Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Thơ Sinh – Phận con lai

    Vietnam War đã kết thúc cách đây 47 năm, bao chuyện đã qua, đời người ngắn ngủi, lịch sử như cuốn lịch nối kết nhiều năm liền không dứt, nhìn lại, những đứa con lai một dạo bây giờ đa số đã vượt quá lứa tuổi ngũ thập tri thiên mệnh.

    Vâng. Nhìn lại. Họ bao gồm đủ mọi thành phần, đủ mọi hoàn cảnh. Gần như đó là một xã hội thu hẹp, đủ để người ta nhìn thấy những chân dung đầy góc cạnh, trong đó có những câu chuyện đáng chúc mừng, những câu chuyện bình dị đại diện cho xã hội chung, bên cạnh là những câu chuyện không mấy may mắn. Cuộc sống là vậy. Đồng xu nào chẳng có hai mặt. Thành ra… Biết đủ là đủ. Tri túc hà thời túc. Đại khái vậy.

    Những tấm ảnh cũ nhìn lại. Những tấm ảnh trắng đen. Những khuôn mặt đã từng sống. Thời trẻ của họ, nay nhắc lại bỗng trở thành phiên bản gần gũi nhất của định luật “nay tôi mai anh”. Con người luôn luôn thế. Đến loài rắn có thể lột da vẫn không sống đời mãi mãi. Lá sẽ thôi xanh. Tóc sẽ thôi đen. Những chiếc răng giả được thay thế. Da sẽ mồi. Gối sẽ lỏng. Chứng tích của những cuộc chiến cuối cùng nhạt dần hơi hướng dù nỗi đau, nỗi buồn, cùng bao ký ức thương tiếc vẫn lâu lâu quay trở lại như một nhắc nhở làm sao mình quên được.

    Và thời gian, cái thứ đại lượng vật lý chết giẫm ai cũng biết ấy cuối cùng vẫn nghênh ngang, lù lù diễu võ dương oai coi thiên hạ chẳng ra gì. Lớp bụi vàng vọt của nó rồi đây sẽ phủ trùm lên tất cả. Tự hỏi vì đâu con người bỗng trở nên hằn học với bao chuyện gẫm kỹ chẳng ăn nhập trực tiếp đến bao tử. Tỷ như mùa phiếu 2020, nhìn lại, có mấy người gẫm kỹ mình đã đánh mất nhiều thứ quý giá, như tình bạn chẳng hạn, giận nhau rồi ghét nhau, rồi lớn tiếng, rồi khinh miệt, vì ai? Chẳng lẽ vì họ Trump và tư tưởng đột phá của ông có nhiều quyền lực ảnh hưởng tới nếp nghĩ nhiều người cỡ đó hay sao?

    Chuyện gì đã xảy ra? Tương tự, cách đây hơn năm mươi năm cũng thế. Những đứa con lai được sinh ra. Yêu? Ghét? Lựa chọn của các em không hề có. Những bào thai tượng hình. Những đứa trẻ da dẻ vừa lọt lòng đã ám đầy than muội cột bếp. Những đứa trẻ mắt xanh, tóc hoe vàng, nước da trắng trẻo. Có đứa da nhuôm nhuôm đen. Có đứa ta không giống ta, tây không giống tây. Có đứa nhoẻn miệng cười với đôi môi bị sứt. Chúng hiện diện. Mẫu số chung: Cuộc chiến Việt Nam.

    Rồi chúng được ông ngoại, bà ngoại cảm thương. Giận lắm đứa con gái lên thành hư hỏng đua đòi xa hoa phấn sáp. Tới chừng ẵm đứa nhỏ về. Trời đất. Đôi mắt của nó mở to, thao láo. Nó không làm gì nên tình nên tội. Hỏi: Nói lẹ, nó là con ai? Dạ, con lỡ dại… Đồ hết phúc! Mày trả ơn trả hiếu cha mẹ mày như vậy hả con. Im lặng. Nước mắt. Tiếng nấc. Lối xóm. Đau lắm. Nhưng đâu nỡ đuổi cổ con cái. Cháu ngoại của ông đó. Sao đen thui vầy nè trời. Thây kệ. Trời sinh trời dưỡng, nó đen bộ nó không phải con người sao!

    Rồi chúng từng bị ghét. Âm ỉ trong nếp nghĩ (mầm mống bài ngoại ăn sâu trong tiềm thức). Loài dị chủng có bao giờ tử tế. Những me Mỹ. Những lời lẽ nặng nề. Những khinh miệt tầm thường xem rẻ. Cuộc sống như bài thơ vênh vặn. Ai gieo vần đánh rơi chữ phúc nên câu lục bát bỗng nhiên không còn yên lành thong thả. Nhiều đứa bị bỏ rơi. Nhiều đứa bị từ chối bởi chính mẹ đẻ. Nhiều đứa khóc đến kiệt lả. Nhiều đứa kiến bu đỏ người. Thùng rác. Công viên. Nhiều đứa bị chuột cống cắn nát nửa bàn tay. Sơ ẵm về. Tội nghiệp con chưa. Theo sơ về nhà dòng, ở đó có tã, có sữa bú nghen con.       

    Rồi chúng lớn lên. Bài học đầu đời là nhận thức về lai lịch bản thân quá đỗi rõ ràng không thể chối cãi. Sự tố cáo quá hiển nhiên. Tóc thì quăn. Da thì lớp trắng (lớp đen) một cách quá khác biệt so với những đứa trẻ 100% máu Việt. Ai có thể lấy thúng úp voi? Vâng. Người ta không thể phủ nhận một thực tế được coi là quá bạch thoại, quá hai năm rõ mười. 

    Cứ thế. Mỹ lai mười hai lỗ đít, bịt lỗ này nó xịt lỗ kia. Những đứa trẻ vô tội ấy lớn lên giữa một dòng đời đầy biển lận. Giông tố trở thành thứ điểm tâm bị ép phải nuốt mỗi ngày. Sự kỳ thị trở thành bữa ăn trưa cơm chan nước mắt. Đói khát trở thành bữa ăn tối hành hạ bởi nỗi đau hất hủi bởi mơ ước được đối xử bình đẳng bỗng trở nên xa xôi như một điều cấm kỵ.

    Có nhiều đứa may mắn, gia đình ông ngoại khá, hoặc có ông cậu hiền lành bảo bọc, hoặc được mấy bà dì thương chị em gái nên thương luôn đứa cháu lai. Tuổi thơ hồn nhiên (bởi chưa kịp ý thức được những vết thương dài hạn) trở thành thứ mỡ bôi trơn đắp đỗi những tháng ngày bão táp, ngoi lên như một thứ đọt mầm không dễ đầu hàng bởi huyết quản đã tiềm ẩn sẵn thứ DNA pha tạp thứ máu “ăn thua đủ”, làm gì thì làm, nhất định phải vươn lên, phải sống!

    Khi đạo luật American Homecoming Act được biểu quyết năm 1988 và được xúc tiến năm 1989. Đã qua rồi những cơn giông bão? Tự an ủi vậy. Những đứa trẻ tưởng như hoàn-toàn-bị-bỏ-rơi hoặc bán-bỏ-rơi bỗng được nâng niu trân quý như một thứ hàng hóa có giá trị khai thác, một chọn lựa khá an toàn để có được visa nhập cảnh Mỹ danh chính ngôn thuận, một lối đầu tư khá ngoạn mục với những kẻ thức thời và có điều kiện vung tiền tậu về một đứa con lai ghép hộ.

    Để rồi những đứa con lai quá hiển nhiên (nhìn vô là biết liền) từng cay cú bởi những nét nhân chủng học cơ thể tố cáo lai lịch “hai dòng máu” nay bỗng tự hào về những nét cơ thể nhân chủng học ấy. Cuộc đổi đời (hoàn toàn theo công thức Tái Ông Mất Ngựa) đã minh chứng một điều khá kinh điển: Thứ gì ở đời cũng có giá trị sử dụng, đặt giả thiết người ta kiên nhẫn đủ để chờ ngày thời cơ chín muồi sẽ đến.

    Những tấm visa được cấp. Khám sức khỏe. Lịch chuẩn bị xuất cảnh ken đặc bao chi tiết hấp dẫn ập đến. Đi đâu con lai cũng được chào đón một cách nồng nàn, xởi lởi. Không hề quá đáng khi bảo chúng là những tấm vé số trúng lô độc đắc. Những bộ quần áo mới. Lời lẽ vồn vã ân cần ngọt nhạt. Đời những đứa trẻ lai bỗng lên hương. Ngon à nghen. Và rồi người ta không ghẻ lạnh chúng nữa. Công bằng cuối cùng đã đến. Những đứa trẻ lai được nở mày nở mặt. 

    Đến Mỹ, những va quật mưu sinh và dòng chảy chung của số phận giống nòi Giao Chỉ tha phương. Một lần nữa sức ép cuộc sống kiểu lấy vàng thử lửa lại xảy ra. Những đứa con lai một dạo thua thiệt đủ điều, phần đông không được ăn học đàng hoàng tử tế. Đến xứ người, tiếng Anh giọng bồi có thể chấp nhận được. Nhưng len lỏi vào những chỗ “mát mặt” hơn dĩ nhiên phải có ăn học, phải trường lớp nọ kia. Tới chừng đó mới té ngửa: Cuộc sống này rút cục vẫn không dễ nuốt chút nào.

    Hẳn nhiên không ai dám phủ nhận nhiều đứa con lai thành đạt. Nhiều trẻ lai thành công, là CEO của những tập đoàn có uy tín. Nhiều trẻ lai là chủ những doanh nghiệp với số vốn đầu tư triệu bạc. Nhiều trẻ lai làm chủ những tiệm nail hoành tráng. Không ít là ca sĩ nổi tiếng. Có người làm bầu sô. Có người là y tá, bác sĩ, là giáo viên, là lính, viết báo, sếp trong các hãng xưởng… Tuy nhiên bên cạnh đó là những đứa con lai đang gặp nhiều khó khăn vất vả.

    Đó là một nhà hàng sang trọng chuyên bán thức ăn Nhật (đã được Mỹ hóa 100% để phù hợp với thị hiếu ẩm thực người bản xứ). Một con lai (ngoài năm mươi) xin vô rửa chén vì nóng máu nên nghỉ ngang không thèm báo cho hãng biết. Xin tiền thất nghiệp không được nên anh bạn xin vô nhà hàng rửa chén cho đỡ buồn!

    Trò chuyện một hồi mới biết lý do nghỉ việc vì cảm thấy chán nản, mệt mỏi, không còn chí khí chiến đấu nữa. Hỏi tại sao (?) anh bạn đáp vừa ly dị cô vợ (cưới lần thứ 4) nên buồn tình. Thì ra đã bốn lần giữa đường gãy gánh. Không dám hỏi thêm nữa. Bản thân câu chuyện đã có phần khập khiễng, khó tin, đầy những yếu tố ngờ ngợ. Người bình thường chỉ hai lần đổ vỡ đã đủ tởn tới già. Anh bạn con lai của chúng ta tới bốn lần chia tay trong đau khổ. Thành ra chỉ biết nhìn vào khuôn mặt (thời trẻ nhất định điển trai phải biết) của anh bạn rồi cười xòa với câu nói bâng quơ, đánh trống lảng: Đời nó là vậy đó, bạn hiền ơi.

    Anh head chef bên sushi thấy tội, nói: Ông ráng lên giúp trên đó cuốn rolls đi. Thấy ông hiền lành chịu khó, chăm chỉ, tôi mến. Anh bạn con lai đôi mắt sáng lên. Thì ra sẽ tìm thấy một bến đỗ bình an. Không phải rửa chén nữa. Đi cuốn sushi. Ngó bộ bảnh à nghen. Nhưng tới chừng trò chuyện thêm chút nữa mới té ngửa anh bạn không làm được. Hóa ra mù chữ. Tiếng Việt nói được, nghe được, nhưng đọc không được, viết không được. Hồi nhỏ chăn trâu thuê cho người ta đâu có dịp cắp sách đến trường. Qua Mỹ, nghe riết nên hiểu được tiếng Anh, rồi cũng bập bẹ nói được vài câu, riết nhớ, rồi từ từ trò chuyện được với người Mỹ khá rôm rả. Nay anh head chef bên sushi đề nghị mức lương 18 đồng/giờ nhưng anh bạn con lai không đọc ticket các rolls sushi được. 

    Cho ổng qua bên nhà bếp đi. Nấu nướng có phần cực hơn một chút nhưng dù sao vẫn đẳng cấp hơn rửa chén. Hơn nữa đã lớn tuổi, ráng kiếm lấy cái nghề, cực cũng được. Cày thêm chục năm nữa để lấy cái xô-xồ xe-kiu-ri-ty hưởng nhàn. Vừa nghe mấy người bạn gợi ý, khuôn mặt anh bạn con lai vẫn u ám khi anh hỏi: Có phải nấu theo ticket không? Thì phải theo ticket mới nấu đúng món khách order trong menu chứ. Vậy là bù trớt rồi. Em đâu có đọc được tiếng Anh. Bó tay luôn!

    Vậy là phải rửa chén. Khuôn mặt anh bạn con lai nhìn vô cứ thấy tội nghiệp. Dù sao cũng đã hơn năm mươi chứ đâu ít. Bà vợ đầu tiên hai đứa con đã trả xong child support. Bà thứ hai có chung một đứa nhưng chơi sang cắt đứt vĩnh viễn mối quan hệ, không thèm nhận tiền child support luôn. Bà thứ ba, lấy nhau, mua một được khuyến mãi thêm hai đứa nhỏ, sống chắp nối không mấy thuận buồm xuôi gió, lại con riêng con tây, cuối cùng là you-sugar-you, me-sugar-me. Bà thứ tư lỡ thời, lấy nhau gấu ó hoài. Cuối cùng bả bỏ (quay về với chồng cũ). Giận, anh bỏ việc ngang. Rồi cố gắng chấn chỉnh tinh thần nhưng làm chỗ nào cũng được nửa tuần là bỏ…

    Tôi không làm nữa đâu. Biểu quản lý tính giờ rồi trả tiền cho tôi. Anh bạn con lai nói rồi cởi tạp dề bước ra khỏi nhà hàng tỉnh như không. Xong. Sập cửa. Bóng anh nhỏ dần. Thời tiết Texas tháng 04 năm nay lạ thường sao đó, giờ còn thấy lạnh. Chiếc Honda màu xanh bạc phếch lao đi. Để lại phía sau trong nhà hàng những câu chuyện “dưa lê” khen chê bình luận.  

    Vâng. Là vậy. Nhiều câu chuyện của đám con lai luôn bàng bạc những gam màu xót xa ái ngại. Nhiều con lai thành đạt, cuộc sống ổn định. Nhiều con lai kém may mắn hơn, bản thân cuộc sống vốn bị hắt hủi từ nhỏ, lớn lên tồn tại như cỏ dại, dây hoang, thiếu hẳn những kiến thức cơ bản để chắt chiu gầy dựng. Thời trẻ còn sức tha hồ bia bọt, casino, thuốc xái, nhiêu xài cũng thiếu, không căn cơ, không chuẩn bị. Tới chừng có tuổi mới thấm thía. Xe cũ, nhà thuê, share phòng, nay đây mai đó, sao cũng được, đời mà, lo chi cho mệt!   

    Vâng. Chiến cuộc tại Việt Nam đã kết thúc cách đây 47 năm, bao chuyện đã qua, đời người ngắn ngủi, lịch sử như cuốn lịch nối kết nhiều năm liền không dứt, nhìn lại, những đứa con lai một dạo bây giờ đa số đã vượt quá lứa tuổi ngũ thập tri thiên mệnh…    

     


    Vẫn phải sống. Vẫn phải vùi mình giữa những va quật bão giông biển lận. Vietnam War đã mờ nhạt bao dấu tích. Những ngôi nhà đầy miểng đạn miểng bom đã bị giật sập từ lâu. Những chiếc xe tăng cũ bị đem bán sắt vụn. Những chiếc nón sắt cũ cũng đã vỡ, móp, biến mất. Những tấm ảnh trắng đen bị thất lạc sau những lần dọn nhà. Những địa danh, những câu chuyện… 

    Tất cả đang dần dần mai một. Kế đó đến lượt đám con lai, chứng tích sống của một cuộc chiến vẫn đang gây tranh cãi từ từ sẽ nằm xuống, tới chừng đó, lịch sử về họ sẽ còn lại gì (?) nếu không phải là những câu chuyện chắp vá li kỳ, những huyền thoại mơ hồ (đôi khi rất đỗi) mông lung… về họ.

    Nguyễn Thơ Sinh

    https://vietluan.com.au/46849/phan-con-lai

    Không có nhận xét nào