Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Lê Đoan - Có bao nhiêu cử tri từng du lịch ‘mùa nghỉ lễ’ sẽ đi bầu vào Chủ nhật này?

    Nguy cơ bùng dịch mạnh hơn nữa kể từ sau ngày Chủ nhật 23-5 này là một cảnh báo có căn cứ dịch tễ.

    Đã từng không được ăn Tết….

    “Tôi còn nhớ, thời điểm thành phố xuất hiện hai ca bệnh đầu tiên cũng là những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi. Và đúng ngày 30 Tết, tổ trực chống dịch của chúng tôi đã tập trung nhận lệnh đi điều tra dịch tễ – tức là điều tra hành trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân để xác định người có nguy cơ mắc bệnh để tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nhằm khoanh vùng ổ dịch không để bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

    Với một bệnh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV), chưa có y văn đầy đủ chính xác về nguồn bệnh, đường lây, cách lây của bệnh nhưng nhân viên y tế chúng tôi vẫn phải đi vào vùng dịch.

    Mọi người không ai nói nhưng trên khuôn mặt đều hiện rõ sự lo lắng, vì bởi lẽ mỗi người chúng tôi cũng có một gia đình cần được bảo vệ, một mái ấm đang chờ về sum họp khi năm cũ sắp qua, năm mới cận kề…” – một bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, kể.

    Tâm lý ấy giờ có lẽ lại sắp bắt đầu, khi ngày Chủ nhật 23 tháng 5 tới đây là bắt đầu của chu kỳ 21 ngày được khuyến cáo ‘ủ dịch’, và rất có thể mầm bệnh sẽ bắt đầu lây lan mạnh hơn.

    Lo ngại 21 ngày ‘ủ dịch’, giờ đang thành sự thật

    Ngày 21-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM vừa ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở quận 3 và quận Gò Vấp. Trong đó có 3 ca nhiễm cùng trong một gia đình tại con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3).

    Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu được ghi nhận là bà chủ quán bánh canh cá lóc O Thanh tuy ở Sài Gòn cả tháng nay, nhưng con của bà lại làm một chuyến du lịch ra tận Đà Nẵng hôm nghỉ lễ cuối tháng tư rồi. Đến chiều ngày 3 tháng 5, người con của bà chủ quán O Thanh mới về lại Sài Gòn. Và như báo chí đã đăng, đến sáng hôm 20 tháng 5, con hẻm có quán bánh canh cá lóc O Thanh bị phong tỏa với kết quả ban đầu gia đình bà chủ quán có 3 người mắc Covid-19.

    Một tiệm cơm ở quận Gò Vấp cũng đang được điều tra dịch tễ vì nghi ngờ đây cũng là một nguồn lây Covid.

    Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng “tình hình dịch bệnh ở TP.HCM có dấu hiệu không ổn lắm”, và đúng là không ổn thiệt khi ngày Chủ nhật 23 tháng 5 này cử tri ở đô thị sầm uất nhất nhì quốc gia sẽ phải đi bầu cử, tức là lại phải tụ tập đám đông khi mà mầm bệnh đã có thể qua thời kỳ ‘ủ’ để giờ có cơ hội để ‘phát’.

    “Sáng nay, thành phố vừa xuất hiện thêm ca nhiễm mới từ ca đoàn. 23 người tiếp xúc đã được đưa đi cách ly”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.

    Ca bệnh chưa được lãnh đạo thành phố thông tin cụ thể. Tuy nhiên, theo báo cáo của ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 3, qua khai thác dịch tễ, một F0 trú tại hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ chị có thời gian tham gia ca đoàn. Quận 3 đã liên hệ bộ phận này và chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm người liên quan.

    Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trường hợp mắc Covid-19 ở thành phố Thủ Đức nhiễm biến chủng Ấn Độ. Do đó, thành phố tuyệt đối không được chủ quan khi các F1 có kết quả xét nghiệm âm tính.

    Thời gian truy vết của những Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật trên toàn quốc, liệu có kịp để sáng Chủ nhật này ở tất cả các tỉnh, thành đang có các ca nhiễm Covid bảo đảm được an toàn nơi cử tri đến bỏ phiếu? Liệu các điểm bỏ phiếu có bao nhiêu phần trăm của nguy cơ trở thành nơi lây lan dịch trong cộng đồng?

    Và, ‘domino’ liệu có đổ hay không, khi có rất nhiều cử tri mà 3 tuần lễ trước họ từng du lịch ở những nơi mà sau đó đã trở thành ổ dịch?

    Từ đây đến cuối tháng 5 là khoảng thời gian rất căng, do các khả năng có ổ bùng của đợt nghỉ lễ hôm rồi.

    Bác sĩ Cao Xuân Minh nhận xét: “Thành phố nếu gìn giữ được đến cuối tháng có thể xem như chiến thắng Covid đợt này.

    Gìn giữ là sao? Nghĩa là có ổ bùng thì hốt và không cho lây, cố tìm cho ra nhưng không chắc tìm ra tất cả. Điều này ngoài nổ lực của hệ thống chống dịch thì sự tuân thủ của người dân, ở yên trong nhà, hạn chế ra đường chính là giúp cắt đứt đường lây của F0. Nếu có F0 mà không được phát hiện do không triệu chứng thì cũng tự triệt tiêu sau 1 tuần, 10 ngày. Chịu khó “bịt mồm” để không phát tán virus nếu chính ta là F0 mà không biết.

    Giảm hàng quán, giảm ra đường! Hãy cắt đứt đường lây và triệt tiêu F0. Những quyết định mới nhất của thành phố cũng nhằm mục đích này, mong người dân thấu hiểu và hợp tác”.

    Tiếp tục ám ảnh thêm 3 tuần lễ tới đây

    “Công tác điều tra dịch tễ đòi hỏi người chiến sĩ chống dịch phải vừa như ‘một nhà thám tử’ – lần mọi dấu vết, đường đi, địa điểm, người tiếp xúc của bệnh nhân, vừa như ‘một nhà tâm lý’ – phải nhìn từng cử chỉ, điệu bộ để đoán, cảm nhận xem người bệnh có đang trả lời đúng, đầy đủ các thông tin trong mọi mối quan hệ.

    Vì rằng, trong thời gian vàng chống dịch, chỉ một người tiếp xúc không được lấy mẫu, cách ly kịp thời thì họ thể lây bệnh theo cấp số nhân trong cộng đồng. Ngoài áp lực về thời gian, khối lượng công việc, người nhân viên y tế dự phòng còn đối mặt với những hành động chống đối, la mắng, xỉ vả thậm chí là bạo hành tinh thần của một số trường hợp không hợp tác khi yêu cầu họ phải đi cách ly, lấy mẫu” – vị bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, kể tiếp như vậy.

    Và từ những gì mà đội ngũ điều tra dịch tễ đang ám ảnh, có lẽ không ai dám tưởng tượng sẽ ra sao khi trong 2 đến 3 tuần lễ tới đây, sẽ lại thêm đợt bùng dịch lần thứ năm, đến từ vài ổ dịch nào đó của những thùng phiếu bầu cử hôm Chủ nhật 23 tháng 5.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-co-bao-nhieu-cu-tri-tung-du-lich-mua-nghi-le-se-di-bau-vao-chu-nhat-nay/

    Không có nhận xét nào