Tính theo tỷ giá hối đoái đang ‘tuột thê thảm’ ở hiện tại, thì 1 tỷ đô la Mỹ quy đổi nhỉnh hơn 23 ngàn tỷ đồng Việt Nam.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13.5 cây số, khởi công tháng 10-2011 với vốn ban đầu 552 triệu USD do Trung Quốc cho vay, đến nay thì số vốn đội tới gần 1 tỷ đô la Mỹ và vẫn chưa biết bao giờ sẽ vận hành.
Tháng 6 năm ngoái, trong thảo luận tại tổ ở kỳ họp Quốc hội, một đại biểu đã so sánh thiệt hại chậm đưa vào khai thác các dự án đầu tư vẫn tình trạng ‘đắp chiếu’ như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, như Nhiệt điện Thái Bình… là “mỗi ngày mở mắt ra là mất 1 con Toyota Camry”.
Một chiếc Toyota Camry giá chưa lăn bánh ở Việt Nam, tùy vào đời xe mà dao động từ 1 tỷ 029 triệu đến 1 tỷ 235 triệu đồng. Nghĩa là tính từ tháng 6-2020 đến tháng 6-2021, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội thêm ít nhất cũng phải từ 365 tỷ bạc.
So sánh lòng vòng để thấy rằng con số 25,5 ngàn tỷ đồng là lớn hay nhỏ còn tùy vào lý do giải ngân.
Và 25,5 ngàn tỷ đồng chính là con số mà trên ti vi vào tối thứ bảy 5-6, người ta thấy tại Hà Nội đã công bố khi nói về Quỹ vaccine phòng COVID-19, khi Quỹ này ra mắt. Theo Bộ Tài chính, Quỹ được thành lập với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân.
Dự kiến, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 ngàn tỷ đồng.
25,5 ngàn tỷ đồng, là tương đương với gần 0,4% GDP năm 2020 của cả nước, 0,5% thu nhập của toàn dân và 1,5% số chi ngân sách nhà nước. Nó thấp hơn rất nhiều so với số tổn thất của toàn xã hội do sự chậm trễ của hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội, và Bến Thành – Suối Tiên ở TP.HCM.
Nói một cách đơn giản, số tiền cần thiết để mua vắc xin (vaccine) là con số rất nhỏ so với tiềm lực quốc gia, ngân sách của nhà nước, thu nhập của người dân và những lãng phí đang xảy ra hàng ngày.
Y tế công cộng, trong đó tiêm vắc xin cho toàn dân là một vai trò và chức năng cơ bản của nhà nước. Đây là việc nhà nước cần phải dùng ngân sách để thực hiện việc này, nhất là trong bối cảnh chống Covid như hiện nay.
Do vậy, ngay lập tức Nhà nước nên dành đủ ngân sách cho việc vừa quan trọng vừa cấp bách này. Đối với, việc vận động người dân đóng góp vào quỹ vắc xin có hai mặt. Điểm lợi là có thể biết được sự chung tay của người dân trong bối cảnh khó khăn và giảm gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, điểm không tích cực là có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và đời sống người dân.
Trên thực tế, chính sách của nhiều quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh, là cho tiền người dân như một lưới an sinh và kích thích các hoạt động kinh tế (bản chất nó là một gói kích cầu). Khi làm ngược lại thì sẽ có tác dụng ngược với gói kích cầu.
Bên cạnh để toàn dân được tiêm vắc xin, việc giúp người dân và nền kinh tế ít chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh cũng không kém phần quan trọng. Do vậy, cần hết sức hạn chế những chính sách gây tác động không tốt cho nền kinh tế và người dân.
Dù bằng cách nào thì chi phí để tiêm vắc xin cho toàn dân cũng do gần 100 triệu người Việt Nam gánh chịu. Do vậy, chìa khoá là lựa chọn cách thức triển khai, chứ không phải chỉ là cách làm sao huy động đủ nguồn lực để mua chúng như kiểu của Quỹ vaccine phòng COVID-19 ra mắt hôm tối 5-6 và được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.
https://vietnamthoibao.org/vntb-thien-ha-luan-252-ngan-ty-dong-la-nhieu-den-co-nao/
Không có nhận xét nào