore tăng trưởng âm trong 2020, trong khi cùng thời gian, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương, theo số liệu chính thức. Nhưng sang năm nay lại khác, dự báo Singapore tăng trưởng dương trở lại từ 4-6% do đã được tiêm đủ vaccine và mở cửa dần dần trở lại. Làm doanh nghiệp tôi rất chú ý đến kinh tế Việt Nam và đã được nghe là kinh tế VN sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch bùng phát và chưa thể mở cửa sớm vì chưa đủ vaccine.

    BBC: Bài học cuối cùng có thể rút ra từ kinh nghiệm Singapore là gì thưa ông?

    Bài học rõ nhất của Singapore là chủ động trong chuỗi cung ứng: đầu tư sản xuất vaccine, duy trì hàng hóa, tiếp vận hậu cần rất sớm.

    Ngoài ra là họ chủ động về khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch với sự tham gia của cả khu vực tư nhân, trí thức lẫn chính phủ. Tôi có thể kể thêm rất nhiều phát minh, chế tạo các phần mềm, ứng dụng truy vết, xét nghiệm, điều trị Covid-19 ở dịp khác, và tất nhiên là họ đã luôn chủ động trong chuyển đổi nền kinh tế sang số hóa. Đây là điều Việt Nam mới chỉ bàn tới từ lâu nay.

    https://www.bbc.com/vietnamese/world-57329665

    Không có nhận xét nào