Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn
Ấn - Trung, Mỹ - ASEAN, Đài Loan
Những ngày qua Trung Quốc đang trong giai đoạn chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1.7 nên ít có những động thái đáng chú ý ở Biển Đông hay các khu vực khác.
1. Trung Quốc - Ấn Độ
Một trong những tin tức đáng chú ý mới đây là Ấn Độ điều thêm 50.000 quân đến biên giới với Trung Quốc trong một động thái được mô tả là sự dịch chuyển lịch sử, theo Bloomberg.
Sushant Singh, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chính sách và giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Yale nhận xét: “Cuộc khủng hoảng năm ngoái đã khiến các nhà hoạch định của Ấn Độ nhìn nhận thực tế rằng Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn nhất trong tương lai và nó đã dẫn đến việc dịch chuyển sự chú ý khỏi Pakistan”. "Khi chuyện này diễn ra đầy đủ, nó sẽ thay đổi địa chính trị của khu vực một cách đáng kể".
Thái độ của Ấn Độ đối với Trung Quốc cũng đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Bộ tứ kim cương (Quad) trong vài tháng qua, theo một bài báo trên tờ Foreign Policy.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Gautam Bambawale nhấn mạnh: “Trung Quốc đã mất Ấn Độ về mặt chiến lược. “Nếu họ muốn Ấn Độ đóng một vai trò [trung lập] giữa họ và Mỹ, điều đó sẽ không xảy ra. Ấn Độ hiện đang gắn bó với Mỹ”.
. Mỹ - ASEAN
Sau sáu tháng nhiệm kỳ của chính quyền Biden, hiện có một số lo ngại về mục tiêu rối rắm của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á, theo một bài viết trên tờ Foreign Policy của James Crabtree, giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).
Ông Crabtree nêu lại hai sự kiện dễ gây ấn tượng Mỹ không mấy quan tâm đến khu vực này là việc Ngoại trưởng Antony Blinken không thể tham dự cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp ASEAN vì sự cố kỹ thuật trên đường bay đến Israel vào tháng trước và việc tàu sân bay USS Ronald Reagan được điều đến Trung Đông.
Đông Nam Á là tiền tuyến quan trọng trong kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức với nhiều thiện chí trong khu vực. Các nhà lãnh đạo hy vọng Biden sẽ ít thất thường hơn so với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và sẵn sàng dành thời gian để can dự kinh tế và ngoại giao. Nhưng 6 tháng đã trôi qua trong nhiệm kỳ của Biden và thiện chí đó đang giảm dần. Thay vào đó, cảm giác thất vọng đang chiếm ngự trong bối cảnh có những bàn tán về sự thiếu tập trung của Mỹ và các mục tiêu rối rắm. Nếu Biden không thể sớm tìm lại được trọng tâm đó, Washington có nguy cơ gây tổn hại đến uy tín của mình trong khu vực - và khiến ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Liên quan đến khu vực này, Mỹ và Indonesia mới đây khởi công trung tâm huấn luyện tuần duyên trị giá 3,5 triệu USD ở đảo Batam, theo RFA.
3. Nhật Bản - Đài Loan
Phát biểu tại một sự kiện ở Viện Hudson, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama kêu gọi thức tỉnh trước áp lực của Bắc Kinh đối với Đài Loan và bảo vệ hòn đảo này như “một quốc gia dân chủ”, theo Reuters.
Ông Nakayama còn đặt vấn đề liệu chính sách “Một Trung Quốc” của nhiều nước, gồm cả Mỹ và Nhật, có thật sự đúng đắn.
4. Đổng Kinh Vỹ
Về những tin đồn liên quan đến Thứ trưởng An ninh quốc gia Trung Quốc Đổng Kinh Vỹ, trang SinoInsider có một bài phân tích trong đó đưa ra một kịch bản thú vị rằng đây là một chiến dịch gây nhiễu thông tin phủ đầu của Trung Quốc.
Mục đích của họ là nhằm che giấu một vụ đào tẩu thực sự của quan chức cấp thấp hơn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết mang tính tham khảo.
Đánh giá những tin đồn về một người đào tẩu Trung Quốc xuất hiện vào năm ngoái và hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi tin tức về "cuộc đào tẩu" của Đổng Kinh Vỹ bắt đầu rộ lên ở nước ngoài, chúng tôi tin rằng một cuộc đào tẩu thực sự đã xảy ra. Rất có thể phần lớn tin đồn đào tẩu là những chiến dịch tung tin sai lệch cổ điển của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được thiết kế để khuấy đục dòng nước về chủ đề này và hủy hoại uy tín của giới truyền thông quốc tế, những người Trung Quốc bất đồng chính kiến và các chính phủ thế giới. Như thế, nếu người đào tẩu thực sự được công khai, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đơn giản chỉ ra các trường hợp đào tẩu “bị lật tẩy” để lập luận một cách thuyết phục, “tại sao chúng ta hoặc thế giới phải tin cái gọi là 'người đào tẩu' này...".
Chúng tôi tin rằng những tin đồn, cũng như bản tin của "Trường An kiếm" về hội nghị chuyên đề của Đổng và sự xuất hiện trước công chúng vào ngày 24.6 của ông ta, là một phần của động thái phủ đầu rộng lớn hơn nhằm làm mất uy tín các đối thủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải đưa ra thông tin sai lệch về người đào tẩu ngay từ đầu gợi ý về một vụ che đậy; không có lửa sao có khói.
5. Các tin tức khác
Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc không gặp nhau bên lề hội nghị G20 - Nikkei
Nga- Trung Quốc gia hạn hiệp ước hữu nghị và hợp tác - Reuters
Tuần duyên Philippines sẽ dùng giọng nữ để cảnh báo tàu thuyền nước ngoài - Inquirer
Tàu chiến Ấn Độ và Hàn Quốc diễn tập ở Biển Hoa Đông - India Today
Hàn Quốc sẽ tham gia tập trận Talisman Sabre ở Úc - Korea Herald
Không có nhận xét nào