Sự lựa chọn Chính Thể Liên Bang hay Liên Hiệp đã dẫn tới Cuộc Nội Chiến Mỹ (1861-65) và 600 ngàn người phải hy sinh.
Hàng năm, toàn quốc Hoa Kỳ cử hành Memorial Day tức Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Năm để tỏ lòng tri ân tất cả các chiến sĩ đã bỏ mình cho đất nước trong tất cả các cuộc chiến.
Năm nay - 2021 - ngày lễ đó rơi vào ngày Thứ Hai, 31 tháng Năm.
Nguyên thủy, tại Miền Nam Hoa Kỳ có nhiều người thường đem hoa tới cắm tại các ngôi mộ của những người lính tử trận thuộc cả hai miền trong Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ 1861- 1865 và việc đó đã trở thành truyền thống và được gọi là Decoration Day (Ngày Hoa Trang).
Có nhiều thành phố sớm tổ chức Ngày Tưởng Niệm như Charleston (South Calonia), Boalsburg (Pennsylvania), Richmond (VA), Carbondale (Illinois), Columbus (Mississippi).
Cuộc Nội Chiến (Civil War, 1861-1865) này nổ ra chỉ vì đầu óc bảo thủ không thức thời của nhóm lãnh đạo 11 tiểu bang Miền Nam khi họ muốn ly khai khỏi Liên Bang để thiết lập một thể chế Liên Hiệp trong đó mỗi tiểu bang hoàn toàn tự quản.
Sự kiện này đi ngược lại ý muốn ban đầu của đa số đại biểu quốc hội lục địa là kết hợp tất cả các tiểu bang thành một Liên Bang dưới một bóng cờ và một danh hiệu chung là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Theo Giáo Sư David Blight, Khoa Sử, Yale University, ngày tưởng niệm đầu tiên do những người nô lệ được giải phóng tổ chức tại sân đua lịch sử ở Charleston (SC) vào năm 1865. Sân này vốn là trại giam cũ của Khối Liên Hiệp và cũng là mồ chôn tập thể những binh sĩ Liên Bang bị bắt.
Ngày nay, không ngạc nhiên gì khi thấy tại tất cả các nghĩa trang quân đội, cứ vào cuối tháng Năm, không ai bảo ai, người ta đem hoa tới cắm trên các ngôi mộ dù không phải là thân nhân của họ. Tục lệ này tương tự như ngày Lễ Thanh Minh còn gọi là Lễ Tảo Mộ của người Tàu và người Việt: hàng năm cứ tới tháng Ba âm lịch là con cháu ra mồ mả ông bà cha mẹ quét dọn, cắm hoa, và thắp nhang. Tiên Ðiền Nguyễn Du đã viết:
Thanh Minh trong tiết tháng Ba
Lễ là Tảo Mộ, hội là Ðạp Thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
(Kiều)
*
Ở Hoa Kỳ, nơi nào được nhìn nhận là nơi khai sinh ra Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong?
Và, những nhân vật nào đã đứng ra vận động để có một ngày toàn quốc tưởng niệm tới các chiến sĩ đã bỏ mình cho đất nước?
Sau cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ - American Civil War (1861- 1865), Miền Nam cũng như Miền Bắc Hoa Kỳ có những ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong khác nhau. Vì vậy đã có nhiều nhân vật nghĩ tới việc hàn gắn vết thương của nội chiến trong đó Miền Nam đã ly khai khỏi Liên Bang Hoa Kỳ để thành lập một Liên Hiệp các tiểu bang (Confederacy) và Miền Nam muốn duy trì chế độ nô lệ còn Miền Bắc chủ trương giải phóng nô lệ. Miền Bắc chính thức gọi cuộc chiến đó là “Cuộc Nổi Loạn” (War of Rebellion). Miền Nam gọi đó là “Cuộc Chiến giữa các Tiểu Bang” (War between the States”.
Cả hai miền đều đã chiến đấu cho lý tưởng của riêng họ, và cuối cùng thì Miền Bắc thắng. Cuộc nội chiến tuy chỉ kéo dài 5 năm nhưng ở cả hai miền, con số thương vong thật là lớn lao: hơn 4 triệu người tham dự và hơn 600 ngàn người hy sinh.
Có nhiều bài viết nói về những giai đoạn bắt đầu của Memorial Day hay Ngày Tưởng Niệm và có hơn hai chục thành phố nhận là nơi khai sinh ra Ngày Tưởng Niệm. Bằng chứng là có những nhóm các bà trong các tổ chức ở Miền Nam đã từng tới các nấm mộ để cắm hoa trước khi Cuộc Nội Chiến chấm dứt và có bài ca: “Hãy Quỳ Xuống Nơi Những Người Thân Yêu của Chúng Ta Ðang An Giấc” in năm 1867 của Nella L. Sweet với hàng chữ đề: “Tặng cho các Bà của Miền Nam đang trang trí những Ngôi Mộ của những Tử Sĩ của Liên Hiệp”.
Hiện nay thật là khó chứng minh đầy đủ những nguồn gốc của ngày lễ tưởng niệm.
Rất có thể là đã có nhiều thành phố tổ chức những ngày tưởng niệm đầu tiên riêng rẽ cho đến khi nổ ra phong trào mà Tướng John Alexander Logan là người khởi xướng khi ông tuyên bố rằng điều quan trọng không phải là ai là người thật là người đầu tiên tiến hành Ngày Tưởng Niệm; điều quan trọng là Ngày Tưởng Niệm đó đã được thiết lập; Ngày Tưởng Niệm không phải là để phân chia, mà là hòa giải; là cùng đến với nhau để vinh danh những người đã hy sinh tất cả.
Ngày 5 tháng 5, 1868, với tư cách là Tổng Tư Lệnh Cộng Hòa Ðại Quân Ðội (Grand Army of The Republic), một tổ chức của các cựu chiến binh, Tướng Logan đưa ra tuyên bố rằng “Ngày Hoa Trang, Decoration Day” nên được toàn quốc tưởng niệm. Cùng năm đó, lần đầu tiên toàn quốc cử hành Ngày Tưởng Niệm vào ngày 30 th áng 5, và ngày này được chọn bởi vì nó không phải là ngày tưởng niệm của một trận chiến nào.
Nhiều tiểu bang Miền Nam từ chối Ngày Hoa Trang (Decoration Day) vì lòng thù nghịch với Quân Ðội Liên Bang và cũng bởi vì có ít cựu chiến binh của Quân Ðội Liên Bang sống ở Miền Nam.
Nhiều bang của Miền Nam chỉ nhìn nhận Ngày Tưởng Niệm (Memorial Day) sau Thế Chiến Thứ I (1914- 1918) vì lẽ nhiều cựu chiến binh Thế Chiến Thứ I gốc Miền Nam mặc dầu họ vẫn tiếp tục tổ chức Ngày Liên Hiệp Tưởng Niệm (Confederate Memorial Day) riêng biệt với những ngày tháng khác nhau tùy tiều bang, tỉ dụ, Texas tưởng niệm vào ngày 19 tháng Một; Alabama, Florida tưởng niệm ngày 26 tháng Tư. Ðặc biệt ngoại lệ là tại Columbus, Mississipi, trong Ngày Hoa Trang năm 1866, người ta tưởng niệm những người đã hy sinh thuộc cả Liên Bang lẫn Liên Hiệp.
Danh xưng “Memorial Day” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1882 nhưng mãi tới sau Thế Chiến Thứ II (1939- 1945) mới thực sự phổ biến và được chính thức công bố bởi luật Liên Bang năm 1967.
Ngày 28 tháng Sáu, 1968 dưới thời TT. Lyndon B. Johnson (1963-1969), Quốc Hội HK thông qua Ðạo Luật Ngày Nghỉ Quân Ðội tháng 5
Ðạo luật này đem 4 ngày nghỉ truyền thống vào ngày Thứ Hai cốt tạo một dịp nghỉ cuối-tuần ba-ngày. Bốn ngày nghỉ đó là: Presidents’ Day (Ngày Tổng Thống; nguyên là Sinh Nhật của TT Washington), Ngày Columbus Day, Ngày Veterans Day (Ngày Cựu Chiến Binh), và Memorial Day (Ngày Tưởng Niệm).
Sự thay đổi này đưa ngày Tưởng Niệm 30.5 trước đó vào ngày Thứ Hai cuối cùng của tháng Năm.
Máu đào của hàng trăm ngàn chiến binh đã đỏ thắm các cánh đồng của cả hai miền Nam và Bắc gợi ý cho nhà thơ Monia Michael lấy loại hoa poppy để trang trí trong các nghĩa trang tử sĩ. Hoa poppy có màu đỏ thắm và dễ trồng. Nhà thơ viết 4 câu thơ tứ cú bát âm như sau:
We cherish too, the Poppy red
That grows on fields where valor led
It seems to signal to the skies
That blood of heroes never dies
Ta trân quý đóa Poppy đỏ thắm
Mọc trên đồng nơi dũng cảm nằm phơi
Như truyền tới trời xanh kia tín hiệu
Máu anh hùng bất diệt chẳng hề vơi
(Hải Bằng.HDB)
Monia nghĩ ra việc mang những bông poppies đỏ vào dịp Memorial Day để vinh danh những người đã hy sinh cho đất nước trong chiến tranh. Bà đã bán những bông hoa này và lấy tiền giúp các binh sĩ có cuộc sống khó khăn.
Sau đó, biết được tập tục này, bà Guerin ở Pháp đã làm những bông poppy đỏ thắm để gây quỹ giúp các trẻ em mồ côi vì chiến tranh và những quả phụ. Truyền thống này lan ra nhiều nước.
Năm 1921, Liên Minh Trẻ Em Pháp-Mỹ (Franco-American Children’s League) bán hoa poppies trên toàn quốc để giúp trẻ mồ côi vì chiến tranh ở Pháp và Bỉ.
Năm 1948, Bưu Ðiện Hoa Kỳ vinh danh bà Guerin (Gơ Ranh), người sáng lập ra phong trào Poppy Toàn Quốc bằng cách phát hành tem 3 xu màu đỏ có in hình bà.
Tuy nhiên, ý nghĩa của Ngày Tưởng Niệm đã phai mờ dần trong vài thập niên nên Nghị Quyết “Phong Trào Toàn Quốc Tưởng Niệm” đã được thông qua vào tháng Mười Hai năm 2000 yêu cầu mọi công dân Hoa Kỳ vào lúc 3 giờ chiều, giờ địa phương: “Hãy tự nguyện tiến hành Phút Tưởng Niệm theo cách riêng của mình bằng cách ngưng bất cứ việc gì đang làm cho một phút mặc niệm” và năm 2004, Washington, D.C. tổ chức cuộc diễn hành đầu tiên cho Ngày Tưởng Niệm.
Tóm lại, Ngày Tưởng Niệm đã được Tướng John A. Logan, tổng chỉ huy Ðại Quân Ðội của Nền Cộng Hòa, chính thức tuyên bố ngày 5 tháng Năm, 1868 và lần đầu tiên Lễ Tưởng Niệm được cử hành vào ngày 30 tháng Năm, 1868 khi các vòng hoa được đặt trên các ngôi mộ của các chiến sĩ của Miền Nam và Miền Bắc tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Washington, D.C.
Năm 1873, New York là tiểu bang đầu tiên chính thức nhìn nhận nghỉ Ngày Tưởng Niệm. Tới năm 1890, tất cả các tiểu bang phía bắc nhìn nhận ngày nghỉ lễ đó. Tuy nhiên Miền Nam đã từ chối nhìn nhận ngày nghỉ lễ đó và họ vinh danh các tử sĩ vào những ngày riêng rẽ cho đến sau Thế Chiến Thứ I (1914 - 1918).
Tháng Năm, 1966, Tổng Thống Lyndon Johnson chính thức tuyên bố Watreloo New York là nơi khai sinh ra Ngày Tưởng Niệm. Ngôi làng Waterloo sở dĩ được chọn là bởi vì nơi đó hàng năm có tổ chức Ngày Tưởng Niệm vào mồng Năm tháng Năm kể từ 1866 và cũng rất có thể là bời vì Tướng John Murray, một nhân sĩ của Waterloo, và Tướng John A Logan đã đưa ra lời kêu gọi toàn quốc lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm.
