Header Ads

  • Breaking News

    nguoiviettudo- Ngày 19 tháng 6


    Phần Một : Thánh Tử Đạo Việt Nam

    – Em thấy mỗi lần rời khỏi nhà thờ , anh quỳ lạy sấp mặt mà em không hiểu lý do . Người ta chỉ cần cúi chào là đủ , anh cho em biết lý do được không ?

    – Anh đâu làm khác hơn được !

    – Ý anh là sao ?

    – Thế em có thấy Thánh Thể vị Linh Mục để vào khung cho giáo dân chầu không ?

    – Tất nhiên là có…

    – Đó là nguuyên nhân…

    – Em vẫn chưa hiểu , em biết đó là Bánh Thánh giáo dân chỉ cần tôn kính là đủ…

    – Cái mà em thấy trên bàn thờ không còn là bánh mà đã trở thành chính Thiên Chúa . Danh tuyên xưng của Ngài là ” Vua Các Vua , Chúa Các Chúa “

    – Em có nghe…

    – Giả dụ ông Trump tình cờ ghé nhà thăm em , xin ly nước em làm sao ? em có cung kính vì tôn trọng ông ấy không ?

    – Chắc có…

    – See! dù ổng không còn là TT nữa , nhưng ít ra em cũng phải thay đồ, lấy ly kiểu pha cho ổng ly cà phê phin Việt Nam tuyệt vời để respect ổng…

    – Bởi vì ổng từng là TT…

    – Nếu chỉ là TT mà mình theo lẽ thuờng còn như thế , huống gì khi trực diện với “Tổng Thống Các Tổng Thống , Vua Các Vua “ . Hồi xưa gặp vua người ta phải quỳ mọp xuống, quỳ không kịp bị cho là khi quân, chặt đầu . Đó là vua dưới đất , gặp Vua Trên Trời thì sấp mình thờ lạy còn là nhẹ . ….

     

    o O o

    Hồi các tu sĩ ngoại quốc đến VN theo các thương gia để bắt đầu truyền bá Phúc Âm , người Việt vốn dị ứng với bất cứ thứ gì du nhập từ bên ngoài đã chống đối kịch liệt . Không thể trách họ nếu đặt vào hoàn cảnh của họ , bởi vì chịu ảnh hưởng vô cùng sâu đậm từ anh láng giềng khổng lồ cho nên cái gì không xuất phát bởi mấy anh thì chống đến cùng mới là phải đạo. Tin Khổng Tử , Lão Tử …là thức thời . Hơn nữa mấy ông thầy tu Bồ Đào Nha , Hòa Lan , Tây Ban Nha , Pháp….lại theo các chiến thuyền của quân đội thực dân đến quấy phá nên bị ghét lây . Các phong trào Văn Thân thua đậm , không địch lại tàu to súng lớn bèn hè nhau trả thù “Bọn tiếp tay với giặc” là các giáo dân hoặc mới cải đạo hoặc tân tòng . Cho tới bây giờ hoàn toàn không có chứng cứ về các giáo dân đã tiếp tay cho “Tây” hãm hại đồng bào (trừ bọn Giao Điểm, Sách Hiếm , cố tình dựng cớ để bôi bác và bị vạch mặt) . Thực ra thấm nhuần giáo lý “Yêu Người như Thể Thương Thân” rất gần gũi với đạo lý Việt Nam , Công Giáo đã được hưởng ứng mạnh mẽ . Cả những thầy tu Phật Giáo , Nho Giáo thời đó cũng xin chịu phép rửa .

    Tai ương bắt đầu từ đây . Không thể dập tắt Đạo Mới và giáo lý ” Mến Chúa Yêu Người ” (ngày càng nhiều người tân tòng), triều đình cùng các nhóm chống đạo càng ra sức đàn áp . Ai không bỏ, không chịu bước qua Thập Giá sẽ bị ngục tù , bị hành hình , tịch thu tài sản , bị lưu đày . Cũng có người chịu thua , chịu khuất phục nhưng rất ít so với các giáo dân trung thành cho tới chết .

