Phần 1: Mặt phải của đồng tiền
TRÁI ĐẤT TRÒN, NGÀY TÔI GẶP LẠI…
LỜI NÓI ĐẦU: Cách nay nữa tháng, có cháu Phan Liên trên điễn đàn FB gợi ý xin tôi viết lại chuyện gặp lại bác Nguyễn Sỹ Thuyên, bác Trịnh Tiếu và bác “Bảy Chà”. Cả 3 đều là bạn tù thời gian tôi bị cùm chân trong nhà kỷ luật ở trại tù Thanh Cẩm. Vì cháu Phan Liên chỉ yêu cầu tôi viết lại việc tôi gặp lại các bạn tù nên tôi chỉ giới hạn trong phạm vi đó.
Tuy nhiên nếu chỉ đơn giản viết lại chuyện “Ngày Tôi Gặp Lại …” những bạn tù tôi rất qúy mến thì cháu Phan Liên và các đọc giả sẽ không hiểu toàn bộ về hoàn cảnh anh em tôi trong nhà tù cộng sản. Lại càng khó hiểu tại sao ba người bạn tù đó lại đặc biệt trong đời tôi, còn những người khác cũng đã ở tù chung với tôi thì sao? Đây là câu chuyện khá dài dòng tôi xin chia sẻ với bạn bè, cách riêng là tặng cho cháu Phan Liên vì qua sự gợi ý xin tôi viết lại, chứng tỏ cháu là một đọc giả cảm nhận rất sâu từng chi tiết khi đọc Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG. Cám ơn cháu Phan Liên.
Vì bài viết này khá dài nên tôi chia làm 2 phần:
Phần 1: MẶT PHẢI CỦA ĐỒNG TIỀN
NHỮNG CUỘC GẶP LẠI TRONG VUI MỪNG VÀ CẢM ĐỘNG
Phần 2: MẶT TRÁI CỦA ĐỒNG TIỀN
NHỮNG CUỘC GẶP LẠI TRONG NGỠ NGÀNG VÀ CAY ĐẮNG
***
VÀO CHUYỆN
Có lẽ tôi là một trong những người cảm nghiệm rõ nhất câu nói: “ Trái Đất Tròn ”. Ý nói mặc dù trái đất rộng bao la nhưng quanh đi quẩn lại rồi có lúc con người lại gặp nhau. Bằng chứng?
Bằng chứng thì nhiều lắm.
Chắc là ai cũng có kinh nghiệm về những dịp gặp lại những người mình quen biết nhau từ lâu và đã xa cách nhau thời gian dài tưởng là không bao giờ gặp lại, nhưng rồi một dịp tình cờ nào đó lại tái ngộ! Dù vậy trong những người chúng ta gặp lại cũng có nhiều góc độ khác nhau. Về phần tôi sau hơn 70 tuổi đời với một cuộc sống nhiều thăng trầm đầy biến động, lăn lộn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau đã cho tôi cơ hội quen biết nhiều người. Nhưng rồi thời cuộc đổi thay đã xô đẩy đưa mỗi người một ngả, kẻ chân trời người góc biển xa xôi vạn dặm, tưởng chừng không bao giờ gặp lại, nhưng vì “ Trái Đất Tròn” nên đã gặp lại nhau.
Trước tiên phải nói, vì cháu Phan Liên xin tôi viết ngày tôi gặp lại 3 người bạn tù nên tôi chỉ giới hạn bài này trong việc gặp lại các bạn tù. Tôi dùng chữ “các bạn tù”để chỉ những người tôi đã từng ở tù chung, mặc dù không phải bất cứ ai đã ở tù chung cũng đều là bạn. Có người gặp lại trong nỗi vui mừng với bao nhiêu kỷ niệm đẹp và có nhiều chuyện để nhắc lại, nhưng cũng có trường hợp gặp lại trong sự bẽ bàng cay đắng và khó xử.
“TRẠI CẢI TẠO” THỰC SỰ NÓ LÀ GÌ ?
Nếu có ai hiểu một cách đơn giản ba chữ “Trại Cải Tạo” của cộng sản VN cũng giống như nhà tù của các nước văn minh khác thì người đó đã lầm to! Nhà tù các nước văn minh là nơi cầm giữ tự do của các thành phần nguy hại cho xã hội, ngược lại cái gọi là “Trại Cải Tạo” của cộng sản VN là một thứ địa ngục trần gian. Đó là nơi đầy dẫy sự ác độc, nghiệt ngã và bất trắc. Đó là một nơi mang tính tiêu diệt con người nhưng được che đậy dưới cái tên hoa mỹ đầy gian trá là “Trại Cải Tạo”
Là một người tù chính trị đã lăn lộn suốt 13 năm trong ngục tù cộng sản. (Từ đây tôi dùng chữ ngục tù cộng sản thay cho 3 chữ khốn nạn đầy gian trá là “Trại Cải Tạo” ).
Trong 13 năm đó tôi bị đưa đi đẩy lại trong 8 nhà tù, từ Nam ra Bắc. Với cái vốn thời gian và kinh nghiệm những nơi tôi đã sống qua đó, kể cả nhà tù ác độc nhất ở miền Bắc là trại “ Cổng Trời “ cho tôi đủ cơ sở để định nghĩa bản chất thực sự của cái gọi là “ Trại Cải Tạo” của chế độ cộng sản VN mà chắc là còn rất nhiều người chưa biết, hoặc biết rất sai lạc.
Bản chất của nó bao gồm 3 yếu tố sau đây:
1. Thứ nhất: Cái gọi là “ Trại Cải Tạo” của chế độ cộng sản VN : Là nơi mang tính trả thù rất ác độc.
2. Thứ hai: Cái gọi là “ Trại Cải Tạo” của chế độ cộng sản VN : Là nơi mang tính tiêu diệt con người không thương tiếc.
3. Thứ ba: Cái gọi là “ Trại Cải Tạo” của chế độ cộng sản VN : Là nơi người cộng sản khuyến khích và cổ võ sự hận thù giữa các tù nhân với nhau. Hay nói các khác là người cộng sản dùng tù trừng trị tù; dùng tù hành hạ tù; dùng tù giết chết tù; dùng tù trừ khử những người tù chính trị nào chúng muốn tiêu diệt!
