Liên Âu - Nhật Bản thể hiện lập trường chung trước tham vọng Trung Quốc
Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 28 tháng 5 năm 2021 |
Tại cuộc họp
thượng đỉnh trực tuyến hôm qua, 27/05/2021, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu
Âu (EU) và Nhật Bản đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình biển
Hoa Đông và Biển Đông trước việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh trong
vùng. Hai bên đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì hòa bình và ổn
định trong khu vực eo biển Đài Loan.
Theo trang tin NHK, một
trong những chủ đề trọng tâm được thảo luận trong cuộc họp qua video
giữa thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu
Charles Michel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen là Trung
Quốc. Hai bên ra tuyên bố chung khẳng định lập trường kiên quyết phản
đối những ý đồ và hành động đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên
trạng biển Hoa Đông và Biển Đông.
Việc Trung Quốc vào tháng
02/2021, ban hành luật cho phép tàu hải cảnh sử dụng vũ khí tấn công các
tàu bị coi là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, được cho là
một động thái hung hăng nhằm đơn phương xác quyết chủ quyền trong những
vùng biển đang có tranh chấp.
Thủ tướng Suga và các lãnh đạo EU
cũng nhất trí cần phải thúc đẩy giải quyết hòa bình những vấn đề liên
quan đến eo biển Đài Loan. Hai bên cũng thống nhất với nhau trên quan
điểm hợp tác chặt chẽ để giúp Liên Hiệp Châu Âu có được ảnh hưởng hơn
nữa trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc nhanh chóng gia
tăng sức mạnh càng thúc đẩy mối quan tâm của Liên Âu trong vùng này.
Tokyo
và Bruxelles cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều hồ sơ khu vực
trong đó có cả những vấn đề liên quan đến Hồng Kông, người duy Ngô Nhĩ ở
Tân Cương vì một thế giới ổn định và dân chủ hơn.
Ngay trong
ngày hôm qua, đại diện Ngoại Giao của Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu
Âu đã lên tiếng « bày tỏ bất bình sâu sắc và kiên quyết phản đối lập
trường nêu lên trong tuyên bố chung thượng đỉnh EU- Nhật Bản ». Trang
tin china.org.cn của Trung Quốc, trích tuyên bố từ phát ngôn viên của
phái bộ ngoại giao của Bắc Kinh tại Bruxelles nhấn mạnh : « Những vấn đề
liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông và ở Tân Cương thuộc công việc nội bộ
của Trung Quốc. Biển Hoa Đông và Biển Đông liên quan đến chủ quyền cũng
như quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc ».
Trung Quốc lên tiếng về việc bác đề nghị đối thoại quốc phòng với Mỹ
Sau
một thời gian im lặng, cuối cùng ngày 27/05/2021, bộ Quốc Phòng Trung
Quốc đã lên tiếng về việc bác đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ. Bắc Kinh cho
rằng Washington cần điều chỉnh thái độ trước khi ngồi họp với nhau và
phải chứng tỏ « thực tâm » về việc cải thiện liên lạc giữa quân đội hai
nước.
Ngoài ra, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cảnh báo là chiến lược
Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ « sẽ kéo khu vực này vào con đường nguy
hiểm ».
Đây là lần đầu tiên, bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên tiếng
về thông tin, được Reuters tiết lộ hôm 21/05, cho rằng Bắc Kinh đã bác
nhiều lời đề nghị của Lầu Năm Góc về tổ chức đối thoại song phương nhằm
giảm bớt căng thẳng giữa hai nước trong nhiều hồ sơ, từ nhân quyền đến
hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan, Biển Đông…
Theo South China
Morning Post, Bắc Kinh đưa ra lý do là Lầu Năm Góc đã « vượt quá nghi
thức ngoại giao ». Bộ Quốc Phòng Mỹ nhiều lần đề xuất đối thoại với ông
Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc,
người được cho là đứng đầu quân đội nước này và rất thân cận với chủ
tịch Tập Cận Bình. Còn theo Bắc Kinh, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ chỉ có thể
đối thoại với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).
Dù
không họp cấp bộ trưởng, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng
định hôm 27/05 rằng hai bên vẫn « liên lạc với nhau từ lâu qua nhiều
kênh khác nhau, trong đó có một đường dây trực tiếp giữa bộ Quốc Phòng
hai nước ». Tuy nhiên, ông cảnh báo không phải vì đã có đường dây nóng
trực tiếp mà Hoa Kỳ « vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở châu
Á-Thái Bình Dương, gia tăng hoạt động dọ thám chống Trung Quốc, thậm chí
là cố tình tạo ra một sự cố chạm chán nguy hiểm giữa các tầu chiến ».
Câu chuyện chống dịch thành công của Đài Loan đối diện thử thách
Đài
Loan chỉ chiếm 0,3% dân số thế giới, nhưng chiếm hơn một nửa sản lượng
chất bán dẫn toàn cầu. Đặt trong tình trạng thiếu chip điều này thật
đáng ghen tị. Các doanh nghiệp khắp thế giới, từ nhà sản xuất đồ điện tử
cho đến nhà sản xuất ô tô, đều phụ thuộc vào chip của Đài Loan.
