Header Ads

  • Breaking News

    Người gốc Việt ở Cambodia

    Không chốn dung thân (phần 1)

    Phnom Penh muốn đuổi, Hà Nội không muốn nhận (phần 2)

    Trường Sơn RFA

    22/6/2021

    Hình minh hoạ: Một phụ nữ Việt bán thức ăn tại một làng nổi trên dòng Tonle Sap ở Campuchia

    Reuters

    Dòng sông Tonle Sap đoạn chảy qua cầu Prek Nok, phía bắc thủ đô Phnom Penh, Cambodia là nơi cư ngụ của gần hàng trăm hộ dân, phần lớn là người gốc Việt đan xen với các gia đình người Chăm và Khơ-me.

    Họ sống trong các căn nhà gỗ lợp mái tôn dựng trên bè nổi ở ven sông và làm đủ thứ nghề, từ nuôi cá, xây dựng, làm thuê, đến bán bất cứ thứ gì họ có thể xoay sở được ở cái chợ gần nhà.

    Không ai rõ người gốc Việt đã đến đây sinh sống từ bao giờ, nhưng một vài gia đình đã sản sinh ra thế hệ thứ năm. Trải qua thời gian, người Việt cũng đã hoà nhập với cộng đồng bản địa thông qua việc kết hôn với người Khơ-me và người Chăm, con cái của họ nói và viết tiếng Khơ-me thông thạo hơn tiếng Việt.

    Tai hoạ trừ trên trời rơi xuống

    Ngày 2 tháng 6, chính quyền thủ đô Phnom Penh ra lệnh yêu cầu toàn bộ các hộ dân sống trên nhà nổi phải chuyển lên bờ, người dân được cho thời hạn một tuần, nếu sau đó chưa chuyển đi thì sẽ bị cưỡng chế.

    Lý do mà chính quyền đưa ra là vì các hộ dân sống trên nhà nổi khiến cho dòng sông bị ô nhiễm, điều mà các hộ dân ở đây không chấp nhận, bởi họ cho rằng chính họ đã bảo vệ dòng sông khỏi các nhà máy.

    Đây cũng là lúc những khó khăn và sự phân biệt đối xử mà người gốc Việt phải chịu đựng được dịp bộc lộ.

    Chính quyền cho người dân thời hạn một tuần để chuyển lên bờ sinh sống, nhưng theo những người bị ảnh hưởng thì họ không hề được nhận bất bất cứ một hình thức hỗ trợ nào: không đền bù, không hỗ trợ tài chính, không cấp đất, không cấp nhà ở tạm. Người dân phải tự lo toàn bộ.

    Chị Khat, một người gốc Việt có nhà bị dỡ và buộc phải lên bờ cho RFA biết về tình hình:

    “Người ta đuổi lên bờ nhưng mà không cho cái gì hết. Người giàu thì đi mua đất mua nhà rồi, nhưng mà ở đây người nghèo đông hơn người giàu, có tiền thì đi ở thuê còn không thì không có chỗ nào để ở”.

     

    Hình vệ tinh: Khu vực người Việt sinh sống với những căn nhà nổi trên dòng Tonle Sap trước khi bị giải toả. Sentinel hub

    Người dân ở đây cho biết hầu hết các hộ gia đình đều tự phá dỡ nhà của họ bởi nếu tự làm thì còn có thể giữ lại những vật dụng thiết yếu hoặc bán đi đồ kim loại để có chút tiền mặt, chứ nếu để chính quyền đến dỡ thì họ sẽ vứt hết xuống sông.

    Hình vệ tinh: khu vực người Việt sinh sống trên dòng Tonle Sap (Campuchia) sau khi bị giải toả. Hình: Sentinel hub

    Bản thân gia đình chị Khat hiện đang mướn một căn phòng để ở mỗi tháng phải trả 50 USD (khoảng hơn 1 triệu VND), cộng thêm với các chí phí sinh hoạt khác như điện, nước, thực phẩm và học phí cho hai đứa con, với giọng tiếng Việt lơ lớ chị nói “không biết phải sống sao” khi nghĩ đến tương lai của gia đình.

    Trong số những gia đình ở trên nhà nổi, một vài gia đình làm bè nuôi cá thì được chính quyền cho thời hạn sáu tháng để đợi cá đủ lớn trước khi bán, sau đó sẽ phải lên bờ. Những gia đình này theo ghi nhận của RFA đã chuyển bè lên thượng nguồn, cách khu vực cũ khoảng 5 km.

    Không chốn dung thân

    Trong số hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng bởi lệnh trục xuất lên bờ của chính quyền Phnom Penh, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những gia đình không có quốc tịch Cambodia.

    Trong hai năm 2017 và 2018, chính quyền Cambodia mở chiến dịch huỷ bỏ “giấy tờ tuỳ thân không hợp lệ”, ước tính đã có khoảng 70 ngàn người bị mất tư cách công dân Cambodia, hầu hết trong số đó là người gốc Việt.

    Chính quyền sau đó áp dụng chính sách mới, người gốc Việt không có quốc tịch được cấp chứng nhận thẻ ngoại kiều, hay còn gọi là thẻ vàng. Tuy nhiên, để duy trì tư cách ngoại kiều, mỗi người trên 18 tuổi sẽ phải đóng lệ phí hàng năm vào khoảng 1,4 triệu đồng tiền Việt. Một con số không hề nhỏ đối với các hộ nghèo.

    Việc không có tư cách công dân đẩy nhiều gia đình sống trên nhà nổi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, bởi họ không thể mua đất và xây nhà kể cả trong trường hợp có đủ tiền, do luật Cambodia cấm những người không có tư cách công dân sở hữu đất.

    Không thể sống ở dưới sông, cũng không thể lên bờ, nhiều gia đình đã chọn cách quay trở về Việt Nam mặc cho mối liên hệ giữa họ và Việt Nam không gì hơn ngoài thứ ngôn ngữ mà cha mẹ họ truyền lại.

    Hình minh hoạ: Một em bé người Việt trên dòng Tonle Sap, Phnompenh, Campuchia. Hình: AFP

    Có thể do đoán trước được việc nhiều gia đình người gốc Việt sẽ chọn cách về Việt Nam, hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, một tổ chức đại diện cho người gốc Việt ở Cambodia có mối liên hệ với chính quyền Việt Nam, ngày 13 tháng 6 đã ra một thống cáo trong đó kêu gọi các hộ dân bị di dời không trở về Việt Nam.

    Lý do được đưa ra là do Việt Nam đã đóng cửa biên giới với Cambodia để phòng dịch COVID-19, do vậy sẽ không tiếp nhận người tới từ Cambodia.

    Cũng trong thông cáo này, Hội Khmer-Việt Nam Tại Campuchia hứa sẽ hỗ trợ về chỗ ở và lương thực cho các gia đình bị ảnh hưởng, nhưng theo ghi nhận của RFA, nhiều gia đình đến nay không hề nhận được khoản hỗ trợ nào.

    RFA đã liên hệ được với ít nhất một gia đình hiện đang mắc kẹt tại biên giới Việt Nam-Cambodia do bị từ chối nhập cảnh. Họ quyết định neo căn nhà nổi của mình một chỗ và chờ đợi, hàng ngày ra ngoài đánh cá để làm thực phẩm sống qua ngày.

    Ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam Tại Campuchia từ chối trả lời phỏng vân khi phóng viên của RFA liên hệ.

    Người gốc Việt ở Cambodia - Phnom Penh muốn đuổi, Hà Nội không muốn nhận (phần 2)

    Trường Sơn
    24/6/2021

    Hình minh hoạ. Một em bé Việt Nam ở Campuchia cùng một con chó trên một chiếc thuyền ở một làng nổi tại dòng Mekong, Phnom Penh.

    AFP

    Số phận của hàng ngàn người gốc Việt tại Campuchia cũng giống như quả bóng bị đá qua đá lại trong một trận cầu không có hồi kết, một bên là chính phủ Cambodia một mực muốn trục xuất những người mà họ cho là “cư trú bất hợp pháp” bất chấp thực tế những người đó được sinh ra  trên đất Campuchia, bên còn lại là chính phủ Việt Nam vốn luôn làm mọi cách để một cuộc di cư về Việt Nam không xảy ra.

    Việc chính quyền thủ đô Phnom Penh trục xuất hàng trăm gia đình gốc Việt sống trên các căn nhà nổi trên dòng sông Tonle Sap là diễn biến mới nhất trong chuỗi các sự kiện liên quan đến người gốc Việt ở Campuchia, vốn là đề tài nhạy cảm và tạo ra tranh luận gay gắt trong nền chính trị Xứ Chùa Tháp.

    Người Việt giơ đầu chịu báng trong nền chính trị Campuchia

    “Nhìn vào chính sách nhập cư trong khoảng 20 năm vừa qua, trong đó phần lớn nhắm đến người gốc Việt, tôi có thể khẳng định rằng đảng CPP cầm quyền ở Cambodia nhắm đến người gốc Việt với mục đích kiếm phiếu bầu trong các cuộc bầu cử”, Tim Frewer, chuyên gia nghiên cứu Campuchia cho RFA biết quan điểm của ông trong vấn đề người gốc Việt.

    Sở dĩ chính phủ Campuchia do đảng CPP (Đảng Nhân dân Campuchia) kiểm soát sử dụng người gốc Việt như tốt thí trong cuộc đua giành phiếu bầu, theo ông Tim Frewer là để chứng minh rằng chính quyền Cambodia không phải là “con rối của Việt Nam”, điều mà các đảng đối lập ở Cambodia cáo buộc. Ngoài ra, tâm lý bài người gốc Việt và Việt Nam vốn bám rễ trong lòng xã hội Cambodia cũng thúc đẩy chính quyền nước này tạo ra các chính sách mang hơi hướng dân tuý nhằm thu hút sự ủng hộ của nhóm cử tri theo chủ nghĩa dân tộc, theo ông Tim.

    Đơn cử, trong cuộc bầu cử cấp xã gần đây nhất ở Campuchia diễn ra vào năm 2017, đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen tuy dành chiến thắng ở 1,156 xã trên tổng số 1,646 xã trên cả nước, nhưng lại chỉ giành được 51 phần trăm số phiếu phổ thông, một sự sụt giảm nghiêm trọng so với kỳ bầu cử trước. Ngay sau đó, chính phủ ban hành chính sách tịch thu giấy tờ tuỳ thân của 70 ngàn người nhập cư, phần lớn trong số đó là người gốc Việt, biến hàng chục ngàn người trở thành người vô tổ quốc.

    Việc tâm lý bài người gốc Việt ăn sâu và phổ biến trong lòng xã hội Campuchia, theo ông Tim Frewer, bị làm trầm trọng thêm bởi cách mà các đảng đối lập ở nước này nói về người gốc Việt trong các cuộc tranh luận.

    “Hầu như tất cả các đảng đối lập ở Campuchia đều có xu hướng bài người Việt, đặc biệt là đảng đối lập chính trước đây (Đảng Cứu nguy Dân tộc Cambodia). Họ muốn chứng tỏ cho người Cambodia thấy tinh thần dân tộc của họ bằng cách ác quỷ hoá người gốc Việt”, ông Tim Frewer nói.

    Người Campuchia đốt cờ Việt Nam trong một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh hôm 8/10/2014. AFP

    Trước khi bị giải thể vào tháng 11 năm 2017, Đảng Cứu nguy Dân tộc Cambodia (CNRP) là đảng đối lập lớn nhất ở Campuchia. Các lãnh đạo của đảng này vận động tranh cử dựa trên chính sách bài người gốc Việt, thậm chí là tuyên bố sẽ trục xuất người Việt nếu được cầm quyền. Tuy đã bị giải thể, nhưng theo ông Tim Frewer thì những người ủng hộ của đảng này vẫn tiếp tục cổ xuý cho tâm lý bài người Việt.

    Hệ quả là khi chính quyền Phnom Penh ra lệnh đuổi những gia đình gốc Việt sống trên nhà nổi lên bờ, thì đã có một làn sóng bài người gốc Việt nổi lên trên mạng xã hội ở Campuchia, theo quan sát của phái bộ Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đóng tại nước này.

    Việt Nam với chính sách đừng về

    "Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ cảnh quan môi trường của Campuchia, đồng thời mong rằng việc di dời được triển khai theo lộ trình hợp lý, khả thi, có bố trí khu vực tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thuộc diện di dời sớm ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội”.

    Đây là lời phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về việc chính quyền Campuchia trục xuất người gốc Việt ở Phnom Penh ra khởi nơi cư trú.

    Chính sách của chính quyền Việt Nam, thông qua phát ngôn của bà Thu Hằng, có thể được hiểu rằng Việt Nam muốn Campuchia cho những người này tiếp tục ở lại, thay vì khuyến khích họ trở về Việt Nam.

    Theo chuyên gia nghiên cứu Campuchia, Tim Frewer, thì đây là chính sách xuyên suốt của chính phủ Việt Nam trừ trước đến nay. Ông nói:

    “Chính quyền Việt Nam tỏ ra nhất quán trong chính sách của họ đối với người gốc Việt kể từ những năm 90, họ coi những người này là người Campuchia”.

    Hôm 8 tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Bùi Thanh Sơn, đề nghị Campuchia “cấp quốc tịch” cho người gốc Việt trong cuộc gặp với người đồng cấp bên phía Campuchia. Đây không phải là lần đầu tiên phía Việt Nam đưa ra đề nghị trên. Vào tháng 8 năm 2019, trong Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam, chính phủ Việt Nam cũng đã đề nghị Campuchia trao quốc tịch cho những người gốc Việt sinh sống ở nước này, tuy nhiên đề nghị trên đã bị phía Campuchia khước từ.

    Mặc dù chính quyền Việt Nam không khuyến khích người gốc Việt ở Campuchia quay về, nhưng nhiều gia đình đã thực hiện việc di cư về Việt Nam trong những năm qua do không thể trụ lại  ở Cambodia. Năm 2019, RFA đã thực hiện phóng sự về cộng đồng người Campuchia gốc Việt sinh sống tập trung ở khu vực hồ Dầu Tiếng ở tỉnh Tây Ninh, và được người dân ở đây cho biết họ không được chính quyền Việt Nam cấp giấy tờ tuỳ thân cho dù đã trở về được nhiều năm.

    Việc không cấp giấy tờ tuỳ thân cho người trở về từ Campuchia rất có thể là vì chính quyền Việt Nam muốn gửi thông điệp cho người gốc Việt rằng về Việt Nam cũng không giải quyết được gì,  do vậy sẽ ngăn chặn được làn sóng di cư ồ ạt.

    Trong lúc hai nhà nước có những chính sách đối nghịch nhau, một bên muốn đuổi và bên còn lại không muốn nhận, người Campuchia gốc Việt vẫn phải tiếp tục sống trong cảnh bấp bênh với thân phận vô tổ quốc.

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-in-cambodia-no-where-to-go-part-1-06222021095601.html

    Không có nhận xét nào