    Thiên Chúa phán “Không phải ai đến cùng Ta cũng được, chỉ những người Cha Ta cho phép mới đến được với Ta mà thôi “ và ngày càng nhiều linh hồn chạy đến cùng Ngài . Để chống lại triều đình và Văn Thân (những người giết hại, áp bức, sỉ nhục, đàn áp họ) ; vũ khí giáo dân là lời cầu nguyện trong chuổi Mân Côi xin Mẹ Thiên Chúa cầu bầu và soi sáng . Giáo dân từng bị truy đuổi hết còn đất sống phải chạy trốn lên địa phương La Vang (Lá Vàng ?) rừng thiêng và nước (rất) độc, ăn uống khốn khổ thiếu thốn . Ở bước (tưởng chừng như) là đường cùng , chính Mẹ Thiên Chúa ngự đến cứu chữa cho con cái mình .

    Chết không làm họ sợ – có sợ (ai không sợ chết ?) nhưng không sợ bằng mất linh hồn – họ bị hành hạ bằng đủ cách mà người ta nghĩ ra được . Tuy nhiên họ suy nghĩ ” Ráng chịu đựng chút thôi ,… sẽ được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa !!” . Cái ” Chút Thôi ” đó có thể là bị xẻ từng miếng thịt , thiêu sống , chặt đầu…

    Ngưới ta nghe gì từ miệng giáo dân Tử Đạo ? Thánh Stephano – vị Tử Đạo đầu tiên được ghi chép – đã thưa ” Lạy Chúa , xin Đừng Chấp Tội họ vì họ không biết việc mình làm ” . Các Ngài xin Thiên Chúa THA THỨ cho những người bức hại mình !!!

    Một câu chuyện thời Trung Cổ kể môt vị vua tình cờ gặp đám thương buôn . Ông đánh tan bọn nầy , giải phóng khoảng hơn hai mươi người và phát giác ra họ thuộc một dòng tu bị quân Hồi Giáo đánh phá, bắt sống rồi bán cho lái buôn làm nô lệ . Biết chuyện vị vua tâp trung họ lại và hỏi :

    – Bây giờ các ông muốn ta trừng phạt bọn nầy như thế nào ?

    Họ đáp :

    – Xin hãy tha cho họ

    Vua lắc đầu :

    – Ta biết ngay mà , chỉ hỏi cho vui vậy thôi . Thật ta không hiểu nổi thầy tu Công Giáo các ông !!

    Và đó luôn luôn là cách người Công Giáo được dạy dổ xử sự với thù địch mình .

    Các Đấng Tử Đạo – Đa số ngoài Bắc – các Ngài thuộc thành phần nào ? trí thức ? giàu có?

    Họ gồm đủ hết, sư cụ, lái buôn , thương gia… tuy phần lớn là những con người rất bình thường trong đời sống . Như Đấng Anna Lê Thị Thành -một nội trợ- bằng lòng đổ máu mình ra chứng minh tình yêu Thiên Chúa . Ngày ra pháp trường Ngài đã trang điểm xiêm y như cô dâu trên đường về nhà chồng .

    Hạt giống các Ngài gieo xuống trên quê hương, vun quén cho trổ hoa trái bởi chính máu mình đã thành công . Việt Nam hiện nay dù chịu cai trị bởi chế độ CS , là một trong những quốc gia phát triển và sùng đạo tiếng tăm thế giới , không thua kém gì Philippine hay S. Korea .

    Năm 1988 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị đã tuyên phong 117 vị Thánh Tử đạo Việt Nam vào ngày mười chín tháng Sáu . Một trùng hợp đặc biệt vì đây cũng là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được thành lập , vinh danh những chiến binh anh hùng đứng lên nhận lấy trách nhiệm bảo vệ quê hương trước làn sóng xâm lược của miền Bắc Cộng Sản. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tuyên phong đại diện cho số rất lớn hàng trăm ngàn vị chấp nhận hy sinh đổ máu làm chứng nhân tình yêu Thiên Chúa . Các Ngài trở thành “Đá góc tường” nền tảng cho công cuộc xây dựng Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam . Các Ngài chịu chết bảo vệ Đức Tin ngày nào , giờ các Ngài trở thành Luật Sư Bàu Chữa cho Giáo hội và đồng thời lời cầu xin của các Ngài trước Toà Thiên Chúa có sức mạnh vô cùng

    Có phải nhờ máu Tử Đạo , miền Bắc sau gần trăm năm chịu áp bức dưới chế độ vô thần – tưởng đâu phải gục ngã- Công Giáo ngấm ngầm nở hoa , các giáo xứ phát triển , giáo dân tăng tiến, giữ đạo như trong một quốc gia hữu thần ???

    Phần Hai : Ngày  Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

     


    Tôi không thích chiến tranh . Thật là vô lý khi những người trẻ – tương lai rường cột một quốc gia – bỏ hết mọi thứ :gia đình, vợ con, ngưòi yêu bè bạn, cầm súng giết nhau dù chưa từng gặp mặt hay tư thù gì . Nhưng có những trưòng hợp phải cầm súng vì không còn lựa chọn nào khác (để bảo vệ Tổ Quốc và người thân yêu) .

    Đã xảy ra cách đây hơn nữa thế kỷ trước ở Việt Nam Cộng Hoà . Lính VNCH chắc chắn thích tiếp tục sách đèn trong trường học , phụ cha mẹ cày sâu cuốc bẩm ngoài đồng ruộng , làm việc trong các nhà máy hơn bắn vào những thân xác (như thiêu thân) lao vào họng súng mình . Họ phải chiến đấu để ông Ba , bà Tư , chị Hai Sương Sáu ….được yên bình kiếm cơm nuôi sống gia đình . Nếu bọn VC (nên gọi chúng là VC thay vì CS) không phá làng phá xóm , không đặt mìn xe hoả , xe đò chuyên chở toàn ngưòi dân vô tội, thì những thanh niên miền Nam – Sinh viên , nông dân , công nhân…- hẳn đang êm ấm bên cha mẹ, bạn bè, người yêu và đóng góp biết bao sức lực, trí tuệ làm giàu cho VNCH .

    Kỳ vừa học xong lớp Mười phải đi lính . Ra trường Đồng Đế, Kỳ mang lon Trung sĩ nhận nhiệm vụ xa lắc ngòai cao nguyên ở quận Kiến Đức (tỉnh Quảng Đức) xa đến nổi gia đình cũng không biết nằm ở đâu . Kỳ mới tròn mười tám tuổi , không hút thuốc, rượu chè , chưa biết đến bàn tay con gái . Kỳ không thích ăn rau nhưng rất mê mì gói . Tướng tá cao lớn ngon lành nhưng nhút nhát nên không có bồ . Đi lính về cũng chẳng tiến triển bao nhiêu .

    Sau lần nghỉ phép ngắn, Kỳ trình diện Trung Tâm Ba Quảng Trị. Ngày lên đường người anh chở em trai đi, bắt tay em và chúc may mắn mau có phép về thăm ba má . Vài tuần sau gia đình nhận được thư báo bình an và kèm lời nhắn xin má gởi …mì gói !! (lại mì gói).

    Ngày 27/01/1973 Mỹ và VC ký kết ngưng bắn . Tối hôm đó tụi nó tấn công tràn ngập Kiến Đức (tin VC bán lúa giống) .Một tuần lễ sau, lúc má Kỳ đang ngồi bán cơm tấm trước nhà có người đàn ông trung niên ghé thăm và báo tin Kỳ đã chết trận . Ông cho biết ông là cha của một người lính cùng đơn vị (còn sống sót) thấy Kỳ chạy vào rừng trên mình chỉ mặc cái áo ấm liền quần của quân đội . Ba má Kỳ té xỉu….

    Tuần sau má Kỳ bàn với con dâu lặn lội ra ngoài đó hỏi thăm và sẵn dịp tìm xác con . Kết quả ? không tin tức chính xác , không giấy Báo Tử , không thi thể …

    Bây giờ ba má Kỳ và vài anh chị đã qua đời , không biết Kỳ còn sống hay đã chết dù vẫn đinh ninh Kỳ đang lạc loài đâu đó (chứ chưa chết).Tôi biết rõ câu chuyện vì Kỳ là em ruột kế tôi .

