Header Ads

  • Breaking News

    Lee Nguyen - Philippines muốn đảo Thị Tứ thành căn cứ hậu cần và tiềm năng xung đột với Việt Nam

    Một hòn đảo, sáu bên tranh chấp.

    Toàn cảnh đảo Thị Tứ. Ảnh: Google Earth.

    Philippines muốn biến đảo Thị Tứ thành trung tâm hậu cần với tham vọng mở rộng hoạt động hải quân và tuần tra trên các vùng mà nước này tuyên bố chủ quyền. 

    Việt Nam đã lên tiếng phản đối động thái này. Hiện nay, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Nếu thỏa thuận quân sự Mỹ – Philippines (VFA) được phê chuẩn, lực lượng hải quân Philippines và Hoa Kỳ có thể dễ dàng sử dụng hòn đảo này cho các mục đích quân sự và nâng cao khả năng triển khai hải quân của họ trên Biển Đông.

    Vào tháng 5/2021, tướng Cirilito Sobejana, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines (Armed Forces of the Philippines) đã thông báo sẽ biến đảo Thị Tứ (đảo Pag-asa theo cách gọi của Philippines) trở thành “trung tâm logistic” (logistic hub) để thúc đẩy “hoạt động tuần tra chủ quyền ở biển Tây Philippines”. [1] Động thái trên được đưa ra sau khi Philippines và Trung Quốc đối đầu ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) hồi đầu tháng 4/2021.

    Bên cạnh đó, Tướng Sobejana cũng cho biết trên Bloomberg rằng quân đội Philippines đang lên kế hoạch lắp đặt các camera nhìn ban đêm có độ phân giải cao trên đảo Thị Tứ để giám sát các khu vực lân cận. “Mục tiêu của chúng tôi là đuổi các tàu dân quân biển và các tàu khác của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”, tướng Sobejana trả lời phỏng vấn trên tờ CNN Philippines. [2]

    Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì ở Trường Sa, chỉ sau đảo Ba Bình, và là hòn đảo lớn nhất mà Philippines chiếm đóng vào năm 1974. [3][4] Brunei, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam cũng có yêu sách chủ quyền đối với hòn đảo này. Đảo nằm ở cực Tây của Philippines, cách tỉnh Palawan 240 dặm. Đây là đảo duy nhất ở Trường Sa có dân thường sinh sống, với ngư dân và binh lính Philippines, và một đường băng bị hư hại dài 1,3 km được xây dựng từ những năm 1970. [5] Hiện Philippines đang tìm cách sửa lại đường băng mặc dù bị các tàu dân quân biển của Trung Quốc cản trở. Theo VOA News, đảo Thị Tứ “có khoảng 300 dân thường sinh sống cùng các cấu trúc dân sự như nhà cửa, trường học, trạm y tế, nhà máy lọc nước và đất nông nghiệp”. [6]

     


    Vị trí đảo Thị Tứ trên Biển Đông. Ảnh: Lizard Publishing/ Pinterest.

     


    Đảo Thị Tứ và các đường tuyên bố chủ quyền của các nước trong khu vực. Ảnh: Bloomberg.

    Áp lực từ Trung Quốc

    Trong năm qua, các tàu Trung Quốc đã ồ ạt tràn vào vùng biển quanh đảo Thị Tứ để ngăn trở các chuyến tàu đến đảo. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI), Trung Quốc đã cho các tàu dân quân biển bao vây vùng nước quanh đảo Thị Tứ liên tục từ tháng 12/2018 đến đầu năm 2020 để ngăn cản các tàu Philippines đưa vật tư lên đảo với mục đích xây dựng các công trình và sửa chữa đường băng. [7]

    Các tàu Trung Quốc tập trung nhiều nhất ở các rạn san hô và bãi cát ở phía Tây đảo Thị Tứ, tương đối gần Đá Xu Bi (Subi Reef, do Trung Quốc chiếm hữu thực tế vào năm 1988, cách đảo Thị Tứ 26km về phía Tây Nam) – nơi được cho là một trong những tiền đồn quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. [8][9]

    AMTI đã đăng tải những hình ảnh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar của Mỹ chụp ngày 18/12/2018 cho thấy có 88 tàu dân quân biển của Trung Quốc tiếp cận đảo Thị Tứ. [7] Các tàu này chỉ giả bộ đánh cá, mặc dù trên tàu có trang bị lưới đánh cá nhưng người trên tàu chỉ ngồi yên mà không thả lưới.

    Sáu tháng đầu năm 2021, Trung Quốc liên tục có động thái gây hấn và chèn ép Philippines trên Biển Đông, bất chấp những nỗ lực ngoại giao bài Mỹ – thân Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Duterte. [10] Tháng 1/2021, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát Biển mới cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. [11] Vào tháng 3/2021, Trung Quốc xua đội tàu đánh cá công suất lớn của mình đến Đá Ba Đầu (Whitson Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, khiến Philippines và Trung Quốc đối đầu trên biển trong nhiều tháng, trong đó đáng chú ý là vụ tàu hải quân Trung Quốc rượt đuổi tàu dân sự chở phóng viên đưa tin của Philippines. [12][13]

     


    Ảnh vệ tinh vào tháng 2/2020 cho thấy các hoạt động bồi đắp của Philippines ở đảo Thị Tứ. Ảnh: AMTI-CSIS/ Rappler.

    Philippines chuyển hướng

    Quan hệ Trung Quốc – Philippines đang trong giai đoạn căng thẳng. Hoàn cảnh trên thúc đẩy nội các của ông Duterte xích lại gần Mỹ hơn. Trong đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã tỏ thái độ cứng rắn khi gửi đi nhiều công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc, thậm chí còn đăng tải một bài viết có lời lẽ văng tục đối với Trung Quốc làm dậy sóng mạng xã hội Twitter vào ngày 3/5/2021. [14][15]

    Các thượng nghị sĩ nước này cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi thúc giục chính phủ tham gia hợp tác hải quân với Mỹ và tỏ ra phẫn nộ đối với chính sách thân Bắc Kinh của ông Duterte.[16] Ngày 10/4/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III để thảo luận về tình hình Biển Đông, về các động thái của Trung Quốc cũng như về việc nâng cao hợp tác quốc phòng và tái khẳng định giá trị của Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng Mỹ – Philippines (VFA). [17]

    Các hành động xâm lấn của Bắc Kinh trên Biển Đông trong thời gian gần đây đã làm lan tỏa tư tưởng chống Trung Quốc trong công chúng Philippines. Trong một cuộc khảo sát năm 2020 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tiến hành, có đến 86,6% số người Philippines tham gia khảo sát cho rằng việc Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác là một “mối quan tâm hàng đầu”.[18] Bản thân ông Duterte cũng phải đối mặt với nhiều áp lực khi chính sách thân Bắc Kinh của ông bị các đối thủ chính trị chỉ trích. Một trong số đó là Thượng nghĩ sĩ kiêm võ sĩ quyền anh Manny Pacquiao (với biệt danh Pacman), người có tham vọng tranh cử ghế tổng thống vào năm 2022. [19]

    Nếu Philippines thành công trong việc xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Thị Tứ, năng lực hải quân của Philippines trong khu vực sẽ thay đổi đáng kể vì Hoa Kỳ có thể tiến hành các hoạt động quân sự chung trên hòn đảo chiến lược này. Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng Mỹ – Philippines, vốn được xem là hiệp ước phòng thủ chung và là trọng tâm trong mối quan hệ liên minh truyền thống giữa hai nước, hiện đã hết hiệu lực, đã được sửa đổi và đệ trình lên văn phòng của Tổng thống Duterte. [20] VFA chưa được phê chuẩn và có thể quan hệ Mỹ – Philippines sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Philippines diễn ra vào năm sau.

    Có thể thấy, những động thái gần đây của chính phủ Duterte, bao gồm cả việc lên kế hoạch xây căn cứ quân sự trên đảo Thị Tứ cho thấy Philippines đang dần quay trở lại quỹ đạo của Mỹ sau 5 năm thân cận với Bắc Kinh.

     


    Tàu hải quân Philippines ở gần đảo Thị Tứ vào tháng 4/2017. Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images.

    Thay đổi này có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

    Trước thông tin Philippines có kế hoạch nâng cấp đảo Thị Tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối vào ngày 27/05/2021: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, cũng như các quyền liên quan của Việt Nam với quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.” [21]

    Phát ngôn này thể hiện rõ quan điểm mà nhà nước Việt Nam duy trì từ lâu, đó là kêu gọi các bên giữ nguyên hiện trạng các thực thể trên Biển Đông. Quan điểm này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Việt Nam thúc đẩy, theo lời của Đại tướng Phùng Quang Thanh trả lời báo chí trong nước năm 2014: “Không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm”. [22]

    Tuy nhiên, các bên tham gia tranh chấp, bao gồm cả Việt Nam, đều tìm cách xây dựng và bồi đắp các thực thể theo hướng quân sự hóa. Việt Nam hiện đã triển khai [23] hệ thống tháp truyền tín hiệu, boongke, tên lửa phòng không, pháo binh và căn cứ quân sự trên Đá Tây [24] và Đảo Sinh Tồn [25] thuộc quần đảo Trường Sa.

    Hiện nay, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do đó, việc Philippines xây căn cứ quân sự trên đảo Thị Tứ là trực tiếp xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam. Hơn nữa, nếu VFA được phê chuẩn, lực lượng hải quân Philippines và Hoa Kỳ có thể thuận lợi sử dụng đảo cho các mục đích quân sự và nâng cao khả năng triển khai hải quân của họ trên Biển Đông. Điều này có thể có lợi cho Việt Nam vì sẽ giúp cân bằng cán cân quân sự trong khu vực và ngăn chặn Trung Quốc bá quyền trên biển. Tuy nhiên, đồng thời, hải quân Philippines cũng có thể có cơ hội cạnh tranh với hải quân Việt Nam trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà hai nước đang tranh chấp.

    https://www.luatkhoa.org/2021/06/philippines-muon-dao-thi-tu-thanh-can-cu-hau-can-va-tiem-nang-xung-dot-voi-viet-nam/

    Không có nhận xét nào