Tin tức thế giới ngày Thứ ba 25 tháng 5 năm 2021 |
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, truyền thông trên thế giới náo động với vụ hệ thống đường ống dẫn dầu lớn nhất nước Mỹ do tập đoàn Colonial Pipeline quản lý khai thác bị tin tặc tấn công, làm đảo lộn hoạt động kinh tế, khiến Washington phải ban bố tính trạng khẩn cấp ở nhiều vùng của nước Mỹ. Đây chỉ làm một trong nhiều vụ tấn công tin tặc mà nước Mỹ thường xuyên là mục tiêu.
Giới quan sát vẫn lấy làm ngạc nhiên vì sao Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ tin học, có không thiếu các công ty lớn về an toàn mạng lại vẫn bị tin tặc làm tê liệt và dường như Hoa Kỳ bất lực với các cuộc tấn công mạng. Trên thực tế Mỹ thường xuyên phải huy động lực lượng hùng hậu đối phó với các tin tặc nhưng tiến hành một cách bí mật tuyệt đối vì sợ để lộ ra những yếu kém, đặc biệt trước các tin tặc ngày càng táo tợn của Nga và Trung Quốc.
Gần đây dư luận đặc biệt chí ý đến một nội dung twitter của Lữ đoàn 780 thuộc lục quân Mỹ chuyên về lĩnh vực chống tin tặc thông báo công ty an ninh mạng của Mỹ Recorded Future đã vô hiệu hóa được các máy chủ của nhóm tin tặc Darkside, đặt cơ sở tại Nga và bị quy là thủ phạm của tấn công vào mạng lưới dẫn dầu Mỹ Colonial Pipeline hồi đầu tháng 5 vừa rồi.
Các nhà phân tích đều cho rằng trên mặt trận tin tặc rất khó và gần như là không thể chỉ ra được một cách chính xác ai là thủ phạm của các cuộc tấn công tin tặc để có thể đặt vấn đề trừng phạt. Trong mặt trận công nghệ mới này, trừng phạt chỉ có thể là mở tấn công tin tặc đáp trả.
Lần đầu tiên công chúng Mỹ được nghe nói đến một cuộc tấn công tin học, đó là vào năm 2010 khi virus tin học có tên Stuxnet đã xâm nhập và làm tê liệt toàn bộ hệ thống máy ly tâm làm giàu uranium của Iran. Vụ này được quy cho các tin tặc của Israel và Mỹ.
Từ đó đến nay, dư luận lại được biết đến hàng loạt các cơ sở, công ty của Mỹ là nạn nhân của các tin tặc Trung Quốc nhằm đánh cắp các cơ sở dữ liệu, bí mật công nghiệp hay các tin tặc Nga tấn công vào các kỳ bầu cử Mỹ, chưa kể đến nhiều vụ tấn công được quy cho tin tặc Bắc Triều Tiên nhằm đánh cắp tiền của các công ty Mỹ.
Trước các vụ tấn công ồ ạt như vậy, bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn thường giữ im lặng tạo cảm giác không làm gì để đáp trả hay ngăn chặn làn sóng tin tặc nhằm vào nước Mỹ. Mới đây, tướng Paul Nakasone, chỉ huy binh chủng không gian mạng Mỹ (Cybercom) đã khẳng định trước một ủy ban chuyên trách của Quốc Hội Mỹ, các đơn vị an ninh mạng của nước này vẫn phản ứng đáp trả rất tích cực và hiệu quả các cuộc tấn công như vậy nhưng trong bí mật tuyệt đối.
Tuy nhiên, bà Elissa Slokin, dân biểu bang Michigan và là cựu nhân viên phân tích CIA lấy làm tiếc là Mỹ « không có các hành động răn đe và các nhóm tin tặc Trung Quốc hay Nga vẫn tấn công nước Mỹ mà không bị trừng phạt ». Theo dân biểu này thì không nên hành động trong bóng tối mà phải thông tin công khai cho dân chúng thấy được nước Mỹ không dễ dàng bị tấn công.
Theo AFP, trong hai năm qua, quân đội Mỹ đã bắt đầu thông tin dù vẫn còn nhỏ giọt, về các hoạt động ứng phó trong không gian mạng. Cụ thể, hồi tháng 6/2019, các quan chức Mỹ ẩn danh xác nhận một vụ tấn công tin tặc do Nhà Trắng chỉ đạo đã vô hiệu hóa được hệ thống phóng tên lửa của Iran. Tháng Giêng năm 2020, binh chủng Cybercom cũng tiết lộ bằng các cuộc tấn công mạng phá được hệ thống tuyên truyền của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Theo chuyên gia Elizabeth Bodine-Baron, thuộc trung tâm tư vấn Rand của Mỹ, thì lý do bộ Quốc Phòng Mỹ thận trọng thông tin vì rất khó khăn cho một chính phủ quy kết chắc chắn thủ phạm các vụ tấn công tin tặc là của một chính phủ khác hay là một nhóm tội phạm.
Tiết lộ các chiến dịch phản công của Lầu Năm Góc có thể có tác dụng răn đe nhưng cũng là con dao 2 lưỡi có thể làm lộ ra điểm yếu của khả năng chống đỡ của Mỹ.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, trước đây, quan điểm của chính quyền Mỹ là « tấn công mạng vẫn được coi như là thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt », dùng để trừng phạt hay đe dọa đối thủ vì thế tiến hành tấn công mạng là « một chiến dịch bí mật ở cấp cao, dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổng thống » và được tiến hành vì các mục tiêu chiến lược. Quan điểm chiến lược này đang dần được thay đổi ở Washington theo thời gian.
Thống đốc Alabama ký luật cấm hộ chiếu vaccine
Hôm 24/5, Thống đốc bang Alabama Kay Ivey đã ký một dự luật cấm các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức công lập yêu cầu “hộ chiếu vaccine” COVID-19, theo Reuters.
“Tôi đã ký SB 267! Kể từ khi phát triển vaccine COVID-19, cả Tiến sĩ Scott Harris (nhân viên y tế tiểu bang) và tôi đều nói rằng chúng tôi sẽ không bắt buộc phải tiêm vaccine ở bang Alabama”, Thống đốc Ivey cho biết trong một tuyên bố hôm 24/5.
“Tôi ủng hộ tiêm vaccine tự nguyện và bằng cách ký dự luật này thành luật, tôi chỉ củng cố thêm niềm tin đó”, bà Ivey, một thành viên Đảng Cộng hòa, cho biết.
Luật có hiệu lực ngay lập tức và cho biết chính quyền tiểu bang và địa phương không được cấp hộ chiếu vaccine hoặc thẻ tiêm chủng hoặc bất kỳ tài liệu tiêu chuẩn nào khác nhằm mục đích xác nhận tình trạng tiêm chủng của một cá nhân.
Các cơ sở giáo dục “có thể tiếp tục yêu cầu học sinh chứng minh tình trạng tiêm chủng để cho đến trường chỉ đối với các loại vaccine cụ thể đã được cơ sở yêu cầu kể từ ngày 1/1/2021, với điều kiện là các cơ sở đó miễn trừ cho học sinh có tình trạng sức khỏe hoặc tín ngưỡng không hợp với tiêm chủng,” luật có đoạn viết.
Theo số liệu của Reuters, Covid-19 đã giết chết khoảng 590.000 người Mỹ và có hơn 33 triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh. Nhưng khi tốc độ tiêm chủng tăng nhanh trong những tháng gần đây, các ca tử vong và lây nhiễm đã giảm mạnh, và cho đến nay tại Hoa Kỳ có khoảng 43% dân số tiêm đủ liều vaccine.
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng phản đối ý tưởng bắt buộc phải có hộ chiếu vaccine.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết vào tháng trước rằng Nhà Trắng đang thảo luận thêm với các hãng hàng không Hoa Kỳ và các nhóm ngành du lịch khác để cung cấp hướng dẫn kỹ thuật cho hộ chiếu vaccine có thể được sử dụng để tăng cường du lịch bằng đường hàng không quốc tế một cách an toàn.
Ngoại trưởng Mỹ đến Israel giúp củng cố thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 25/5 đến Israel, bắt đầu chuyến công du Trung Đông nhằm mục đích thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza, theo AP.
Ông Blinken sẽ đối mặt với những trở ngại đã kìm hãm tiến trình hòa bình hơn một thập kỷ qua, bao gồm chính sách diều hâu của giới lãnh đạo Israel, sự chia rẽ của người Palestine và những căng thẳng đã ăn sâu xung quanh Jerusalem và các thánh địa.
Cuộc chiến 11 ngày ở Gaza kéo đã giết chết hơn 250 người, chủ yếu là người Palestine, và gây ra sự tàn phá trên diện rộng ở vùng lãnh thổ ven biển nghèo khó. Ông Blinken dự kiến sẽ tập trung vào việc điều phối công cuộc tái thiết nhưng làm việc với Hamas đang cầm quyền tại Gaza. Hamas bị Israel và các nước phương Tây gọi là khủng bố.
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 21/5 cho đến nay, nhưng nó không giải quyết bất kỳ vấn đề cơ bản nào.
Ngoại trưởng Blinken, người vừa đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Ben Gurion vào sáng ngày 25/5, là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm khu vực này kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Ông được Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi và các quan chức khác chào đón tại sân bay.
Chính quyền Biden từng kỳ vọng Hoa Kỳ có thể thoát khỏi các cuộc xung đột khó hàn gắn trong khu vực này và tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Quốc và biến đổi khí hậu. Nhưng giống như nhiều chính quyền tiền nhiệm, Washington đã bị kéo trở lại Trung Đông bởi một đợt bùng phát bạo lực khác.
Tròn một năm vụ giết George Floyd
Ngày này năm trước, George Floyd bị giết bởi sĩ quan cảnh sát Minneapolis Derek Chauvin, người đã quỳ trên cổ anh ta hơn 9 phút. Hôm nay gia đình Floyd sẽ gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng. Mục sư Al Sharpton, một nhà hoạt động dân quyền, gọi đây là một cử chỉ “tốt đẹp”, nhưng không đủ. Ông có lý.
Cái chết của Floyd đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình đòi dân quyền lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Biểu tình nổ ra ở mọi tiểu bang và trên khắp thế giới. Chauvin bị kết tội giết người vào tháng 4 vừa rồi, và cảnh sát liên tục phải chịu áp lực cải tổ.
Nhiều bang đã thông qua các dự luật cải cách, nhưng mặc dù ông Biden thúc giục Quốc hội thông qua một dự luật trước hôm nay, vẫn không có luật liên bang nào được thông qua. Cả hai đảng đều ủng hộ một số cải cách, song bế tắc vì có bất đồng về bản chất các cải cách, đặc biệt là về quyền miễn trừ đủ điều kiện. Ở tình trạng hiện tại, dự luật này – được đặt tên theo tên Floyd – vẫn khó có thể được mười Thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ để có thể được thông qua.
Triển vọng đàm phán hạt nhân Iran không sáng sủa
Hôm nay, Iran và Mỹ nối lại vòng đàm phán gián tiếp thứ năm tại Vienna nhằm khôi phục một thỏa thuận quốc tế từ năm 2015 để hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Các cuộc đàm phán đã bị ách tắc vì vấn đề thời điểm thực thi các bước. Iran nói sẽ đình chỉ việc làm giàu hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump vốn làm tê liệt hoạt động xuất khẩu dầu và ngân hàng của Iran. Còn Mỹ nói Iran nên tuân thủ trước rồi mới tính tiếp. Một bất đồng mới cũng nổi lên xoay quanh quyền tiếp cận của các thanh sát viên hạt nhân quốc tế. Theo thỏa thuận thì họ được tự do đi kiểm tra. Nhưng Iran từ chối bàn giao hình ảnh camera giám sát và đe dọa sẽ phá hủy chúng sau một tháng nữa.
Đàm phán cũng đang vấp phải trở ngại bởi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Iran, dự kiến diễn ra vào ngày 18/6. Những nhân vật cứng rắn, bao gồm chủ tịch quốc hội, đang tranh cử trên nền tảng cản trở đàm phán và gieo rắc nghi ngờ về ý định của Mỹ. Tất cả các bên ký kết đều tuyên bố muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Nhưng hiện tại, mọi thứ như đang lẩn tránh họ.
Anh đẩy mạnh nghiên cứu tiền kỹ thuật số
Nhà chức trách Anh đang tập trung vào các loại tiền điện tử đang ngày một phổ biến và việc sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) đằng sau chúng. Một báo cáo công bố hôm nay bởi TheCityUK, một cơ quan thương mại, kêu gọi giới hoạch định chính sách nhanh chóng hành động để tận dụng cơ hội mới. Các tác giả đề cập đến sự thành công của “hộp cát quy định” (regulatory sandbox) của Cơ quan Quản lý Tài chính cho các công ty fintech, theo đó cho phép họ thử nghiệm các sản phẩm mới trên các nhóm khách hàng nhỏ theo một bộ quy định hợp lý. Cách tiếp cận như vậy có thể thúc đẩy phát triển các dịch vụ dựa trên công nghệ DLT.
Tiền kỹ thuật số đặc biệt phù hợp với London, nơi xử lý tới 43% giao dịch tiền tệ trên thế giới. Cũng như thị trường ngoại hối, sổ cái phân tán có giá trị nhất khi nó phục vụ nhiều quốc gia (ví dụ: để hỗ trợ thanh toán dễ dàng hơn). Như mọi khi, thành công của London phụ thuộc vào các quy định cho phép nó tiếp tục mở cửa với thế giới.
Thực trạng đáng buồn của giáo dục trong đại dịch
Hôm qua, Costa Rica đóng cửa tất cả các trường công cho đến tháng 7. Chính phủ sẽ tận dụng thời gian này, cộng với kỳ nghỉ dự kiến từ 28 tháng 6 đến 9 tháng 7, để tiêm chủng covid-19 cho các nhân viên ngành giáo dục. Các trường tư có thể chuyển sang học online. Nhưng Bộ Giáo dục cho biết hệ công lập sẽ không học online vì hơn 400.000 sinh viên không có kết nối internet tốt.
Đó là một thực tế nghiệt ngã phổ biến. Vào tháng 4 năm 2020, cơ quan giáo dục và văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO tính toán rằng vấn đề truy cập internet tại nhà kém đã khiến 43% học sinh trên toàn cầu không thể học trực tuyến. Gián đoạn học tập như vậy là rất nguy hiểm. UNICEF, cơ quan về trẻ em của Liên Hợp Quốc, ước tính 24 triệu học sinh nghỉ học vì đại dịch trên khắp thế giới có thể sẽ bỏ học vĩnh viễn, và chỉ một vài tuần nghỉ học cũng có thể ảnh hưởng “kéo dài suốt đời” lên những trẻ dễ bị tổn thương. Một khi giáo viên được tiêm ngừa và trường học mở cửa trở lại, các chính phủ sẽ có rất nhiều việc phải làm.
Thủ tướng Singapore: Mỹ -Trung chiến tranh có thể hủy hoại tất cả chúng ta
Trang SCMP đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Toàn cầu về Phục hồi Kinh tế khai mạc, do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức hôm thứ Tư (19/5), Thủ tướng Singapore – Lý Hiển Long xung đột quân sự Mỹ-Trung sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới, nếu Mỹ-Trung chiến tranh, có thể hủy hoại tất cả chúng ta.
Ông Lý nói: “Chúng ta sẽ có một trạng thái căng thẳng – ít nhất là lo lắng và có thể xảy ra xung đột – trên toàn thế giới,” và “Điều này sẽ tồi tệ, không chỉ đối với các quốc gia lớn và nhỏ khác, mà còn đối với cả Mỹ và Trung Quốc”.
Ông Lý lưu ý rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có sức mạnh kinh tế và công nghệ to lớn và quân đội mạnh, và sẽ không thể tránh được thương vong và thiệt hại trên quy mô lớn trong trường hợp chiến tranh.
Vì vậy, hai bên không chỉ phải làm việc cùng nhau và chấp nhận nhau như hiện tại, họ còn phải tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực như khí hậu thay đổi, không gia tăng, sức khỏe cộng đồng, và các đại dịch trong tương lai.
Ông Lý nói rằng sự hợp tác như vậy là rất cần thiết ngay cả khi hai bên không hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau.
Trong hai năm qua, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã suy giảm nghiêm trọng khi họ vượt qua thuế quan và thương mại, sự thống trị về công nghệ, tuyên bố về các mối đe dọa của Trung Quốc đối với lợi ích của Hoa Kỳ và nguồn gốc của đại dịch COVID gây ra.
Hai nước cũng đã xung đột về những yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trong Biển Đông, sự thắt chặt kiểm soát của Trung Quốc trong Hồng Kông và tuyên bố về tội diệt chủng ở vùng viễn tây của Trung Quốc ở Tân Cương.
Trong những tháng gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ đều tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và các khu vực xung quanh Đài loan Eo biển, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự trong khu vực.
Ông Lý cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ phải dung hòa lập trường quốc tế của họ với quan điểm chính trị trong nước của họ. “Và cả hai đều có quan điểm chính trị trong nước. Và [cả hai quốc gia sẽ phải] vượt qua quan điểm dân tộc để hợp tác với các quốc gia khác”.
Ông cho biết cả hai quốc gia sẽ cần phải có suy nghĩ rằng, “Dù họ có hoàn toàn tin tưởng nhau hay không, và họ có phải là bạn thân của nhau hay không thì họ vẫn phải là đối tác của nhau trên hành tinh này”.
Khi quan hệ cấp chính phủ giữa các quốc gia suy giảm, nhận thức của công chúng cũng giảm theo.
Lu Xiang, nhà nghiên cứu cấp cao về quan hệ Trung – Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết nhận xét của ông Lý là dấu hiệu cho thấy nhiều quốc gia trong đó có Singapore đang ngày càng lo lắng về những căng thẳng đang gia tăng.
Ông Lu cho biết: “Rõ ràng là họ lo lắng rằng một khi xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, họ sẽ không chỉ gặp khó khăn trong việc lựa chọn bên nào mà còn bị đặt vào tình huống khủng hoảng mà họ không thể kiểm soát và không có lối thoát”.
Ông Bo Zhiyue, người sáng lập và chủ tịch của Viện Bo Zhiyue Trung Quốc, một công ty tư vấn cung cấp dịch vụ cho các nhà lãnh đạo chính phủ và CEO của các tập đoàn đa quốc gia, cho biết đáng lo ngại là thiếu cơ chế quản lý khủng hoảng.
Ông Bo nói rằng trong khi cơ chế như vậy tồn tại trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô khi đó, đường dây nóng giữa Mỹ và Trung Quốc – mặc dù về mặt kỹ thuật – dường như không được sử dụng.
Trong tháng này, Điều phối viên Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết trong một bài báo trên tạp chí Foreign Policy rằng Trung Quốc không quan tâm đến việc sử dụng đường dây nóng.
Nhà bình luận kiêm chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình lập luận trong một bài báo của Thời báo Hoàn cầu vào tuần trước rằng do thiếu tin tưởng nên Trung Quốc đã sử dụng đường dây nóng để tránh xung đột có thể xảy ra.
Châu Âu trừng phạt Belarus vì tiến hành không tặc cấp Nhà nước
Phẫn nộ trước việc Minsk buộc một phi cơ Ryanair hạ cánh để bắt một nhà báo đối lập, tối qua 24/05/2021, cả 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định trừng phạt mạnh mẽ và cô lập Belarus về hàng không.
Thông tín viên Joana Hostein ở Bruxelles cho biết, sau hai tiếng đồng hồ thảo luận, châu Âu đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt mới:
« Châu Âu lên án việc buộc đổi hướng chiếc máy bay của Ryanair và bắt giam nhà báo Roman Protassevitch cùng với bạn gái ông, đòi hỏi phải lập tức trả tự do cho họ. Hai mươi bảy quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu còn yêu cầu tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế làm sáng tỏ sự kiện được coi là « chưa từng có và không thể chấp nhận được ».
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới, nhắm vào những người có trách nhiệm trong việc làm đổi hướng chuyến bay, và những định chế tài trợ cho chế độ Belarus. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khi đến Bruxelles đã nói rõ như trên.
Bên cạnh đó, 27 nước còn thông qua nguyên tắc trừng phạt kinh tế - một hành động mạnh mẽ vốn không dự kiến lúc ban đầu. Liên Hiệp Châu Âu cũng đòi hỏi tất cả các hãng hàng không châu Âu tránh không phận Belarus. Theo Eurocontrol, mỗi tuần có gần 2.000 chuyến bay thương mại bay qua lãnh thổ Belarus. Và biện pháp cuối cùng được loan báo, là châu Âu sẽ đóng cửa không phận của mình đối với các phi cơ Belarus. »
Không đợi đến khi được khuyến cáo, một số hãng hàng không các nước như Air France-KLM, AirBaltic đã ngưng các chuyến bay qua không phận Belarus. Do Minsk là nút giao thông hàng không quan trọng trong nội địa châu Âu cũng như giữa Âu và Á, nên việc cô lập Belarus làm mất thêm thời gian cho chuyến bay và tốn kém cho các hãng hàng không.
Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden hôm qua lên án Belarus, kêu gọi mở điều tra quốc tế và hoan nghênh quyết định trừng phạt của châu Âu. Ông cũng cho biết đã yêu cầu các cố vấn đề xuất các phương án trừng phạt.
Nexta, cơ quan truyền thông nơi Protassevitch làm việc trước khi lập blog riêng rất thành công, đăng bài phỏng vấn người mẹ của nhà báo. Bà nói rằng khi nghe tin « cảnh báo có bom », bà hiểu ngay đây là một vụ dàn dựng, khẳng định con trai bà là một « người hùng » và đặt hy vọng vào sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.
Belarus nói rằng đã hành động vì lời cảnh báo từ phong trào Hamas là trên máy bay có đặt bom, nhưng phát ngôn viên của Hamas, Fawzi Barhoum, bác bỏ mọi sự dính líu. Theo báo chí nhà nước, đích thân tổng thống Alexandra Loukachenko đã ra lệnh buộc hạ cánh, còn tổng giám đốc Ryanair, Michael O’Leary cho rằng có các nhân viên an ninh Belarus trên chiếc phi cơ.
Từ sau cuộc bầu cử tổng thống bị tố cáo gian lận, chính quyền Belarus đã bắt giam hàng ngàn nhà ly khai. Những khuôn mặt đối lập chính hoặc đang lưu vong, hoặc đã vào tù.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào