USS Curtis Wilbur.
Võ Thái Hà tổng hợp
Tàu chiến Hạm đội 7 đi vào Biển Đông; Hoa Kỳ, Trung Quốc khẩu chiến
Reuters
Trong cuộc tranh cãi mới nhất về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc hôm 20/5 nói rằng một tàu chiến của Hoa Kỳ đã xâm nhập trái phép lãnh hải của nước này ở Biển Đông và bị các lực lượng của Trung Quốc đuổi đi. Tuy nhiên, Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố đó.
Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc nói rằng chiến hạm USS Curtis Wilbur đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa khi chưa được phép, đồng thời nói rằng thêm rằng các tàu và máy bay của Trung Quốc đã bám theo tàu Mỹ và "đuổi" tàu này.
Bộ Chỉ huy Chiến khu miền Nam nói thêm rằng Trung Quốc phản đối hành động của Hoa Kỳ mà phía Trung Quốc coi là vi phạm chủ quyền của nước này và phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực.
Tuy nhiên, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết rằng USS Curtis Wilbur "khẳng định các quyền tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền.
Hạm đội này nói thêm rằng những bình luận của quân đội Trung Quốc về hoạt động đó là sai sự thật.
"USS Curtis Wilbur không bị ‘đuổi' khỏi lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào”, Hạm đội 7 nói.
"USS Curtis Wilbur đã thực hiện Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) này phù hợp với luật pháp quốc tế và sau đó tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế”.
Biển Đông đã trở thành một trong nhiều vấn đề gây tranh cãi trong mối quan hệ đầy sóng gió giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Washington bác bỏ điều họ gọi là tuyên bố chủ quyền trái pháp luật của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên này.
Triển vọng ảm đạm của Olympics Tokyo
Vào tháng 7 này, 15.000 vận động viên sẽ đến Nhật Bản để tham dự Thế vận hội Olympic. Song đất nước này đang trải qua làn sóng covid-19 thứ tư với chín tỉnh phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Hai phần ba trong số gần 12.000 ca tử vong vì covid của Nhật là xảy ra trong năm nay.
Ban tổ chức Olympics khẳng định sự kiện sẽ diễn ra an toàn. Các vận động viên sẽ làm xét nghiệm kháng nguyên nước bọt hàng ngày. Không có khán giả nước ngoài. Và trong tháng tới người ta sẽ quyết định xem người hâm mộ trong nước có được tham gia hay không.
Nhưng nhiều chuyên gia y tế cộng đồng vẫn không bị thuyết phục. Thế vận hội sẽ chuyển hướng các nguồn lực có thể được dùng cho xét nghiệm hoặc tiêm chủng. Hiện tiêm chủng khá chậm chạp: Nhật Bản có tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ thấp nhất trong OECD, một câu lạc bộ các nước giàu. Vì vậy không quá ngạc nhiên khi hơn 80% người dân Nhật Bản không muốn tổ chức Thế vận hội trong năm nay hoặc hủy bỏ vĩnh viễn. Nhưng chính phủ Nhật không thể đơn phương hủy sự kiện này. Quyền lực đó thuộc về Ủy ban Olympics Quốc tế – tổ chức muốn tiếp tục.
Giá xe cũ ở Mỹ tăng vì thiếu xe mới
Giá ô tô đã qua sử dụng đang tăng vọt trên khắp nước Mỹ. Một chỉ số về giá xe đã qua sử dụng do Manheim, một doanh nghiệp bán đấu giá xe cũ, công bố, đã tăng 61% kể từ tháng 4 năm ngoái. Một nguyên nhân là thiếu ô tô mới do tình trạng thiếu chất bán dẫn ngày càng trầm trọng trên toàn cầu làm hạn chế sản xuất xe. Chỉ riêng tại Mỹ, các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm 27.000 việc làm trong tháng trước vì các nhà máy thiếu chip phải ngừng hoạt động.
Hôm nay, bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo sẽ gặp các nhà sản xuất ô tô và chất bán dẫn tại một hội nghị thượng đỉnh để giúp giải quyết tình hình. Bà được cho là đã thúc ép các nhà sản xuất chip ở Đài Loan, nước sản xuất chip lớn nhất thế giới, ưu tiên các đơn đặt hàng của các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Chính quyền Biden cũng muốn chi 50 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip trong nước nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu. Nhưng cần có thời gian để mở rộng sản xuất chip, trong khi thiếu hụt có thể kéo dài vài năm. Như bản thân bà Raimondo thú nhận với các phóng viên vào tuần trước, không có cách nào để “giải quyết nhanh”.