*
Hiện nay thì hầu hết mọi tiểu bang đều nhìn nhận Ngày Tưởng Niệm vào ngày Thứ Hai cuối cùng của tháng Năm mặc dầu nhiều tiểu bang phía Nam vẫn còn duy trì những tưởng niệm phụ riêng rẽ cho các tử sĩ của Liên Hiệp như tại Texas: ngày 19 tháng Một; tại Allabama, Florida, Georgia, và Mississippi: ngày 26 tháng Tư; tại South Carolina: ngày 10 tháng Năm; và tại Louisiana, Tennessee: ngày 3 tháng Sáu (Jefferson Davis’ birthday).
Tác giả: John McCrae sinh ở Ontario, theo học Guelph Collegiate Vocational Institute, được huấn luyện về Pháo Binh Hoàng Gia Canada. Ông gia nhập Zeta Psi Fraternity và xuất bản thi tập đầu tay.
Bạn của ông, Trung Úy Alexis Helmer, tử trận. Buổi tang lễ đã gợi ý cho ông viết bài “IN Flanders Fields” – “Trong Chiến Địa Flandres - vào ngày 3 tháng 5, 1915 và lần đầu tiên được đăng trong tạp chí Punch
Ông qua đời ngày 28 tháng 1, 1918 vì bịnh sưng phổi.
In Flanders Fields
In Flanders fields the poppies blow
Between the crosses, row on row,
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heard amid the guns below.
We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved, and now we lie
In Flanders fields.
Take up our quarrel with the foe;
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high.
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields.
Lieut.-Col. John McCrae
(1872-1918)
Hải Bằng.HDB Phỏng Dịch
Trong Chiến Địa Flanders
Chiến trường anh túc nở hoa
Những cây thập giá mở ra hàng hàng
Dấu ghi địa điểm, không gian
Sơn ca ngạo nghễ hót vang, lượn là
Thoảng nghe tiếng súng vọng xa
Chúng ta đã chết. Vừa qua vài ngày
Bình minh cảm, hoàng hôn say
Yêu, thương ai cũng nằm ngay chốn này
Địch ta chống cũng đứng đây
Ném cho ngọn đuốc đến tay bạn nào
Hãy giương ngọn đuốc lên cao
Niềm tin bạn mất, hồn tôi rã hòa
Không ngủ dù túc đơm hoa
Flanders trận địa mờ xa, nhạt nhòa…
*
Ngay sau khi cuộc nội chiến kết thúc, nhiều người cố gắng tìm cách xóa bỏ mặc cảm thua hay thắng trận vì đã nhận thức rằng những người lính của cả hai miền đều hy sinh chung cho lý tưởng độc lập của xứ xở và tất cả phải được tưởng niệm. Một bài ca truyền thống đã được mọi người hát là bài:
Auld Langsyne
Should auld acquiantaince be forgot and never brought to mind?
Should auld acquaintance be forgot and days of auld langsyne?
Should auld acquaintance be forgot and days of auld langsyne?
Should auld acquaintance be forgot and days of auld langsyne?
Ngày Xửa Ngày Xưa
Ngày xưa quên đi, hãy nên, ngày xưa, hãy cùng đồng lòng quên hết
Hãy nên quên đi ngày xưa để tâm trí mình hoàn toàn thảnh thơi
Có nên quên đi ngày xưa? Ngày xưa có nên đồng lòng quên hết?
Hãy nên quên đi ngày xưa hàm bao nỗi buồn ngày xửa, ngày xưa.
(lời ca Việt của Hải Bằng.HDB)
Bài nay trước đây cũng đã được một nhạc sĩ sửa lời làm thành bài hát mang tên là Au Revoir nghĩa là Tạm Biệt hay Good-Bye và đại ý như sau:
Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ, lòng càng lưu luyến
Nắm tay ta hãy cùng nhau hòa ca hát bài tạm biệt từ đây
Trước khi chia tay rời xa, cầm tay chúc nhau mọi điều như ý
Chúc cho gia quyến bình an và mong có ngày lại được gặp nhau
*
Ðối với người Hoa Kỳ, Ngày Tưởng Niệm các chiến sĩ trận vong là một dịp để các hội đoàn tổ chức thuyết trình cho các học sinh về ý nghĩa ngày Tưởng Niệm nhằm mục đích đề cao gương hy sinh cũa người chiến sĩ và khơi động tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ.
Ngày 25/5/2000, Hiệp Hội Coalition to Unite People (CUP) ở Philadelphia tổ chức Ngày Tưởng Niệm chiến sĩ trận vong tại Hội Trường Thành Phố Norristown, Pennsylvania với sự tham dự của các học sinh tiểu học trong thành phố để các em nghe và học hỏi các kinh nghiệm. Thuyết trình viên gồm có:
Ông Henry Cựu, Chiến Binh Washington, Buffalo Soldier, World War II, trình bày những nét chính về Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ.
Ông Manny Lozendo, nguyên Chỉ Huy Trưởng Marine Corps League Detachment, thuyết trình về Cuộc Chiến Hoa Kỳ và Tây Ban Nha.
Ông Henry Frsby, Tướng Không Quân hồi hưu nói về Thế Chiến Thứ I.
Steve Osceola, người Mỹ gốc thổ dân (natine American) nói về Thế Chiến Thứ Hai.
David Hwang và Daniel Hwang, Nam Hàn, trình bày một bài ca về Cuộc Chiến Triều Tiên do chính họ sáng tác.
Wesley Im, cựu chiên binh Nam Triều Tiên trình bày Cuộc Chiến Triều Tiên.
William B. Hoàng, cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trình bày về Cuộc Chiến Việt Nam (1954- 1975). FB ngày 27/5/2019
~*~
Biết bao chiến sĩ vô danh đã hy sinh cho quê hương Miền Nam VN thân yêu của chúng ta bây giờ đang ở đâu?
Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu, tử sĩ mấy người
Nào ai mặc mặt, nào ai gọi gọi hồn?
Ý nghĩa Ngày Chiến Sĩ Trận Vong của Việt Nam Cộng Hòa hiện nay ở hải ngoại.
Vâng, chiến tranh là một tai họa của nhân loại.
Tuy nhiên, có cuộc chiến có chính nghĩa và có cuộc không có chính nghĩa.
Cuộc chiến do Cộng Sản Hà Nội phát động để chiếm đoạt Nam VN là cuộc chiến phi chính nghĩa vì CSHN muốn áp đặt một chế độ mà Miền Nam không tán thành.
Cuộc chiến đấu tự vệ của Nam VN là cuộc chiến đấu có chính nghĩa (Good Cause).
Tuy nhiên Nam VN đã bị hy sinh vì Hoa Kỳ, trong cái thế chẳng đặng đừng của chiến lược toàn cầu, Hoa Kỳ đành chấp nhận để Khối Cộng Sản thắng trước và như vậy, chiến thắng cuối cùng sẽ là của Khối Tự Do.
Trong bất cứ cuộc chiến nào, người chiến sĩ hy sinh đều phải được vinh danh và đền bù xứng đáng. Nhưng, trong những lớp người nằm xuống thì thân phận của người lính trơn vẫn là thân phận đáng thương nhất bởi vì họ ít được nhắc nhở tới nhất và ít được hưởng quyền lợi nhất.
Ðó là một điều không công bằng bởi vì nếu không có họ thì những vị tướng không thể tạo được thành tích hay công lao. Cổ nhân có câu “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô” là thế; và cũng chính trong ý nghĩa đó mà Hoa Kỳ, một đất nước đề cao công bằng, đã tìm mọi cách và bằng mọi giá phải truy tìm cho bằng đủ các quân nhân chết hay mất tích để đền bù công lao của họ và để thân nhân của họ hài lòng.
Và, như vậy, những quân nhân đó là những anh hùng có tên tuổi; tồn tại vinh quang mãi mãi với núi sông.
Noi gương tinh thần đó, người Việt hải ngoại chúng ta hàng năm đều long trọng tổ chức ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong ở khắp nơi để tỏ lòng biết ơn với những người chiến sĩ bỏ mình vì tổ quốc.
Nhiều đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong đã được đồng bào đóng góp xây dựng như Ðài Chiến Sĩ Trận Vong Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp. Ðài này được cây cất năm 2003 ở khu Carré Militaire trong Nghĩa Trang Nogent Sur Marne, ngoại ô Paris. Trên đài cao là bức tượng sao đúng Tượng Tiếc Thương ở Nghĩa Trang Quân Ðội bên xa lộ Biên Hòa, Saigòn năm xưa. Ngày khánh thành và cũng là ngày làm lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ VNCH đầu tiên là ngày mùng 2 tháng 11 năm 2003.
Ðài kỷ niệm quy mô nhất và gợi cảm nhất là Ðài Tưởng Niệm xây cất tại California, thủ đô của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
Ðài được xây cất trong Memorial Park với kinh phí trên 500 ngàn Mỹ Kim và được ông bà Trần Mạnh Ðôn đứng ra ký chi phiếu bảo đảm trong lúc gây quỹ. Trên đài là hai tượng chiến sĩ Việt và Mỹ đứng bên nhau do điêu khắc gia Nguyễn Tuấn thực hiện.
Tượng Ðài trông rất bề thế và sinh động và được khánh thành ngày 27 Tháng 4 năm 2003. Ngắm bức tượng, các cựu chiến binh Việt Mỹ trong Cuộc Chiến VN cảm thấy vô cùng an ủi nhớ lại một cuộc chiến hào hùng mà cũng thiên thu cay đắng vì: “đánh mà không được quyền thắng” – Combat without Permission to Win.
Tại Houston, Texas, cộng đồng Việt cũng xây cất một Ðài Tưởng Niệm nằm trên Ðại Lộ Bellaire với kinh phí trên 400 ngàn Mỹ Kim. Trên đài cao là hai bức tượng chiến sĩ Việt và Mỹ do điêu khắc gia Phạm Thông thực hiện. Ðài Tưởng Niệm được khánh thành ngày 11 Tháng 6 năm 2005.
Các Ðài Chiến Sĩ Trận Vong được dựng lên do sự phối hợp giữa chính quyền Mỹ và cộng đồng Việt đã giúp xóa tan những mặc cảm về Cuộc Chiến Việt Nam trong đó có cả hàng trăm ngàn quân sĩ phải tự chế chịu rút lui khi các nhà chiến lược HK thấy đã đến lúc không cần cuộc chiến phải kéo dài thêm nữa. Nhưng, quân đội Mỹ đã rút lui có trật tự và với những điều kiện buộc Hà Nội phải tôn trọng, chẳng hạn, phải trao trả tù binh và những người mất tích, phải đối xử nhân đạo với người của chế độ VNCH, phải chấp thuận cho những người thuộc chế độ cũ ra đi trong vòng trật tự.
Quân đội Mỹ đã không hề tháo chạy như quân đội của Hitler ở Liên Xô, hoặc quân Tưởng Giới Thạch tháo chạy khỏi Trung Hoa, hay quân của Tôn Sĩ Nghị tháo chạy khỏi Thăng Long.
Trong tinh thần tỏ lòng biết ơn với những chiến sĩ đã hy sinh, người Việt hải ngoại đã lên tiếng yêu cầu Ðảng Cộng Sản VN có biện pháp nhân đạo đối với các nghĩa trang quân đội VNCH đặc biệt là Nghĩa Trang Quân Ðội VNCH ở bên Xa Lộ Biên Hòa.
Năm 2004, cá nhân ca sĩ Diamond Bích Ngọc về VN làm công việc thiện nguyện với tiền riêng của cô đã dành dụm. Cô kể, cô đã tới các trại cùi, trại dưỡng lão, trại cô nhi để tặng quà. Ðặc biệt cô có một thôi thúc trong tâm linh buộc cô phải tìm đến Nghĩa Trang Quân Ðội ở Biên Hòa. Cô kể lại cô đã khấn [nguyên văn]:
“Các anh lính linh thiêng ơi, xin chỉ đường cho chúng tôi đi, chứ không ai biết đích xác vị trí của nghĩa trang ở đâu ...” Kỳ diệu thay xe đã đến đúng chỗ và được một chủ quán chỉ ra chỗ bức Tượng Thương Tiếc ngày trước đã dựng ở đó. Rồi ca sĩ Diamond kể tiếp: “Có một người đàn ông da cháy nắng, rắn rỏi, mình mặc áo thun ba lỗ, mang quần lính cũ, đội mũ lính, hướng dẫn đoàn của cô tới một ngôi mộ vô danh nhưng sau khi nhìn hình thì thấy đúng là hình ảnh của bức Tượng Thương Tiếc”.
*
Dân tộc Việt ta từ thuở trước cũng có những ngày lễ tế chiến sĩ trận vong.
Thật vậy, sau khi toàn thắng đạo quân của Tôn Sĩ Nghị, Vua Quang Trung thể hiện đức Nhân của mình bằng cách cho chiêu nạp và nuôi dưỡng các tù hàng binh và sai thu nhặt hài cốt quân Nhà Thanh trên tất cả các chiến trường chất thành 12 gò đống, cho lập đàn cúng tế tươm tất. Bài văn tế có đoạn như sau:
Nay ta sai nhặt xương cốt chôn vùi
Bảo lập đàn bên sông cúng tế
Lòng ta thương chẳng kể người Phương Bắc
Xuất của kho mà đắp điếm nắm xương khô
Hồn các ngươi không vơ vẩn Trời Nam
Hãy lên đường mà quay về hương chỉ
Nay kính ngưỡng, ta nay chủ quản chan chứa lòng thành
Mong sao đáp lại Ðạo Trời dạt dào lẽ sống
Tiếc thay bài học lịch sử này chẳng được Ðảng Cộng Sản VN học để đối sử nhân đạo với những quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa trước đây; và ngay cả bây giờ, đối với nắm xương tàn của đồng bào máu mủ con Hồng, cháu Lạc còn nằm rải rác trong các nghĩa trang, họ cũng không hề đếm xỉa tới. Như thế, hỏi làm sao có thể tin họ khi họ kêu gọi tới hòa hợp, hòa giải?
Trong quá khứ, Cộng Sản VN đã không thực hiện cuộc tắm máu, nhưng họ đã làm cho hàng trăm ngàn người của chế độ cũ chết dần mòn trong các trại tù lao động khổ sai với cái tên “Trại Cải Tạo”.
Cần phải hiểu rằng cái chết của người chiến sĩ giữa mũi tên, hòn đạn ở chiến trường có lẽ còn ít đau đớn hơn cái sống của những người lính phải buông súng và chịu đày đọa trong trại cải tạo?
Những ngày tháng trong trại cải tạo là những tháng ngày kể như đã chết. Thường chỉ khi đêm về, trong giấc ngủ mê mơ thấy mình được sống lại và làm chủ được xác và hồn mình. Và, đây là một bài thơ nói lên tâm trạng đó với tựa đề:
Chết Trong Mơ để Ta Lại Làm Chủ Hồn Ta
Có những đêm, ta chết đi
Trong giấc ngủ dài mê mệt
Ta tưởng mình ta có cánh bay lên
Trời cao xanh vun vút
Hồn ta bay vùn vụt
Ta không muốn trở về thực tại
Ta muốn hồn ta mãi mãi bay xa
Ðể ta lại làm chủ hồn ta ...
Ôi quê hương xưa
Ta mơ thấy ...
Mẹ cha già mờ mắt khóc
Vợ con trằn trọc mỏi mắt trông chờ
Ta mơ thấy
Dãy đồng xanh trước đây màu mỡ
Nay nước đục mờ
Ðất nẻ, cỏ úa, cây trơ...
Thân ai?
Ôi những ngày...
Quằn quại quăng đất đắp bờ
Những ngày...
Xả ruộng, đào kinh, đốn cây, phạt cỏ
Giữa rừng sâu, đêm nghe mưa gõ
Trên thân mình không một tấm pông sô (áo mưa)
Ôi những ngày...
Nắng cháy bỏng chân cò
Cố đạp bước, co ro vùng biển mặn
Chiều chậm về mây tím ngắt đồng xa
Ðuổi chim ngàn ruộng mạ mới ban ra
Thăm thẳm đường xa không một mái nhà
Cỏ lác vươn cao, áo quần tơi tả
Gió rít, mưa sa, mắt mờ, tay lả...
Mong đêm sớm về
Hoàng hôn buông tỏa
Hồn ta lại mãi mãi bay xa
Ðể ta lại làm chủ hồn ta!
(Hải Bằng.HDB – Hương Yêu, tr. 100)
Hải Bằng.HDB
http://www.tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/bien-kh-o/34576-l-chi-n-si-tr-n-vong-memorial-day-monday-may-31-2021-h-i-b-ng-hdb
Không có nhận xét nào