Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Quý Thọ - Thay đổi tư duy chính sách để cải thiện thực trạng tự chủ “khó khăn” của các đơn vị sự nghiệp công lập

    Hơn 6.000 đơn vị sự nghiệp công lập trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề cần phải “tự chủ”, “tự chịu trách nhiệm”, nhưng “sự tắc nghẽn” của chính sách đang là vấn đề nóng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thay đổi tư duy chính sách đang cấp thiết để cải thiện tình hình.
    Ts. Phạm Quý Thọ - Thay đổi tư duy chính sách để cải thiện thực trạng tự chủ “khó khăn” của các đơn vị sự nghiệp công lập

    Ngày mồng 6 tháng 5 năm 2021, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ hoàn thiện thể chế và thúc giục “quyết tâm” thực hiện tự chủ các cơ sở giáo dục đại học công lập.

    Ngoài các cơ sở đại học công lập, một trong những hình thức đơn vị sự nghiệp công lập, do nhà nước sở hữu và quản lý, còn có các bệnh viện nhà nước, các viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo nghề… cũng thuộc nhóm đối tượng này, gồm trên 6.000 đơn vị với hàng chục nghìn lao động có bằng cấp chuyên môn cao trong xã hội và cung cấp các dịch vụ đa dạng cho xã hội và nhà nước….

    “Rừng” chính sách, bất cập và hậu quả

    “Rừng chính sách”, sự bất cập và những hậu quả nghiêm trọng là thực trạng tự chủ “khó khăn” của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chính sách “tự chủ” đang bị “nghẽn” ở cả khâu xây dựng cũng như thực thi. Các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang được “bao cấp” toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách và chịu sự quản lý của nhà nước qua cơ chế đại diện, nay phải chuyển sang trạng thái tự thu – chi từ các hoạt động cung cấp dịch vụ cho xã hội theo những quy tắc ràng buộc bởi chính sách. Trước hết, đó là chủ trương “xã hội hoá” – phương thức liên kết tạo tiền đề cho “tự chủ”, sau đó là những quy định phải hoạt động như thế nào, “được và không được” làm…. Về thực chất, nó phục vụ cho triết lý cầm quyền tập trung nhưng đồng ý để cấp dưới mở rộng dần dân chủ có kiểm soát đối với khu vực “sự nghiệp công, ít thị trường hơn”

    Hệ thống luật pháp hiện hành xác định cách tiếp cận kiểu “dò đá qua sông”, “thí điểm – tổng kết – điều chỉnh” đối với các đơn vị sự nghiệp công đang gây nên “rừng chính sách” thiếu đồng bộ, chồng chéo, “đá nhau”. Hàng chục văn bản luật và dưới luật được Đảng, Chính phủ, các bộ chức năng và chính quyền địa phương đã ban hành có liên quan đến xã hội hoá và tự chủ trong giai đoạn hơn 11 năm (2008 – 2019), bắt đầu từ Nghị định 69/2008/NĐ-CP do nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đến Nghị quyết 33/NQ-CP của Bộ Y tế về thí điểm cơ chế tự chủ với bốn bệnh viện công lập, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.


    Bất cập lớn nhất của “rừng chính sách” là việc xác định đích đến của các đơn vị này là gì, tính chất sở hữu như thế nào. Tình trạng “nửa vời” về quyền và tài sản giữa nhà nước và các đơn vị trong bối cảnh thị trường đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng như bảo trợ chính trị, nhóm lợi ích, tham nhũng, trục lợi, thất thoát tài sản công, bất bình đẳng thu nhập…. Khi chiến dịch “đốt lò” được tăng cường thì bộ máy quan chức “ứng phó” và tạo nên tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”, khiến chức năng độc đoán bị rối loạn. Đứng sau mỗi đơn vị sự nghiệp công đều có “cơ quan chủ quản”, ban giám đốc tổ chức công được lãnh đạo cấp quản lý “ủng hộ” tạo ra mạng lưới lợi ích nhóm chằng chịt, phức tạp…. Đảng “siết” công tác cán bộ bằng cách tăng cường kiểm tra, thanh tra, điều tra, kỷ luật đảng, truy cứu hình sự dưới các hình thức khác nhau. Các vụ “nổi cộm” và điển hình đã buộc phải công khai.

    Một số vụ liên quan đến “tự chủ” được dẫn ra sau đây để minh hoạ. Sự kiện “cách chức” nguyên hiệu trưởng và kiện cáo tại Đại học Tôn Đức Thắng và lời hứa tại Quốc hội 14 của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “sẽ công khai” đang trở thành “nợ xấu!”. Xử lý vụ án “trục lợi” tại bệnh viện Bạch Mai chưa dứt điểm nay lại đến “trục lợi” ở bệnh viện Tim Hà Nội, có liên quan đến GS. TS Nguyễn Quang Tuấn, người mới đây ngày 16/5 đã “bị rút” khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 15, ông này từng là nguyên giám đốc Bệnh viện Tim và hiện làm giám đốc đương nhiệm Bệnh viện Bạch Mai. Tin tức về việc “thu hồi quyết định bổ nhiệm hai phó hiệu trưởng Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh” đúng dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với trường này được các báo nhà nước đăng tải đồng loạt ngày 15 tháng 5 mới đây….

    “Rà soát lại” và thay đổi tư duy chính sách

    Rà soát lại chủ trương, chính sách liên quan đến xã hội hoá và tự chủ đã được “lên tiếng” tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội 14 vào cuối năm 2020, rằng “những mặt trái của chính sách xã hội hóa y tế cần phải được giải quyết” và “cần phải rà soát lại loại chính sách này để tránh trục lợi.”

    Ở Việt Nam chủ trương xã hội hóa có từ năm 1988 gắn với quá trình tự do hoá kinh doanh dịch vụ, tuy nhiên sau đó đã bị “siết chặt” bởi kết quả cung ứng dịch vụ với chất lượng không cao. Thí dụ, hình thức đại học tư thục đã được cấp phép hoạt động, nhưng sau đó, năm 2009 một số nhóm ngành giáo dục như luật, chính trị, báo chí, công an, quân đội đã ngừng cấp phép cho hình thức đào tạo này. Và như một hiệu ứng ngược, ngân sách nhà nước cấp cho nhóm trường đại học tự chủ tăng trở lại như được nêu ra trong báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo về 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW năm 2013.

    Thay đổi tư duy chính sách đang trở nên cấp thiết để cải thiện tình hình. Khái niệm “Tự chủ” từ góc nhìn chính sách là khả năng của chủ thể đưa ra quyết định sáng suốt, không bị ép buộc. Các thiết chế tự chủ là các tổ chức độc lập hoặc tự quản lý, có năng lực như một “nhà lập pháp” để có thể xây dựng và theo đuổi mục tiêu và có trách nhiệm tìm kiếm các nguồn lực cần thiết để tiến hành cung cấp dịch vụ cho xã hội hay người tiêu dùng phù hợp với “sứ mệnh” của tổ chức. Các đơn vị sự nghiệp công lập đòi hỏi các điều kiện hướng tới khái niệm tự chủ này, nhưng việc “thoát ra khỏi sự kiểm soát” của các cơ quan quản lý nhà nước trong chế độ đảng cộng sản toàn trị là mối nguy “suy thoái về tư tưởng”, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của các tổ chức công. Sự “mặc cả” giữa nhà nước – chế độ và các đơn vị sự nghiệp công lập – nhà cung cấp dịch vụ gắn với thị trường ngày càng trở nên căng thẳng về các nội dung tự chủ như về tài chính, tổ chức cán bộ và hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp.

    Cải cách “từ Đảng” và chính sách theo kiểu “từ trên – xuống” là đặc trưng của chế độ. Trong thời kỳ cải cách chuyển đổi kinh tế sang thị trường chủ trương xã hội hoá nói chung và tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng bị dẫn dắt bởi ý thức hệ giáo điều để duy trì chế độ thay vì cung cấp những luận cứ để xác lập và khuyến khích các nguyên tắc thị trường. Trong quá trình chuyển đổi những hành vi gây tranh cãi có thể xảy ra chẳng hạn như giả định về sự lựa chọn “duy lý” - tối đa hóa tiền bạc dẫn tới trục lợi trong thị trường. Sự tồn tại của một số ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ và phi lợi nhuận làm xói mòn quan niệm về việc tối đa hóa lợi ích nhóm, nhất là khi thị trường còn bất cân xứng về cung và cầu, nhưng nhìn tổng thể thị trường được phát triển hơn. Vấn đề ở đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực đảng và nhà nước ở tất cả các cấp hành chính từ trung ương đến các đơn vị thực hiện tự chủ.

    Sở hữu công và toàn trị, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều, quyền và tiền, phân cấp quản lý và cơ chế đại diện…. là những vấn đề hội tụ phức tạp trong chính sách tự chủ. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu của “cục nghẽn” trong thời gian qua. Vì vậy chính sách tự chủ tạo nên tình trạng nửa vời “công – tư” trong thực thi. Biện pháp “giải nghẽn” cần làm rõ đích đến cho mỗi đơn vị công lập.

    Duy trì chế độ với quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới đặc quyền và đặc quyền sản sinh ra bất công, bất bình đẳng. Niềm tin của những người dân – đối tượng thụ hưởng các dịch vụ từ các đơn vị sự nghiệp công - có thể thay đổi nếu họ bắt đầu nghi ngờ liệu lợi ích của họ có được quan tâm và cải thiện hay không và như thế nào. Khi đó sự níu kéo của ý thức hệ giáo điều có thể trở thành một gánh nặng chính trị.

    https://www.rfa

    Không có nhận xét nào