Công lợi, tự do cá nhân và quân bình, đâu là lựa chọn đúng?
Ảnh: Dave Cutler/ PNAS.
Cái gì là đúng, cái gì là sai có thể không phải là câu hỏi thường trực trong đầu mỗi người. Rốt cuộc thì rất ít người trong chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi triết học ghê gớm đó với mỗi quyết định thường nhật.
Phần lớn lựa chọn hành động của mọi người đến từ thói quen và là sản phẩm của tập thể. Ta làm vì cha mẹ, thầy cô, chính quyền bảo ta làm. Ta thấy đúng vì đa phần mọi người xung quanh thấy đúng. Còn đa số thấy đúng vì họ cũng được dạy, cũng chứng kiến những người xung quanh làm vậy.
Đối với nhiều người, ý niệm đúng – sai là một thứ có sẵn trong tự nhiên. Chúng ta chỉ việc nhận biết, học và làm theo chúng. Nó như một thứ đạo Trời.
Lịch sử của triết học lại cho chúng ta một cái nhìn khác. Quan sát cách các triết gia chiêm nghiệm và tranh luận suốt hàng ngàn năm qua giúp chúng ta nhận ra những khái niệm đạo đức, đúng sai hay bản chất của con người đều là sản phẩm của sự tiến hóa về mặt nhận thức của nhân loại.
Các lựa chọn xưa nay của nhân loại đều là sản phẩm của quá trình tiến hóa đó. Chúng không mặc nhiên đúng, không tự nhiên sai, và luôn có thể thay đổi theo nhận thức mới của con người.
***
Câu hỏi về đúng – sai thường xuất hiện khi đứng trước các lựa chọn xung đột về lợi ích. Dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới hơn một năm qua là một tình huống điển hình như vậy.
Cách ly phong tỏa toàn bộ khu vực, dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh tế để tránh lây nhiễm hay để xã hội tiếp tục vận hành và khuyến khích người dân tự bảo vệ mình? Buộc người nhiễm bệnh và nghi nhiễm vào khu cách ly riêng hay cho phép họ tự cách ly tại nhà? Ai được ưu tiên chữa bệnh, hay được tiêm vaccine phòng bệnh trước trong điều kiện nguồn lực thiếu thốn?
Đó đều là những lựa chọn không dễ dàng, dễ gây tranh cãi và cần được tranh luận công khai.
Hầu hết các triết gia lớn đều không còn sống ở thời nay để chứng kiến sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng các tư tưởng của họ thì vẫn đang có ảnh hưởng sâu rộng đến các quyết sách của con người hiện đại.
Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong quyển sách “Justice: What’s the right thing to do?” của tác giả Michael Sandel, giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard, Mỹ. [1] [2] Cuốn sách được xuất bản năm 2010, là một hành trình giới thiệu các nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với triết học chính trị (political philosophy) cùng các luồng tư tưởng nổi bật của họ.
Quen thuộc nhất trong số này, và cũng có sức chi phối lớn đến thời điểm hiện tại, là ba chủ thuyết khác biệt: chủ nghĩa công lợi (utilitarianism), chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) và chủ nghĩa quân bình (egalitarianism).
Nhiều lựa chọn khó khăn được đưa ra trong thời kỳ dịch bệnh có thể được soi chiếu qua góc nhìn của các chủ thuyết trên.
***
Chủ nghĩa công lợi do triết gia người Anh Jeremy Bentham (1748-1832) sáng lập và cổ xúy. Nó dựa trên một cơ sở giản dị và có vẻ hiển nhiên: con người thích những thứ có lợi và ghét những thứ có hại, thích tìm kiếm hạnh phúc và không muốn gánh lấy đau khổ. Theo đó, thứ đúng đắn nhất, hợp đạo đức nhất mà con người nên làm là bất kỳ điều gì có thể “tối đa hóa lợi ích” (maximize utility). Lợi ích ở đây là những thứ tạo ra hạnh phúc và giảm bớt đau khổ.
Trên phương diện quản lý xã hội, chủ nghĩa công lợi của Bentham được áp dụng với một bài tính đơn giản: so sánh chi phí và lợi ích (cost – benefit analysis). Lựa chọn nào có tổng lợi ích lớn hơn tổng chi phí là thứ nên làm, ngược lại thì không nên làm.
Chân dung Jeremy Bentham, ông tổ của chủ nghĩa công lợi. Tranh của Henry William Pickersgill (1829).
Dựa vào đâu để quyết định có nên phong tỏa toàn bộ một thành phố đang có dịch hay không? Theo quan điểm của chủ nghĩa công lợi, nếu thiệt hại từ việc phong tỏa thấp hơn thiệt hại khi để dịch bệnh lây lan, việc phong tỏa là lựa chọn đúng.
Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào so sánh được chi phí và lợi ích. Người ta có thể tính toán được thiệt hại kinh tế khi phong tỏa và dừng hoạt động sản xuất. Nhưng làm thế nào xác định được chi phí nhân mạng? Theo các triết gia công lợi, mọi thứ đều có thể được định lượng, kể cả mạng người. Ví dụ như chi phí thiệt hại từ việc mất đi một người có thể được tính toán dựa trên thu nhập và thành quả lao động hiện tại của người đó, nhân với số năm còn lại so với tuổi thọ trung bình dự kiến.
Bằng cách lượng hóa mọi thứ, quy về một mẫu số chung, những người theo thuyết công lợi có thể dễ dàng đưa ra quyết định chỉ bằng thao tác so sánh lợi ích và thiệt hại.
Những người phản đối học thuyết công lợi chỉ ra rằng nó có thể xâm phạm quyền lợi của cá nhân trong xã hội, cũng như họ nghi ngờ việc mọi lựa chọn trên đời đều có thể quy về một chuẩn giá trị chung để lượng hóa và so sánh.
Ý kiến phản đối phổ biến nhất đến từ những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, đại diện nổi bật là triết gia Friedrich A. Hayek (1899-1992) và nhà kinh tế học Milton Friedman (1912-2006).
Trọng tâm trong chủ nghĩa tự do cá nhân, như tên gọi của nó, nằm ở ý niệm rằng mỗi người đều có quyền tự quyết (self-ownership) đối với tài sản, cơ thể và sinh mạng của mình. Vì vậy, đòi hỏi cá nhân phải hy sinh cho lợi ích của tập thể, như cách chủ nghĩa công lợi xác lập, là một việc vừa vô đạo đức vừa có hại cho toàn bộ xã hội trong lâu dài.
Nhìn qua thì chúng ta dễ nghĩ rằng lựa chọn của Việt Nam khi chống dịch gần với chủ nghĩa tự do cá nhân hơn là chủ nghĩa công lợi.
Dù số người tử vong do COVID-19 tại Việt Nam ở mức thấp, nhưng chính quyền vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa gây thiệt hại lớn về kinh tế nhằm hạn chế dịch lây lan.
Tuy vậy, lựa chọn của chính quyền dựa phần lớn trên thuyết công lợi chứ không phải đặt trọng tâm ở cá nhân.
Lý do được viện dẫn nhiều nhất cho các quyết định phong tỏa, giãn cách là việc tránh cho hệ thống y tế quá tải, khi có quá nhiều người bệnh cùng lúc phải nhập viện.
Thử tưởng tượng một trường hợp trong tương lai: tỷ lệ tử vong vẫn giữ nguyên như hiện tại, nhưng tỷ lệ người mắc bệnh không triệu chứng tăng lên, nghĩa là càng ngày càng ít người cần được nhập viện chăm sóc, hệ thống y tế không còn phải căng mình ra chống đỡ vất vả. Trong trường hợp đó, rất khó có thể thực hiện giãn cách hay phong tỏa.
Việc dồn các ca nghi nhiễm vào một khu cách ly tập trung có phải là một quyết sách đúng đắn? Ảnh: chinhphu.vn.
Một ví dụ khác là việc cách ly người nghi nhiễm. Ở phần lớn các nước phương Tây, những người nghi nhiễm, hoặc cả nhiễm bệnh, được khuyến khích tự cách ly theo dõi tại nhà. Việc bắt nhốt các ca nghi nhiễm vào một chỗ không phải là lựa chọn được xã hội đồng tình, khi nó vi phạm quyền tự do cá nhân của mỗi người.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế gần đây đã cho phép một số trường hợp F1 cách ly tại nhà thay vì bắt buộc phải vào khu cách ly tập trung như trước. [3] Quyết định này không dựa trên việc tôn trọng quyền tự do cá nhân (chỉ mới cách đây một tháng, một trường hợp F1 không chịu đi cách ly tập trung còn bị lực lượng chính quyền đến tận nhà cưỡng ép). [4] Nó thuần túy là một lựa chọn trên phương diện công lợi, khi khu cách ly ngày càng quá tải và không đảm bảo an toàn cho người bên trong.
