(Trích từ Triết Lý Quốc Trị Tây Phương của Dương Thành Lợi xuất bản vào năm 1994. Phần đăng tải được thâu ngắn và không bao gồm các tài liệu dẫn chứng.)
Trong những nhân tài lỗi lạc ở cuối thế kỷ 18, Jean Jacques Rousseau (1712-1778) là ngôi sao sáng hơn cả bởi vì quan niệm quốc trị của ông vẫn còn nhiều ảnh hưởng hàng trăm năm sau khi ông qua đời. Qua một số tác phẩm để đời, Rousseau phê phán những bất công trong xã hội mà ông gặp phải. Các triết gia cùng thời với Rousseau cũng nhận thấy các tệ đoan xã hội nhưng họ chỉ muốn thay đổi xã hội dần dần bởi vì họ nghĩ con người vốn ích kỷ và không có khả năng tự quản trị quốc sự. Theo họ, con người cần được tự do để đạt các ước mơ cá nhân và chính quyền cũng như Giáo Hội cần phải để cho con người được tự do. Bởi vì quyền tự do và quyền uy chính trị là hai thế lực đối chọi cho nên các triết gia đồng thời với Rousseau lý luận rằng phải quy định các giới hạn của những quyền tự do cần thiết để có thể cân bằng với quyền uy chính trị.
Khác với đại đa số các triết
gia lúc đó, Rousseau muốn cải tạo xã hội một cách hoàn toàn. Ông nâng cao giá
trị tự do nhưng cũng đồng thời lo ngại sự lạm dụng quyền tự do để lo cho quyền
lợi riêng tư có thể băng hoại xã hội. Theo ông, mặc dầu xã hội có nhiều bất
công, con người vẫn cần đến xã hội để làm điểm tựa hầu xây dựng một xã hội tốt
đẹp hơn. Ông nghĩ rằng con người sống trong tình trạng thiên nhiên có nhiều mỹ
tính đáng quý nhưng các mỹ tính này đã bị xã hội văn minh của nhân loại tiêu
diệt. Rousseau cố gắng đưa ra một mô hình xã hội mà con người có thể xây dựng
từ xã hội đương thời để tránh những bất công phi nhân bản. Ông tin rằng trong
một xã hội lý tưởng, quyền tự do của con người và quyền uy chính trị sẽ hòa
đồng. Trong xã hội lý tưởng đó, quyền tự do và quyền uy chính trị không những
không đối chọi mà còn tương trợ lẫn nhau.
. . . . . . . . . . .
Khái Luận Kinh Tế Chính Trị
Muốn tìm hiểu về tân xã hội của Rousseau, chúng ta phải nghiên cứu tuyệt tác phẩm Khế Ước Xã Hội tức Các Nguyên Tắc của Quyền Chính Trị của ông. Nói đến tác phẩm Khế Ước Xã Hội, chúng ta cần phải đề cập đến bài Discourse on Political Economy của Rousseau được đăng trong bộ Ðại Tự Ðiển Encyclopedia của Diderot - một nhân vật chủ trương uốn nắn dân ý thay vì chỉ cung cấp tin tức hay dữ kiện để độc giả tự suy nghĩ. Chính trong tác phẩm này với những quan niệm xây dựng mới lạ, Rousseau cho độc giả biết đại cương triết thuyết quốc trị của ông vốn được khai triển sau này trong sách Khế Ước Xã Hội.
Trong bài Luận Về Kinh Tế Chính Trị, Rousseau đã bỏ hẳn ý niệm nhân loại là một loài thú đồi bại (ích kỷ, tham lam). Ông viết là kiến thức giúp cho nhân loại có được cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, muốn đạt được kiến thức tốt, nhân loại cần phải được hướng dẫn về tinh thần và trách nhiệm công dân. Con người cần phải đặt ước muốn cá nhân dưới nguyện vọng của tập thể; và muốn hiểu được sự ích lợi của việc đặt quyền lợi chung lên trên, con người cần có trí khôn và được giáo dục.
Một chính sách giáo dục tốt sẽ dạy công dân biết yêu thương quốc gia. Theo Rousseau, công dân không thể có lòng yêu nước nếu không kính nể truyền thống dân tộc. Vì vậy, chính quyền phải nắm vai trò chủ động trong lãnh vực giáo dục. Ông khẳng định là không có chuyện gì có thể được hoàn tất nếu quốc gia không có những công dân có tinh thần trách nhiệm cũng như được giáo dục. Nếu con người không được tự do, họ không thể yêu nước; quốc gia không thể có tự do nếu xã hội không có đạo đức, và đạo đức không thể tồn tại nếu không có công dân. Tóm lại, quốc gia cần có công dân yêu nước với tinh thần trách nhiệm cao.
Rousseau đưa ra những ý niệm hoàn toàn trái ngược lại với cá nhân chủ nghĩa của Locke và Hobbes vốn đang thịnh hành vào thời đó. Rousseau không quan niệm rằng xã hội là một tập hợp của những cá nhân riêng biệt sống vì quyền lợi cá nhân. Theo ông, xã hội là một tập thể sinh động được quản trị bởi Y¨ Muốn Tập Thể của dân, chứ không theo ý muốn riêng rẻ của mỗi người. Chính vì được ở trong tập thể sinh động này mà con người có thể được hoàn mỹ về tinh thần. Con người sống bên ngoài tổ chức xã hội chỉ là số không.
Rousseau quan niệm là nhân
quyền của con người chỉ đến từ xã hội chứ không phải từ thiên nhiên. Trước khi
con người thành lập xã hội, con người không có quyền gì cả; vì vậy, quyền lợi
của con người dính liền với quyền lợi xã hội. Ông kết luận là quốc gia - chứ
không phải cá nhân - giữ vai trò quan trọng.
Khế Ước Xã Hội
Trong phần mở đầu của tác phẩm The Social Contract (Khế Ước Xã Hội hay Xã Ước) - cũng được gọi là Các Nguyên Tắc của Quyền Chính Trị - Rousseau hỏi: Con người sinh ra vốn tự do nhưng lại bị xiềng xích ở khắp nơi. Nhiều người tin họ là chủ nhân của những kẻ nô lệ vốn không khác họ bao nhiêu. Tại sao có sự thay đổi này? Tôi không biết. Yếu tố gì hợp thức hóa tình trạng này? Tôi hy vọng có thể giải đáp câu hỏi này. Rousseau đưa ra tiên đề về sự nô lệ chính trị đang diễn ra trong xã hội, và ông chỉ dám cố gắng tìm cách giải thích tình trạng bất công này hơn là hứa hẹn giải đáp cặn kẽ tiến trình xích hóa của nhân loại. Yếu tố gì tạo nên một liên hợp chính trị tốt? Cường quyền chắc chắn không thể là nền tảng cho một liên hợp chính trị phù hợp với luân lý. Cường quyền đến từ sức mạnh bạo lực, thay vì đạo đức, cho nên không thể trở thành một yếu tố hợp lý bảo đảm sự tồn tại của một chính thể.
Song song, con người cũng không
vì an ninh cá nhân mà tham gia một liên hợp chính trị để trở thành nô lệ cho
nhà lãnh đạo độc tài. Trong một chế độ độc tài, con người có thể sống một cách
bình an nhưng tình trạng thái hòa này khó bảo đảm hạnh phúc của con người. Nếu
con người thực sự chỉ lo cho an ninh cá nhân, họ có thể vào tù ngồi.
Muốn tìm ra được những yếu tố hợp lý làm nền tảng cho một liên hợp chính
trị chính đáng, Rousseau suy luận là con người phải tìm hiểu về tổ chức đầu
tiên của nhân loại để có thể biết được lý do tại sao con người liên kết với
nhau. Muốn tìm hiểu về tổ chức xã hội đầu tiên của nhân loại, chúng ta cần biết
về đời sống thiên nhiên trước khi đi vào tổ chức của con người. Rousseau giả
định là con người thiên nhiên được tự do nhưng gặp phải nhiều thử thách quá lớn
không thể tự vượt qua. Sự tự do thực sự cần thiết nhưng cũng có thể bị lạm dụng
và đưa đến tình trạng mất an ninh. Một người sử dụng quyền tự do của mình thái
quá để lo cho quyền lợi cá nhân có thể gây nguy hại cho quyền lợi của nhiều
người khác. Tuy là sự tự do có thể bị lạm dụng trong trạng thái thiên nhiên
nhưng con người cũng không bị nhiều thiệt hại như khi con người chấp nhận từ bỏ
quyền tự do để được một cá nhân hay một nhóm lãnh đạo độc tài bảo vệ an
ninh.
Vấn đề quan trọng ở đây là tìm cho ra được một hình thức liên kết chính trị để nhân loại có thể được bảo an nhưng không mất đi quyền tự do. Theo Rousseau, con người có thể giữ được quyền tự do và vẫn được bảo an nếu con người biết tôn trọng pháp luật do chính họ lập ra. Ông không đòi hỏi con người phải giao tất cả nhân quyền cho chính phủ bởi vì chính phủ giữ nhiệm vụ thiết lập an ninh (theo học thuyết của Hobbes). Ông cũng không tin là con người vẫn được tự do sau khi quyền lập pháp đã được giao cho đại diện nhân dân vốn có nhiệm vụ bảo an (theo tư tưởng của Locke).
Triết lý Khế Ước Xã Hội của Rousseau lý luận là dân quyền của con người vốn đến từ xã hội, thay vì thiên nhiên, cho nên con người phải giao hoán tất cả quyền hành lại cho quốc gia khi liên kết với nhau để tổ chức quốc gia. Toàn thể thành viên (công dân) trong cộng đồng xã hội (hay quốc gia) trở thành một tập thể chính trị với quyền hành tối thượng. Quyền hành tối thượng này thuộc về cộng đồng thay vì một cá nhân hay một nhóm lãnh đạo. Cộng đồng khó có thể xây dựng quyền hành tối thượng nếu các thành viên trong cộng đồng đều đòi giữ lại quyền hành cá nhân; nếu mọi người đều tự ý làm theo ý muốn của cá nhân, xã hội sẽ trở nên hổn loạn và nhân loại sẽ lùi bước trở lại trạng thái thiên nhiên.
Con người liên kết qua một khế ước và từ bỏ quyền tự do sống theo cảm xúc cá nhân mang tính cách phản xã hội. Quyền tự do sống theo ý muốn riêng và quyền làm chủ tất cả những gì mà sức mạnh cá nhân cho phép không phải là quyền tự do chân chính. Khế ước liên kết giúp con người vượt qua những yếu điểm thiên nhiên như sự sợ hãi hay nguy cơ bị cướp mất tư sản bởi những kẻ mạnh hơn, v.v. Mặc dầu con người giao hoán dân quyền cho xã hội, con người sống trong xã hội không bị thiệt thòi mà còn đạt được nhiều quyền lợi hữu ích. Trong tổ chức xã hội, con người có được quyền hành đến từ sự liên kết - đó là dân quyền - và bằng khoán cho những tài sản hợp pháp của cá nhân. Tài sản thuộc sở hữu cá nhân này được toàn thể cộng đồng công nhận, và toàn thể thành viên trong cộng đồng đều được bình đẳng dưới pháp luật.
Theo khế ước liên kết hay khế ước xã hội (cũng được gọi vắng tắt là Xã Ước), một cá nhân sẽ cống hiến trọn quyền hành của mình cho những người khác và được những người thụ quyền giao lại quyền hành của họ cho cá nhân đó. Kết quả của hình thức tổ chức này là không ai mất bất cứ gì có giá trị nhưng mọi người đều được bảo an bởi sức mạnh của cộng đồng hay tổ chức (quốc gia). Tóm lại, hình thức tổ chức này không đánh mất quyền tự do của con người nhưng lại có thể bảo vệ cho những thành viên của tổ chức hay xã hội.
Khế ước xã hội không cho chính phủ hay tập thể nhân dân quyền hành riêng biệt; chính phủ chỉ là công cụ của dân và không có quyền hành độc lập. Xã hội giữ vai trò của một nhân vật công cộng được xem như là quốc gia khi mang nhiệm vụ thụ động và được nắm vai trò tối thượng khi mang trọng trách năng động. Những thành viên của xã hội, gọi chung là nhân dân, cũng giữ hai vai trò như xã hội: khi họ cùng tham gia quyết định các chính sách quốc gia, họ được xem như là công dân; nhưng khi họ chỉ cúi đầu tuân phục mà không thể ảnh hưởng chính sách quốc gia, họ chỉ là thần dân hay nô lệ. Sự thành công của hình thức tổ chức đặt căn bản trên khế ước xã hội hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của nhân dân và xã hội làm tròn những trọng trách đã được liệt kê. Các thành viên của xã hội, hay nhân dân, phải luôn quan tâm đến quyền lợi tập thể và tránh không để quyền lợi cá nhân làm lu mờ giá trị của quyền lợi chung. Song song, xã hội cũng phải sinh hoạt trên căn bản của Y¨ Muốn Tập Thể. Y¨ Muốn Tập Thể luôn luôn chủ trương bảo vệ và cống hiến cho sự an lạc của quốc gia cũng như của nhân dân - các thành viên của quốc gia. Y¨ Muốn Tập Thể là căn nguyên của luật pháp và là cây thước đo lường những việc phải trái trong các tương quan giữa nhân dân.
Ðiểm tựa của triết lý Khế Ước Xã Hội là quan niệm Y¨ Muốn Tập Thể. Y¨ Muốn Tập Thể không có nghĩa là ý muốn hay ý kiến của các thành viên hay cá nhân bởi vì mỗi cá nhân có thể đưa ra ý kiến nhưng không dựa trên Y¨ Muốn Tập Thể; điển hình là khi mà chính sách quốc gia dựa trên ý kiến của một số cá nhân để phục vụ quyền lợi của những cá nhân này chứ không phải quyền lợi tập thể. Y¨ kiến của các thành viên trong xã hội không thể là Y¨ Muốn Tập Thể ngay cả khi các ý kiến này không bị chống đối. Trạng thái hoàn toàn nhất trí thiếu thực tế khó có thể trở thành yếu tố căn bản để xác định Y¨ Muốn Tập Thể. Như vậy làm thế nào để xác định Y¨ Muốn Tập Thể?
Y¨ Muốn Tập Thể hay Dân Y¨ được kết tinh từ lý trí của cộng đồng. Y¨ Muốn Tập Thể phản ảnh sự ích lợi chung của cộng đồng; và chính sự ích lợi chung của cộng đồng phải trở thành nền tảng của luật pháp quốc gia. Y¨ Muốn Tập Thể được xác định khi xã hội thi hành trọng trách năng động trong vai trò tối thượng của xã hội. Xã hội sẽ khám phá ra ích lợi chung của cộng đồng để xác định Y¨ Muốn Tập Thể. Muốn thẩm định Y¨ Muốn Tập Thể, Rousseau đề nghị chúng ta phải loại bỏ tất cả những ý kiến khác biệt của các thành viên trong xã hội để có thể tổng hợp được ý muốn chung. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể thành công khi mà mọi người đều đưa ra ý kiến trên tư cách công dân của quốc gia, thay vì trên tư cách thành viên của một thế lực riêng. Mỗi người phải bỏ qua quyền lợi bè phái và hành động như một công dân của quốc gia khi đóng góp ý kiến; và xã hội phải loại bỏ những nhóm hay tổ chức với các mục tiêu phục vụ quyền lợi riêng biệt.
Phương pháp thẩm định Y¨ Muốn Tập Thể của Rousseau nâng cao ý muốn của đại đa số nhân dân và có thể đưa đến những bất lợi cho thiểu số bất đồng ý kiến. Theo Rousseau, khi mà mọi người trong xã hội đều đóng góp ý kiến trên tư cách công dân thay vì theo phe nhóm, thiểu số phải theo ý kiến của đa số công dân. Y¨ kiến của thiểu số bị xem như là sai, và họ phải theo ý kiến của đa số vì sự an lạc và tự do của họ. Bất cứ cá nhân nào bất đồng với Y¨ Muốn Tập Thể sẽ bị nhân dân yêu cầu phải tuân phục nguyện vọng chung bởi vì cần phải bắt một cá nhân (người bất đồng chính kiến) được tự do [!] và mỗi người khi bước vào liên hợp chính trị phải từ bỏ quyền lợi và tài sản riêng tư cho sự an lạc chung của xã hội. Y¨ Muốn Tập Thể chỉ nên ảnh hưởng những việc có tầm vóc quốc gia và liên quan đến toàn dân. Quốc sự càng quan trọng thì số phiếu chấp thuận của đại đa số càng phải cao hơn những lúc chỉ thẩm định các vấn đề tương đối nhỏ: đối với những việc thật quan trọng thì số người chấp thuận phải thật cao; và đối với những việc nhỏ thì số người chấp thuận không cần phải cao lắm mặc dầu số phiếu thuận vẫn phải là đa số.
Trong những lãnh vực chỉ ảnh hưởng một vài cá nhân, quyền quyết định nên dành cho cá nhân; và như vậy, con người vẫn giữ lại được một số quyền quyết định quan trọng. Các thành viên của xã hội sẽ quyết định những quyền mà mỗi cá nhân có thể giữ lại qua hình thức thẩm định theo đại đa số.
Khi bàn về mô hình tổ chức quốc gia, Rousseau lý luận là hai yếu tố chính để tiến hành quốc sự bao gồm (i) quyết tâm hay ý muốn, và (ii) khả năng hay quyền lực để thi hành. Cơ quan lập pháp bao gồm toàn thể nhân dân hội họp thường xuyên sẽ đưa ra ý muốn chung của quốc gia, và cơ quan hành pháp hay chính phủ được trao trách nhiệm thi hành Y¨ Muốn Tập Thể. Cơ quan lập pháp có nhiệm vụ đặt ra một hiến pháp và đưa ra một hệ thống pháp luật cho quốc gia. Cơ quan lập pháp sẽ thành lập chính phủ để phụ trách vai trò hành pháp cũng như đề nghị phương pháp chọn lựa các vị thẩm phán vào vai trò tư pháp.
Cơ quan lập pháp có hai mục tiêu chính phải cố gắng để đạt được trong khi thi hành vai trò lập pháp: (i) tự do, và (ii) bình đẳng. Nhân loại không thể có bình đẳng nếu không được tự do. Toàn thể nhân dân phải được bình đẳng trên phương diện pháp luật cũng như đạo đức; tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, quốc gia phải có sự bình đẵng tương đối về tư sản: một người dân không thể trở nên quá giàu để có thể mua được những người khác và, ngược lại, một người dân cũng không thể trở nên quá nghèo túng để đưa đến việc bán thân làm nô lệ. Một điểm đáng cho độc giả lưu ý là Rousseau không chú ý đến việc nâng cao đời sống của dân nghèo bởi vì có lẻ ông thấy nhiều người tuy nghèo nhưng vẫn có thể sống trong sạch. Rousseau chỉ lo là sự bình đẳng về đạo đức khó có thể đạt được trong một quốc gia có cán cân tư sản quá chênh lệch. (Bần cùng sinh đạo tặc!)
Cơ quan hành pháp hay chính phủ được thành lập trên căn bản luật pháp, chứ không phải trên căn bản khế ước. Như đã nói ở trên, chính phủ do cơ quan lập pháp đặt ra và chỉ có nhiệm vụ để thi hành chứ không có quyền hạn gì cả. Cơ quan lập pháp tức tập thể nhân dân tối thượng có thể tu chỉnh luật lệ bầu cử chính phủ cũng như thay đổi bộ máy hành pháp bất cứ lúc nào.
Rousseau chỉ bàn về mô hình chính trị khi ông nói đến cơ quan hành pháp của quốc gia. Hình thức tổ chức chính phủ tùy thuộc nhiều yếu tố như dân số, khí hậu, địa thế, diện tích quốc gia, v.v. Chính phủ có thể được thành lập theo nhiều dạng, và không một mô hình nào có thể được xem như là tốt hơn hết. Chính phủ theo dạng dân chủ khi trách nhiệm hành pháp được phổ biến rộng rãi trong tập thể nhân dân. Chính phủ theo dạng quý tộc trị khi một nhóm người được giao trọn trách nhiệm hành pháp. Và, chính phủ theo dạng quân chủ khi chỉ có một người nắm giữ trọng trách hành pháp. (Danh từ trách nhiệm hành pháp có lẻ chính xác hơn danh từ quyền hành pháp bởi vì Rousseau đã nói trước là chính phủ mang nhiệm vụ hành pháp chứ không có quyền hạn gì cả.) Theo Rousseau, chính thể dân chủ là một chính thể của những vị thần thánh và khó có thể xây dựng ở xã hội loài người. Một tập thể nhân dân khó có thể nắm giữ vai trò quản trị quốc sự cũng như không có đủ đạo đức để phụ trách cả hai lãnh vực lập pháp và hành pháp một cách hiệu quả. Mô hình chính quyền quý tộc trị - giai cấp lãnh đạo chính phủ được toàn thể nhân dân bầu lên - là chính thể tốt nhất. Nhưng nếu chính quyền quý tộc trị được thành lập theo kiểu cha truyền con nối thì đó là mô hình chính quyền tệ hại nhất. Chính thể quân chủ có thể giúp vai trò hành pháp đạt nhiều hiệu quả; tuy nhiên thực tế cho thấy khả năng cũng như đạo đức yếu kếm của đám vua chúa cho nên mô hình quân chủ không thích hợp cho xã hội loài người.
Như đã bàn ở trên, mô hình chính quyền trong triết thuyết Khế Ước Xã Hội chỉ liên quan đến cơ quan hành pháp. Cơ quan hành pháp chỉ là một bộ phận được cơ quan lập pháp tổ chức để quản trị quốc sự; và, cách sinh hoạt của cơ quan lập pháp dựa hoàn toàn trên các yếu tố sinh hoạt dân chủ - mỗi người dân đều đóng góp vào quốc sự trên vai trò lãnh đạo của mình trong cơ quan lập pháp. Tóm lại, theo triết thuyết Khế Ước Xã Hội, bất cứ chính thể nào của cơ quan hành pháp (chế độ dân chủ, quân chủ, hay quý tộc trị) đều phải phục vụ cơ chế dân chủ, tức cơ quan lập pháp, vốn nắm vai trò xác định Y¨ Muốn Tập Thể.
Rousseau đòi hỏi là mọi người
đều phải tham gia chính sự, và cơ quan lập pháp phải phản ảnh ý muốn chung của
tòan dân, chứ không phải ý muốn của các vị đại diện nhân dân. Theo ông, chính
thể Nghị Viện trị của Anh Quốc vào thời đó kém hoàn hảo bởi vì quyền bình đẳng
của con người bị thiệt hại. Dân Anh chỉ được tự do vào lúc đi bầu ứng cử viên
Nghị Viện; vào những lúc khác, họ vẫn chỉ là nô lệ.
Vấn đề khó khăn ở đây là làm sao để toàn thể nhân dân họp mặt - thường
xuyên - nhằm thẩm định Y¨ Muốn Tập Thể theo hình thức tổ chức chính trị của
Rousseau. Ðể giải quyết các khó khăn liên quan đến nhu cầu hội họp của cơ quan
lập pháp tại một trung tâm cố định (mà nhiều người dân không thể đến được),
Rousseau đề nghị là cơ chế lập pháp nên được lưu động qua từng thành phố để có
thể xác định nguyện vọng của toàn dân. Ông lý luận là việc lưu động của cơ quan
lập pháp rất khó khăn nhưng vẫn phải làm bởi vì quyền lợi và sự tự do của nhân
dân quý giá vô cùng.
Nhưng có lẽ nhận thấy là phương pháp giải quyết của mình không phù hợp thực tế, Rousseau bàn đến việc thành lập quốc gia trong địa hạt thành phố kiểu Athens vào thời Cổ Hy Lạp hay kiểu thành phố Geneva vào lúc đó. Ông kết luận là chỉ có các quốc gia với diện tích nhỏ mới có thể tổ chức được mô hình chính trị của ông. Cũng như Montesquieu, Rousseau viết là những quốc gia nhỏ có thể liên kết với nhau để thành lập một liên bang vì nhu cầu an ninh quốc gia. (Rousseau chưa thấy được khả năng truyền thông của thời đại hôm nay; nếu biết trước được khả năng liên lạc viễn liên vượt thời gian và không gian, có lẻ ông đã không vội nghĩ là toàn thể nhân dân của một quốc gia chỉ có thể tham chánh nếu quốc gia đó có diện tích nhỏ.)
Rousseau cũng nhận ra được một số khó khăn thực tế khác khi chính thuyết của ông được áp dụng. Làm sao giúp cho nhân dân quyết định một cách sáng suốt hầu có thể đưa ra những đạo luật để chữa các căn bệnh của xã hội? Theo Rousseau, nếu nhân dân hiểu được vấn đề, họ có thể trình bày Y¨ Muốn Tập Thể một cách sáng suốt. Ðể giúp cho nhân dân hiểu được vấn đề, quốc gia cần đến một nhà lập pháp thông thái có khả năng đưa ra những dự luật phản ảnh Y¨ Muốn Tập Thể để nhân dân biểu quyết. Nhà lập pháp phải có cả khả năng thuyết phục nhân dân chấp thuận các dự luật bởi vì nhà lập pháp không có quyền sai khiến nhân dân làm theo ý muốn của mình. Cũng như cơ quan hành pháp, nhà lập pháp phải chịu trách nhiệm trước nhân dân vốn đại diện cho uy quyền tối thượng của quốc gia.
Quốc gia cần lập một hội đồng
tư pháp giữ vai trò trọng tài giữa nhân dân và chính quyền. Hội đồng tư pháp sẽ
bảo vệ cho cả hai phía (nhân dân cũng như chính quyền) và có thể ngăn chặn các
hành động gây hại cho bất cứ phía nào. Hội đồng tư pháp cần phải được theo dõi
bởi vì nó có xu hướng bênh vực phía mạnh và xem thường bên yếu thế. Quốc gia
cũng cần lập một hội đồng thanh lọc mang vai trò bảo vệ đạo đức và truyền thống
dân tộc. Hội đồng thanh lọc sẽ hướng dẫn Dân Y¨ bằng cách can thiệp để không
cho các ý kiến này vượt qua các giới hạn của đạo đức và thuần phong mỹ tục.
Bất cứ quốc gia nào cũng phải trải qua những giai đoạn hiểm nghèo, vì
vậy luật pháp của quốc gia đó cần phải uyển chuyển để chính phủ có thể đương
đầu với các khó khăn một cách hữu hiệu. Trong những lúc nền an ninh của quốc
gia bị đe dọa, quyền lực hành pháp nên được tăng cường, và tác dụng của luật
pháp có thể bị đình hoản để giúp cho cơ quan hành pháp giải quyết các trở ngại
nhằm bảo vệ quốc gia. Tuy nhiên, việc tăng cường quyền lực hành pháp là việc
nguy hiểm cho nên phải được tiến hành một cách rất thận trọng. Sau khi giai
đoạn hiểm nghèo đã qua, tất cả các quyền lực chính trị phải trở về trạng thái
cũ và luật pháp do nhân dân biểu quyết phải được tôn trọng như xưa.
Nhận thấy rằng tôn giáo có thể chia rẽ dân chúng và gây ra nhiều trở ngại cho quốc gia, Rousseau đề nghị mọi người trong một nước nên theo một quốc đạo. Theo ông, tôn giáo và điển hình là đạo Thiên Chúa La Mã luôn luôn là một quyền lực chia rẽ xã hội khiến cho con người trong cùng một quốc gia khó có thể đoàn kết với nhau. Quốc đạo không phải là một chủ nghĩa mù quáng. Quốc đạo là một tôn giáo do toàn thể nhân dân trong một nước chấp nhận với những nguyên lý được khẳng định rõ ràng để mọi người đồng hướng theo hầu không bị chia rẽ bởi sự khác biệt về tôn giáo. Một công dân không cần tin theo những nguyên lý của quốc đạo nhưng công dân đó phải hành động theo các nguyên lý này vốn được toàn thể nhân dân đại diện cho uy quyền tối thượng trong quốc gia chấp nhận. Quốc gia có quyền chế tài hay trục xuất những người nào không hành động theo các nguyên lý của quốc đạo.
. . . . . . . . .
. Dương
Thành Lợi, Triết Lý Quốc Trị Tây Phương, tr. 159-180
http://rousseaustudies.free.fr/index.html
Không có nhận xét nào