Chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày khai mạc Tokyo Olympics (23 tháng 7), nhưng chưa rõ Nhật Bản có kịp thời chận đứng được đợt thứ tư của đại dịch Covid-19 để Thế Vận Hội có thể diễn ra theo chương trình dự định hay không.
Tin tức hôm Thứ Hai 24 tháng 5 ghi nhận chính phủ Nhật vừa mở thêm hàng loạt trung tâm chích ngừa và kêu gọi các bác sĩ, dược sĩ, y tá khắp nơi cùng tiếp tay đẩy mạnh chiến dịch này, đặc biệt nhắm vào thành phần cao niên, với hy vọng đạt được mục tiêu “chích ngừa cho 36 triệu người trước cuối tháng Bảy” như lời tuyên bố của Thủ tướng Yoshihide Suga.
Trong tinh thần “chạy nước rút”, các trung tâm ở Tokyo và Osaka sẽ hoạt động 12 giờ / ngày, liên tiếp trong ba tháng, với nỗ lực chích ngừa từ 5,000 người đến 10,000 người mỗi ngày.
Vì đại dịch lan tràn, thủ đô Tokyo và 9 thành phố lớn đã ban hành tình trạng khẩn trương từ cuối tháng Tư đến cuối tháng Năm, và gần như chắc chắn sẽ phải gia hạn. Thống Đốc Hirofumi Yoshimura của quận hạt Osaka –khu vực đang bị đại dịch tấn công dữ dội nhất – cho biết sẽ loan báo quyết định gia hạn tình trạng khẩn trương nội tuần này.
Dân số toàn quốc Nhật Bản hiện nay là 126 triệu người. Theo dữ liệu của hãng thông tấn Reuters, mới chỉ có 4.4% dân số đã được chích ít nhất một liều vaccine, và 2% dân số được chích ngừa đủ hai liều. Tỷ lệ này bị coi là thấp nhất so với các cường quốc khác như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…
Có nhiều yếu tố gây trở ngại cho việc chích ngừa Covid-19 ở nước Nhật. Trước hết là do nguồn cung ứng vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer / BioNTech quá giới hạn nên mãi đến trung tuần tháng Hai chiến dịch chích ngừa mới bắt đầu được đẩy mạnh. Sau đó khi lượng vaccine tăng lên thì giới y tế lại gặp khó khăn với tình trạng thiếu nhân lực và hệ thống ghi danh bị trục trặc. Vừa có thêm hai loại vaccines của Moderna và AstraZeneca được Bộ Y Tế Nhật chuẩn thuận hôm thứ Sáu 21/5. Riêng hãng Johnson & Johnson thì đầu tuần này mới nộp đơn xin chuẩn thuận vaccine (chỉ cần chích một liều duy nhất) của họ, và phải qua tới đầu năm 2022 mới có thể bắt đầu cung cấp cho Nhật Bản.
Tin tức và hình ảnh mấy ngày qua cho thấy trung tâm chích ngừa nào cũng có từ mấy chục đến cả trăm người xếp hàng đứng chờ, nhiều người nói rằng vì lo ngại đi xe lửa đông người phải chen chúc nên họ chọn cách đi xe bus hoặc chấp nhận tốn tiền đi taxi. Ở trung tâm Tokyo và Osaka mỗi nơi đều có khoảng 280 nhân viên y tế (quân đội) và 200 y tá (dân sự) ứng trực để sẵn sàng phục vụ. Ngoài vaccine của Pfizer / BioNTech, các trung tâm còn tăng cường hai loại vaccine của Moderna và AstraZeneca vừa được chuẩn thuận kịp thời cho đợt chích ngừa này.
Kế từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020, cho tới nay Nhật Bản đã ghi nhận 716,000 trường hợp lây nhiễm Coronavirus. Tổng số tử vong là 12,203 người. Số bệnh nhân bình phục và xuất viện là 628,000 người.
Tình hình đại dịch ở Osaka (thành phố lớn thứ nhì của nước Nhật) hiện vẫn đang ở mức báo động. Mặc dù 9 triệu người dân của Osaka chỉ chiếm có 9% dân số Nhật, nhưng số tử vong tại Osaka lại chiếm tới một phần ba số tử vong trên toàn quốc. Một số bệnh viện hết cả giường nằm và máy trợ thở cho bệnh nhân. Hầu hết bác sĩ và y tá đều phải làm việc thêm giờ và lâm vào tình trạng kiệt sức. Bác sĩ Yuji Tohda, giám đốc bệnh viện Kindai University Hospital nói rằng “hệ thống y tế đang sụp đổ” vì số người bệnh quá đông, kể cả những người trẻ tuổi chứ không riêng gì thành phần cao niên, và đa số bị lây nhiễm Coronavirus biến thể từ nước Anh.
Trở lại với Thế Vận Hội mùa hè kỳ thứ 32. Hồi tháng 9 năm 2013 Ủy Ban Quốc Tế Thế Vận Hội (IOC) biểu quyết chọn Tokyo là thành phố tổ chức Olympics XXXII, dự trù diễn ra từ 24 tháng 7 đến 9 tháng 8 năm 2020. Đây là lần thứ nhì Nhật Bản có vinh dự là nước chủ nhà (lần trước là Thế Vận Hội mùa hè 1964, cũng tại Tokyo). Điều không ai ngờ tới là vào đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và lan tràn khắp thế giới. Do đó, mặc dù thành phố Tokyo đã bỏ ra ít nhất $15.4 tỷ dollars để tổ chức, mặc dù 33 vận động trường đã chuẩn bị sẵn sàng và cả triệu sản phẩm mang huy hiệu “Tokyo 2020” đã được tung ra thị trường, thế nhưng đến tháng Ba năm ngoái thì Ủy Ban IOC và chính phủ Nhật buộc lòng phải quyết định hoãn Thế Vận Hội đến tháng 7 năm 2021, đồng thời loan báo sẽ chỉ có những phái đoàn lực sĩ từ 167 quốc gia cùng ban tổ chức và các thiện nguyện viên, không đón tiếp khán giả đến coi các cuộc tranh tài thể thao.
Hồi tuần trước, phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Thế Vận Hội (IOC) là ông John Coates sau buổi họp trực tuyến kéo dài ba ngày với Ủy Ban Thế Vận Nhật Bản, tuyên bố với báo chí hôm 21 tháng 5 là “Thế Vận Hội sẽ diễn ra theo đúng chương trình chứ không thể đình hoãn lần nữa, bất kể Tokyo và các thành phố khác vẫn ở trong tình trạng khẩn trương”. Theo lời ông Coates thì ban tổ chức đã nhận được lời khuyên từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và nhiều chuyên gia y tế là ban tổ chức phải bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người tham gia và dự khán các cuộc tranh tài thể thao – bao gồm 11,000 lực sĩ và 4,400 lực sĩ khuyết tật, cũng như dân chúng nước Nhật. Ủy Ban IOC còn nhấn mạnh rằng trên 80% số người cư ngụ trong Làng Thế Vận (ở bên Vịnh Tokyo) sẽ được chích ngừa đầy đủ và không giao tiếp với bên ngoài.
Trong khi đó, Hiệp Hội Y Sĩ Tokyo (gồm 6,000 thành viên) đã chính thức gửi văn thư đến Thủ Tướng Yoshihide Suga, Thống Đốc Yuriko Koike của quận hạt Tokyo, Bộ Trưởng đặc trách Thế Vận Hội Tamayo Marukawa và chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Hội Seiko Hashimoto, yêu cầu hủy bỏ Thế Vận Hội, vì: “Chúng tôi tin rằng sự lựa chọn chính xác nhất là quý vị hãy hủy bỏ một sự kiện có thể làm tăng thêm số người bị lây nhiễm và chết vì đại dịch”.
Ông Richard Pound, thành viên cao niên nhất của Ủy Ban IOC, nói với hãng thông tấn JiJi Press rằng hạn chót để quyết định về số phận của Tokyo Olympics là vào cuối tháng 6. Cả ông Pound và Ủy Ban IOC đều khẳng định, nếu Thế Vận Hội kỳ thứ 32 không diễn ra thì có nghĩa là bị hủy bỏ hẳn, chứ không phải là đình hoãn lần thứ nhì.
Về mặt dư luận, các bản tin thông tấn ghi nhận kết quả thăm dò hồi tháng Tư cho thấy 40% dân Nhật muốn hủy bỏ Thế Vận Hội trong khi 33% muốn Thế Vận Hội hoãn lại đến một thời điểm khác. Nhưng qua tới ngày 18 tháng 5 thì tỷ lệ dân Nhật muốn hủy bỏ Thế Vận Hội đã tăng lên tới 83%.
Về phía giới doanh thương: Gần 70% chủ nhân các doanh nghiệp ở Nhật muốn hủy bỏ hoặc đình hoãn Thế Vận Hội. Chủ tịch điều hành của đại công ty Rakuten (tập đoàn kinh doanh mạng, tương tự như Amazon ở Hoa Kỳ) là ông Hiroshi Mikitani phát biểu “nước Nhật muốn tự sát thì mới nhất định tổ chức Thế Vận Hội năm 2021”.
Về mặt quốc tế, các bản tin thông tấn cho biết Ủy Ban Thế Vận Hoa Kỳ (USOPC) hôm Thứ Hai 24/5 phổ biến thông cáo nói rằng “những biện pháp phòng chống dịch tại chỗ cũng như thủ tục thử nghiệm ở các phi trường cho phép chúng tôi tin rằng phái đoàn lực sĩ Mỹ có thể tham dự Thế Vận Hội Tokyo một cách an toàn”. Nhưng mặt khác, Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại khuyến cáo công dân Mỹ “đừng du lịch Nhật Bản trong lúc này” vì “ngay cả những người đã chích ngừa cũng vẫn có thể bị lây nhiễm và lan truyền virus biến thể gây bệnh Covid-19”. Cũng nên ghi nhận thêm là hồi cuối tháng Tư, Nhật Bản nằm trong danh sách các quốc gia mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp vào “Level 3 – Reconsider travel” (nên xét lại ý định du lịch), nay đã bị đưa lên “Level 4 – Do not travel” (đừng du lịch).
Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cũng phát biểu tại cuộc họp báo sáng Thứ Ba 25/5 rằng “tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng, do đó, để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn, chúng tôi khuyến cáo các công dân Trung Quốc nên tránh du lịch nước ngoài nếu không cần thiết”.
https://www.tvvn.org/lieu-the-van-hoi-tokyo-co-bi-huy-bo-vi-covid-19-tong-hop/
Không có nhận xét nào