Đại dịch COVID-19 đe dọa tiến bộ tiêm chủng đại trà các bệnh khác
Tuần này, người ta lo ngại chiến dịch tiêm chủng covid-19 ở châu Phi bị đình trệ. Nhiều nước đang thiếu hụt vắc-xin. Trong khi số khác có mà không thể dùng. Cụ thể, Malawi đã tiêu hủy gần 20.000 liều hết hạn sử dụng; Nam Sudan cũng sẽ tiêu hủy 59.000 liều. Ngoài ra đại dịch còn đe dọa những tiến bộ tiêm chủng định kỳ cho các bệnh khác trong nhiều thập niên qua.
Trong một cuộc khảo sát gần đây do WHO thực hiện, gần 40% quốc gia trên toàn thế giới đang gặp phải gián đoạn trong tiêm chủng. Sáu mươi chiến dịch chủng ngừa hàng loạt, 23 trong số đó dành cho bệnh sởi, hiện đang bị hoãn lại. Việc này có thể khiến khoảng 228 triệu người có nguy cơ mắc bệnh sởi và các bệnh khác bao gồm bạch hầu, bại liệt và sốt vàng da.
Ngoài ra đại dịch cũng cản trở phòng chống dịch bệnh. Các biện pháp phong tỏa hà khắc, sự lạm dụng của cơ quan thực thi pháp luật và suy thoái kinh tế do covid-19 làm tăng khả năng lây lan bệnh nhiễm trùng. Đại dịch của ngày mai có thể do đại dịch của hôm nay gây ra.
Miến Điện, Biển Đông buộc ASEAN xem xét lại cơ chế kém hiệu quả ?
Không một nước Đông Nam Á nào đồng tình với dự thảo nghị quyết về ngừng bắn và cấm vận vũ khí Miến Điện, lẽ ra được đưa ra biểu quyết ngày 18/05/2021 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc theo đề xuất của Liechtenstein. Cuộc bỏ phiếu bị hoãn vô thời hạn vì « không có đủ số ủng hộ » (48 nước) và cần được thương lượng thêm, chủ yếu với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á.
Thêm một thất bại cho thấy Liên Hiệp Quốc vẫn bế tắc trong hồ sơ Miến Điện và bây giờ chỉ biết trông cậy vào sự hợp tác của ASEAN. Tuy nhiên, chưa bao giờ ASEAN lại cho thấy vai trò lãnh đạo kém hiệu quả, thậm chí là bất lực, như hiện nay, từ cuộc đảo chính ở Miến Điện đến những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Chính ASEAN cũng có phần nào trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tại Miến Điện, theo phân tích của nhà nghiên cứu Richard Heydarian, tại Manila (Philippines), trên báo mạng South China Morning Post (12/05/2021).
Thứ nhất, ASEAN đã bắt tay « hợp tác mang tính xây dựng » với tập đoàn quân sự Miến Điện từ hơn một thập niên nay. Với nguyên tắc « không can thiệp chuyện nội bộ nước thành viên », ASEAN đã gián tiếp giúp hợp pháp hóa giới tướng lĩnh tàn bạo, khi tán thành những cải cách chính trị mang tính hình thức của quân đội, trong đó có việc trao quyền cho một ban lãnh đạo dân sự có tư tưởng cải cách hơn, nhưng lại không tước bỏ đặc quyền của quân đội.
Thứ hai, ASEAN cũng thờ ơ trước các vụ thảm sát người thiểu số theo Hồi Giáo Rohingya gây thảm cảnh di dân từ năm 2009. Thay vì cảnh cáo, trừng phạt tội ác của tập đoàn quân sự, các nhà đầu tư Đông Nam Á và Đông Á ồ ạt chinh phục « thị trường non trẻ » Miến Điện, chủ yếu nằm trong tay quân đội. Liệu quân đội Miến Điện có dám đảo chính nếu như ASEAN đã trừng phạt nghiêm khắc những tội ác của họ trong khá khứ ?
Thứ ba, ngay khi tay của tập đoàn quân sự đã nhuốm máu của hơn 800 người dân Miến Điện, chỉ có vài nước thành viên lên tiếng. Thái Lan và Cam Bốt một mực khẳng định không can thiệp chuyện nội bộ của nước thành viên. Tướng Min Aung Hlaing được ASEAN mời đến họp ở Jakarta (Indonesia) nhưng lại thiếu đại diện của bên dân sự. Cuối cùng, « Đồng thuận 5 điểm », tưởng chừng là một thành công của ASEAN, cũng bị tập đoàn quân sự xem như tờ giấy lộn, chỉ tham khảo khi « ổn định » được tình hình trong nước.
Biển Đông : ASEAN không dám nêu đích danh Trung Quốc
Sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là một hồ sơ cho thấy khả năng hạn chế của ASEAN. Bắc Kinh không bị nêu đích danh trong những văn kiện chính thức của khối liên quan đến Biển Đông. Suốt hai thập niên đàm phán, ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa đúc kết được Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC). ASEAN cũng không lên án hoặc trừng phạt các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở những khu vực có tranh chấp giữa các nước thành viên ở Biển Đông.
Biển Đông trở thành một trong những « điểm nóng » đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bất lực trước sự bành trướng của Bắc Kinh, ASEAN đứng ngoài nhìn lực lượng hải quân của nhiều nước (Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, châu Âu) đến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.
Theo nhà nghiên cứu Richard Heydarian, nguyên nhân sâu xa trong vai trò thiếu hiệu quả của ASEAN là nguyên tắc « đồng thuận », có vẻ tốt đẹp về lý thuyết, nhưng khó áp dụng trên thực tế, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp như cuộc đảo chính ở Miến Điện. Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam cũng thiếu những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa như thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, hay tổng thống Suharto của Indonesia trước đây.
Hai hồ sơ quan trọng trên cho thấy ASEAN cần có một vai trò lãnh đạo cơ bản quyết đoán hơn và một cơ chế tự chủ hơn để định hình một cách hiệu quả khu vực ảnh hưởng riêng trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo chiều hướng này, nhà nghiên cứu Philippines nêu hai đề xuất khác, song song với nguyên tắc « đồng thuận ». Thứ nhất, ASEAN có thể sử dụng thường xuyên hơn biện pháp « dựa trên đa số », từng được thử nghiệm trong một số cuộc đàm phán thương mại giữa khối này với các nước khác. Thứ hai, ASEAN cũng nên khuyến khích sự hợp tác song phương giữa các nước thành viên chủ chốt, có cùng mục tiêu, như từng được áp dụng thành công trong hoạt động tuần tra chung và chống khủng bố trong khu vực.
Mỹ sắp phát tặng 80 triệu liều vaccine ra thế giới
Anita Powell
Mỹ tuần này loan báo sẽ chia sẻ thêm 20 triệu liều vaccine virus corona với các nước khác, ngoài 60 triệu liều đã cam kết trước đây. Thắc mắc cần giải đáp: những nước nào sẽ được nhận món quà này?
Điều phối viên của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Đáp ứng COVID Toàn cầu, Gayle Smith, không trả lời thẳng câu hỏi này hôm 19/5 tại một hội nghị trực tuyến dù bị hỏi dồn nhiều lần bởi các phóng viên từ vùng Ca-ri-bê, Ấn Độ, Brazil, châu Phi, Đông Á, và Liên hiệp châu Âu.
Tuy nhiên, bà Smith nhấn mạnh là Mỹ đang làm việc chặt chẽ với chương trình COVAX toàn cầu để quyết định nơi nào cần vaccine nhất, và làm thế nào vaccine được phân phối bình đẳng.
“Chúng tôi chưa có quyết định về việc phân phối,” bà lặp đi lặp lại nhiều lần. “Chúng tôi sẽ có thông tin cho quý vị trong thời gian gần. Điều chúng tôi đang làm là xem xét từng khu vực trên thế giới và chúng tôi nhận thấy rõ ràng về tình trạng cực kỳ thiếu vaccine tại lục địa châu Phi.”
Các chuyên gia y tế tại Liên hiệp quốc ước lượng trong 1,4 tỉ liều đã được sử dụng trên toàn thế giới, chỉ có 24 triệu liều đến với châu Phi-nghĩa là chưa tới 2%.
Bà Smith cũng nhấn mạnh rằng dù các đối thủ hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc và Nga đang tăng cường trao tặng vaccine của họ trên toàn thế giới, động thái này của Mỹ không phải là ‘ngoại giao vaccine.’ Bà nhắc đi nhắc lại Mỹ sẽ phân phối vaccine dựa trên nhu cầu chứ không nhằm tạo thiện cảm.
“Về ngoại giao vaccine, theo tôi, điều hết sức quan trọng ở đây, vaccine là công cụ dành cho y tế công cộng,” bà nói. “Vaccine là phương tiện để chấm dứt đại dịch này. Chúng tôi không xem vaccine cũng như không dùng vaccine làm phương tiện để gây ảnh hưởng hay tạo áp lực. Và quyết định của chúng tôi sẽ căn cứ trên nhu cầu, dữ liệu y tế công cộng và, xin nhắc lại lần nữa, dựa trên sự hợp tác với các đối tác chính trong đó có COVAX.”
Bà Smith lưu ý Mỹ là nước tặng vaccine lớn nhất cho COVAX và thúc đẩy các nước giàu khác tăng cường đóng góp. Bà cũng cho biết việc trao tặng vaccine sẽ kèm theo đầu tư vào các địa điểm sản xuất vaccine trên toàn thế giới, và sự trợ giúp của Mỹ để cải thiện việc tiếp cận điều trị và xét nghiệm của các nước khác.
Loan báo việc trao tặng vaccine đầu tuần này, Tổng thống Joe Biden giải thích: “Có nhiều bàn tán về ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trên thế giới bằng vaccine,” “chúng ta muốn lãnh đạo thế giới bằng những giá trị của chúng ta, với sự minh họa về sáng kiến, thực tâm và sự đứng đắn của người dân Mỹ. Cũng như Thế chiến thứ Hai, nước Mỹ là kho vũ khí của dân chủ, thì trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đất nước của chúng ta là kho vaccine cho toàn thế giới.”
Nhật-Phi đồng ý hợp tác chặt chẽ vì an ninh, ổn định ở Biển Đông
Ngày 19/5, Tổng thống Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhất trí làm việc để duy trì an ninh và ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông theo luật pháp quốc tế, trang GMA News cho hay.
Trong một tuyên bố, Điện tổng thống Malacañang cho biết ông Duterte đã có cuộc điện đàm kéo dài 20 phút với Thủ tướng Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa hai quốc gia và xây dựng mối quan hệ này dựa trên “65 năm quan hệ bình thường hóa và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược được tăng cường”.
Trong cuộc trò chuyện, Điện Malacañang cho biết ông Suga đã lên tiếng cảnh báo về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
Thông báo từ Văn phòng Tổng thống dẫn lời của Thủ tướng Nhật Bản cho biết: “Trong khi công nhận tầm quan trọng của Phán quyết Trọng tài, Thủ tướng Suga cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông và Hoa Biển Đông”.
Cả hai nhà Lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ để đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực theo pháp quyền. Nhật Bản và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trong một tuyên bố khác, Đại sứ quán Nhật Bản cho biết ông Suga có “những lo ngại nghiêm trọng về những diễn biến gần đây mà Trung Quốc theo đuổi, bao gồm cả Luật Cảnh sát biển”.
Đại sứ quán cho biết thêm: “Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ hướng tới việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực theo pháp quyền như UNCLOS [Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển]”.
Trước đó, trong một phát biểu đáng chú ý, ông Duterte tuyên bố phán quyết của trọng tài năm 2016, chỉ là “mảnh giấy vụn” và nếu đưa ông, ông sẽ ném vào sọt rác.
Mặc dù vẫn duy trì quan hệ “hữu nghị” với Trung Quốc, ông Duterte khẳng định Philippines sẽ không rút tàu khỏi Biển Đông.
Nguồn tin tiết lộ cách quân đội Myanmar tiến vào lĩnh vực viễn thông để theo dõi công dân
Hãng tin Reuters ngày 20/5 dẫn các nguồn tin cho biết trong những tháng trước cuộc đảo chính của quân đội Myanmar vào ngày 1/2, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet của nước này đã được lệnh cài đặt phần mềm gián điệp đánh chặn cho phép quân đội nghe trộm thông tin liên lạc của công dân.
Theo nguồn tin, công nghệ này mang lại cho quân đội sức mạnh để nghe cuộc gọi, xem tin nhắn văn bản và lưu lượng truy cập web, bao gồm cả email và theo dõi vị trí của người dùng mà không cần sự hỗ trợ của các công ty viễn thông và internet.
Các chỉ thị là một phần trong nỗ lực sâu rộng của quân đội nhằm khai triển các hệ thống giám sát điện tử và kiểm soát internet với mục đích theo dõi các đối thủ chính trị, dập tắt các cuộc biểu tình và cắt các kênh cho bất kỳ người bất đồng chính kiến nào trong tương lai.
Những người ra quyết định tại Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông dân sự đưa ra mệnh lệnh đều là các cựu quan chức quân đội, theo một nhà điều hành có kiến thức trực tiếp trong ngành và một người khác được thông báo tóm tắt về vấn đề này.
Giám đốc điều hành có kiến thức trực tiếp cho biết: “Họ trình bày rằng nó đến từ chính phủ dân sự, nhưng chúng tôi biết quân đội sẽ có quyền kiểm soát và đã được thông báo rằng bạn không thể từ chối”, vị này lưu ý các quan chức từ Bộ Nội vụ do quân đội kiểm soát.
Hơn một chục người có kiến thức về phần mềm gián điệp đánh chặn được sử dụng ở Myanmar đã được phỏng vấn bởi Reuters. Tất cả đều được yêu cầu giấu tên, với lý do sợ bị quân đội quân phiệt trừng phạt.
Reuters cho biết cả đại diện cho quân đội và đại diện cho các chính trị gia đang cố gắng thành lập một chính phủ dân sự mới đều không trả lời yêu cầu bình luận của họ
Hãng tin này cũng cho biết các tài liệu về ngân sách từ năm 2019 và 2020 của chính phủ tiền nhiệm do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, không tiết lộ công khai chi tiết về kế hoạch mua các sản phẩm và bộ phận của phần mềm gián điệp trị giá 4 triệu USD, cũng như công nghệ khai thác dữ liệu và hack điện thoại phức tạp.
Reuters cho biết ý tưởng về cái gọi là “đánh chặn hợp pháp” lần đầu tiên được chính quyền Myanmar đưa ra đối với lĩnh vực viễn thông vào cuối năm 2019 nhưng áp lực phải cài đặt công nghệ như vậy chỉ đến vào cuối năm 2020, một số nguồn tin cho biết thêm rằng họ đã được cảnh báo là không nên nói về nó.
Ngoại trưởng Mỹ-Nga cố làm giảm căng thẳng nhân cuộc gặp đầu tiên thời Biden
Kể từ khi tân tổng thống Joe Biden lên cầm quyền, hôm qua, 19/05/2021, lần đầu tiên lãnh đạo ngoại giao Mỹ Antony Blinken có cuộc tiếp xúc mặt đối mặt với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov tại Iceland, bên lề hội nghị của Hội Đồng Bắc Cực, mà Nga lẫn Mỹ đều là thành viên. Trong bối cảnh hai nước đang có rất nhiều mâu thuẫn, cả hai ngoại trưởng cố tìm cách giảm bớt căng thẳng để chuẩn bị tốt cho cuộc họp thượng đỉnh dự trù vào tháng 6 tới giữa hai tổng thống Biden và Putin.
Theo hãng tin Pháp AFP, mong muốn giảm nhiệt trong quan hệ song phương đều đã được hai ngoại trưởng thể hiện nhân cuộc gặp, cho dù họ vẫn không ngần ngại cho thấy những bất đồng tồn tại giữa hai bên.
Về phía Hoa Kỳ, cuộc gặp giữa hai ông Blinken và Lavrov đã mang tính “xây dựng”, “hiệu quả”, “tôn trọng lẫn nhau” và “trung thực”. Theo ngoại trưởng Blinken, cả hai nước đều chia sẻ quan điểm là “nếu các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ có thể hợp tác” để đối phó với những thách thức chung, thì “thế giới sẽ an toàn hơn”.
Về phía Nga, ngoại trưởng Lavrov cũng hoan nghênh các cuộc thảo luận “mang tính xây dựng”, khẳng định rằng Matxcơva “sẵn sàng đề cập đến mọi vấn đề, không loại trừ bất cứ điều gì, với điều kiện là cuộc thảo luận phải trung thực (...) và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”. Đối với lãnh đạo ngành ngoại giao Nga, cả hai cường quốc đều nhận thức được là cần phải “chấm dứt tình trạng quan hệ không lành mạnh” trong những năm gần đây.
Nhưng trong cuộc tiếp xúc với ông Lavrov, ngoại trưởng Mỹ vẫn đề cập đến các quan ngại của Mỹ trên hai hồ sơ Ukraina và Navalny.
Riêng về cuộc họp thượng đỉnh dự trù diễn ra vào tháng 6 tới đây giữa hai tổng thống Mỹ và Nga, cả hai ngoại trưởng đều kín tiếng và đã quyết định để cho Nhà Trắng và Điện Kremlin xác nhận về khả năng mở ra, cũng như ngày giờ và địa điểm cụ thể.
Mỹ không trừng phạt công ty chính của Nord Stream2
Một yếu tố đáng chú ý được tất cả các nhà quan sát ghi nhận là ngay trước lúc hai ngoại trưởng Nga-Mỹ gặp nhau tại Reykjavik, Washington đã tỏ một cử chỉ thiện chí: Không trừng phạt công ty chính liên quan đến dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối liền Nga và Đức.
Trong một bức thư gửi tới Quốc Hội Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken cho biết rằng ông đã quyết định trừng phạt một số thực thể của Nga tham gia vào dự án, nhưng sẽ không đụng đến công ty Nord Stream 2 AG, một công ty con của tập đoàn Nga Gazprom, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ, cũng như giám đốc điều hành người Đức Matthias Warnig của công ty này.
Theo giới phân tích, quyết định nói trên vừa giúp Washington tránh được việc chọc giận Berlin, một đồng minh, vừa tỏ được một dấu hiệu thiện chí đối với Matxcơva.
Gaza: Mỹ kêu gọi "xuống thang", nhưng bác đề nghị thông qua nghị quyết của Pháp
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/05/2021 kêu gọi xuống thang căng thẳng ngay lập tức, sau khi Israel cho biết đang chờ « thời điểm thích hợp » để ngưng các cuộc oanh kích vào dải Gaza. Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ bác đề nghị của Pháp về việc tổ chức họp Hội Đồng Bảo An, nhằm thông qua một nghị quyết về xung đột Israel-Palestine.
Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Biden đã nói với thủ tướng Netanyahou là ông chờ đợi một sự xuống thang đáng kể trong ngày, hướng đến việc ngưng bắn. Trước đó, một viên chức quân sự Israel khẳng định đang xem xét « thời điểm thích hợp để ngưng bắn » sau 9 ngày xung đột. Trong cuộc gặp các đại sứ, thủ tướng Benjamin Netanyahou tuyên bố Israel muốn « giảm bớt tiềm lực quân sự, các phương tiện khủng bố, cũng như quyết tâm » của phe Hamas, bị phương Tây coi là tổ chức khủng bố.
Chính quyền Biden, với chủ trương ngoại giao « lặng lẽ », đã từ chối ủng hộ đề nghị của Pháp thông qua một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngưng bắn. Phát ngôn viên phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định : « Chúng tôi tập trung vào nỗ lực ngoại giao cao độ đang diễn ra để chấm dứt bạo lực, và không ủng hộ bất kỳ hành động nào được cho là có hại đến cố gắng làm giảm căng thẳng ».
Phía Pháp, với sự ủng hộ của Ai Cập, Jordani và Tunisia, từ hôm 18/05, đã soạn một dự thảo nghị quyết kêu gọi « ngưng các hoạt động thù địch » và mở đường cho viện trợ nhân đạo, chủ yếu tại Gaza. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh « nhất thiết phải tránh một cuộc tấn công trên bộ của Israel, có thể mở ra một giai đoạn không thể kiểm soát nổi ».
Theo AFP và Reuters, Hoa Kỳ đã bác bỏ ba dự thảo tuyên bố của Trung Quốc, Tunisia (đại diện cho thế giới Ả Rập) và Na Uy về xung đột Israel-Palestine tại Liên Hiệp Quốc. Trong lúc các hoạt động ngoại giao hậu trường đang dồn dập, những vụ bắn rốc-kết sang Israel của Hamas và các cuộc oanh kích của Israel vẫn tiếp diễn.
Hôm qua có 8 người Palestine tại Gaza thiệt mạng, nâng tổng số nạn nhân lên 227. Một nhà báo thuộc một đài phát thanh ủng hộ Hamas đã chết trong một vụ oanh kích vào nhà. Đây là nhà báo đầu tiên tử nạn kể từ khi khởi đầu cuộc xung đột. Quân đội Israel nhắm vào các đường hầm, một tòa nhà là trụ sở bộ phận công nghệ của Hamas, cũng như nhà riêng của các thủ lãnh phong trào Hồi giáo này. Tại Israel, những hồi còi báo động đạn rốc-kết rền vang suốt đêm qua, nhất là ở phía nam.
Kể từ ngày 10/05, đã có 4.000 quả đạn rốc-kết từ Gaza bắn sang Israel, trong đó hệ thống chống hỏa tiễn Vòm Sắt chận được khoảng 90%. Tại dải Gaza, khoảng 72.000 người phải sơ tán và 2.500 người bị mất nhà cửa.
Không có nhận xét nào