Phân phối vaccine là một trường hợp nữa thể hiện ưu tiên khác biệt.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc phân phối vaccine trong điều kiện thiếu hụt, nhóm đối tượng ưu tiên hàng đầu là nhân viên y tế, sau đó là nhóm dân cư lớn tuổi có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm bệnh. [5] Trong khi đó, ở những đợt tiêm vaccine vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh lực lượng y tế đã được tiêm phòng, công nhân và nhân viên trong các khu công nghiệp là nhóm được ưu tiên tiếp theo. [6] Lý do đưa ra vì đó là “lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội”. Đây là một lựa chọn về mặt công lợi điển hình, khi lợi ích của việc tiêm vaccine trước cho nhóm dân cư lớn tuổi bị đánh giá thấp hơn lợi ích của việc tiêm cho công nhân sản xuất.
Vấn đề phân phối vaccine có thể được xem xét qua một góc nhìn khác, từ chủ nghĩa quân bình, mà đại diện nổi tiếng là triết gia người Mỹ John Rawls (1921-2002) với lý thuyết về “nguyên tắc khác biệt” (difference principle).
John Rawls, triết gia chính trị Mỹ, người nổi tiếng với chủ nghĩa quân bình (egalitarianism). Ảnh: TJP
Khác với hình dung thông thường, và cả những chỉ trích của nhiều người khi nghĩ đến chủ nghĩa quân bình, Rawls không chủ trương cào bằng mọi sự khác biệt, biến tất cả mọi cá nhân trong xã hội đều như nhau.
Ông thừa nhận thực tế rằng mỗi cá nhân đều khác biệt, nhưng thực tế đó, theo ông, không ngăn cản việc xã hội nỗ lực điều chỉnh để tạo ra một hệ thống có lợi nhất cho tất cả, trong đó đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Nguyên tắc khác biệt của Rawls hướng đến việc xây dựng một xã hội mà ở đó mỗi cá nhân có cơ hội như nhau và không gian tự do để phát triển hết mức có thể, đồng thời thành quả từ sự phát triển đó được phân phối để tạo ra lợi ích lớn nhất cho nhóm thiểu số bất lợi trong xã hội.
Áp dụng nguyên tắc của Rawls vào trong chính sách vaccine của Việt Nam, có thể hình dung ông sẽ không phản đối việc tiêm vaccine trước cho đối tượng công nhân. Điều kiện ở đây là nhóm đối tượng yếu thế và có nguy cơ lớn nhất – người lớn tuổi, người có bệnh nền, người nghèo – được chăm sóc bảo vệ y tế đầy đủ, đồng thời được hưởng thành quả tốt nhất từ việc đảm bảo sản xuất cho nền kinh tế, so với mọi trường hợp khác.
***
Các chính sách thời dịch bệnh đúng hay sai không thể chỉ được xác định bằng việc chúng dựa trên chủ thuyết nào. Các triết gia, dù tự tin đến đâu với phát kiến của mình, cũng chỉ làm nhiệm vụ cung cấp một công cụ, một góc nhìn khác để chúng ta soi chiếu.
Vấn đề quan trọng của mọi quyết sách là chúng cần phải được thảo luận công khai, tranh luận rõ ràng, và được ít nhất là sự đồng thuận của phần lớn người dân.
Đó là cách duy nhất để học được từ những lựa chọn sai của quá khứ, đưa ra những lựa chọn đúng cho hiện tại, và để lại các bài học có giá trị cho tương lai.
Cuốn sách “Justice: What’s the right thing to do?” đã được dịch sang tiếng Việt, với tựa đề “Phải trái đúng sai” (Nhà xuất bản Trẻ, 2012).
https://www.luatkhoa.org/2021/06/phai-trai-dung-sai-thoi-dai-dich/
Không có nhận xét nào