Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 30 tháng 5 năm 2021

    Tin tặc Nga tấn công 150 cơ quan, tổ chức của Mỹ
    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 30 tháng 5 năm 2021

    Ba tuần sau vụ tấn công tin tặc làm tê liệt nguồn cung ứng nhiên liệu cho một phần bờ Đông nước Mỹ, khoảng 3.000 địa chỉ thư điện tử của các tổ chức và cơ quan liên bang đã thành mục tiêu nhắm tới của một nhóm tin tặc Nga mà chính quyền Mỹ đã biết đến. Theo Microsoft, công ty phát hiện ra vụ tấn công, lần này dường như các tin tặc sử dụng những kỹ thuật mới.

    Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki giải thích :

    « Các tin tặc Nga lại làm điều đó. Nhóm tin tặc từng gây ra vụ tấn công mạng thông qua phần mềm quản lý SolarWinds - vụ tấn công quy mô khổng lồ nhắm vào các máy chủ của chính phủ Hoa Kỳ, lại khiến người ta phải nói đến một lần nữa. Theo Microsoft, lần này, hơn 150 cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhóm bảo vệ nhân quyền đã bị nhắm tới.

    Những tin tặc này, vốn thân cận với tình báo Nga, có thể đã sử dụng phương thức gửi email lừa đảo, giả mạo để moi thông tin (fishing). Họ đã tấn công thành công vào một địa chỉ email của UsAid, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

    Và nhờ địa chỉ email đó, họ đã có thể gửi các thư điện tử lừa đảo để xâm nhập vào mạng lưới của các tổ chức khác. Microsoft, công ty tin học đã phát hiện vụ tấn công, khẳng định rằng ngay cả khi chiến dịch tấn công được tổ chức rất chặt chẽ, thì các tin tặc cũng sẽ không thể truy cập được vào các dữ liệu nhạy cảm.

    Cuộc tấn công diễn ra chỉ 3 tuần sau vụ tin tặc nhắm vào Colonial Pipeline và làm tê liệt đường ống dẫn dầu lớn nhất nước Mỹ và một tháng sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Matxcơva và trục xuất các nhà ngoại giao Nga để đáp trả các vụ tấn công mạng trước đó.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp nguyên thủ Nga Vladimir Putin vào tháng 06/2021. Ông Biden đã cảnh cáo Nga về việc để các vụ tấn công tiếp diễn. Bây giờ chúng ta phải chờ xem liệu Washington có áp dụng các biện pháp trả đũa mới hay không ».

    Số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh ở Châu Âu, du lịch dần trở lại


    Các ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì virus corona đang giảm mạnh trên khắp Châu Âu, sau khi lục địa này dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới vào mùa thu và mùa đông năm ngoái trong những đợt bùng phát dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người, buộc nhà chức trách áp đặt lệnh phong tỏa và gây quá tải cho các phòng điều trị tích cực.

    Châu Âu chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất về số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 mới trong tuần này so với bất kì khu vực nào khác, trong khi báo cáo khoảng 44% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Châu Âu.

    Trước đây, số ca nhiễm mới trên 100.000 người trung bình trong bảy ngày của Châu Âu cao hơn bất cứ khu vực nào từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 12, nhường vị trí hàng đầu không mong muốn này cho châu Mỹ trong năm mới trước khi soán ngôi từ đầu tháng 2 đến tháng 4, theo phân tích dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins do hãng tin AP thực hiện.

    Giờ không có quốc gia Châu Âu nào nằm trong top 10 nước có nhiều ca nhiễm mới nhất trên 100.000 người. Và chỉ có Gruzia, Lithuania và Thụy Điển nằm trong top 20.

    Tuy nhiên, virus đang bùng lên mạnh mẽ ở Đông Nam Á và phần lớn châu Mỹ Latin và đang hoành hành ở Maldives và Seychelles trong tuần này. Bác sĩ Michael Ryan, trưởng bộ phận tình huống khẩn cấp của WHO, cảnh báo rằng với tình hình toàn cầu vẫn còn “mong manh và đầy biến động,” Châu Âu hoàn toàn chưa thoát khỏi nguy hiểm.

    “Các biện pháp nới lỏng quá sớm đã góp phần vào đợt tăng vọt ca nhiễm mà chúng ta đã thấy trong suốt năm 2020 và trong quý đầu tiên của năm 2021,” ông cảnh báo. “Chúng ta không được chệch hướng trong khi phấn đấu tăng tỉ lệ tiêm chủng.”

    Mối lo ngại lớn nhất đối với Châu Âu là biến thể rất dễ lây lan được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, mà hiện đang khiến nước này điêu đứng và đang lan tràn ở Anh. Chính phủ Anh ngày thứ Năm cảnh báo rằng biến thể từ Ấn Độ chiếm 50% đến 75% tổng số ca lây nhiễm mới và có thể trì hoãn kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế xã hội còn lại vào ngày 21 tháng 6.

    Dù vậy một số nước đã bắt đầu thu hút khách du lịch quay trở lại, thậm chí là từ Anh.

    Ít nhất 12.000 người từ Anh ngày thứ Sáu đã bắt đầu đổ bộ xuống Porto, Bồ Đào Nha, để xem trận chung kết giải vô địch bóng đá Champions League giữa Manchester City và Chelsea. Du khách phải xuất trình xét nghiệm COVID-19 âm tính để được vào sân vận động cho trận đấu ngày thứ Bảy, nhưng không bắt buộc phải cách ly.

    Ngày thứ Hai, Tây Ban Nha dỡ bỏ các quy định nhập cảnh - bao gồm cả yêu cầu xét nghiệm vi rút âm tính - đối với du khách đến từ 10 quốc gia, bao gồm cả Anh. Du khách Anh được săn đón nhiều nhất tại các khu nghỉ mát bãi biển ở Tây Ban Nha vì họ có xu hướng chi tiêu nhiều nhất, theo AP.

    200 nghị sĩ Cộng hòa yêu cầu bà Pelosi tiếp tục điều tra nguồn gốc Covid

    Epoch Times đưa tin, hơn 200 thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang gây áp lực lên những người đồng cấp trong Đảng Dân chủ để thúc đẩy các điều tra về nguồn gốc COVID-19 và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc che đậy đại dịch.

    Một bức thư của các dân biểu Cộng Hòa gửi cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi viết: “Chúng tôi yêu cầu bà hướng dẫn các chủ tịch ủy ban Đảng Dân chủ thích hợp, hưởng ứng ngay lập tức các lời kêu gọi của Đảng Cộng hòa yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vai trò của họ trong việc gây ra đại dịch COVID-19 toàn cầu”.

    Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa trong thư chỉ trích bà Pelosi đã “tuyên bố sai sự thật” khi nói rằng việc đặt câu hỏi về trách nhiệm của ĐCSTQ trong đại dịch COVID là một sự “đánh lạc hướng”.

    Bức thư cho biết: “Có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch bắt đầu từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, và ĐCSTQ đã che đậy nó. Nếu đúng như vậy, ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về cái chết của gần 600.000 người Mỹ và hàng triệu người khác trên toàn thế giới”.

    “Mọi gia đình Mỹ đã mất đi những người thân xứng đáng nhận được câu trả lời về nguồn gốc của loại vi rút khủng khiếp này”.

    Các dân biểu Cộng hòa nói thêm rằng việc “Đảng Dân chủ ở Hạ viện” đã liên tục từ chối phân bổ nguồn lực cho hoạt động điều tra để có được những câu trả lời về nguồn gốc đại dịch, hành vi này là nỗi sỉ nhục đối với Đảng xanh.

    Dân biểu Cộng hòa Steve Scalise viết trong một tweet vào ngày 28 tháng 5: “Trung Quốc không thể thoát khỏi điều này. Người Mỹ xứng đáng nhận được câu trả lời”.

    Miến Điện : "Chính phủ trong bóng tối" hợp tác với một lực lượng nổi dậy để chống quân đội



    Tại Miến Điện, « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia », hôm qua 29/05/2021, ra thông cáo về thỏa thuận hợp lực với một tổ chức nổi dậy để lật đổ chế độ quân sự độc tài. Chính phủ này gồm các nghị sĩ đã rút vào hoạt động bí mật nhằm phản đối tập đoàn quân sự cầm quyền sau vụ đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

    Tổ chức nổi dậy mà « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia » hợp tác để lật đổ chế độc tài và thiết lập hệ thống dân chủ liên bang là Mặt Trận Quốc Gia Chin, lực lượng đại diện cho sắc tộc thiểu số Chin, chủ yếu là người theo Cơ đốc giáo sống ở bang Chin, miền tây Miến Điện. Theo thông cáo, các bên đã cam kết « công nhận lẫn nhau » và tôn trọng « sự bình đẳng với tư cách là đối tác » của nhau.

    Mặt Trận Quốc Gia Chin đã ký một lệnh ngừng bắn với quân đội Miến Điện hồi năm 2015 và trong những năm gần đây quân số đã giảm. Trả lời AFP, Richard Horsey, cố vấn chính về Miến Điện của tổ chức phi chính phủ International Crisis Group, nhận định do Mặt Trận Quốc Gia Chin không có lực lượng quân sự thực sự, nên thỏa thuận hợp lực nói trên chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn có vai trò quan trọng đối với tiến trình hòa bình bởi họ có nhiều lãnh đạo chính trị lưu vong rất được tôn trọng.

    AFP nhắc lại « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia » hay còn được gọi là chính phủ trong bóng tối, được thành lập để chống lại các tướng lĩnh quân đội, tìm cách tập hợp những người bất đồng chính kiến và các phong trào nổi dậy của các sắc tộc khác nhau để thành lập một quân đội nhằm chống tập đoàn quân sự cầm quyền.

    « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia » cũng đã thành lập « lực lượng dân phòng » của riêng họ để bảo vệ dân thường trước quân đội. Hôm thứ Sáu 28/05, « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia » đã cho phát hành một video cho thấy hàng trăm tân binh đang được huấn luyện.

    Thái Lan: Nhà tù quá tải, những ổ dịch lý tưởng cho Covid-19?


    Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trong các nhà tù bị quá tải. Tình trạng này buộc các nhà chức trách phải tìm mọi phương cách để kềm hãm đà lây lan, kể cả việc phải phóng thích sớm những tù nhân có sức khỏe kém.

    Từ Bangkok, thông tín viên Carole Isoux tường thuật :

    « Hơn 22 ngàn tù nhân bị nhiễm bệnh, tức chiếm gần 8% số phạm nhân. Tình hình này giờ dường như ngoài tầm kiểm soát, càng trở nên nghiêm trọng do tình trạng quá tải triền miên trong các nhà tù Thái Lan.

    Hệ thống nhà tù tiếp nhận số tù nhân nhiều hơn 2,5 lần so với khả năng chính thức. Các phạm nhân đôi khi ngủ cả trên nền đất do thiếu chỗ để giường, theo như giải thích từ chính bộ trưởng Tư Pháp Somsak Thepsutin, không còn chỗ nào để ngủ, phải nằm san sát như chực chờ để chết. Việc cách lý người lành bệnh và người nhiễm bệnh gần như là điều không thể.

    Rung, một nhà hoạt động chính trị trẻ tuổi, ủng hộ cải cách nền quân chủ khi tiết lộ vụ việc này với giới báo chí, cho biết rằng cô đã bị nhiễm bệnh ở trong tù. Tình huống này buộc các nhà chức trách phải làm xét nghiệm các phạm nhân và phải tiết lộ thông tin là tình hình này đã kéo dài từ nhiều tuần qua.

    Khủng hoảng nghiêm trọng đến mức bộ Tư Pháp cân nhắc đến việc phóng thích sớm 50 ngàn tù nhân, chủ yếu là những người mắc các bệnh lý, khiến họ dễ bị nhiễm virus hơn. »

    Biên giới Hoa Kỳ khủng hoảng trước làn sóng di cư mới


    Theo một báo cáo từ Axios, hàng chục nghìn người nhập cư bất hợp pháp từ các quốc gia xa xôi hơn đang tràn vào biên giới phía nam Hoa Kỳ nhằm cố gắng nhập cư lậu vào nước Mỹ, trang The Plaze cho hay.

    Thông thường, những người di cư bị bắt gặp ở biên giới phía nam Hoa Kỳ đều đến từ Mexico và các nước Tam giác Bắc Trung Mỹ, bao gồm Guatemala, Honduras và El Salvador. Tuy nhiên, gần đây, đã có sự gia tăng đáng báo động về những người di cư từ các quốc gia khác đến biên giới Hoa Kỳ

    Cụ thể, vào tháng Tư, có hơn 33.800 người di cư từ các quốc gia khác ngoài Mexico, Guatemala, Honduras và El Salvador bị Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ bắt giữ. Số lượng người di cư lậu không đến từ các quốc gia thông thường đang bùng nổ trong cuộc khủng hoảng biên giới. Theo dữ liệu của Bộ An ninh Nội địa, tổng số người nhập cư lậu vào Mỹ từ các quốc gia không điển hình năm 2021 trong tháng 4 cao gấp 25 lần so với tháng 4/2020.

    New York Times đưa tin, các nhân viên nhập cư Mỹ đã bắt gặp những người di cư đến từ hơn 160 quốc gia. Cơ quan về nhập cư cho biết “Hơn 12.500 người Ecuador đã bị bắt vào tháng 3, tăng từ mốc hơn 3.500 người trong tháng 1. Gần 4.000 người Brazil và hơn 3.500 người Venezuela đã bị chặn lại, tăng lần lượt từ mốc 300 và 284 người hồi tháng 1. Con số trong những tháng tới dự kiến ​​sẽ cao hơn”.

    Tờ Times cho biết, một số người di cư còn đến từ Ấn Độ và những nơi khác ở châu Á. Họ bắt xe buýt đến một thành phố lớn, như Mumbai. Sau đó, họ lên máy bay đến Dubai, đi qua Moscow, Paris và Madrid, cuối cùng bay đến Thành phố Mexico. Từ đó, họ bắt đầu đi xe buýt hai ngày để đến biên giới Mexico-Hoa Kỳ.

    Theo dữ liệu của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, đã có hơn 2.200 người Romania bị cơ quan này bắt giữ tại biên giới phía Nam kể từ đầu năm tài chính 2021, bắt đầu từ tháng 10 năm 2020. Trong khi đó, chỉ có hơn 260 người Romania bị bắt tại biên giới trong năm tài chính 2020 và hơn 280 người trong năm tài chính 2019.

    Các nhân viên Tuần tra Biên giới đã bắt giữ hơn 178.600 người di cư đang cố gắng vào Mỹ bất hợp pháp vào tháng 4. Mối lo ngại về tình hình ở biên giới Hoa Kỳ trong tháng 4 năm nay ở mức cao nhất trong hơn 20 năm qua.

    Hàng không Mẫu hạm Anh đưa ra ‘một tuyên bố vô cùng mạnh mẽ tới ĐCSTQ’


    Liên quan đến hành động đổi chiều mạnh mẽ của Vương Quốc Anh trước Trung Quốc, với sự hiện diện của Hàng không Mẫu hạm Anh tại Biển Đông, người chỉ huy tàu cho biết, chuyến đi đầu tiên của Hàng không Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth sẽ chứng tỏ cho các đồng minh thấy rằng, Vương Quốc Anh thời hậu Brexit sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của phương Tây và mong muốn thấy Trung Quốc tôn trọng các quy tắc quốc tế.

    Chỉ huy Steve Moorhouse, cũng là thuyền trưởng của con tàu, cho biết chuyến đi của Hàng không Mẫu hạm là “một tuyên bố vô cùng mạnh mẽ đến chính quyền Bắc Kinh”, theo trang Epoch Times.

    Hôm thứ Sáu (27/5), Hàng không Mẫu hạm đã tham gia các cuộc tập trận của NATO ở Địa Trung Hải trước hành trình sẽ đi qua Biển Đông để báo hiệu cho Bắc Kinh rằng các tuyến đường biển phải được mở rộng.

    Ông Moorhouse nói: “Nó cho thấy rằng chúng tôi là một hải quân toàn cầu và muốn trở lại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao gồm Ấn Độ và Úc.

    Ông nói thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là việc triển khai này sẽ là một phần của sự hiện diện lâu dài hơn cho Vương quốc Anh trong khu vực”.

    Khi được hỏi về nỗ lực của Vương quốc Anh, tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm chống lại sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc – một chiến lược cũng được EU tuân theo và được NATO ủng hộ. Moorhouse nói: “Chúng tôi muốn duy trì các chuẩn mực quốc tế … và nó hoàn toàn chính đáng”.

    Tại Địa Trung Hải, nhóm tác chiến của Hàng không Mẫu hạm Anh là một phần của cuộc tập trận lớn nhất trong năm của Nato, bao gồm một cuộc tập trận trực tiếp trên biển với khoảng 5.000 lực lượng và 18 tàu.

    Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg nói trên hàng không mẫu hạm: “Nó gửi một thông điệp về quyết tâm của NATO”.

    Ông nói: “Chúng tôi phải đối mặt với các mối đe dọa và thách thức toàn cầu, bao gồm cả sự thay đổi cán cân quyền lực với sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng mặc dù Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, nhưng NATO không coi họ là đối thủ.

    Tàu nạo vét cát của Trung Quốc đang ăn sâu vào Đài Loan, Việt Nam, Philippines


    Các tàu hút cát của Trung Quốc đã phá hủy hàng nghìn km vuông đáy đại dương để xây dựng các đảo cát, nơi họ đặt đường băng quân sự và các cơ sở neo đậu cho tàu ngầm và tàu sân bay.

    Việc Trung Quốc xây dựng hòn đảo như vậy, đơn cử như Đá Vành Khăn (5,6 km vuông) đã ảnh hưởng đến 1.200 km vuông với nhiều lớp trầm tích bóp nghẹt sự sống dưới đáy đại dương. Điều này ngụ ý rằng khoảng 12,9 km vuông mà Trung Quốc tạo ra trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và Việt Nam kể từ năm 2013 đã ảnh hưởng đến khoảng 2.785 km vuông đáy đại dương, trang Epoch Times cho hay.

    Nhưng tất cả những tàu nạo vét đó đã làm gì sau khi họ hoàn thành các hòn đảo? Một số trong số họ hiện có thể đang ăn bám vùng biển Philippines và Đài Loan, các báo cáo gần đây từ Financial Times và CNN cho thấy dấu hiệu đó.

    Theo một bài báo của Financial Times ngày 27/5, khi gió lặng, có thể nghe thấy tiếng “ầm ầm” ở quần đảo Mã Tổ của Đài Loan. Vụ việc ầm ĩ là do các tàu nạo vét của Trung Quốc lấy cát trái phép từ dưới đáy biển và phá hủy môi trường sống của biển trong quá trình này. Cảnh sát biển Đài Loan đôi khi sử dụng vòi rồng để trục xuất họ. Chỉ trong tháng 4, Cảnh sát biển đã trục xuất 59 tàu hút cát và tàu vận chuyển trái phép khỏi khu vực Mã Tổ, chỉ cách tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc 10 km. Các tàu cuốc đã cắt cáp viễn thông dưới biển của Mã Tổ, bao gồm cả internet, sáu lần vào năm 2020.

    Theo một quan chức Đài Loan nói với Financial Times: Các sự cố có phải là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công từ đất liền, hay một “tai nạn” do các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc gây ra? Có lẽ những sự cố này được xem như một phép thử để xem Đài Loan sẽ làm gì nếu một ngày nào đó họ bị chủ ý gây “tai nạn”.

    Một tàu cuốc, trong một ngày, có thể hút đủ cát để lấp đầy ba bể bơi Olympic và bán được chuyến tàu này với giá 55.000 USD. Nhưng việc nạo vét cũng hút sạch san hô và các sinh vật sống. Do tác dụng phụ của quá trình nạo vét, những đám rác khổng lồ dưới nước phủ lên và giết chết các sinh vật biển trên diện tích hàng nghìn km vuông. Các sinh vật sống trong chuỗi thức ăn cung cấp thức ăn cho cá bị xóa sổ.

    Theo Financial Times, ngư dân Đài Loan gặp nạn và các bãi biển đang rút đi. Một quan chức địa phương cho biết, “Mã Tổ từng là thiên đường đánh bắt cá, với vùng nước ngập tràn các loài cá và động vật có vỏ đa dạng. Các tàu Trung Quốc đã tàn phá hệ sinh thái biển. Ngư dân chúng tôi giờ vất vả mưu sinh bám biển”.

    Bắc Kinh cấm đoán việc hủy hoại môi trường gần bờ biển của mình, đẩy tàu cuốc sang các nước láng giềng trong điều mà Tô Tử Vân tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia ở Đài Loan gọi là “chiến thuật vùng xám” và “chiến tranh tâm lý”. Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan không có khả năng thực thi luật pháp của mình đối với tàu Trung Quốc. Trong số hàng trăm tàu ​​Trung Quốc ở vùng biển Đài Loan vào thời điểm tồi tệ nhất của năm 2020, Cảnh sát biển chỉ tịch thu được hai chiếc.

    Việc thực thi các tàu nạo vét của Trung Quốc trong vùng biển của Đài Loan đặt ra một tình thế khó xử. Theo giải thích của một chính trị gia Đài Loan, “Chúng tôi đang cho phép phá hủy môi trường của chúng tôi nếu chúng tôi không làm gì cả. Tuy nhiên, nếu chúng tôi đáp trả bằng lực lượng quân sự để trấn áp tàu cuốc dân sự, thì điều đó có thể tạo cho Trung Quốc cái cớ để leo thang căng thẳng hơn nữa ở eo biển Đài Loan.

    Đài Loan cần sức mạnh của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, được sự hậu thuẫn của Hải quân Hoa Kỳ, nếu họ hy vọng ngăn chặn các cuộc xâm lược trên biển của Trung Quốc đối với các hòn đảo xa xôi của họ.

    Không bằng lòng với Đài Loan và khoảng 2.785 km vuông vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam mà Trung Quốc đã phá hủy để xây dựng căn cứ quân sự, Trung Quốc hiện đang bị cáo buộc sử dụng tàu cuốc trên các con sông và bờ biển của Philippines, và đào cát đen để sử dụng làm sắt thép. Không rõ liệu các tàu cuốc của Trung Quốc có quyền hợp pháp để làm như vậy hay không.

    Theo giám đốc điều hành của Chamber of Mines Ronald Recidoro, “ [Có vẻ như] nhà thầu đang giúp nạo vét biển, [nhưng tại sao nhà thầu lại mang cát đen đi?] Khi bạn nạo vét, bạn chỉ để nó sang một bên” Ông lưu ý rằng hiện tại Manila không có chức năng giám sát việc khai thác cát đen.

    Hoạt động khai thác cát đen của Trung Quốc, theo một nhà lập pháp từ khu vực Ilocos, là “quy mô lớn” trên bờ Biển Đông của Philippines. Các thợ mỏ của Trung Quốc đang sử dụng thiết bị “hạng nặng” để khai thác khoáng sản và “sà lan” để chuyển nó ra khỏi đất nước. Nhà lập pháp tuyên bố rằng kết quả là đường bờ biển Lu-dông đang thu lại.

    Các nhà lập pháp Philippines muốn đáp trả bằng lệnh cấm xuất khẩu cát đen thô để hỗ trợ quá trình sơ chế ở Philippines nhằm tạo ra công ăn việc làm cho địa phương.

    Bộ Thương mại và Công nghiệp của Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ ra rằng những hạn chế như vậy có thể vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này cho thấy cần có các ngoại lệ theo quy định của WTO đối với các ngành chiến lược như thép, tạo việc làm tại địa phương và chống lại các quốc gia hiếu chiến như Trung Quốc.

    Chính quyền Duterte rõ ràng tán thành hoạt động khai thác có tính chất hủy diệt cục bộ của Trung Quốc cho thấy chính quyền của ông quá dễ dãi với Trung Quốc khi nước này đe dọa chiến tranh chống lại Philippines. Sự xoa dịu đó có thể được giải thích bởi việc Trung Quốc cáo buộc Chủ tịch nước tham nhũng thông qua các thương vụ kinh doanh liên quan đến các cộng sự thân cận của ông.

    Người dân Philippines phải có hành động nếu họ muốn giành lại quyền kiểm soát chủ quyền từ tay Bắc Kinh. Và, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, được sự hậu thuẫn của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ và Hải quân Hoa Kỳ nếu cần thiết, nên trục xuất các hoạt động chiếm đóng và nạo vét bất hợp pháp của Trung Quốc đối với lãnh thổ biển của Philippines. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với ngành đánh cá và bãi biển của Việt Nam và Đài Loan.

    Đối đầu với Bắc Kinh được thừa nhận là rủi ro, nhưng không kém phần cần thiết để ngăn chế độ này tiếp tục bành trướng. Bắt nạt không dừng lại cho đến khi ai đó đứng lên chống lại kẻ bắt nạt.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào