Header Ads

  • Breaking News

    Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” dưới lăng kính Việt Nam đương đại

    Trong khuôn khổ buổi lễ họp mặt cựu học viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) được tổ chức tại Hội An trong tháng Tư vừa qua, các lứa cựu học viên và học viên của Trường đã có dịp lắng nghe và trò chuyện với nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà văn hóa Nguyên Ngọc về tư tưởng và dấu ấn thời đại của Phan Châu Trinh. Sau 95 năm ngày mất, những giá trị tư tưởng Phan Châu Trinh vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, khiến thế hệ trí thức trẻ đời sau còn trăn trở.


    Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh

    Phan Châu Trinh (1872-1926) là một trong những lãnh tụ của phong trào Duy tân trong thập niên đầu thế kỷ 20. Sau khi được tiếp cận Tân thư – tức Sách mới – chứa đựng những tư tưởng chính trị của phương Tây và thế giới thời bấy giờ, Phan Châu Trinh đã hình thành tư tưởng canh tân đất nước, làm cho nước mạnh dân giàu, nhằm tránh bị nước ngoài đô hộ.

    “[Phan Châu Trinh] nói rằng, điều kỳ lạ là ta có một nước rất văn minh cai trị ta trong suốt cả gần một thế kỷ nhưng ta không học được cái gì của họ cả. Ông cho rằng phải đi học đối thủ của mình để trở nên ngang bằng họ, khi đó làm bạo lực cách mạng hay tìm cách giành lại hòa bình thì mới tính sau,” nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ. Đối với Phan Châu Trinh, điều kiện quan trọng nhất để giành được độc lập là ta phải có một đất nước phát triển, phải “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”.


    Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cùng nhà Văn hoá Nguyên Ngọc trao đổi với các học viên FSPPM.

    Có rất nhiều văn bản đề cập đến việc Phan Châu Trinh chú tâm nhất đến “khai dân trí”, tức cải tổ lại nền giáo dục, dạy những tri thức mới, mở mang đầu óc con người. Thế nhưng theo nhà văn Nguyên Ngọc, Phan Châu Trinh rất coi trọng “hậu dân sinh”: “Ông quan niệm về con người mà chúng ta xây dựng … trước hết là phải có nghề, thứ hai là phải biết kinh doanh, thứ ba là phải có tinh thần mạo hiểm phiêu lưu”.

    Đây chính là điểm khác biệt về mặt tư tưởng của Phan Châu Trinh đối với các bậc sĩ phu cùng thời. Đối với Phan Châu Trinh, để tránh bị lệ thuộc vào nước ngoài, ta cần phải chấn hưng nghề nghiệp, nâng cao tiềm lực kinh tế, tài chính của đất nước. Ông cho rằng một người tiến bộ phải là một người có nghề bởi chỉ khi ta có thể tự lực, ta mới tự chủ, mới “chấn dân khí” được.

    “Mình không nên nghĩ cái nào trước cái nào sau đối với mối quan hệ của Khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh. Để thoát khỏi thân phận nô lệ của một đất nước bị đô hộ, chúng ta phải phát triển kinh tế, mở mang văn hóa, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường sức mạnh của đất nước. Chúng ta cần xây dựng một nguồn nhân lực mới, có khả năng triển khai những tư tưởng sáng tạo, cấp tiến. Thiếu vắng giai cấp này, Việt Nam không thể phát triển thành một cường quốc được.

    “Không thời điểm nào tốt hơn thời điểm này để chúng ta cùng suy ngẫm lại tư tưởng Phan Châu Trinh. Với mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một siêu đô thị sáng tạo, để Việt Nam trở thành một quốc gia cường thịnh vào năm 2045, chúng ta cần quan tâm phát triển sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia hơn nữa. Chỉ khi “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, Việt Nam mới có thể khẳng định vị thế trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright chia sẻ.

    Tư tưởng Phan Châu Trinh và sứ mệnh chấn hưng giáo dục

    Phan Châu Trinh là một con người cô đơn. “Phan Châu Trinh cực kỳ sáng suốt nhưng thất bại là tất yếu vì ông đã đi trước thời đại khoảng 200-300 năm”, nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét. Vì lẽ đó, hậu thế cần phải tìm hiểu căn cốt tư tưởng Phan Châu Trinh, phải học từ thất bại của ông thì mới có thể chuyển hóa xã hội và phát triển Việt Nam trở thành cường quốc.

    Phan Châu Trinh là một trong những nhân vật đáng chú ý nhất trong lịch sử và văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông, một vĩ nhân có tầm nhìn xa trông rộng, đã hiểu thấu những vấn đề nan giải mà dân tộc Việt Nam thời bấy giờ cần sửa đổi. Đấy là lý do tại sao tư tưởng chủ đạo của ông chính là phải đào tạo nên mẫu hình của con người thời đại mới, ham hiểu biết, không ngừng học hỏi, có tinh thần mạo hiểm, có chí tự lực tự cường và hết lòng phụng sự đất nước.

    Phải chăng hậu thế chúng ta, dù đã đạt được những thành công nhất định trong công cuộc giành lại độc lập chủ quyền, vẫn chưa đưa Việt Nam phát triển đúng tầm như Phan Châu Trinh đã kỳ vọng? Theo nhà văn Nguyên Ngọc, thế hệ người Việt Nam hôm nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng lạc hậu với thế giới, chưa hoàn toàn hòa nhập được vào dòng văn minh chung. “Chúng ta có một nền giáo dục chưa xứng tầm với dân tộc và đất nước này”, nhà văn Nguyên Ngọc nhìn nhận. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng “giáo dục không phải muốn là thay đổi ngay được, không phải muốn là xóa đi làm lại”.

    Nhưng điều đó không có nghĩa rằng thay đổi là bất khả thi. Trong thời đại ngày nay, những tư tưởng của Phan Châu Trinh càng có ý nghĩa thời sự hơn bao giờ hết. Quan niệm học tập để nâng cao trình độ hiểu biết nhưng phải gắn với thực hành cũng chính là quan niệm mà những trường, lớp, các cơ sở giáo dục cần đặt lên làm ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng một tầng lớp “con người mới”. Chúng ta cần dạy và được dạy những lý thuyết hiện đại và tri thức toàn cầu, nhưng đồng thời, ta cần có sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam để có thể áp dụng những kiến thức này một cách hiệu quả. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể trở thành những con người “biết suy nghĩ, chọn lựa, và có trách nhiệm với chọn lựa của mình” chứ không đơn thuần là một con người “công cụ”.

    Tư tưởng đó cũng chính là “chiếc la bàn” định hướng quá trình phát triển của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. Qua một phần tư thế kỉ, Trường đã góp phần ươm tạo những thế hệ người Việt mới – hơn 1500 cựu học viên – những người lãnh đạo và quản lý đang kiến tạo những thay đổi tích cực trong cộng đồng của họ – trong các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức học thuật và xã hội trên khắp cả nước. Những giá trị mà Trường FSPPM dày công vun đắp – chính trực, công tâm, dung hợp, sáng tạo, trách nhiệm, và phản biện trên tinh thần xây dựng – đã trở thành niềm tự hào của cộng đồng Fulbright cũng như tạo cảm hứng cho các cộng đồng học thuật khác ở Việt Nam theo đuổi con đường cải cách, chấn hưng giáo dục.

    Thạch Thảo

    Không có nhận xét nào