    Gia đình miền Nam nào cũng góp chút hy sinh cho cuộc chiến đấu – mà tôi gọi là -VỆ QUỐC VĨ ĐẠI của VNCH . Những Tử Sĩ thân xác vùi chôn đâu đó trên quê hương , những Thương Binh lê lết sống nhọc nhằn dưới sự cai trị của quân thù , những cựu quân nhân vất vả kiếm miếng ăn cho mình và cho gia đình bị công an khu vực khắc khe dòm ngó .

    Nhiều hồn linh của anh em nằm xuống rồi vẫn oai phong, lẫm liệt như chuyện Th. Tá Trần Đình Tự (BDQ) hay anh em Nhảy Dù tình nguyện ở lại làm nút chặn để đơn vị rút , cuối cùng bỏ xác ở Bà Rịa Vũng Tàu . Tr. Sĩ Nguyễn Văn Bảy hiển linh khiến cư dân – đa số là bộ đội – phải ngưỡng mộ . Bởi vì họ chiến đấu cho một lý tưởng nên hồn họ linh thiêng như câu truyền tụng ” Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần “ . Hàng trăm quân nhân đủ mọi cấp bậc thà chết đứng hơn sống quỳ chọn tự sát ngày 30/04/1975 . Đối thủ của họ đi xâm lăng dưới bình phong ” giải phóng ” nhưng cuối cùng giấy không gói được lửa nên bộ đội chết trận không thiêng , có về báo mộng qua mấy “nhà ngoại cảm” (đồng bóng) cũng chỉ tìm được xương bò xưong heo đem về thờ cho đỡ tủi.

    Tôi tin người miền Nam không thích chém giết . Sống trên mảnh đất mà chịu khó ra sông rạch , khuyấy khoắn một chút là có thể kiếm cả rổ cá, rổ tôm ăn không hết phải phơi làm khô (nhà nào cũng vậy) thì người ta thích đờn ca tài tử, thích nhậu nhẹt, kể chuyện Tàu đời xưa phù hợp với bản tính tạo thành bởi sự giàu có thiên nhiên phú cho . Người Nam trọng nghĩa khinh tài , thấy chuyện bất bình thì nhảy ra can thiệp, thấy người khốn khó thì đưa tay cứu trợ mà không nề hà . (Hồi xưa khi miền Trung bị bão lụt, thanh niên sinh viên, hoc sinh đổ ra đường đi quyên góp dư sức uỷ lạo đồng bào mình mà không xảy ra chuyện lùm xùm, thối hoắc như bây giờ).

    Điều đó hình thành phong độ của lính miền Nam , nhất là vào thời kỳ Đệ Nhị Cộng Hòa . Sĩ quan miền Nam có học, có trình độ (không như lính khố xanh khố đỏ còn sót lại thời Pháp) . Ít nhất cũng phải đậu bằng Tú Tài phần Một (đâu có dễ , học trầy vi tróc vảy , mà nếu rớt thì nhảy cầu Bình Lợi hay uống thuốc chuột). Lính đa số hết tiểu học (biết đọc biết viết biết làm toán) cộng thêm tính hào sảng , khí khái anh hùng cho nên họ tuân thủ nghiêm nhặt Sáu Điều Tâm Niệm QLVNCH . Họ phải chiến đấu , nhưng không tàn ác (như VC thuờng rêu rao bôi nhọ) . Đánh nhau là một chuyện nhưng khi bắt được tù binh họ đối xử cựu thù theo quy định . Hình ảnh bốn lính Cộng Hòa khiêng băng ca một nữ du kích bị thương về phía sau để được điều trị

    Đâu cần suy nghĩ sâu xa chỉ dùng common sense cũng thấy : lính VNCH được nuôi dạy từ những gia đình miền Nam nên họ cầm súng là để bảo vệ người thân, thôn xóm của mình chứ không thể tàn ác, khủng bố , kềm kẹp đồng bào như VC ra rả tuyên truyền bóp méo sự thật . Bởi bản tính người miền Nam cho nên khi Tổ Quốc bị TỬ TRẬN ngày 30/4/1975 hàng trăm quân nhân các cấp – từ tướng lãnh cho tới binh nhì- đã chọn cái chết thay vì nhục nhã sống đời phế bỏ . Họ thà chết đứng hơn sống quỳ, chết thiêng hơn sống nhục .

    Còn đối thủ của họ thì sao ? sống trong đất nước mà cầm quyền cai trị dân bằng tem phiếu chưa bao giờ dân được no bụng nói gì tới thịt thà cao lương mỹ vị . Mơ một tô phở (như Nguyễn Chí Thiện từng mơ) cho tới tháng Tư một chín bảy lăm vẫn nằm trong tâm thức nên dốc toàn lực chiếm cho được VNCH để hết đói . Chiếm được rồi thì VƠ VÉT VỀ, phần còn lại tàn phá sạch sẽ .

    Trong thời điểm cao nhất của chiến tranh , nhà cầm quyền miền Bắc gom hết những ai cầm nổi khẩu súng, kể cả con nít vị thành niên vào chiến trận cho nên mức độ tàn nhẫn dã man càng dâng cao . Bọn chỉ huy quân sự lẫn chính trị ra sức nhồi vào đầu cán binh là bất cứ gì thuộc về miền Nam đều là địch cần phải diệt sạch . Cho nên binh đoàn Pháo Bông Lao , nhiệt tình dội đại bác lên đầu dân miền Trung vô tội chạy nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng . Cũng đã có hình ảnh bằng cớ bộ đội bắn chết thương binh của họ trên đường rút chạy cho khỏi vướng víu . Nếu lính miền Bắc đối xử với chính đồng đội như vậy , người ta trông mong họ xử sự thế nào với tù hàng binh VNCH ?

    VC vẫn theo bài bản có từ thời chiến tranh ra sức bôi bác , nói xấu , dựng chuyện về người lính miền Nam nhưng bị phản tác dụng . Dân trong Nam, nhất là ở Sài Gòn giờ toàn là BK nhập cư sau 30/4/75 cho tới nay (dân VNCH phần lớn trước ở Sài Gòn bị đuổi đi kinh tế mới , bị chết trên đường vượt biên hoặc định cư nước ngoài) còn ” NGỤY” hơn cả Ngụy; xài toàn nhạc “Xuân này con không về” , “Sương trắng miền quê ngoại” vân vân và vân vân . Giấy không gói được lửa, xấu tốt gì thì che đậy cỡ nào cũng có lúc lộ ra . Thối hoắc như VC xịt một lít dầu thơm Chanel No 5 vẫn bốc mùi thum thủm đặc trưng .

    Nói láo , dựng chuyện (như Dương Thu Hương gán cho năm thám kích VNCH xẻo vú nữ cán binh nướng ăn giữa vùng VC) thế mà không thiếu người (tự cho mình là VNCH) tung hô sùng bái tận trời cao . Chỉ chiêu dụ và nhồi sọ đưọc đám bò đỏ ,DLV (ngu mà tỏ ra nguy hiểm làm chuyện chọc cho người ta lôi cha mẹ, dòng tộc ra chửi). Phần còn lại người Việt hải ngoại và bây giờ gồm cả dân 75 cũng sáng mắt tôn kính ngưỡng mộ những chiến binh VNCH oai hùng đã hy sinh vì đại nghĩa , què cụt vì chiến đấu hay cựu chiến binh đang vất vưỡng hàng ngày trên chính quê hương mình .

    Cuộc chiến đấu mà các anh cống hiến cho sự sống còn của Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại mãi mãi trong tâm trí người Việt dù họ đang sống ở đâu trên thế giới .

    Nhất là vào ngày 19 tháng Sáu

    Phần Ba : Ngày Từ  Phụ

     


    Thường trong gia đình con cái gần gụi má hơn ba . Có trường hợp đặc biệt con sinh ra không còn mẹ từ sơ sinh cho tới lúc trưởng thành hoàn tòan một tay cha săn sóc lại yêu thương cha hơn bất cứ điều gì khác .

    Đó là Ba tôi. Ông nội một mình nuôi ba đứa con trai (Ba , một ông bác , một ông chú) cho đến khi các con khôn lớn , dựng vợ lập gia đình . Có thể nói Ba “thần tượng ” ông nội . Ba may mắn nên ông nội ở với gia đình tới năm chín mươi tuổi mới giã từ vũ khí .

    Sau này Má cũng bỏ Ba mà đi theo ông bà ngoại . Lúc còn sống Ba Má rất hạnh phúc cho nên con cái tưởng Ba buồn nhiều vì vắng bóng người bạn đời hơn bốn mươi năm . Còn nhớ hôm đó tôi hỏi Ba (lúc đó má ‘đi ‘ hơn chục năm rồi và Ba cũng gần tám chục): ” Sắp gặp má rồi Ba có vui không ?” Ba trả lời ” Vui, nhưng mà …” ” Nhưng mà sao ? “ ” Tao nhớ ông nội hơn !! ? “ (Má mà nghe được, gặp Ba chắc Ba khó tránh bị ngắt nhéo !!) .

    Đối với tụi tôi Ba thuộc mẫu nghiêm khắc . Dĩ nhiên Ba thương hết đám con nhưng Ba rất nóng tính hay la hét và cần thì cũng dớt đẹp bằng roi mây . Tôi và mấy đứa em bị sưng đít hoài về tội không chịu học bài . Hồi còn nhỏ tôi nhớ có lần ngồi trên bụng Ba (lúc Ba nằm đọc báo) mà Ba có la rầy gì đâu ?

    Ba rất trật tự . Ba là một trong những người đàn ông VN phóng khoáng , thời 1960s mà Ba đặt báo tháng Văn Nghệ Tiền Phong , Tiểu thuyết Thứ Bảy , Kịch Ảnh (có hình mấy cô đào Mỹ như Jayne Mansfield , Gina Lolobrigida , Brigitte Bardot…) . Ba sưu tập từ số đầu tiên cho tới năm 75 . Con cái đứa nào coi cũng được nhưng tuyệt đối coi xong phải sắp xếp lại theo đúng số thứ tự . Trật số là thế nào Ba cũng la một trận long trời lở đất .

    Đặc biệt Ba không bia bọt , thuốc lá nhưng mấy thằng con trai Ba thằng nào cũng nghiện nặng . Thỉnh thoảng trong hãng người ta cho Ba gói thuốc Mỹ (thường là Salem) Ba đem về đưa thằng lớn bán đi lấy tiền mua kẹo cho mấy đứa nhỏ .

    Nói chuyện thuốc lá có lần hai cha con ngồi tâm sự . Ba nói:

    – Tao ghét mấy thằng hút thuốc hôi hám , thấy vừa dơ dáy vừa không cảm tình.

    Thằng con Ba liền sửng gà cồ :

    – Nếu Ba cứ cấm thì Ba đâu kiểm soát được tình hình . Có Ba tụi con sẽ không hút nhưng tụi con lén vào ngỏ hẽm hút một chục điếu Ba đâu biết . Nhưng nếu Ba chấp nhận, cho phép hút mỗi ngày ba điếu thì hay hơn không ?

    Ba nói câu này VÀ TỚI NAY TÔI KHÔNG BAO GIỜ QUÊN :

    – Có chắc con sẽ giữ mức ba điếu mỗi ngày cả đời không ?

    – Thưa ba chắc !! – Tôi trả lời theo kiểu anh hùng Tàu !!

     


    Hai tuần sau tôi hút lên năm điếu , hai năm sau bảy điếu , hai chục năm sau: một gói !!

    Hèn gì mình gọi ổng là BA !! Ba có bao giờ sai đâu ??

    Viết những giòng này để tưởng nhớ Ba mà con luôn luôn cầu nguyện qua những lời kinh . Ba cho con kính lời thăm Má

    Tôn vinh Ba, Cha , Bố , Thầy, Tía…. trong ngày lễ FATHER’S DAY 06/20th/2021

    nguoiviettudo

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/17/ngay-19-thang-sau-nguoiviettudo/

    Không có nhận xét nào