Đợt bùng phát thứ tư của Coronavirus chủng mới không chỉ buộc người dân phải dãn cách mà còn làm thay đổi tư duy và văn hóa ứng xử. Coronavirus không chỉ đẩy lùi các chỉ tiêu kinh tế lạc quan đưa ra đầu năm, mà còn làm xã hội phân hóa khó lường. Sau bài Thánh chửi, thần y, danh hài, và các ngôi sao đang lặn (27/5/2021), bài này đề cập không chỉ thực trạng về dân trí, mà còn về các nhân tố mới làm thay đổi cuộc chơi (game changers).
Thực trạng xã hội
Trong mọi xã hội, dù đã phát triển (như Mỹ) hay đang phát triển (như Việt Nam), quá trình phân hóa đang diễn ra với các biến động khó lường, như một quy luật trước bước ngoặt của lịch sử. Tại các xã hội đang chuyển đổi (transitional) như Việt Nam, quá trình đó càng quyết liệt. Muốn tránh rủi ro và đổ vỡ thì dân trí phải cao, và xã hội dân sự phải mạnh. Nhưng đáng tiếc là đúng lúc này thì cả hai yếu tố cơ bản đó còn yếu và thiếu ở Việt Nam.
Cách đây hơn một thế kỷ, cụ Phan Châu Trinh đã nhận ra điều đó và kêu gọi “khai dân trí”. Nhưng đáng tiếc là trong khi người Nhật đã khai dân trí để canh tân Nhật Bản thành cường quốc, thì Việt Nam vẫn còn dậm chân tại chỗ ở ngã ba đường “không chịu phát triển”. Thời trước, các trí thức Việt thường kiêu ngạo vì “hủ nho” chỉ “ngâm thơ uống rượu”. Ngày nay, họ thường tự hào vì “truyền thống”, chỉ ham cãi nhau và “chém gió”.
Trong khi đổi mới “vòng một” (chủ yếu về thể chế kinh tế) đã hết đà và nghẽn mạch, thì đổi mới “vòng hai” (chủ yếu về thể chế chính trị) chưa diễn ra, chậm chân hơn các nước khác, làm cho quá trình dân chủ hóa (democratization) và xã hội dân sự (civil society) bị kìm hãm. Trong khi “sức mạnh cứng” (hard power) của đất nước còn yếu trước sự trỗi dậy và đe dọa của Trung Quốc, thì “sức mạnh mềm” (soft power) của dân tộc bị suy yếu.
Thời xưa, Việt Nam tuy nhỏ bé và yếu hơn Trung Quốc, nhưng người Việt (thời Lý và Trần) đã đoàn kết một lòng (national consensus) đánh bại quân xâm lược phương Bắc. Lý Thường Kiệt đã chủ động ra tay trước (forward defense), đem quân đánh Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu (1075-1076) tiêu diệt quân Tống trước khi rút về phòng tuyến Như Nguyệt. Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo người Viêt ba lần đánh thắng quân Nguyên (1258-1288).
Thời chống Pháp và chống Mỹ, người Việt đoàn kết một lòng đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Sài Gòn (30/4/1975). Đến thời hậu chiến, tuy đất nước thống nhất, nhưng dân tộc vẫn chưa hòa giải để lòng người quy về một mối, vì hận thù còn dai dẳng giữa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”. Sau khi Việt Nam đem quân sang Campuchia để “giúp bạn” đánh Khmer Đỏ (12/1978), thì chiến tranh biên giới Việt-Trung đã nổ ra (2/1979).
Chiến tranh biên giới Việt-Trung là xung đột “bạn thù” (brother enemy). Trong bối cảnh chiến tranh lạnh Mỹ-Xô, Trung Quốc đã vận động Mỹ, các nước phương Tây và ASEAN cô lập Việt Nam, làm cho chúng ta “chảy máu kiệt quệ” (bleeding white) như một bài học. Sau Thành Đô, bạn thù lẫn lộn, biến đổi khó lường, nên chỉ có “lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”. Nhưng dân tộc không thể mạnh nếu dân trí còn thấp và xã hội dân sự chưa đủ mạnh.
Các nhân tố mới
Vụ dàn khoan HD 891 (5/2014) đã làm cho Biển Đông trở thành “thùng thuốc súng” (tinder box), và “không gian sinh tồn” của Việt Nam bị đe dọa. Lịch sử có thể lặp lại, như lời của cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch “một thời kỳ Bắc Thuộc mới bắt đầu”. Bức tranh địa chính trị tại khu vực đã biến đổi mạnh, với những biến động khó lường của bàn cờ nước lớn (Mỹ-Trung), trong đó các nước nhỏ yếu hơn như Việt Nam đang bị mắc kẹt.
Trong bối cảnh đó, truyền thông mạng (4.0) rất quan trọng, có thể nâng cao dân trí và xã hội dân sự. Vai trò phản biện trên mạng xã hội (như facebook và youtube) đang lấn sân, làm mờ nhạt vai trò phản biện của báo chí “chủ lưu” (mainstream). Nó phản ánh quá trình phát triển và phân hóa sâu rộng trong xã hội, giữa “phe chính nghĩa” (là nạn nhân) muốn vạch trần bộ mặt lừa bịp ẩn danh của “phe phi nghĩa” (như bầy kiến lửa) đang lũng đoạn xã hội.
Nhưng quá trình nâng cao dân trí (thật) trên không gian mạng (ảo) đang bị tác động tiêu cực bởi các nhóm lợi ích. Tuy đuờng dây “đánh bạc ngàn tỷ” được bảo kê bởi cựu cục trưởng C50 và phò mã cựu bí thư thành ủy Hà Nội đã bị “vào lò”, nhưng các đường dây lừa bịp ẩn danh như “thần y” và “danh hài” chưa bị xử lý. Trong một thế giới mạng khó kiểm soát, đã xuất hiện hàng ngàn youtubers khác nhau, đang cạnh tranh và phân hóa sâu sắc.
Trong khi người Việt dễ ngộ nhận và dễ bị lừa, thì họ còn nổi tiếng vì vô cảm (theo Gallup Poll 2012). Nhưng trong bối cảnh đó, hiện tượng truyền thông như livestreams của Nguyễn Phương Hằng (CEO của Đại Nam) thu hút tới nửa triệu người xem trên mạng youtube. Điều đó không phải do sắc đẹp, tiền tài, danh vọng của một ngôi sao, mà là sự thật. Trong một thế giới có quá nhiều giả dối và vô cảm, công chúng đang cần sự thật và cảm xúc.
Phương Hằng dám bóc trần các mặt nạ giả dối và bày tỏ cảm xúc thật của mình. Trong khi có nhiều “ngôi sao” showbitz làm từ thiện bằng tiền của người khác thì Phương Hằng làm từ thiện bằng tiền của mình. Xung đột lợi ích nhóm là một hiện tượng tất yếu khó tránh, đang đẩy nhanh quá trình phân hóa xã hội sâu sắc, trong đó Phương Hằng đang nổi lên như một nhân tố mới làm thay đổi cuộc chơi. Đó chính là “sức mạnh mềm” tạo ra sự khác biệt.
Cộng đồng mạng đã hai lần chứng kiến Phương Hằng khóc nức nở vì bị báo chí đối xử bất công, muốn bỏ đất nước ra đi, thậm chí dọa “tự thiêu”. Đó là quá trình đấu tranh trên không gian mạng về thông tin báo chí để trưởng thành (growing pains). Đó không phải là những giọt nước mắt “tràn ly” vì “khổ nhục kế”, mà là hình ảnh thật về “người giàu cũng khóc”. Phương Hằng là một nhân tố mới tích cự góp phần nâng cao dân trí và xã hội dân sự.
Không gian sinh tồn
Trong khi những người tử tế bỏ tiền túi của mình làm từ thiện, thì những kẻ tiểu nhân lấy tiền làm từ thiện của người khác bỏ vào túi của mình. Ai dám đảm bảo “thần y” không phải là “thần điêu đại bịp”, “danh hài” không lạm dụng “quỹ từ thiện”, “nghệ sĩ ” không lạm dụng “con nuôi” để kiếm tiền bất minh. Nói cách khác, họ có thể lạm dụng chốn tu hành, việc chữa bệnh, làm thiện nguyện, cũng như showbiz thành miếng đất béo bở để làm giàu.
Nếu không phải dân trí thấp dễ bị lừa và cơ chế hiện nay có nhiều lỗ hổng dễ bị thao túng do thiếu phản biện, thì làm sao một lang băm có thể trở thành “thần y” và một danh hài biến thái có thể trở thành “nghệ sỹ nhân dân”, ngang nhiên tung hoành hàng thập kỷ. Tuy các nhân tố mới còn là thiểu số và còn nhiều bất cập, nhưng họ dám dũng cảm vạch mặt các nhóm lợi ích bất minh, làm cho chính quyền phải đối phó với những rủi ro tiềm ẩn.
Cả nước “chống dịch như chống giặc”, tạo ra “sự đồng thuận quốc gia” (national consensus), như một yếu tố tích cực và quý hiếm. Xung đột lợi ích quyết liệt, không chỉ diễn ra giữa phe “chính nghĩa” (là nạn nhân) và phe “phi nghĩa” (ẩn danh trục lợi), mà còn giữa những người cùng phe nhưng khác nhau về xuất thân và bản chất. Tuy đa dạng (diversity) là sức mạnh nếu biết quy tụ (inclusive) nhưng là điểm yếu nếu phân ly (exclusive).
Muốn quy tụ thì dân trí cần phải cao để phân biệt đúng sai và cần phản biện để tránh nhầm lẫn phải trái, vì trong thế giới mạng thật giả thường lẫn lộn khó lường, dễ “đánh tráo khái niệm”. Điều đó lý giải kết cục câu chuyện CEO của Đại Nam gặp “Ma Sơ Vui vẻ” trên mạng như một đôi “song kiếm hợp bích” (do ngộ nhận). Nhưng sau đó sự thật diễn ra hoàn toàn ngược lại như một bi kịch (drama), khi Phương Hằng nhận ra sự thật (do may mắn).
Nay “xa lộ thông tin” trên không gian mạng đã trở thành một phần của cách mạng truyền thông (4.0), tuy còn hạn chế. Vì vậy, nhà nước và người dân phải coi không gian mạng là “không gian sinh tồn” của mình. Cũng như Biển Đông, không gian sinh tồn trên mạng có ý nghĩa sống còn, nên xung đột lợi ích là rất khó tránh. Người dân phải cùng nhà nước thẩm định và giám sát không gian mạng, không để các nhóm lợi ích và ngoại bang thao túng.
NQD. 21/6/2021
http://viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_DanTriXaHoiUngXu.html
Không có nhận xét nào