Nó
giúp đưa nền kinh tế Đài Loan lên một tầm cao mới. Phản ứng tốt hàng
đầu thế giới trước đại dịch và những ưu đãi của chính phủ đã thúc đẩy
các nhà sản xuất và chuyên gia nước ngoài đổ về hòn đảo. Kinh tế Đài
Loan đã tăng trưởng 3,1% trong năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1990
vượt Trung Quốc. Họ cũng đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 8,2% trong
quý đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng sau 253 ngày
không có ca covid-19 địa phương nào, trong hai tuần qua hòn đảo đã ghi
nhận hàng nghìn ca mới, trong khi phần lớn dân số chưa được tiêm chủng.
Các hạn chế được đặt ra lần đầu vào đầu tháng này nhìn chung sẽ hết hạn
hôm nay, nhưng sẽ kéo dài sang tháng 6 do các bệnh viện ở thủ đô Đài Bắc
đã gần đến ngưỡng. Chính phủ kỳ vọng có thể giữ vững kinh tế bằng các
biện pháp kích thích có mục tiêu, như đã làm vào năm ngoái.
Biden sắp công bố dự thảo ngân sách 2022
Hôm
nay Tổng thống Joe Biden công bố đề xuất ngân sách đầy đủ của ông cho
năm tài chính 2022. Vì Quốc hội là cơ quan quyết định tiền bạc, nên tổng
thống phải nêu đề xuất chứ không được tự mình quyết định. Tài liệu này
cho thấy các ưu tiên chính trị của chính quyền và các khuyến nghị về
chính sách tài khóa.
Đề cương ngân sách của ông Biden, được công
bố vào tháng trước, đã kêu gọi tăng 8% chi tiêu tùy nghi của liên bang
so với mức hiện tại. Bộ Giáo dục được tăng nhiều nhất, đặc biệt cho các
trường học thu nhập thấp và bậc mầm non. Chi tiêu quốc phòng tùy nghi
tăng nhẹ (dù cao hơn yêu cầu của phe tiến bộ), với Lực lượng Sứ mệnh
Không gian mạng, các chiến binh kỹ thuật số của Mỹ, có thêm 10% nhân sự –
mức tăng đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 2012.
Ngân sách
cũng đề xuất mức tăng lớn nhất trong một năm cho Trung tâm Kiểm soát và
Phòng ngừa Dịch bệnh trong gần 20 năm qua. Và sau bốn năm mệt mỏi dưới
thời chính quyền trước, Bộ Ngoại giao sẽ được tăng 12% ngân sách.
30 năm cầm quyền kinh hoàng của tổng thống Eritrea
Eritrea
độc lập được 28 năm. Nhưng tổng thống Issaias Afwerki đã nắm quyền suốt
ba thập niên. Là lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Eritrea, ông
đã giúp lật đổ chế độ độc tài quân sự ở Ethiopia trong liên minh với
Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), một phong trào nổi dậy ở
phía nam Eritrea. Ông vươn lên nắm quyền ở Asmara, thủ đô Eritrea, và
dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập hai năm sau đó.
Kể từ
khi ấy, ông đã biến Eritrea thành một nhà nước gulag và làm cho cả khu
vực kinh hãi. Năm 1998, ông đưa đất nước vào cuộc chiến đẫm máu kéo dài
với Ethiopia (khi đó được lãnh đạo bởi đồng minh cũ của ông, TPLF) và
thua cuộc. Một thập niên sau, ông xâm lược các phần đất của Djibouti, và
giờ thì liên minh với lực lượng chính phủ Ethiopia để chiến đấu chống
TPLF ở Tigray. Các cuộc chiến của Issaias và cách ông đàn áp người dân
đều khủng khiếp như nhau. Mỹ đã đe dọa trừng phạt. EU đã thu hồi viện
trợ. Nhưng sự tàn nhẫn của ông vẫn không lay chuyển.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp tục đàn áp trong nước
Tổng
thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ khánh thành một nhà thờ Hồi
giáo mới ở Quảng trường Taksim vào hôm nay. Suốt từ những năm 1990 khi
còn là thị trưởng thành phố, ông đã mơ ước xây dựng một nhà thờ Hồi giáo
ở đây – trung tâm của khu giải trí về đêm sầm uất của Istanbul.
Cùng
ngày này vào năm 2013, một số nhà hoạt động đã tổ chức một cuộc biểu
tình ngồi để phản đối quyết định san bằng Công viên Gezi gần đó để
nhường chỗ cho một trung tâm mua sắm của ông Erdogan. Nó trở thành cuộc
biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong nhiều năm. Ông Erdogan đã giải
tán người biểu tình trong bạo lực và bắt họ vì tội khủng bố và lật đổ.
Ông thề sẽ tiếp tục biến đổi Taksim.
Lần này khó mà có biểu tình.
Ông Erdogan đã làm tê liệt xã hội dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện đang có
hàng ngàn người mòn mỏi trong tù vì những cáo buộc khủng bố phi lý,
trong khi bất đồng chính kiến sẽ bị coi là phản quốc. Những người Thổ
phản đối ông Erdogan rõ ràng không muốn xuống đường.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Việt Nam điện đàm
Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Tối
ngày 27/5 giờ Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại
trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn điện đàm, thảo luận quan hệ song phương,
nhân quyền, tình hình Biển Đông, và các vấn đề khác, theo Bộ Ngoại Mỹ và
Thông Tấn xã Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned
Price cho biết: “Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn khen
ngợi sức mạnh của quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và tái
khẳng định cam kết chung của chúng ta trong việc bảo vệ và gìn giữ trật
tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.”
Hai bên cũng thảo luận về những
quan ngại đang diễn ra liên quan đến cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar
và các cam kết giải quyết biến đổi khí hậu, và ứng phó COVID-19.
“Bộ
trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm
của ASEAN, Quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ, và ủng hộ một Việt Nam mạnh
mẽ, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp
luật,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.
Ngoại trưởng
Blineken viết trên Twitter sau cuộc điện đàm: “Tôi vui mừng tái khẳng
định sức mạnh của Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Hoa Kỳ
ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập.”
TTXVN cho
biết Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã có những hình
thức thiết thực để hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh, đặc biệt là giúp
tiếp cận vaccine.
Truyền thông Việt Nam cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp
tục hỗ trợ các nước và Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình
COVAX và các nước đối tác, trong đó có 80 triệu liều vaccine Hoa Kỳ sẽ
cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.
Phía Việt Nam khẳng
định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp hướng đến thúc
đẩy quan hệ thương mại ổn định, hài hòa với Hoa Kỳ, mong muốn Hoa Kỳ sớm
kết thúc vụ việc điều tra theo Mục 301, liên quan đến việc Mỹ cho rằng
Việt Nam thao túng tiền tệ.
Hợp đồng mua vaccine đổ vỡ: Đài Loan tố cáo BioNTech và Trung Quốc
Công
ty Đức BioNTech yêu cầu Đài Loan bỏ chữ “quốc gia” ra khỏi bản loan báo
chung về thương vụ bán vaccine COVID, Bộ trưởng Y tế Đài Loan tố cáo
khi nói về thương vụ sụp đổ mà Đài Bắc đổ lỗi cho Trung Quốc.
Đài
Loan và Trung Quốc đang lâm vào một cuộc khẩu chiến sau khi Bắc Kinh đề
nghị cung cấp vaccine cho hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền
thông qua Tập đoàn dược Shanghai Fosun.
Tuy nhiên Đài Loan muốn thỏa thuận mua bán trực tiếp với BioNTech.
Bộ
trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho hay chính phủ Đài Loan đã ký
rồi gởi lại “hợp đồng chung cuộc” thỏa thuận với BioNTech sau nhiều
tháng thương thuyết, và hai bên dự trù công bố một thông cáo báo chí vào
ngày 8/1 năm nay.
Tuy nhiên vài giờ sau đó, “BioNTech thình lình
gởi một bức thư, cực lực đề nghị chúng tôi thay đổi cụm từ ‘đất nước
chúng tôi” trên văn bản của thông cáo báo chí bằng tiếng Hoa,” Bộ trưởng
Chen cho biết.
Trong cùng ngày, chính phủ đồng ý đổi cụm từ này sang thành ‘Đài Loan,’ vẫn theo lời ông.
Một
tuần sau, Bộ trưởng Chen nói, chính phủ Đài Loan được BioNTech thông
báo trì hoãn việc hoàn tất thỏa thuận để “tái đánh giá nguồn cung cấp
vaccine toàn cầu và điều chỉnh lại thời điểm”.
BioNTech từ chối bình luận về thông tin mà phía Đài Loan tố cáo.
Bình
luận của ông Chen được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Đài Loan Thái
Anh Văn trực tiếp cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn thỏa thuận mua vaccine
giữa Đài Loan với BioNTech.
Công ty Đức, bán vaccine hợp tác sản xuất với Pfizer, cũng không bình luận về phát biểu của Tổng thống Đài Loan.
Hệ
thống y tế Đài Loan đang ngày càng căng thẳng vì các ca lây nhiễm trong
nước gia tăng trong khi mới khoảng 1% dân số hơn 23 triệu được tiêm
chủng.
Trung Quốc nhiều lần tuyên bố đề nghị cung cấp vaccine
thông qua Fosun là chân thật và rằng Đài Loan chớ dựng lên những rào cản
chính trị, chớ tìm cách tránh né Fosun.
Đài Loan không tin Trung
Quốc thật tâm trong lời đề nghị này và cho rằng Bắc Kinh đang phát động
“cuộc chiến chính trị” chống lại Đài Loan, các giới chức hiểu rõ việc
này cho Reuters biết.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào