Header Ads

  • Breaking News

    Cập nhật tình hình Biển Đông ngày 14 tháng 6 năm 2021


    Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn

    Hàng Không Mẫu Hạm  USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông giữa lúc HKMH Sơn Đông của Trung Quốc rời Tam Á.

    Như vậy, một lần nữa chúng ta lại chứng kiến hai HKMH của Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau có mặt tại Biển Đông.

    1. Chuyển động quân sự

    Trong ngày 13.6, nhiều lượt máy bay tuần tra và trinh sát Mỹ bay vào khu vực phía tây Ba Sỹ. Chuyển động này gợi ý HKMH USS Ronald Reagan nhiều khả năng đã tiến vào Biển Đông trong ngày 13.6.

     


    Đến trưa nay 14.6, Hải quân Mỹ đã công bố hình ảnh cho thấy HKMH USS Ronald Reagan hoạt động ở Biển Đông

    Tàu Sơn Đông

    HKMH USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông giữa lúc HKMH Sơn Đông rời Tam Á. Việc tàu  Sơn Đông ra khơi trong ngày 11.6 được cho là nhằm tránh cơn áp thấp nhiệt đới quét thẳng vào Tam Á. Nhưng không loại trừ khả năng nó cũng sẽ nhân dịp này tiến hành huấn luyện trong thời gian tới.

    Như vậy, một lần nữa hai tàu HKMH của Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau có mặt tại Biển Đông. Vào tháng 4, tàu  Liêu Ninh của Trung Quốc cũng tiến vào Biển Đông giữa lúc tàu USS Theodore Roosevelt đang hoạt động ở khu vực.

    Trong ngày 13.6, ảnh vệ tinh ghi nhận nhiều tàu chiến Trung Quốc di chuyển ở khu vực phía bắc Biển Đông, dù tàu Sơn Đông không được nhìn thấy. Tại khu vực tây nam quần đảo Hoàng Sa, một nhóm 3 tàu chiến nhiều khả năng là tàu khu trục Type 052D di chuyển lên phía bắc.

    Khu vực phía nam đảo Hải Nam cũng có một nhóm 4 tàu chiến khác hướng về Tam Á, bao gồm tàu đổ bộ tấn công Type 075 Hải Nam và tàu Type 055. Nhiều khả năng các tàu chiến Trung Quốc di chuyển xuống khu vực phía nam để tránh bão và đang trên đường quay trở lại Tam Á.

    2. Rò rỉ ở nhà máy điện hạt nhân ở Quảng Đông

    Trong một bài báo độc quyền, hãng CNN ngày 14.6 tiết lộ về một sự cố rò rỉ đáng lo ngại tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông.

    Chính phủ Mỹ đã dành tuần qua để đánh giá một báo cáo về sự cố rò rỉ tại một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, sau khi một công ty Pháp sở hữu một phần và hỗ trợ vận hành nó cảnh báo về "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra", theo các quan chức Mỹ và các tài liệu được CNN xem qua.

    Cảnh báo trên bao gồm cáo buộc rằng cơ quan an toàn Trung Quốc đang nâng cao các giới hạn có thể chấp nhận được đối với việc phát hiện bức xạ bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông để tránh phải đóng cửa, theo một bức thư từ công ty Pháp gửi Bộ Năng lượng Mỹ mà CNN có được.

    Bất chấp thông báo đáng báo động từ Framatome, công ty của Pháp, chính quyền Biden tin rằng cơ sở này vẫn chưa đến "mức khủng hoảng", một trong những nguồn tin cho biết.

    Trong khi các quan chức Mỹ cho rằng tình hình hiện không gây ra mối đe dọa an toàn nghiêm trọng cho người lao động tại nhà máy hoặc công chúng Trung Quốc, việc một công ty nước ngoài đơn phương liên hệ với chính phủ Mỹ nhờ giúp đỡ khi đối tác quốc doanh ở Trung Quốc của họ chưa thừa nhận sự tồn tại của vấn đề là chuyện bất thường. Kịch bản này có thể đẩy Mỹ vào một tình huống phức tạp nếu vụ rò rỉ tiếp tục diễn ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn mà không được khắc phục.

    Tuy nhiên, mối lo ngại đủ lớn đến mức Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã tổ chức nhiều cuộc họp vào tuần trước khi họ theo dõi tình hình, bao gồm hai cuộc họp ở cấp thứ trưởng và một cuộc họp khác ở cấp trợ lý bộ trưởng vào thứ Sáu, do Giám đốc cấp cao về Trung Quốc Laura Rosenberger và Giám đốc cấp cao về Kiểm soát vũ khí Mallory Stewart của NSC dẫn đầu, theo các quan chức Mỹ.

    Các nguồn tin cho biết chính quyền Biden đã thảo luận về tình hình với chính phủ Pháp và các chuyên gia của họ tại Bộ Năng lượng. Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ cũng đã liên hệ với chính phủ Trung Quốc, mặc dù mức độ của cuộc tiếp xúc đó chưa rõ ràng.

    3. Hội nghị G7

    Tuy còn nhiều khác biệt trong mức độ của lập trường đối đầu với Trung Quốc giữa các nước thành viên, nhóm G7 đã đưa ra tuyên bố chung nhắm vào Trung Quốc mạnh mẽ nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn, một cách trực tiếp và gián tiếp.

    Tuyên bố chung đề cập gần như toàn bộ những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc, thúc giục Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản” ở Hồng Kông và Tân Cương, kêu gọi hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Tuyên bố cũng kêu gọi điều tra thấu đáo nguồn gốc vi rút gây đại dịch Covid-19.

    Những sáng kiến, chương trình được công bố tại hội nghị như sáng kiến cơ sở hạ tầng Tái thiết thế giới tốt đẹp hơn - Build Back Better World (B3W) hay việc cung cấp 1 tỷ liều vắc xin đều là nỗ lực đẩy lùi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Build Back Better World hứa hẹn là đối trọng đối với chương trình Vành đai và Con đường tham vọng của Trung Quốc trong khi một trong những mục tiêu của chương trình vắc xin chắc chắn phải là chống lại chiến lược ngoại giao vắc xin của Bắc Kinh.

    Không khí chung của hội nghị là nhu cầu tập hợp của phương Tây nhằm chống trả nỗ lực gây ảnh hưởng và quảng bá mô hình Trung Quốc trên toàn thế giới, như phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel: “Các nền dân chủ tự do và xã hội mở đối mặt áp lực từ các chế độ chuyên chế. Thách thức này đã thúc đẩy chúng tôi sát cánh với nhau tại hội nghị G7”.

    Nhìn chung, tuy ngôn từ trong tuyên bố chung chưa được mạnh mẽ như kỳ vọng của Mỹ, chẳng hạn về vấn đề cưỡng bức lao động, đây là một hội nghị khá thành công đối với Tổng thống Joe Biden. Tuy một số nước châu Âu vẫn còn phân vân giữa hợp tác và cạnh tranh, họ đã xích lại gần với quan điểm của Mỹ về Trung Quốc, hình thành nên thế trận đối đầu giữa thế giới tự do và mô hình Trung Quốc.

     

    Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) ngày 6/6 bác bỏ thông tin Trung Quốc nói rằng chỉ hai máy bay Trung Quốc áp sát không phận Malaysia. Theo đó, số lượng máy bay Trung Quốc “gần đúng” với số liệu Không quân Hoàng gia Malaysia công bố là 16 chiếc. Mỹ cũng ủng hộ cách hành xử của Không quân Malaysia điều chiến đấu cơ lên áp sát, chặn đầu máy bay Trung Quốc ở vị trí cách bờ biển Sarawak khoảng 100 km.

    Ngày 7/6, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Cirilito Sobejana có chuyến thăm Thị Tứ nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ đóng chốt tại khu vực. AFP gần đây đã tăng cường lực lượng không quân và hải quân cho Bộ Tư lệnh miền Tây (WesCom) ở Palawan.

    Theo “Nikkei” ngày 7/6, máy bay Trung Quốc giảm hành động khiêu khích Đài Loan sau tuyên bố chung Mỹ - Nhật ngày 16/4. Trong 104 ngày từ 1/1 đến 16/4, Trung Quốc điều máy bay quân sự vào ADIZ của Đài Loan 75 ngày, khoảng 5 ngày mỗi tuần. Tuy nhiên sau ngày 16/4, hoạt động của Bắc Kinh giảm dần cả về quy mô và tần suất. Trung bình mỗi ngày khoảng 2 máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan và chưa ghi nhận trường hợp nào hơn 10 máy bay được ghi nhận.

    Ngày 11/6, Tàu USS Curtis Wilbur và HMAS Ballarat kết thúc hoạt động diễn tập một tuần ở Biển Đông với nội dung phối hợp di chuyển, tiếp liệu trên biển và bắn đạn thật. Chỉ huy trưởng tàu USS Curtis Wilbur Anthony Massey cho hay, “Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên thể hiện quyết tâm và cam kết không ngừng nhằm duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng trong khu vực”.

    Ghi chú: bấm vào đường link màu xanh để đọc được bản tin gốc.

    Không có nhận xét nào