YẾU TỐ NÀO ĐÁNG SỢ NHẤT?
Đó chính là yêu tố thứ 3 trong định nghĩa nói trên: “Dùng tù trừng trị tù; dùng tù hành hạ tù; dùng tù giết chết tù; dùng tù trừ khử những người tù chính trị nào chúng muốn tiêu diệt”!
Chính vì thế, trong Chương Cuối Chuyện của Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG, tôi có viết như sau:
“ Lời hứa mù mờ “cải tạo tốt được về” của cán bộ cộng sản trong tù đã làm thành cơn cám dỗ cho một số người nhẹ dạ cố gắng cải tạo tốt. Có vài người còn muốn cải tạo “thật tốt!” Mà cách cải tạo tốt nhất là quên đi mình là ai, để rồi phản bội lại chính mình và phản bội anh em đồng cảnh.
Lời hứa mù mờ đó, theo tôi, là chủ trương thâm độc nhất của chế độ lao tù cộng sản VN. Nó đã gây ra bao nhiêu tác hại, khiến có những kẻ tin vào lời hứa đó để quay ra hãm hại chính anh em đồng cảnh của mình. Những kẻ tin vào lời hứa ấy đã tự đặt mình là kẻ thù của những người anh em đồng cảnh mà chỉ vài năm trước đây là những người cùng chung chiến tuyến trong cuộc chiến oai hùng của quân dân miền Nam quyết tâm chống lại bọn quỷ đỏ tham tàn từ miền Bắc tràn vào đánh cướp miền Nam. Lúc này bọn chúng đã bán linh hồn cho bọn quỷ đỏ, ra tay tiêu diệt những người anh em trước kia cùng binh chủng, cùng màu áo, cùng đơn vị và có khi là thượng cấp của mình trong quân đội miền Nam bại trận.”
Và như tôi đã nói, sự đau thương và nhục nhã mà tôi đã phải chịu 13 năm trong ngục tù cộng sản, không phải là cực hình trên thân xác mà tôi đã hứng chịu, nhưng là tình trạng tuyệt vọng và nhất là khi phải chứng kiến và chịu đựng sự phản bội một cách ác độc của một vài người trong số tù chính trị miền Nam.
Cũng từ kinh nghiệm đó cho tôi hiểu biết hơn về lòng dạ con người. Khi con người lâm vào cảnh túng cùng và không còn được che giấu dưới những bộ y phục, những huy hiệu, cấp bậc, chức vụ trước kia, họ đã lộ nguyên hình là những con người. Khi con người sống trong cảnh đói khát và tuyệt vọng trong hơn chục năm trời, đã cho tôi rút được bài học đắng cay sau đây: “Lòng nhân đạo của con người có giới hạn, nhưng sự ác độc của loài người thì vô tận, nhất là khi sự ác độc đó được dung dưỡng và khuyến khích bởi chế độ xấu xa ác độc như chế độ cộng sản Việt Nam”.
Người đời có câu nói: “ Đồng tiền có hai mặt”. Ý nói chuyện đời cũng vậy có mặt phải và mặt trái của nó. Nếu có những cuộc gặp gỡ bạn tù trong sự vui mừng và cảm động thì cũng có những cuộc gặp lại bạn tù “bạn tù”trong ngỡ ngàng, bất đắc dĩ và đầy cay đắng như tôi sẽ trình bày chi tiết về “Hai mặt của đồng tiền” dưới đây.
MẶT PHẢI CỦA ĐỒNG TIỀN
NHỮNG CUỘC GẶP LẠI TRONG VUI MỪNG VÀ CẢM ĐỘNG
Vì nhiều năm tù tôi có dịp sống chung và giao tiếp với nhiều hạng người, người tốt rất nhiều nhưng người xấu cũng không hiếm. Chính vì vậy sau này khi đã ra khỏi nhà tù và vì “ Trái Đất Tròn” nên tôi có dịp gặp lại một số bạn tù, nhiều nhất là tại Mỹ và rãi rác một vài nước khác như Thái Lan, Pháp, Canada, Úc, Anh Quốc, Bỉ, Đức, Hòa Lan…
Cũng xin nhắc lại, tôi dùng chữ “bạn tù” để nói tới những người đã có thời sống chung trong một nhà tù nào đó trong Nam hoặc ngoài Bắc, mặc dù trong thực tế trong đó có một số đông chúng tôi chưa hề quen biết nhau. Lý do rất đơn giản vì nhà tù cộng sản lúc nào cũng đầy ắp người, từ trăm nọ qua ngàn kia, làm sao có thể quen biết hết được? Lý do thứ hai, mặc dù chúng tôi có ở chung rất lâu trong một nhà tù, chẳng hạn như nhà tù Thanh Cẩm trong tỉnh Thanh Hóa , nơi tôi bị giam đúng 10 năm, nhưng gần như toàn bộ thời gian đó tôi bị cùm chân trong nhà kỷ luật, hoặc bị nhốt trong các buồng khóa cửa ngày đêm trong khu Kiên Giam “ nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên rất nhiều người tuy sống chung một nhà tù nhưng tôi không biết, mặc dù các anh em ấy biết tôi.
Về sau này khi ra hải ngoại tôi có dịp gặp lại nhiều anh em trong các lần tôi đi làm việc qua nhiều quốc gia trên thế giới. Các dịp gặp đó thật là cảm động. Anh em tôi tay bắt mặt mừng và buồn buồn tủi tủi kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm vui buồn của một thời u ám đã qua. Có lần tôi gặp lại một anh tại Na-Uy, một quốc gia xa xôi và lạnh giá vùng Bắc Âu! ( Lần đó chúng tôi càng vui hơn vì không ngờ người vợ của anh lúc này là cô gái mà tôi đã rửa tội năm 1989 trại tị nạn Panat Nikhom ở Thái Lan, lúc tôi làm Quản Nhiệm Cộng Đồng Công Giáo tại đó. Chị ấy còn đưa hình ảnh ngày chịu phép Rửa Tội ra khoe. Đúng là “Trái Đất Tròn”! )
Nếu chỉ gặp lại những người ở chung một trại tù mà còn cảm động và vui mừng như thế, huống gì khi tôi gặp lại những anh em đã một thời cùng tôi chia sẻ sự đày đọa đến tột cùng, đã cùng sống cùng chết với nhau trong đáy địa ngục trần gian của nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm, Ý tôi muốn nói tới 3 người anh em : Nguyễn Sỹ Thuyên, Trịnh Tiếu và anh Bảy “Chà” mà cháu Phương Liên đã xin tôi viết lại, thử hỏi còn gì vui mừng và cảm động hơn?
ANH NGUYỄN SỸ THUYÊN
Trong Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG, tôi viết về anh Thuyên như sau: Lúc bấy giờ là năm 1979, sống chung trong buồng 1 với tôi lúc bấy giờ có các anh em sau đây: Nguyễn Sỹ Thuyên, Trịnh Tiếu, Đặng Văn Tiếp, Lâm Thành Văn là cha Nguyễn Công Định.
Anh Nguyễn Sỹ Thuyên ngoài 50 tuổi, người lớn tuổi nhất trong buồng, nguyên là giáo sư dạy toán tại nhiều trường trung học ở Sài-Gòn. Anh là người có tinh thần quật khởi, lại có tài làm thơ và có nhiều bài thơ Ðường rất hay. Anh cũng là người bạn tù lâu nhất của tôi trong buồng này. Chúng tôi bị giam chung với nhau ngay từ trại Gia-Ray ở trong Nam, đi chung chuyến tàu ra Bắc, ở chung tại trại Nam Hà, cùng bị đày lên Cổng Trời và cùng trong Nhóm 48 Quyết Tiến chuyển về trại này.
Khi 5 anh em trong buồng 1 khu Kiên Giam ( trừ cha Định ) quyết định tổ chức vượt ngục vào đêm 1 tháng 5 năm 1979, chúng tôi đã cử hành nghi thức thề hứa kết nghĩa anh em có Trời Đất chứng giám: “Sống thì cùng Sống, Chết thì cùng chết”. Chẳng may cuộc vượt ngục đó bất thành và đã cướp đi hai mạng người là các anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Lúc này chỉ còn lại 3 anh em tiếp tục đền tội sống trong đáy địa ngục trần gian của nhà tù Thanh Cẩm.
Trong Chương 8 của Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG, tôi có kể lại như sau:
" Tôi tỉnh lại trong cảnh tối đen như mực. Chợt tôi nghe tiếng anh Nguyễn Sỹ Thuyên bên cạnh mới biết Thuyên cũng bị cùm chung một thớt với tôi. Anh nằm phía trong sát vách tường. Anh Thuyên cho biết lúc ấy có lẽ quá nửa đêm rồi, anh thều thào: “Sáng nay, lúc thằng Thi nó vác ông vào, lúc ấy ông đang mê man, tôi gọi mãi không thấy ông tỉnh dậy. Tôi lo quá, tưởng là ông đi luôn rồi. Có biết Tiếp đâu không”? Tôi rên rỉ qua hơi thở: “Tiếp chết rồi”! Thuyên kinh hãi kêu lên: “ Tiếp chết rồi à ”? Tôi đáp: “ Ừ, Tiếp chết rồi! Tiếp bị thằng Thi đánh chết trước cửa buồng mình, nó vất xác Tiếp nằm đè lên người tôi”!
Anh Thuyên yên lặng hồi lâu mới nói được: “Tiếp chết rồi! Còn Tiếu và Văn ra sao”? Tôi khẻ nói : “ Tôi không biết”. Sau vài câu trao đổi ngắn ngủi đó, Thuyên nằm lặng yên, không nói năng gì, nhưng tôi nghe tiếng anh đang sụt sùi trong bóng đêm. Thì ra Thuyên đang khóc! Tôi nằm bất động như một cái thây ma, nước mắt giàn giụa.
Khi tỉnh dậy được một lúc, tôi cảm thấy buồn nôn. Tôi định quay mặt nôn xuống sàn nhà nhưng tôi không còn sức để trở người nên nằm ngửa nôn thốc tháo ra ướt đầy mặt mũi, rất tanh hôi. Khi trời sáng tôi mới thấy mình nôn ra toàn là máu tươi! Khi tiểu tiện cũng ra máu mà đại tiện cũng ra toàn là máu. Lúc đầu nhìn thấy cảnh tượng đầy máu me này tôi rất kinh hoàng. Tuy nhiên, tôi biết rằng nếu máu bầm trong cơ thể đã thoát ra ngoài được là điều tốt, còn nếu máu bầm ứ lại bên trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm.
Tình trạng anh Nguyễn Sỹ Thuyên lúc đó cũng tệ hại không kém gì tôi, cũng bị đánh đập tả tơi, dập nát cả người. Anh cũng bị nôn mửa và đại tiểu tiện ra máu dầm dề. Trong tình cảnh đó, anh tỏ ra tuyệt vọng và nghĩ là mình không thể nào sống được. Sáng hôm sau, tôi thấy anh Thuyên không chịu nằm yên mà tay anh cứ mò mẫm như đang tìm một cái gì. Tôi nhìn xuống thì ngạc nhiên thấy anh đang định cắt đứt mạch máu ở háng bằng một con dao làm bằng nửa nắp lon sữa bò được mài bén. Không biết anh tù kỷ luật nào ở buồng này trước bỏ lại con dao này ở đây và anh Thuyên rớ được. Thấy vậy tôi la lớn: “Anh Thuyên! Anh định làm gì vậy”? Anh Thuyên thều thào: “ Tôi biết trước sau rồi mình cũng chết, thà tự tử chết trước cho khỏe thân”! Tôi phản đối ý của anh: “Anh Thuyên! Ðừng làm như vậy! Thà để cho cộng-sản nó giết mình. Chúng ta không được quyền tự sát, hơn nữa làm như thế có ra gì”?
Nghe tôi nói, anh Thuyên dừng tay lại. Từ đó chúng tôi luôn an ủi và nâng đỡ tinh thần của nhau. Phần tôi, luôn để ý tới các cử động của anh Thuyên, mặc dù tôi đã lấy miếng dao rồi.
Những ngày kế tiếp, tôi tìm hết mọi cách cho máu bầm thoát ra khỏi thân thể, thoát càng nhiều càng tốt. Vài ngày sau, khi nước tiểu của tôi bắt đầu trong lại, tôi hứng lấy và uống mỗi ngày vài ba muỗng nước tiểu của chính mình. Một ít hiểu biết về y học cho tôi biết rằng trong nước tiểu có chất muối làm cho tan máu. Kết quả đúng như tôi mong muốn, mỗi khi uống thứ “thuốc” đó vào, tôi lại đi tiểu ra máu.
Tôi tiếp tục tự chữa cho mình như vậy trong thời gian chừng mươi hôm, cho tới khi thấy trong nước tiểu không còn máu nữa tôi mới ngưng uống “thuốc”. Anh Thuyên cũng đã tự chữa trị cho anh cùng một cách thức như tôi. Nhờ cách đó cơ thể tôi dần dần khá lại và một tuần lễ sau có thể xoay trở người để đi đại tiểu tiện xuống sàn nhà. Nhưng phải mất ba tuần lễ tôi mới có thể ngồi lên được.
Trong lần tôi cố gắng gượng ngồi dậy đầu tiên, anh Thuyên phải giúp tôi vì anh đã ngồi lên được trước tôi vài hôm. Anh dùng ống tay áo cột vào cổ rồi kéo tôi từ từ ngồi dậy. Sự cố gắng quá sức này làm tôi đau đớn tưởng chừng như cả bộ xương của tôi bị rời ra từng mảnh. Dù vậy tôi phải cố gắng ngồi lên, vì tôi nghĩ rằng nằm lâu ngày quá có thể bị liệt cột sống. Thời gian đó tôi sợ nhất là ho hoặc hắt hơi, vì mỗi lần ho và nhất là hắt hơi, cơ thể tôi bị giật mạnh làm các khớp xương như long ra và bay đi tung toé khắp nơi, đau đớn không thể nào diễn tả được.
Trong tuần đầu sau khi bị đánh đập tả tơi bầm giập, anh Nguyễn Sỹ Thuyên và tôi bị cùm chân cả ngày lẫn đêm. Thời gian đầu cả hai chưa ai trở người được nên phải đại tiểu tiện và ói mửa ngay trên bệ nằm, sau đó dùng tay gạt phân xuống sàn và xé quần áo ra lau chùi. Tuy trong buồng có các ống bẩu dùng cho việc đại tiểu tiện nhưng làm sao chúng tôi sử dụng được khi trở người còn chưa nổi và chân đang bị mang cùm?
Càng ngày đống phân trong buồng càng cao và bộ quần áo duy nhất của chúng tôi càng nhỏ lại. Tuy sống trong hoàn cảnh như vậy, nhưng tôi không hề cảm thấy hôi thối, nhưng mỗi lần cán bộ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, tôi thấy họ phải đứng lùi ra xa và lấy tay bịt mũi lại. Tôi đang lo ngại, không biết lấy gì che thân vì áo quần đã xé gần hết, mà kêu xin nhiều lần cán bộ nhất định không cho, thì không ngờ anh Thuyên có giải pháp hay.
Sau khi đã ngồi lên được, anh Thuyên ngồi tẩn mẩn xé mảnh vải dài chừng ba gang tay, rộng một gang và bốn góc cột dây vải khoảng hai gang. Nhìn thoáng qua trông như bộ Bikini của các bà các cô mặc khi tắm biển. Tôi không biết các bà các cô khi mặc Bikini trước khi ra bãi biển hay xuống hồ bơi thì phải làm những động tác gì, có rắc rối lắm không! Riêng bộ “Bikini” tân tiến này của tôi, khi mặc vào rất đơn giản, chỉ việc cột hai dây phía trước ra sau lưng và hai dây sau lưng ra trước rún là xong!
Với một kiểu “thời trang” như thế tuy trông có vẻ sexy và lạ đời, nhưng rất gọn nhẹ, tiện dụng và đa năng. Khi cần thiết, chúng tôi chỉ cần tháo hai gút dây trước bụng và sau lưng là có ngay một cái khăn mặt để dùng. Thật tôi không ngờ, anh Thuyên là một giáo sư toán mà lại có khả năng bén nhạy của một nhà vẽ kiểu thời trang! Lúc bấy giờ không còn loại y phục nào phù hợp hơn cái “mốt” anh Thuyên đã sáng chế cho anh và tôi. Nhưng rất tiếc là mỗi người chỉ có một “Bikini” duy nhất vì không còn vải để làm cái thứ hai.
Sự có mặt của anh Thuyên bên cạnh tôi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là một sự an ủi và nâng đỡ vô cùng cần thiết cho cả tinh thần lẫn thể chất của tôi. Nhân nhớ lại câu chuyện này, tôi cũng muốn gởi tới anh Nguyễn Sỹ Thuyên tâm tình yêu mến thiết tha và lòng biết ơn chân thành. Mỗi khi nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng của những ngày đầu tháng 5-1979 đó, tôi đều nghĩ rằng, lúc đó nếu không có anh Thuyên bên cạnh chắc là tôi không thể nào sống sót được. Xin anh Thuyên hãy biết rằng, trong một ý nghĩa nào đó, chính anh là người đã cứu lấy mạng sống của tôi.”
***
Anh Thuyên được ra tù trước tôi một vài năm. Từ đó chúng tôi mất tin nhau.
Mãi cho tới năm 1996 tôi mới nghe tin anh Thuyên được người thân bảo lãnh qua định cư ở Mỹ, lúc bấy giờ tôi đã định cư tại New Zealand được 9 năm và đi lại làm việc thường xuyên bên Mỹ nên đã liên lạc tìm gặp anh tại nhà một người học trò cũ của anh tại San Jose, Bắc California. Cùng đi với tôi hôm đó còn có chị Phi Nga là góa phụ của anh Trịnh Tiếu và 2 người bạn tù ở Trại Nam Hà chung với anh Thuyên và tôi các anh Nguyễn Tôn Tính và Nguyễn Trọng Ngạn, lúc đó cũng đang ở thành phố San Jose. Gặp lại nhau sau hơn chục năm xa cách, chúng tôi mừng không đủ lời để diễn tả ( Tôi có chụp vài tấm hình kỷ niệm trong dịp đó kèm theo bài này )
Lúc này anh Thuyên già đi nhiều và đã chậm chạp không còn nét tinh anh của một giáo sư toán như lúc ở tuổi 50 trong tù. Ngồi nhìn anh Thuyên thật lâu và hồi tưởng lại những ngày tháng gian khổ đến cùng cực mà anh em tôi đã hứng chịu và an ủi nâng đỡ nhau lúc bị cùm chân trong nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm, tôi xúc động không cầm được nước mắt. Thấy tôi khóc anh Thuyên cũng khóc theo! Có lúc tôi đứng lên ôm lấy thân hình gầy guộc của người anh kết nghĩa và anh em tôi yên lặng để cho nước mắt nói thay lời.
Vì anh Nguyễn Sỹ Thuyên không lập gia đình nên sau khi ra tù anh về Sài Gòn sống trong nhà người cháu gái. Ở Mỹ cũng không có bà con nhưng có nhiều học trò cũ thay nhau tiếp đón anh. Vài tháng sau anh qua thành phố Nasville, bang Tennessee sống một thời gian và có lẽ không thích nghi được với cuộc sống bên Mỹ nên anh quyết định quay về Việt Nam và mất sau đó vài năm.
ANH TRỊNH TIẾU
Anh Trịnh Tiếu, 49 tuổi, Ðại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Anh đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng Phòng 2 của Quân Ðoàn II, Tỉnh trưởng cuối cùng của tỉnh Ban Mê Thuột. Tôi gặp anh Tiếu tại trại Cổng Trời. Anh từ một trại ở miền Trung bị đưa lên đó sau tôi ít lâu và cùng chuyển về trại Thanh Cẩm trong nhóm 48 Quyết Tiến. Anh Tiếu cũng là người anh kết nghĩa với tôi.
Những ngày tháng tiếp theo cuộc vượt ngục bất thành ngày 01 tháng 5 năn 1979, anh Trịnh Tiếu bị đánh tả tơi và cùm chân trong Nhà Đen cùng với Lâm Thành Văn. Mãi tới gần một tháng sau khi Nhà Ðen bị phá bỏ và Lâm Thành Văn đã chết rồi, anh Trịnh Tiếu và cha Nguyễn Công Ðịnh chuyển qua ở chung buồng với anh Thuyên và tôi trong nhà kỷ luật mới. Lúc bấy giờ anh Tiếu mới kể lại chi tiết về cái chết của Lâm Thành Văn cho chúng tôi nghe.
Anh Trịnh Tiếu kể lại rằng, sáng ngày 2 tháng 5, khi vừa có ba tiếng súng báo động, cả anh và Văn đã bị cán bộ túm lấy đánh cho một trận tơi bời, tuy không dữ dội như ba anh em chúng tôi bên ngoài nhưng anh Tiếu bị gãy một xương sườn. Sau đó cả hai người bị đưa vào cùm chung một buồng ở Nhà Ðen. Những ngày sau đó, Văn yếu nhiều vì vốn có chứng đau dạ dày nặng, lại bị đánh đập trọng thương và nhất là không ăn gì vào miệng. Từ trước tới nay, anh Văn không ăn sắn được nên có tiêu chuẩn ăn cháo trắng theo lời đề nghị của y tá. Mỗi bữa ăn, anh được một bát cháo trắng và một muỗng muối hạt. Số muối này anh ăn không hết và thường chia cho các anh em trong buồng mỗi người một chút.
Trong thời gian dài trước khi chúng tôi vượt ngục, trại cho ăn sắn thường xuyên, nhưng anh Văn vẫn có phần ăn cháo với muối. Nhờ vậy từ khi có kế hoạch vượt ngục, chúng tôi để dành được mỗi ngày một ít muối phòng lúc ra rừng có muối mà ăn. Tới ngày vượt ngục, chúng tôi gom góp được chừng non bát muối. Số lượng muối này được gói thật cẩn thận bằng nhiều lớp bao ny-lon và là một “báu vật” có trong hành trang trên đường vượt ngục.
Khi chúng tôi bị bắt, Bùi Ðinh Thi đã xét thấy số muối đó đây chính là nguyên nhân cái chết của Văn về sau này. Từ ngày đó Bùi Đình Thi không cho Văn ăn cháo nữa, mặc dù tiêu chuẩn trại vẫn có. Anh Tiếu kể lại, khi gánh cháo lên tới khu kỷ luật, Thi đá phăng cháo đi, bắt Văn ăn khoai hay sắn, những thứ mà Văn không thể nào nuốt được vì chứng bệnh dạ dày quá nặng. Bữa ăn nào anh Văn cũng kêu van năn nỉ, nhưng Thi trả lời một cách dứt khoát:“Cho ăn cháo để chúng mày lấy muối trốn trại à? Không ăn sắn được thì chết.”
Anh Trịnh Tiếu cho biết, trong suốt mấy ngày cuối cùng của cuộc đời, anh Văn không có gì để bỏ vào miệng, vì đang thời gian tù nhân phải ăn khoai ăn sắn liên tục,Văn chỉ uống nước cầm hơi, và càng lúc càng kiệt lực. Ðêm trước khi lìa đời, Văn đã nói sảng như người nằm mơ và toàn nói về các món ăn. Có lần Văn hỏi anh Tiếu về lon muối sả của anh đâu? Anh Tiếu nói làm gì có lon muối sả. Văn trả lời là lon muối sả người em dâu của anh vừa thăm nuôi đưa vào cho anh. Nghe như thế anh Tiếu biết là Văn đã nói sảng như người trong mơ và chứng tỏ cơn đói hành hạ anh dữ dội.
Sáng sớm ngày định mệnh,Văn gọi anh Tiếu nhờ đỡ ngồi lên, vì anh không còn gượng dậy nổi. Khi ngồi lên, với một chân trong cùm, chân kia co lại, anh ngồi gục đầu trên hai tay đang khoanh tròn đặt trên đầu gối. Văn ngồi yên trong tư thế này như vẫn thường ngồi hàng ngày. Thấy Văn đã ngồi yên, Tiếu bước chân không bị cùm xuống sàn, với lấy ống bẩu đi đại tiện, nhưng mắt không rời Văn vì nhận thấy anh đã có dấu hiệu gì hơi khác thường.
Trong khi anh Tiếu đang chân trên chân dưới vật lộn với cái ống bẩu như vậy, chợt nhìn thấy Văn gục đầu mạnh xuống và không gượng dậy nữa. Gọi mấy tiếng không nghe Văn trả lời nên anh vội ném ống bẩu xuống, đỡ Văn dậy, nhưng người của Văn đã mềm nhũn! Lâm Thành Văn đã chết!
Anh Tiếu đặt Văn nằm cho ngay ngắn, vuốt mắt cho Văn và lên tiếng gọi báo cáo cho cán bộ. Anh Lâm Thành Văn đã chết vì đói! Anh chết dần chết mòn như ngọn đèn cạn dầu tới lúc phải tắt. Khi chết, một chân của Lâm Thành Văn vẫn còn mang cùm!
Tôi còn một kỷ niệm khác không bao giờ quên được về anh Trịnh Tiếu như tôi đã ghi lại trong Chương 9 của Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG , khi tôi bị trật tự Bùi Đình Thi đánh dập nát một lá phổi, máu mủi máu miệng trào ra lênh láng, chỉ vì tôi cho thằng Hà cái áo.
Lúc đó anh Trịnh Tiếu đã an ủi săn sóc tôi như sau:
“ Khi cán bộ và trật tự Bùi Ðình Thi khóa cửa buồng và đi rồi, tôi nằm vật xuống bất động. Tôi bị ngạt thở vì phổi bị thương quá nặng không hô hấp được. Máu ở mũi và miệng trào ra lênh láng. Nằm yên một lúc tự nhiên cơn đau đớn thái quá của thể xác cộng với sự suy nhược tinh thần và cơn uất ức làm tôi phát điên lên.
Tôi không còn tự chế mình được nữa, tôi không còn nhớ mình là ai và cũng chẳng cần biết chung quanh đang có ai. Nằm ngửa trên bệ xi-măng với một chân dính vào cùm sắt, cổ tôi tắt nghẹn, máu mũi máu miệng trào ra lênh láng và nước mắt chảy ra giàn giụa. Sự tức giận quá độ đã ném tôi vào cơn điên loạn. Tôi bắt đầu lăn lộn và giật cái chân bị cùm phát ra tiếng rầm rầm... rầm rầm... rầm rầm…như con thú đang phá chuồng. Tôi gào thét nguyền rủa vang dội trong buồng: “Bùi Ðình Thi ơi! Tao thề với mầy! Tao thề với mầy Bùi Ðình Thi ơi! Sau này tao mà còn sống, tao sẽ tìm hết mọi cách bắt cho được mầy và cả vợ con dòng dõi rắn độc nhà mầy để tự tay tao mổ bụng móc gan cả dòng dõi nhà mầy để tao đặt trên bàn thờ hai anh Ðặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Như vậy tao mới hả dạ, Bùi Ðình Thi ơi! Bùi Ðình Thi ơi! Bùi Ðình Thi ơi!”
Trong khi tôi lên cơn điên loạn vì đau đớn và uất ức tột cùng này, anh Trịnh Tiếu và anh Nguyễn Sỹ Thuyên đã vỗ về và an ủi tôi. Anh Thuyên bị cùm kế bên, đã xé vải lau máu mũi máu miệng cho tôi. Anh Trịnh Tiếu nằm thớt bên kia vói qua dùng cái áo quạt cho tôi. Trong khi đó cha Nguyễn Công Ðịnh ngồi bên kia dựa tường khẽ hát bản nhạc “Hè Về”: “Trời hồng hồng, sáng trong trong...”
Thái độ này của cha Ðịnh làm anh Trịnh Tiếu nổi điên lên thực sự. Nổi điên theo nghĩa đen. Mặc dù anh Trịnh Tiếu là người rất hiền từ, hòa nhã, nhưng hôm đó anh đã cho nổ bùng cơn thịnh nộ một cách khủng khiếp với cha Ðịnh. Hai người gây gỗ to tiếng và anh Trịnh Tiếu đã dùng những lời lẽ thô tục nhất trong các lời thô tục trên đời để mạt sát cha Ðịnh, những ngôn từ mà tôi không muốn và không dám ghi lại ở đây. Buồng giam của chúng tôi buổi sáng hôm đó trở thành một đáy địa ngục theo nghĩa đen”.
Rồi tới cuối năm 1981 lại có một kỷ niệm khác về anh Trịnh Tiếu . Lúc đó chúng tôi đang sống chung trong Buồng 1 nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm.
Trưa hôm đó khi Trật tự Bùi Đình Thi chuẩn bị vào kiểm tra buồng trong giờ phát thức ăn, tôi chợt để ý thấy anh Trịnh Tiếu mặc cái áo trại phát có chữ XUÂN viết trên lưng áo, tôi nói to: “Anh Tiếu, anh đang mặc cái áo của anh Xuân cho kìa, thằng Thi sắp vô buồng mình”!
Nghe tôi nói, anh Trịnh Tiếu giật bắn cả người, lúc đó Trật tự Bùi Đình Thi cũng vừa bước vô buồng!
Nên biết lúc đó Trật tự Bùi Đình Thi nắm cả quyền sinh sát của khu kỷ luật trong tay. Anh ta ra một cái luật riêng, tạm gọi là “Luật Bùi Đình Thi” là không anh tù nào được nhận và cho ai bất cứ một thứ gì. Nếu ai vi phạm luật này sẽ bị Trật tự Bùi Đình Thi trừng trị đến nơi đến chốn. Vì thế mặc dù những người ở kỷ luật lâu năm không còn quần áo gì nhưng các bạn tù thuộc diện “khách vãng lai” khi được ra khỏi kỷ luật cũng không ai dám để lại cho chúng tôi thứ gì, nhất là quần áo.
Trước đó không lâu có anh Nguyễn Ngọc Xuân là thuộc cấp của anh Trịnh Tiếu ngày trước bị lên kỷ luật cùm chung với “ông thầy” Trịnh Tiếu. Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa anh Xuân là ThiếuTá Quận Trưởng còn anh Trịnh Tiếu là Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Ban Mê Thuột . Khi mãn hạn cùm kỷ luật, anh Xuân để lại cho “ông thầy” một cái áo trại phát có viết chữ XUÂN trên lưng như tôi đã nói ở trên. Thường ngày anh Tiếu cẩn thận thận chỉ mặc áo này trong buồng khi không có mặt Trật tự Bùi Đình Thi, không hiểu tại sao trưa hôm ấy anh lại sơ ý!
Vì trước kia anh Trịnh Tiếu đã tận mắt chứng kiến cảnh Bùi ĐìnhThi đánh tôi dập nát một là phổi làm máu miệng máu mũi tôi trào ra lênh láng trong lần tôi cho thằng Hà cái áo vào năm 1979 nên khi Trật tự Bùi Đình Thi bước vô buồng, anh Trịnh Tiếu sợ cuống cuồng. Anh vội đứng dựa lưng vào tường trong tư thế lúc nào cũng “đối mặt” với tên hung thần trật tự Bùi Đình Thi. Khi hắn di chuyển tới đâu thì anh Trịnh Tiếu quay mặt hướng theo cố che giấu cái lưng áo! Bất ngờ Bùi Đình Thi nhìn thẳng mặt anh Tiếu và lên tiếng gọi to: “Anh Tiếu…!” ( Cũng nên biết, khi kiểm tra buồng hay phát thức ăn trên khu kỷ luật, chẳng bao giờ Bùi Đình Thi mở miệng nói một lời nào. Mặt anh ta lúc nào cũng đanh lại như người bằng…thép! Khi nào hắn ta mở miệng là có tai nạn tiếp theo! Nhẹ nhất cũng vài ba cú đấm, đá…nặng hơn thì bị dập phổi máu me lênh láng như tôi, hoặc cả tuần không trở người được như Linh mục Phạm Qúy Hòa!)
Nghe gọi tên mình, anh Tiếu giật bắn người! Mặt anh biến sắc, đôi tay bắt đầu run, đôi môi giựt giựt trong trạng thái kinh sợ bấn loạn.
Tôi đứng nhìn và lo sợ cho anh Tiếu sắp gặp đại nạn vì tôi đã có kinh nghiệm với cái cảnh Trật tự Bùi Đình Thi bất ngờ gọi tên tôi. Không biết lúc đó anh Tiếu có té đái ra quần không, nhưng tôi thì có trong lần hắn gọi tên tôi trong vụ tôi cho thằng Hà cái áo hai năm về trước. Hai anh em khác trong buồng cũng đang nhín thở chờ đợi! Nhưng chúng tôi đã lầm!
Trật tự Bùi Đình Thi nói tiếp, giọng nhẹ nhàng: “ Anh Tiếu, có lấy thêm nước mắm không? ”
Trưa hôm đó trại cho tù ăn ngô bung với một ít muối hòa tan vào nước có cho thêm mấy cọng hành thái nhỏ trên mặt, và chúng tôi gọi đó là “nước mắm”. Vì chia còn thừa nên Trật tự Bùi Đình Thi gọi anh Trịnh Tiếu cho thêm, như là một cử chỉ đẹp.
Hình ảnh làm tôi xót xa và đáng thương nhất sau đó là thái độ “thoát chết” một cách bất ngờ của anh Tiếu. Anh vội vàng xoa hai bàn tay vào nhau, miệng tươi cười, nói lấp bấp tiếng đặng tiếng mất: “ Anh Thi… anh Thi…ôi! Anh Thi tử tế quá! anh Thi tử tế quá… cám ơn anh Thi..cám ơn anh Thi…anh Thi tử tế quá!.” Sau đó dùng hai tay bê cái bát nhựa đưa ra để Trật tự Bùi Đình Thi múc cho thêm mấy thìa nước mắm! ( Ngày trước anh Trịnh Tiếu là Đại Tá, còn Bùi Đình Thi chỉ là một Đại Úy)
Sau khi Trật tự khóa cửa buồng giam ra đi rồi, anh em chúng tôi ngồi hỏi nhau lý do nào tên hung thần ác quỷ Bùi Đình Thi có cử chỉ đẹp như thế? Nó xảy ra quá bất ngờ như là một phép lạ làm chúng tôi choáng váng! Kẻ nói thế này, người đoán thế khác. Riêng tôi lên tiếng khẳng định: “ Thằng Thi sắp mất chức Trật tự”. Có anh hỏi tại sao tôi nói như vậy? Tôi trả lời : “ Để rồi xem”.
Đúng như tôi đoán, ngày hôm sau Bùi Đình Thi mất chức Trật tự trong trại tù Thanh Cẩm !
Biến cố này xảy ra vào một ngày cuối năm 1981 và đó là một trong hai ngày hạnh phúc nhất trong 13 năm tù của tôi, chỉ đứng sau ngày tôi được chuyển ra khỏi Trại Trừng giới Quyết Tiến còn được gọi là Trại Cổng Trời vào tháng 8 năm 1978.
***
Anh Trịnh Tiếu ra tù trước tôi vài năm. Tới tháng 7 năm 1988 tôi về Sài Gòn có tìm tới thăm anh tại nhà con gái anh là cháu Trúc Mai tại Khánh Hội. Sau đó vài tháng tôi vượt biên qua Thái Lan và tới dịnh cư tại New Zealand vào năm 1990, từ đó chúng tôi mất liên lạc.
Tới năm 1994, anh Tiếu được qua Mỹ định cư theo diện HO. Anh bắt đầu tham gia tích cực vào Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tại Sacramento tiểu bang California. Nhưng một thời gian sau anh mất vì bị ung thư. Một tháng sau tôi có dịp trở lại Mỹ và đã tới Sacramento thắp hương trước bàn thờ anh và làm lễ giỗ 30 ngày của anh. Hình ảnh và tên tuổi anh Trịnh Tiếu lúc nào cũng in đậm nét trong lòng tôi. ( Tôi có hình anh Trịnh Tiếu gởi kèm theo )
TRẬT TỰ “BẢY CHÀ”
Sau khi Bùi Đình Thi mất chứcTrật tự vào năm 1981, tôi còn bị cùm trong nhà kỷ luật cho tới năm 1982 mới được qua sống bên khu Kiên Giam chung với 28 anh em linh mục khác.
Điều vô cùng may mắn cho đám tù kỷ luật là anh Trật tự mới Nguyễn Văn Bảy, là người rất hiền từ, mặc dù vóc dáng của anh cao to rắn chắc trông rất “ngầu”, mới nhìn qua đã thấy “nhợn”!. Anh Nguyễn Văn Bảy trước kia là một Đại Úy phục vụ tại Vùng 4. Anh có nước da hơi đen nên chúng tôi gọi anh cách thân mật là anh “Bảy Chà”.
Cùng giữ chức vụ Trật tự nhưng anh “ Bảy Chà” khác một trời một vực với Trật tự Bùi Đình Thi. Nếu Trật tự Bùi Đình Thi được sánh như một thứ hung thần ác qủy để tiêu diệt tù nhân kỷ luật ở nhà tù Thanh Cẩm, thì Trật tự Nguyễn Văn Bảy chính là “Thiện Thần” đến để bảo vệ và goiu1p đỡ đám tù kỷ luật cùng khổ, trong đó có người đang ngồi viết những hàng chữ này. Tôi vẫn nhớ ơn anh “Bảy Chà” và sẽ còn nhớ suốt đời.
***
Sau khi ra tù, anh “ Bảy Chà” được qua định cư ở Mỹ theo diện HO. Hiện anh đang sống tại Bang Virginia Hoa Kỳ và chúng tôi có dịp gặp lại nhau nhiều lần trong những năm tôi còn qua làm việc ở Mỹ. Anh em tôi tôi thường xuất hiện bên nhau trong những dịp tôi nói chuyện với đồng hương hoặc những lần giới thiệu Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG và tôi luôn giới thiệu anh “Bảy Chà” là người bạn tù thân thiết và cũng là ân nhân của tôi trong thời gian tôi bị cùm trong nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm.
Mấy lúc sau này anh Bảy hay viết những bài bình luận thời cuộc rất có giá trị được phổ biến trên Intenet dưới bút hiệu Nguyễn Vĩnh Long Hồ. Hiện nay chúng tôi vẫn thường gọi thăm nhau.
Vì anh “ Bảy Chà” là người rất đáng ngưỡng mộ, theo như cách người đời thường nói “ cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Nếu tên tuổi của Trật tự Bùi Đình Thi được ghi lại bằng nét mực đen nhòe nhoẹt và kinh tởm trong lịch sử trại tù Thanh Cẩm, thì ngược lại tên tuổi của Trật tự “Bảy Chà” đáng được ghi bằng nét chữ mạ vàng trong lịch sử của trại tù Thanh Cẩm trong tỉnh Thanh Hóa ở miền Bắc.
Nhân viết lại chuyện này tôi muốn chính thức vinh danh anh “ Bảy Chà ”, một con người đã có công mang lại màu hồng cho đám tù kỷ luật khốn khổ lúc đó. Anh “Bảy Chà” thay vì dùng vai trò Trật Tự của Việt cộng ban cho để khống chế, đánh đập, hành hạ và giết chết các tù nhân khác như Bùi Đình Thi, đàng này anh Nguyễn Văn Bảy đã dùng vị trí đó để che chỡ, bênh vực và cứu giúp đám tù nhân khốn khổ đang bị lăn lộn trong cái địa ngục trần gian của nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm. ( Tiện đây tôi xin ghi số điện thoại của anh “ Bảy Chà” để nếu có ai muốn thăm hoặc cảm phục việc làm của anh trong tù xin gọi số ở Mỹ: (571) 262-9562. ( Tôi có vài tấm hình của anh “Bảy Chà” kèm theo đây)
HẾT PHẦN MỘT: MẶT PHẢI CỦA ĐỒNG TIỀN
ĐÓN XEM PHẦN 2: MẶT TRÁI CỦA ĐỒNG TIỀN
NHỮNG CUỘC GẶP LẠI TRONG NGỠ NGÀNG VÀ CAY ĐẮNG!
LM NGUYỄN HỮU LỄ
https://www.facebook.com/LMNguyenHuuLe
Không có nhận xét nào