Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách tận dụng vai trò của nước này trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Palestine, cũng như đề nghị được chủ trì tổ chức các cuộc đàm phán về giải pháp hòa bình tại khu vực đang xung đột.
Hôm Chủ nhật, ông Vương đã tìm cách khẳng định vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình tại Trung Đông. Ông Vương nói Bắc Kinh tin rằng nguyên nhân sâu xa của tình trạng tồi tệ hiện nay là thế giới chưa bao giờ có một giải pháp công bằng cho người dân Palestine.
Đặc phái viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc nói với Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên rằng Israel cần ngừng trục xuất người Palestine ra khỏi nhà của họ và tôn trọng các địa điểm tôn giáo của người Hồi giáo ở các khu vực tranh chấp tại Đông Jerusalem. Tuy vậy, ông Vương cũng chỉ trích Chính quyền Quốc gia Palestine vì làm leo thang bạo lực bằng cách bắn rocket về phía Tel Aviv trong tuần qua.
Cũng trong cuộc họp, ông Vương đã tận dụng cơ hội để mỉa mai Hoa Kỳ, nói rằng Mỹ đã cản trở nỗ lực của Hội đồng nhằm giải quyết xung đột.
Ông Vương sau đó nhắc lại rằng Trung Quốc đề nghị thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt việc Israel phong tỏa và bao vây Gaza đang diễn ra. Vương cho biết Bắc Kinh ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập sử dụng biên giới Đông Jerusalem năm 1967 làm thủ đô và cho phép mỗi bên cùng tồn tại trong các khu vực tranh chấp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực thúc giục hòa bình và thúc đẩy các cuộc đàm phán cũng như hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là chủ tịch Hội đồng Bảo an”, ông Vương nói với 15 thành viên thường trực và không thường trực của cơ quan LHQ hôm Chủ nhật qua hội nghị trực tuyến.
“Chúng tôi tái khẳng định lời mời các nhà lập pháp hòa bình từ Palestine và Israel đến Trung Quốc để tiến hành đối thoại và chúng tôi hoan nghênh các nhà đàm phán của cả hai bên tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp tại Trung Quốc.”
Các nhà phân tích chính sách đối ngoại của Mỹ cho biết phản ứng của Trung Quốc đối với bạo lực Israel – Palestine hiện tại là do Bắc Kinh muốn mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông trong khi chính quyền mới của Washington còn đang chưa ổn định chính sách đối ngoại của mình.
Zhang Jun, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, hôm Chủ nhật cho biết Bắc Kinh “rất lo ngại về tình hình đáng báo động, đáng lo ngại trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.… Nhiệm vụ cấp bách và cấp bách nhất là ngừng bắn và chấm dứt bạo lực, điều quan trọng không kém là thúc đẩy giải quyết vấn đề Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.”
Zhang nhắc lại rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “gánh vác trách nhiệm nặng nề này” trong việc tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình, lâu dài trong khu vực
Xung đột trên dải Gaza : Tổng thống Mỹ dè dặt kêu gọi ngưng bắn
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngày 18/05/2021, có cuộc họp kín sau khi Hoa Kỳ, lần thứ ba trong vòng một tuần, phản đối việc thông qua một tuyên bố chung kêu gọi « chấm dứt bạo lực » trên dải Gaza.
Trong khi đó, hôm qua, trong cuộc điện đàm với thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu, tổng thống Mỹ Joe Biden, lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát, đã dè dặt bày tỏ sự ủng hộ một "lệnh ngưng bắn". Vì sao nguyên thủ quốc gia Mỹ có chút đổi hướng ?
Thông tín viên Anne Corpet từ Washington giải thích :
"Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ: tổng thống Mỹ lên tiếng ủng hộ một lệnh ngưng bắn và thảo luận về nỗ lực của Mỹ cùng với Ai Cập và nhiều đối tác khác cho việc chấm dứt xung đột. Đây là lần đầu tiên ông Joe Biden dùng đến cụm từ « ngưng bắn ». Cho đến nay, các quan chức chính quyền Mỹ chỉ nói hạ nhiệt căng thẳng, giảm leo thang xung đột là điều cần thiết.
Đây là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn trước hệ quả thê thảm của những cuộc oanh kích trên dải Gaza. Đặc biệt đây còn là một sự nhượng bộ nhẹ nhàng của Nhà Trắng trước những áp lực của cộng đồng quốc tế và của phe thiên tả trong đảng Dân Chủ.
Ngày càng có nhiều nghị sĩ trong phe của tổng thống tỏ thái độ bất bình trước một chính quyền Mỹ phải đi theo Israel. Nhưng Joe Biden tỏ ra rất cẩn trọng : ông không đòi hỏi phải chấm dứt ngay lập tức chiến dịch oanh kích của Israel trên dải Gaza. Về phần mình, thủ tướng Benyamin Netanyahu nhắc lại rằng Israel có quyền tự vệ chống lại các cuộc tấn công của phe Hamas."
Tuần thứ 2 xung đột Hamas-Israel : Bạo lực tiếp diễn
Trong lúc trên mặt trận ngoại giao, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc giao tranh Hamas và Israel, AFP dẫn các nguồn tin quân sự của hai bên cho biết tối qua, 17/05/2021, các đợt rốc-kết vẫn được bắn đi từ Gaza sang Israel. Quân đội Israel đáp trả bằng các đợt oanh kích dữ dội.
Cuộc giao tranh dữ dội đã bước sang tuần thứ 2. Đến thời điểm này, theo thống kê, đã có 222 người thiệt mạng : 212 người bên phía Palestine (59 trẻ em) và 10 nhân mạng bên phía Israel (1 trẻ em). Từ hôm 10/05 khởi phát cuộc xung đột, phía lực lượng Hamas đã bắn sang Israel hơn 3.300 quả rốc-kết. Trong khi đó, quân đội Israel tiến hành các cuộc oanh kích hàng ngày, phá hủy nhiều cơ sở, khu dân cư trên phần đất Palestine và làm gần 40 nghìn người phải lánh nạn. Chương trình lương thực thế giới thông báo hơn 51 nghìn người tại Gaza đang cần được cứu trợ khẩn cấp.
Trong một diễn biến mới, hôm qua một nguồn tin quân sự Liban cho AFP hay, 3 quả tên lửa loại Grad đã được bắn sang phía Israel từ khu vực gần biên giới hai nước. Isrel đã cho bắn pháo đáp lại. Quân đội Israel đã thống kê được 90 quả rốc-ket được bắn đi từ Gaza sang lãnh thổ Israel trong khoảng từ 19 h thứ Hai đến 7 giờ sáng hôm nay. Phía Israel đã tấn công "65 mục tiêu khủng bố với 62 đợt không kích".
Miến Điện : Hội nghị Liên Hiệp Quốc về cấm vận vũ khí bị hoãn vô thời hạn
Một hội nghị ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm nay 18/05/2021 về một nghị quyết không mang tính ràng buộc nhằm « ngưng ngay lập tức » mọi chuyển giao vũ khí cho Miến Điện đã bị hoãn lại vô thời hạn do không đủ đa số ủng hộ. Trong khi đó, tại Miến Điện đã có trên 800 người thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính.
Một nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho AFP biết, các tác giả nghị quyết « không có đủ số ủng hộ » để bảo đảm đạt đa số trong cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng gồm 193 nước thành viên. Họ cần có thêm thời gian để thương lượng, chủ yếu với ASEAN.
Dự thảo nghị quyết do Liechtenstein đưa ra, với sự cổ vũ của Liên Hiệp Châu Âu, Anh và Hoa Kỳ, được thương thảo từ nhiều tuần qua. Tổng cộng có 48 quốc gia châu Âu, châu Mỹ và châu Phi ủng hộ, nhưng chỉ có một nước châu Á duy nhất là Hàn Quốc đồng tình.
Khác với Hội Đồng Bảo An, nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc, nhưng có ý nghĩa chính trị lớn. Dự thảo nghị quyết yêu cầu quy định « ngưng lập tức việc cung cấp, bán, chuyển giao trực tiếp và gián tiếp tất cả các loại vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự cho Miến Điện », đồng thời đòi hỏi « chấm dứt tình trạng khẩn cấp », « ngưng ngay bạo lực đối với người biểu tình ôn hòa », « trả tự do vô điều kiện » cho tổng thống Win Myint và bà Aung San Suu Kyi, cũng như tất cả những người bị bắt giam tùy tiện.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết yêu cầu Miến Điện phải sớm thực hiện « kế hoạch quay lại với nền dân chủ do ASEAN soạn thảo », « tạo điều kiện cho chuyến thăm của phái viên Liên Hiệp Quốc » và cho phép viện trợ nhân đạo.
Reuters dẫn nguồn từ Hiệp hội trợ giúp tù chính trị (AAPP) cho biết, tính đến hôm nay, đã có 802 người bị lực lượng an ninh Miến Điện sát hại kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02. Hãng tin Anh không thể kiểm chứng một cách độc lập con số này, và cũng không có được bình luận từ phát ngôn viên quân đội Miến Điện.
Việt Nam là một trong những nước sử dụng website vi phạm bản quyền nhiều nhất Đông Nam Á
Một website tiếng Việt cho xem phim miễn phí vi phạm bản quyền có chứa các nội dung quảng cáo.
Một nghiên cứu mới cho thấy 60% người sử dụng Internet ở Việt Nam truy cập các trang web xem video hoặc trang download torrent vi phạm bản quyền, đứng thứ ba các nước Đông Nam Á.
Trang mạng Benzinga.com loan tin ngày 16/5, trích thông tin từ cuộc khảo sát do Liên minh Chống vi phạm bản quyền của Hiệp hội Công nghiệp Video Châu Á (AVIA) ủy quyền và YouGov thực hiện.
Mức độ vi phạm bản quyền trực tuyến ở Việt Nam tăng cao tới 65% trong nhóm tuổi từ 18 - 24. Tuy nhiên, mức độ sử dụng trang trực tuyến vi phạm bản quyền ở Việt Nam đứng sau Malaysia và Indonesia.
Cuộc khảo sát mới cho thấy đa số người được khảo sát ủng hộ các cơ chế chặn website theo quy định để giảm hành vi vi phạm bản quyền. 48% người dùng Việt Nam đồng ý "lệnh của Chính phủ" để chặn các vi phạm bản quyền trực tuyến.
Benzinga cho rằng những mối nguy hại giữa vi phạm bản quyền và các phần mềm trực tuyến cần được chính phủ tuyên truyền đến người dân. Phần lớn người được khảo sát ở Việt Nam về vi phạm bản quyền trực tuyến lo ngại các nhóm tội phạm tài trợ, phần mềm độc hại và rủi ro mất việc làm trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Nghiên cứu vào tháng 3/2021 của White Bullet trụ sở Anh cho thấy 72% các trang web vi phạm bản quyền ở Việt Nam chứa các quảng cáo như cờ bạc bất hợp pháp và các phần mềm gian lận, độc hại. Nghiên cứu này theo dõi 800 trang web vi phạm bản quyền ở Việt Nam trong ba tuần.
30% người được khảo sát ở Việt Nam cho biết sử dụng trang download torrent vi phạm bản quyền.
Neil Gane, Tổng giám đốc Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) của AVIA, nói nội dung giải trí trực tuyến ở Việt Nam hiện nay đa dạng và hợp pháp, nhưng nhiều sự lựa chọn vi phạm bản quyền khiến người dùng có nguy cơ nhiễm phần mềm độc hại. Vi phạm bản quyền mang lại lợi nhuận cho những nhóm tội phạm đứng sau các trang web bất hợp pháp.
Kinh tế Nhật Bản tiếp tục trồi sụt
Trong nhiều thập kỷ mất mát qua với tốc độ tăng trưởng gần bằng không, kinh tế Nhật Bản không phải chỉ đi xuống mà trải qua một loạt các đợt lên rồi xuống. Nó giống như một chiếc “răng cưa, chứ không phải một đường phẳng”, theo nhà nghiên cứu Adam Posen của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Lối ẩn dụ này xem ra vẫn phù hợp. Ngay sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra đầu năm ngoái là một đợt tăng trưởng dựng đứng.
Song số liệu công bố hôm nay có thể cho thấy nền kinh tế lại suy thoái trong quý đầu năm, sau khi chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp lần hai hồi tháng 1 để kiểm soát một làn sóng ca nhiễm mới. Tình trạng khẩn cấp lần ba, được ban bố vào tháng trước, cũng sẽ làm chậm quá trình phục hồi trong quý này. Do đó, Nhật Bản tiếp tục đối mặt một đợt giảm phát, trong khi các nước khác bao gồm Mỹ đang trải qua lạm phát cao bất thường. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kỳ vọng giảm phát không kéo dài lâu. Nhưng xem ra họ không có nhiều công cụ hiệu quả lắm.
Israel và Gaza: muốn ngừng bắn nhưng không bên nào ngỏ lời
Đã một tuần kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine ở Gaza bùng nổ, Israel vẫn chưa từ bỏ không kích. Hơn 200 người đã chết ở Gaza; và 10 người ở Israel. Cả hai nhóm dân quân Hamas và Muslim Jihad vẫn phóng rocket vào các thị trấn Israel, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại.
Đang có các nỗ lực ngăn chặn giao tranh. Hamas, thông qua trung gian là Ai Cập, đã yêu cầu ngừng bắn; Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp; trong khi một phái viên của chính quyền Mỹ Biden đang tiến hành các vòng đàm phán.
Nhưng ít nhất thì Israel không tung hết sức. Thủ tướng Binyamin Netanyahu cho biết “sẽ mất thời gian” để các cuộc xung đột khép lại. Quân đội nhấn mạnh rằng trước tiên phải làm suy giảm khả năng quân sự của Hamas. Ở hậu trường, họ thừa nhận có thể ngừng bắn. Nhưng không bên nào muốn bị xem là đã đầu hàng, đồng nghĩa mọi cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc không kích đều có nguy cơ làm leo thang xung đột.
Tòa Tối cao Mỹ sắp xem xét một vụ quan trọng về quyền phá thai
Hôm qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã thông báo họ sẽ xét xử cuộc chiến về quyền phá thai lớn nhất trong ba thập niên qua. Vụ kiện này, Dobbs v Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson xoay quanh lệnh cấm phá thai 15 tuần của Mississippi.
Đạo luật Tuổi thai, được thông qua vào năm 2018, là vi hiến theo các phán quyết Roe v Wade (1973) và Planned Parenthood v Casey (1992). Nhưng Dobbs đã mở lại câu hỏi về việc liệu các bang có thể cấm phá thai trước khi xác định được “khả năng tồn tại”, thời điểm một bào thai có thể tồn tại bên ngoài tử cung (khoảng 24 tuần).
Vụ này sẽ được tòa nghe vào mùa thu, một năm sau khi Amy Coney Barrett, một người phản đối phá thai, thay thế Ruth Bader Ginsburg khuynh hướng tự do ở vị trí thẩm phán của tòa. Tháng 6 năm ngoái, chánh án John Roberts đã đứng về phía các thẩm phán tiến bộ trong một vụ liên quan đến quy tắc hạn chế đối với các phòng khám phá thai. Nhưng với việc tòa có đa số bảo thủ 6-3, quyền phá thai xem ra đang bị đe dọa.
Đã 30 năm nhưng nền độc lập của Somaliland vẫn chưa được công nhận
Ba mươi năm trước, Somaliland tuyên bố độc lập khỏi Somalia. Quốc gia 4,5 triệu dân ở vùng Sừng châu Phi có thể nhìn lại ba thập niên tương đối thành công. Không như nước láng giềng bị chiến tranh tàn phá, Somaliland đang ổn định và hòa bình. Chỉ có điều chủ quyền của họ vẫn chưa được công nhận hoàn toàn. Cụ thể, trên danh nghĩa họ vẫn thuộc Somali, kể từ khi Somaliland thuộc Anh hợp nhất với thuộc địa Ý để tạo ra nước Somalia hiện đại vào năm 1960.
Mặc dù người nước ngoài thông cảm với việc không có địa vị nhà nước của Somaliland, nhưng các nước phương Tây và châu Phi nói nền độc lập chính thức phải được chấp thuận bởi Somalia — điều không thể xảy ra, vì làm vậy là khuyến khích các khu vực đang có ý định ly khai của họ. Do đó Somaliland bế tắc, độc lập trên thực tế nhưng không được phần còn lại của thế giới công nhận. Điều này khiến việc thu hút viện trợ và đầu tư trở nên khó khăn hơn — nhất là ở một nước có thanh niên thất nghiệp hàng loạt, với 70% dân số sinh sau năm 1991.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào